Di tích lịch sử

Bình Phước

Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài

Di tích Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài tọa lạc tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Đầu năm 1965, sau chiến thắng Bình Giã và sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam đã có bước phát triển mới. Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài, Đồng Xoài được chọn là chiến trường trọng điểm của chiến dịch. Để chuẩn bị cho chiến dịch, công tác hậu cần được chuẩn bị chu đáo. Nhân dân tích cực đóng góp sức người, sức của, tập trung đảm bảo dân công, lương thực, thực phẩm…Có thể nói, những ngày chuẩn bị cho Chiến dịch Đồng Xoài, cả rừng núi Phước Long ngày đêm không ngủ. Tiếng chày giã gạo, ánh đuốc lồ ô, tiếng bước chân, tiếng nói, tiếng cười dân công…tất cả đã tạo nên bức tranh hoàn thiện về toàn dân làm hậu cần, toàn dân kháng chiến của đồng bào các dân tộc vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ. Trực tiếp tham gia trận đánh tại hướng chiến lược Đồng Xoài là các Trung đoàn 1 (Q761), Trung đoàn 2 (Q762), Trung đoàn 3 (Q763) thuộc Sư đoàn 9 chủ lực… Nhiều chiến sĩ viết khẩu hiệu lên nón, lên báng súng nội dung: “Quyết tử giải phóng Đồng Xoài”, “Bị thương nặng không kêu la, bị thương nhẹ không rời trận địa” hoặc “Quyết tâm dứt điểm Đồng Xoài, không dứt điểm Đồng Xoài không về”. Trận đánh chi khu Đồng Xoài diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 09/6/1965 đến ngày 12/6/1965, ta hoàn thành nhiệm vụ đánh, tiêu diệt chi khu Đồng Xoài. Chiến thắng Đồng Xoài cùng với chiến thắng Bình Giã, Ba Gia đã góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và đã “thêm một trang vẻ vang vào lịch sử đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống cuộc chiến tranh của Đế quốc Mỹ xâm lược”. Di tích Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài được xây dựng năm 2005 với tổng diện tích 16.932,88m2, gồm các hạng mục công trình: Tượng đài chiến thắng, tranh phù điêu, nhà trưng bày lưu niệm, hệ thống cây xanh, đài phun nước…Một phần lịch sử hào hùng của Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài đã được tái hiện ở tượng đài với hình tượng 3 chiến sĩ trong tư thế hiệp đồng tác chiến, xông lên chiến đấu đã lột tả được tinh thần đấu tranh quả cảm. Phía sau tượng đài, 2 bức phù điêu minh họa khí thế của trận đánh Đồng Xoài rực lửa năm xưa bằng việc tái hiện sinh động toàn cảnh quá trình công tác chuẩn bị mọi mặt và diễn biến tấn công, thời khắc chiến thắng của quân và dân ta. Với những giá trị lịch sử to lớn, di tích Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 12/12/2014. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 722 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

Tàu Ô là tên gọi xuất phát từ suối Tàu Ô chảy ngang qua Quốc lộ 13 thuộc ấp 4, xã Tân Khai. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, chốt chặn Tàu Ô có vị trí cách cống Tàu Ô (đoạn suối Tàu Ô chảy qua Quốc lộ 13) khoảng 400m về hướng Bắc. Đây là một điểm chốt quan trọng trong hệ thống chốt chặn của Sư đoàn 7. Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã góp phần vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn toàn thắng cả về quân sự và trên nghị trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Để tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, quân và dân địa phương trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, năm 2009, được sự quan tâm về vật chất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 7, Sư đoàn 7 đã tổ chức xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Tàu Ô trên diện tích 11.451,7m2. Công trình gồm 2 hạng mục chính: Nhà bia tưởng niệm và Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Di tích đã trở thành địa chỉ đỏ của các chuyến về nguồn, tham quan, học tập của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là di tích tiêu biểu, có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn. Ngày 29/3/2012, di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 877 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng

Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng tọa lạc tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nơi đây, vào ngày 28/10/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập làm nền móng sau này cho phong trào cách mạng của công nhân cao su tại khu vực Đông Nam bộ. Đồn điền cao su Phú Riềng thuộc Công ty Michelin được thành lập tại làng Phú Riềng, quận Bà Rá, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú). Khi đầu tư khai thác và phát triển cao su tại đây, tư bản Pháp đã tuyển mộ hàng trăm nghìn người từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Nam để làm dân phu. Dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, tư bản Pháp đã bóc lột nặng nề và tàn nhẫn sức lao động của những người dân phu như: Đánh đập, cúp phạt lương, tra tấn, chế độ làm việc hà khắc, không chỗ ở, đói cơm, thiếu áo, sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, khiến cho “Mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân ngã xuống”. Những người công nhân chỉ biết phản ứng bằng những hình thức tự phát như chặt cây cao su, biểu tình, bỏ trốn… nhưng tất cả đều bị đàn áp khốc liệt. Trước tình hình đó, năm 1928, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Bắc kỳ cử đi “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng. Để lãnh đạo các phong trào đấu tranh của công nhân, tháng 4/1928, tổ chức Thanh niên cách mạng Đồng chí hội được thành lập do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư cùng với đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Phạm Thư Hồng, đồng chí Tạ, đồng chí Hòa, đồng chí Doanh và đồng chí Song. Đây chính là bộ phận đầu não lãnh đạo các hoạt động đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng. Từ tổ chức cơ sở này, thực hiện chủ trương phát triển tổ chức Đảng, ngày 28/10/1929, bên bờ suối Làng 3, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, còn gọi là Chi bộ Phú Riềng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Phước và đồng thời là chi bộ đầu tiên của ngành cao su Việt Nam. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng – Chi bộ Phú Riềng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh cách mạng, nhanh chóng lãnh đạo công nhân cao su đòi quyền lợi bằng các hình thức đấu tranh khác nhau, có tổ chức, kế hoạch với nhiều hình thức. Trong đó, điển hình là cuộc bãi công của 5.000 công nhân cao su năm 1930 làm nên “Phú Riềng Đỏ” anh hùng, phá tan “Địa ngục trần gian”. Sau 8 ngày (từ ngày 30/01/1930 đến 06/02/1930), cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, ảnh hưởng sâu rộng, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước thắng lợi và là mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đất nước. Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng là nơi ghi dấu giá trị, tầm quan trọng của đường lối đúng đắn và quá trình phát triển mạnh mẽ của tổ chức Đảng. Ngày nay, “Phú Riềng Đỏ” năm xưa trở thành mảnh đất bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp. Năm 1985, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú đã xây dựng đài tưởng niệm, đến năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư tôn tạo di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng khang trang hơn. Ngày nay, di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng là địa chỉ ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, khẳng định và nâng cao niềm tự hào đối với những đóng góp của công nhân cao su nói riêng, giai cấp công nhân, quân dân Bình Phước nói chung đối với sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu đó, ngày 12/02/1999, di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 1178 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Núi Bà Rá – Thác Mơ

