Đình Lược

Đình Lược

Đình Lược nằm ở thôn Lược, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, trong không gian văn hóa mang đậm nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với khung cảnh yên bình xanh mướt của hàng cây, ao nước, sân đình. Đình là điểm sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng dân cư thôn Lược, tên gọi của di tích được đặt theo tên địa danh của thôn từ xa xưa. Đình lược quay hướng Tây, được xây dựng trên một khu đất cao nằm ở rìa phía tây của thôn. Trước mặt là không gian thoáng đãng của khu đồi Dâu, xa xa phía Bắc là dãy núi thoai thoải ngăn cách với xã Gia Sinh và Trường Yên. Bao quanh đình là các cây thị cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm với dáng vẻ cổ kính, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của di tích. Phía trước đình là ao sen rộng làm minh đường, nơi được xem là tụ phúc, tụ thủy của ngôi làng. Đình được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhất, gồm 3 gian, theo lối cổ tường hồi bít đốc, bốn hàng chân cột. Mái đình lợp ngói, hệ thống vì kèo, cấu kiện hoành, xà, rui mè đều được làm bằng gỗ tứ thiết với kích thước vừa phải, còn chắc chắn. Các họa tiết, hoa văn trong đình mang đặc trưng phong cách thời Nguyễn như trang trí dạng hoa lá, hình kỷ hà. Tại di tích thờ vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương, là một nhân vật thời nhà Đinh, có công phò trợ cho đất nước và nhân dân. Đình Lược thờ Chăn Vương công chúa, nguyên là con gái một vị hào trưởng trong vùng, một phụ nữ xinh đẹp có tài đức vẹn toàn, được vua Lê Hiển Tông tuyển chọn làm cung nữ. Bà có công lớn với dân làng Lược, đã cùng cha xuất tiền bạc xây dựng đình, chùa, mời thầy về dạy chữ cho con em trong vùng, giúp cho cả một vùng quê trở nên trù phú. Khi bà mất, nhân dân thành kính thờ phụng để tưởng nhớ công lao của bà. Triều đình ban sắc phong cho bà là Trinh Uyển Huyền Chân Linh Chúa. Di tích đến nay vẫn giữ được những tư liệu, hiện vật quý giá như: các bản sao sắc phong của các triều vua Nguyễn, ngai thờ, bát hương có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Đình Lược trong thời kỳ kháng chiến là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng vùng Quỳnh Lưu, là điểm tập kết dân quân du kích và bộ đội địa phương. Thời kỳ hòa bình cho đến nay, đình trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng và là điểm văn hóa tâm linh của nhân dân thôn Lược. Đình Lược luôn được nhân dân và chính quyền địa phương quan tâm, bảo tồn, tu bổ khang trang và uy nghiêm. Hàng năm, tại di tích diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghi thức lễ tiết đặc sắc như: lễ mừng năm mới (tết Nguyên Đán), lễ khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), lễ thượng điền (ngày 24 tháng 6). Đây là dịp để nhân dân trong làng cùng những người xa quê hương gặp mặt, cùng tưởng nhớ đến công lao của cha ông, những người đã có công xây đắp và gìn giữ làng xóm, trao truyền lại những nét văn hóa độc đáo của quê hương cho các thế hệ con cháu mai sau cùng gìn giữ và phát huy. Cùng với truyền thống hào hùng của vùng đất căn cứ cách mạng, di tích đình Lược trở thành niềm tự hào của cộng đồng dân cư thôn Lược, một điểm tựa cho con cháu xa quê trở về với quê cha đất tổ. Nguồn: Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1045 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh

Mở cửa

Khám Phá Ninh Bình

Chùa Khả Lương

Ninh Bình 1159

Di tích cấp tỉnh

Động Am Tiên

Ninh Bình 1154

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Quý Minh Đại Vương

Ninh Bình 1142

Di tích cấp tỉnh

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Ninh Bình 1129

Di tích cấp quốc gia

Phòng tuyến Tam Điệp

Ninh Bình 1122

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Ninh Bình 1121

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Ninh Bình 1079

Di tích cấp quốc gia

Nhà bia Lý Thái Tổ

Ninh Bình 1063

Di tích cấp quốc gia

Đền Dâu

Ninh Bình 1056

Di tích cấp quốc gia

Đình Lược

Ninh Bình 1046

Di tích cấp tỉnh

Điểm di tích nổi bật