Núi Bà Rá nằm trên địa phận phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Đây là một trong 3 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Nam Bộ. Truyền thuyết kể rằng vị tổ của người S’Tiêng có hai người em gái; ông đắp núi Bà Đen cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai của người S’Tiêng. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính: “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi Thần” hay “Thần Núi Yang Yumbra” là vị thần được tôn thờ trên đỉnh núi Bà Rá. Đồng bào Khmer gọi là núi “ Chân Phật”. Với độ cao 723m, địa hình hiểm trở nên núi Bà Rá là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng kiên cường cũng như có nhiều giai thoại, gắn liền các sự kiện lịch sử quan trọng. Tại nơi đây, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là căn cứ hoạt động của những chiến sĩ cách mạng. Đây được xem là căn cứ địa cách mạng vững chắc. Từ năm 1925 đến năm 1941, thực dân Pháp cho xây tại chân núi một nhà tù lớn gồm có 3 camp (trại): Camp A giam cầm bọn trộm cướp lưu manh; Camp B giam cầm nữ tù nhân, chính trị phạm, những người bị tình nghi là cộng sản nhưng không thành án; Camp C giam cầm tù chính trị. Bọn cai tù dùng nhiều thủ đoạn dã man để tra tấn tù nhân, nhưng với tinh thần tự cường các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù này thành nơi đấu tranh chính trị với thực dân Pháp. Ngọn núi “Thần” này gắn liền với cuộc kháng chiến của người dân Phước Long nói riêng và dân tộc ta nói chung, tại Đồi Bằng Lăng đã xây dựng một nhà bia và một đền tưởng niệm để tưởng niệm các chiến sĩ, quân dân đồng bào đã hi sinh trong kháng chiến ở khu vực Bà Rá. Núi Bà Rá là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, rừng cây với hệ thực vật đa dạng phong phú được Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước. Từ Đồi Bằng Lăng, bước lên 1.767 bậc đá là lên đến đỉnh núi, đường lên núi khá đẹp được bao phủ bởi một màu xanh nào là trúc, lồ ô, đặc biệt hai bên đường đi có nhiều cổ thụ ướm chừng vài trăm năm tuổi. Trên đỉnh có ngọn ăng ten của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, cao 48m nhằm đưa sóng truyền hình đến những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ở đây còn có một miếu thờ Đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà chúa xứ (núi Bà Rá) rất linh thiêng, đang có dự án xây dựng khu tâm linh Phật giáo gắn với du lịch sinh thái tại di tích. Núi Bà Rá còn có hang Dơi, hang bà Bảy Tuyết sâu, rộng rất đẹp. Đây là nơi ẩn trú của quân, dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với những giá trị to lớn, di tích Núi Bà Rá – Thác Mơ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp hạng là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia ngày 20/4/1995. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 1024 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng – xã Phú Riềng chống thực dân Pháp

Di tích Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng – xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25/10/1933 (còn được gọi là Mả thằng Tây) tọa lạc tại ngã tư Phú Riềng, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Địa điểm này do thực dân Pháp xây dựng năm 1933 để tưởng nhớ Quận trưởng More – một trong những tên cầm quyền khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp trên địa bàn quận Bà Rá thời bấy giờ. Trong những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh trồng và khai thác cao su ở Nam Kỳ, trong đó có quận Bà Rá thuộc tỉnh Biên Hòa. Pháp xem vùng này là rừng thiêng nước độc và thường gọi với cái tên mỉa mai là “xứ mọi cà răng căng tai”. Chúng biến đây thành nơi đày ải những người chống đối và bắt lao động khổ sai phục vụ cho bọn tư bản đồn điền cao su. Đồng thời, tại đây, chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chiếm hữu thâm độc, dùng mọi thủ đoạn vắt kiệt sức lao động và làm nhục sắc tộc của đồng bào S’tiêng. Vì bản sắc dân tộc và không thể tiếp tục cuộc sống khắc nghiệt, đồng bào S’tiêng đã đứng lên đấu tranh để chống lại kẻ thù. Năm 1933, hai anh em Điểu Môn và Điểu Mốt (tại Sóc Bù Sum) từng tham gia phong trào nghĩa quân của thủ lĩnh N’Trang Lơng vào những năm 1920, đã đứng lên vận động, quy tụ được khoảng 200 thanh niên dân tộc S’tiêng tham gia nghĩa quân. Sau khi được thành lập, nghĩa quân đã bàn bạc, lên kế hoạch tiêu diệt Quận trưởng More. Ngày 25/10/1933, nghĩa quân tổ chức mai phục, More cưỡi ngựa thúc lính tra xét dân “đi xâu” (đi phục dịch, làm việc không công) thì rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân. Quận trưởng More và binh lính tháp tùng đã bị nghĩa quân của ông Điểu Môn và Điểu Mốt tiêu diệt. Thực dân Pháp sau khi đàn áp cuộc nổi dậy của nghĩa quân đồng bào S’tiêng đã lập bia tưởng niệm tên Quận trưởng More. Nhưng đối với nhân dân ta, đây là nơi ghi dấu chiến tích vang dội, một chiến công đã đi vào lòng mỗi người dân Bà Rá, có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do của đồng bào S’tiêng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Với những giá trị tiêu biểu, ngày 29/5/1989, Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích Cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng – xã Phú Riềng chống thực dân Pháp ngày 25/10/1933 là di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 1168 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Sân bay quân sự Lộc Ninh

Sân bay quân sự Lộc Ninh nằm cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh khoảng 500m. Sân bay được lắp ghép toàn bộ bằng những vỉ sắt (Tec-nich) thay cho bê tông, nằm trên một khu đồi bằng phẳng có diện tích 50.000m2. Đây là sân bay được Mỹ ngụy xây dựng ngày 10/3/1965 để sử dụng cho việc tiếp tế lương thực, đạn dược và di chuyển phương tiện chiến tranh cho Lộc Ninh - Campuchia. Do thời gian và nhiều yếu tố khác, sân bay quân sự Lộc Ninh không còn được nguyên vẹn như xưa, chỉ còn lại đường băng không còn những tấm vỉ sắt. Sau ngày Lộc Ninh được giải phóng ngày 07/4/1972, sân bay thuộc về chính quyền cách mạng lâm thời, là nơi đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: ngày 31/01/1973, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban liên hiệp Quân sự bốn bên tại trại Davis (Sài Gòn). Cũng tại đây, ngày 12/02/1973 ta trao trả 27 sỹ quan, binh lính và nhân viên quân sự Mỹ, họ đã cảm ơn bộ đội ta đã giúp họ thoát chết và được trở về đoàn tụ với gia đình, chúng ta cũng đã đón hàng trăm người con ưu tú, trung kiên từ các nhà tù của Mỹ - Ngụy trở về, giữa hai hàng quân ngụy lăm lăm tay súng, anh chị em tù nhân không nhấc nổi bước chân, họ phải dìu, cõng nhau đi, lột bỏ quần áo tù nhân và hô to khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” . Hàng ngàn đồng bào Lộc Ninh tay cầm cờ hoa để đón chào những người chiến thắng trở về trong niềm xúc động khôn tả, nước mắt rơi đầy (trích Lộc Ninh lịch sử và truyền thống (1930 -2000)). Từ ngày 12/02/1973 đến ngày 28/3/1973, đã diễn ra 4 đợt trao trả tù binh tại sân bay này và cùng với 5 địa điểm khác trên cả nước, đã trao trả 26.492 người, các tháng tiếp sau đó tháng 4, 5, 6, ta vẫn tiếp tục trao trả tù binh. Ngày 7/3/1974, nhóm tù binh cuối cùng được trao trả, trong đó có bà Võ Thị Thắng, hình ảnh nụ cười của bà - người nữ sinh đấu tranh cho độc lập dân tộc bị cầm tù khi bước xuống sân bay quân sự Lộc Ninh. Đó là một hình ảnh đẹp không thể nào quên. Nụ cười ấy đã đi vào thơ văn như một hình ảnh thật đẹp: “Rất tự nhiên người con gái đó, đã đem nụ cười vào lịch sử ngàn năm” và nụ cười ấy cũng chứng minh cho câu nói đanh thép trước đó của bà "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?". Cũng tại đây ngày 12/9/1973, ta đón đoàn Ủy ban quốc tế và các vị đại sứ, trưởng phó đoàn của Ủy ban quốc tế về thăm và làm việc tại Lộc Ninh. Sau này nhiều người Mỹ đã tìm đến chiến trường xưa trong các chuyến du lịch Việt Nam để nhớ lại “Lộc Ninh ngày ấy”. Lịch sử đã sang trang, quá khứ đã khép lại nhưng với họ Lộc Ninh ngày ấy không bao giờ là dĩ vãng. Di tích Sân bay quân sự Lộc Ninh không chỉ là niềm tự hào mà còn là bằng chứng tố cáo tội ác xâm lược của bọn đế quốc, bè lũ tay sai của chúng, qua đó để giáo dục tinh thần cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cũng như thu hút khách du lịch khi đến với tỉnh Bình Phước. Sân bay Lộc Ninh được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 12/12/1986. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 889 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Di tích lịch sử Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một ngôi nhà tại Thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, đoạn cuối đường Hồ Chí Minh – con đường chiến lược Bắc – Nam. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Đây là huyện đầu tiên giải phóng trên toàn miền Nam. Từ đó, Lộc Ninh là nơi tập trung các cơ quan Chính trị, Quân sự, Hậu cần… Đặc biệt là Nhà Giao tế – Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1911, là văn phòng làm việc của công ty cao su Xét – Xô của Pháp, để quản lý việc khai thác mủ cao su ở Lộc Ninh. Nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là Nhà “Cao Cẳng”. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 03/1973, trước nhu cầu tình hình công tác trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà “Cao Cẳng” để xây dựng trụ sở cách mạng với đồ án bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ngôi nhà xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước nên gọi là “Nhà Giao tế”. Sau hơn một tháng thi công, công trình bề thế, khang trang đã được hoàn thành, gồm một trệt và một lầu. Tầng trệt xây dựng bằng bê tông chắc chắn, dùng để hội họp, mitting và cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ. Tầng lầu được xây dựng bằng gỗ, có lan can bao quanh được thiết kế theo kiểu phòng khánh tiết, mái tôn “5 nóc, 4 mái” được sơn đỏ. Tại phòng này, năm 1973 đã diễn ra hội nghị quân sự bốn bên giữa Việt Nam và Mỹ; Hội nghị bốn bên bàn về các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Paris dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế ICCS, gồm bốn nước thành viên: Ba Lan, Canada, Hunggary và Indonexia. Trong thời gian họp đều có sự phân chia rõ ràng từ lối đi, vị trí ngồi họp và vị trí ngồi nghỉ trong giờ giải lao… đều được bố trí riêng biệt. Đại diện của bốn phái đoàn ngồi họp trong một bàn tròn lớn, Ủy ban Quốc tế ngồi họp trong cùng một bàn tròn nhỏ, bốn bàn nhỏ bốn góc nhà là vị trí ngồi của tùy viên bốn bên. Tất cả đều đặt dưới lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai bên có hai cầu thang đi lên. Nhìn từ trong ngôi nhà nhìn ra, cầu thang phía bên phải là lối đi của Quân đội nhân dân Việt Nam, bên trái là lối đi của quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Việc chọn bàn vuông hay bàn tròn để ngồi họp cũng là vấn đề mà các bên quan tâm. Khi họp ở trại David (Sài Gòn) hay họp ở Paris, Ban liên hợp quân sự bốn bên đã sử dụng bàn vuông hay bàn hình chữ nhật để ngồi họp nhưng khi họp ở Nhà Giao tế thì lại chọn bàn tròn. Bởi bàn tròn là thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng giữa các bên, còn nếu là bàn vuông hay bàn hình chữ nhật thì một trong bốn bên khi đứng lên phát biểu trong cuộc họp thì giống như bên đó là chủ tọa cuộc họp. Còn sử dụng bàn tròn thì các bên đều ngang hàng như nhau. Nhà Giao Tế ra đời đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, là chứng tích chứng minh về sự thất bại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, bên cạnh đó là sự đấu tranh anh dũng, khôn khéo của quân và dân ta trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế) đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia ngày 12/12/1986. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 949 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Mộ 3000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972

Di tích Mộ 3.000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972 (còn gọi là Mộ tập thể 3.000 người) tọa lạc tại phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, là một trong những chứng tích ghi dấu tội ác chiến tranh mà Mỹ – ngụy đã gây ra cho nhân dân ta nói chung và nhân dân Bình Long nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1971, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp thông qua quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai, Chiến dịch Nguyễn Huệ được mở với hướng tấn công chủ yếu trên đường 13 và khu vực quyết chiến Lộc Ninh, An Lộc thuộc tỉnh Bình Long. Ngày 07/04/1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, quân ta tiếp tục tiến công nhằm giải phóng thị xã An Lộc. Trước sự tấn công như vũ bão của bộ đội chủ lực, địch ra sức giữ thị xã vì An Lộc mất thì Bình Long mất và “Bình Long mất, Sài Gòn không còn”. Trong suốt 32 ngày đêm (từ ngày 13/04 đến 15/05/1972), chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, địch tập trung lượng lớn hỏa lực, pháo, đạn, bom cày nát mặt đất, hàng ngàn đồng bào bị sát hại, tài sản, nhà cửa bị phá hủy nặng nề. Địch còn nhẫn tâm cho máy bay B52 thả bom vào bệnh viện thị xã An Lộc, nơi mà phần lớn đồng bào tập trung để tránh đạn pháo và cũng là nơi binh lính địch bị thương đang được cứu chữa, khiến nhiều người bị tử nạn. Để giải quyết số thương vong, địch đã sử dụng xe thùng, xe ủi thu gom và ủi hàng ngàn tử thi xuống hố chôn, tạo nên một ngôi mộ tập thể trên 3.000 người và dựng nên tấm bia “Tổ quốc ghi công” để lừa bịp nhân dân. Ngày nay, di tích Mộ 3.000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972 đã được đầu tư tu bổ gồm các công trình: Đài tưởng niệm, Nhà bia tưởng niệm, Nhà đón tiếp…Di tích là nơi để tưởng niệm những hy sinh, mất mát của Quân chủ lực Miền và quân dân Bình Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi để nhân dân và du khách đến tưởng niệm, tìm hiểu về truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, vẻ vang của quân dân thị xã Bình Long. Ngày 01/4/1985, di tích Mộ 3000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 890 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

Di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tọa lạc tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nơi đây tiền thân là Sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, sau đó trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại sóc Tà Thiết. Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được xây dựng từ năm 1973 tại khu rừng thuộc sóc Tà Thiết nên còn được gọi là “Rừng Chính phủ” hay Căn cứ Tà Thiết. Tại đây, dưới những tán cây lớn và rừng le đan chằng chịt là nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã từng sống, chiến đấu và trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam gồm các đồng chí: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh… Riêng nhà ở và làm việc của Thượng Tướng Trần Văn Trà được dựng theo kiến trúc nhà sàn, tại một trảng đất trống trong khu vực sóc của đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, tại Căn cứ còn có hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, hội trường… Tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài vào ban đêm, vừa bảo đảm an toàn nếu bị địch ném bom. Vật liệu sử dụng chủ yếu bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào thoát hiểm và các hầm trú ẩn. Các hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… được xây dựng khá rộng, để thuận tiện làm việc cũng như đề phòng khi trên mặt đất không an toàn. Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ. Tại đây đã diễn ra các sự kiện quan trọng: Nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, là nơi triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt, năm 1975, tại đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1994 – 1995, di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã được phục hồi, tôn tạo và đưa vào phát huy giá trị. Đến năm 2018, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo, bổ sung các hạng mục như: Nhà tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Cổng vào khu di tích, Hồ cảnh quan… Di tích Căn cứ Tà Thiết là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, di tích vừa là địa chỉ đỏ có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách.Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích lịch sử quốc gia. Đến ngày 23/12/2015, di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 1154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Bồn xăng kho nhiên liệu VK98

Di tích Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98 tọa lạc tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Di tích thuộc hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Tổng kho nhiên liệu VK98 được xây dựng năm 1974, tọa lạc quanh ngọn đồi 117 (tên một điểm cao trong bản đồ quân sự) thuộc xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, với diện tích 10ha, gồm 7 bồn, mỗi bồn có sức chứa 250.000 lít, Tổng kho nhiên liệu VK98 có trữ lượng 1.750.000 lít. Các bồn chứa xăng dầu được hàn bằng thép, mỗi bồn có đường kính 10m, cao 3,5m và cách nhau 100m theo hình tam giác, được chôn dưới lòng đất, bao bọc bởi các loại cây rừng có bố trí bãi chông dày đặc. Các bồn chứa được nối với nhau bằng đường ống dẫn, có độ cao so với mặt đường nên xe đến lấy xăng không phải dùng máy hút mà chỉ cần mở van để nguyên liệu tự chảy vào bồn. Một đại đội gồm 30 chiếc xe bồn (xe xitéc), ngày đêm vận chuyển xăng, dầu từ trạm VK96 Bù Gia Mập về tập kết tại Tổng kho nhiên liệu VK98 và vận chuyển xăng dầu ra chiến trường. Sau ngày giải phóng đất nước, các bồn chứa xăng dầu được Hậu cần Quân khu 7 tháo dỡ, còn lại một bồn phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân. Cùng với các điểm tập kết xăng dầu khác, di tích Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98 đã ghi dấu một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp xăng dầu, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, di tích trở thành một trong những địa điểm để tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thống đường ống xăng dầu nói riêng, con đường Trường Sơn huyền thoại nói chung trong kháng chiến chống Mỹ. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng di tích Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98 là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 21/4/1989. Ngày 09/12/2013, di tích Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là di tích nằm trong hệ thống di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 949 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96

Đường Hồ Chí Minh - cầu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là căn cứ địa vững chắc của chiến trường Nam Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ. Như chúng ta biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nguồn nhiên liệu xăng dầu là một yêu cầu cấp thiết để phục vụ cho cuộc chiến tranh quy mô và thần tốc. Bình Phước mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” rất vinh dự và tự hào khi trên địa bàn tỉnh có hai điểm di tích thuộc hệ thống di tích đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là di tích Bồn Xăng – Kho nhiên liệu VK98 và Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96. Trải qua những năm tháng hết sức gian khổ, bất chấp điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt và sự đánh phá ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù, sau 6 năm (từ năm 1968 đến 1974), bộ đội đường ống Trường Sơn đã xây dựng, bảo vệ vận hành thông suốt tuyến đường ống xăng dầu dài 5.000km và hệ thống kho xăng dầu gần 3 vạn tấn từ biên giới phía Bắc của Tổ quốc xuyên dọc Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập. Bù Gia Mập là điểm cuối cùng đường ống dẫn xăng dầu Bắc - Nam. Từ đây, nguồn xăng dầu được chở bằng xe bồn (hoàn toàn bí mật) về các Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98, VK99 ở Lộc Ninh. Di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 còn có những tên gọi khác như: ký hiệu K22, Ô30. Sau này sử dụng mật danh là VK. Điểm cuối hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu này là VK96, tiếp đến các bồn xăng ở Lộc Ninh là VK98 (Lộc Quang), VK99 (Lộc Hòa). Di tích chính là nơi ghi dấu những chiến công to lớn và thầm lặng của bộ đội, bộ đội xăng dầu, thanh niên xung kích, quân dân địa phương... trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, là minh chứng cho một trong những huyền thoại của con đường Trường Sơn lịch sử, đó là hệ thống đường ống dẫn xăng dầu Trường Sơn, là một trong những kỳ tích của Đoàn 559. Đây là một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, thể hiện cho tinh thần quật cường, ý chí sắt đá của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong đó, hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu - đường Trường Sơn là hiện thân của ý chí sắt đá, thể hiện ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, khát vọng độc lập, quyết tâm giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuyến đường Trường Sơn đã tồn tại trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một huyền thoại với cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu - đường Trường Sơn, con đường nối liền Nam - Bắc gắn với bao chiến công hào hùng của toàn dân tộc trong những năm tháng kháng chiến mãi mãi là niềm tự hào to lớn, cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta ngày nay. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, di tích Bồn Xăng - Kho nhiên liệu VK98 huyện Lộc Ninh và di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nằm trong hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt ngày 09/12/2013. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước

Bình Phước 928 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật