Điểm di tích

Thác Trái Tim

Thác Trái Tim nằm trên địa phận xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ, cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 32 km. Thác ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, uốn lượn giữa núi non điệp trùng, với phong cảnh hữu tình, thác Trái tim đẹp đến thơ mộng giữa núi rừng Tây Bắc. Để tới được thác Trái tim du khách phải đi xuyên qua rừng. Trên con đường ấy du khách sẽ có những cảm nhận rất riêng, rất thú vị qua môĩ mùa khác nhau. Mùa xuân, con đường dẫn tới thác trở nên đẹp hơn nhờ vẻ đẹp kiêu hãnh của hoa Lan, mùa hạ con đường ấy trở lên thơ mộng bởi những bông hoa Sim, mùa thu mùa thu hoạch của Thảo quả sẽ khiến du khách cảm thấy thú vị hơn rất nhiều trong chuyến hành trình khám phá mảnh đất này, mùa đông đến bước chân du khách như đặt lên chốn bồng lai tiên cảnh bởi đôi chân ta như thể dẫm đựơc trên những đám mây . Tất cả hòa quyện tạo thành bức tranh sơn thuỷ tuyệt mỹ đầy quyến rũ. Trên đường đi, dòng chảy của thác, tạo thành dòng suối nhỏ đổ theo vách đá, tung bọt trắng như vũ điệu của núi rừng. Ngọn thác còn là minh chứng cho tình yêu của một đôi trai gái trong bản. Chuyện xưa kể lại rằng: Từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Mông dưới chân thác có một chàng trai khôi ngô, dũng mãnh giỏi săn bắt đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp giỏi thêu thùa may vá, cả hai quấn quýt và thương yêu nhau tha thiết như con hươu, con nai trên rừng ngày ngày bên nhau. Cả bản ai cũng ngưỡng mộ tình yêu của đôi trai tài gái sắc. Cả hai say sưa trong chén men tình không được bao lâu thì chàng trai phải lên đường đi đánh giặc, nàng chờ chàng không biết bao mùa trăng mọc rồi trăng lặn mà vẫn chưa thấy chàng về, nàng lại hay tin chàng đã tử trận tại chiến trận xa xôi, quá đau buồn nàng lên nơi ngày xưa họ thường hay hẹn ước nhớ về chàng khóc dữ dội và nàng hóa thành thác nước lúc nào không hay. Cả bản ngỡ ngàng khi thấy chàng đánh trận mang vinh quang trở về, hóa ra tin chàng chết nơi chién trận chỉ là lời đồn ác miệng của quân giặc. Biết chuyện người yêu như vậy chàng trai lên đỉnh ngọn thác kêu gào thét, tiếng gào thét như xé rách núi rừng, cầu xin núi rừng hãy để họ mãi bên nhau muôn đời, muôn kiếp cảm động trước tình yêu đôi lứa đất trời đã biến chàng thành tảng đá hình trái tim nằm ngay giữa thác nước. Ngày nay những đôi trai gái yêu nhau thường đến đây cùng nhau uống nước ở thác với ước nguyện sẽ được bên nhau trọn đời trọn kiếp. Đến với Thác Trái tim để du khách có được cảm nhận hòa mình trọn vẹn trong thiên nhiên, đó là chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đó là cảm giác đắm mình trong làn nước mát của dòng suối dưới chân thác, tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Du khách còn có thể trải nghiệm những khoảnh khắc thả hồn ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và niềm vui khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Thật vậy, Thác Trái Tim chính là điểm tìm đến thiên nhiên lý tưởng cùng gia đình, bạn bè, để lại sau lưng những ngày làm việc mệt nhọc nơi đô thị. Nguồn: Du lịch Lai Châu

Lai Châu 244 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Bản văn hóa du lịch Gia Khâu 1 và quần thể hang động Gia Khâu 1

Bản văn hóa du lịch Gia Khâu I, thuộc xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu, cách thành phố Lai Châu chưa đầy 10 km. Gia Khâu nằm trong một thung lũng nhỏ, bao bọc chung quanh là các dãy núi cao, với hệ thống hang động nguyên sơ như hang Ron, hang Khỉ và hang Gấu. Phần lớn cư dân sinh sống ở bản Gia Khâu I là người Mông. Các nét văn hóa dân tộc của bà con nơi đây vẫn được gìn giữ và bảo tồn từ trang phục, nếp nhà truyền thống, lễ hội dân tộc, văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm, tập quán canh tác... Gia Khâu I còn được biết đến với Lễ hội Gàu Tào, một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào người Mông, được tổ chức thường niên tại đây trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Bản nằm trong lòng thung lũng trù phú, xung quanh là núi đá vôi hùng vĩ. Tại đây, hệ sinh thái trong lành, môi trường vẫn còn hoang sơ. Ẩn mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, hệ thống hang động Gia Khâu I đang trở nên nổi tiếng bởi sự lộng lẫy, kỳ vĩ và huyền bí mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này. Hệ thống hang động Gia Khâu nằm trên một ngọn núi thấp thuộc bản Gia Khâu, là một hệ thống bao gồm ba hang động, được chia thành ba cấp ở ba hướng, nằm thu gọn trong một thung lũng, được người dân nơi đây phát hiện ra trong khi làm nương rẫy và được gọi tên là hang Gia Khâu. Trước kia, người dân trong bản thường gọi là “Kho Chua Ploong Trsây” (Hang trên đồi lá dong) vì hang nằm trên đồi mọc toàn cây dong. Hệ thống hang động Gia Khâu gồm có ba cửa hang, cửa hang trên cùng (cửa 1) vòm cửa rộng 2,8m, cao 1,8m, trước cửa hình tượng một ông Phật đang ngồi thiền xung quanh lô nhô những nhũ đá hình như một toà sen, phía trên là một bức rèm nhũ phủ kín làm tăng thêm vẻ huyền bí của di tích. Chiều dài vòm cửa của hang 5m vào trong là một cửa hang nhỏ, đây là cửa dẫn xuống hang, rộng 1,3m, cao 1,25m, từ đây có thể nhìn xuống trung tâm của hang. Hệ thống hang động Gia Khâu được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận xếp hạng di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1571/QĐ-UBND, ngày 6-10-2009. Đến Gia Khâu I để được thăm thú phong cảnh hữu tình, thăm hệ thống hang động kỳ vĩ với những hình thù lạ mắt, để gặp những người dân hiền hòa, thân thiện và mến khách. Được thưởng thức mâm cơm quê với những món ăn truyền thống thanh tao mà ngon miệng, hẳn mỗi người đều ra về với ấn tượng khó quên về một mô hình du lịch sinh thái đầy hấp dẫn nơi núi rừng Tây Bắc. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Lai Châu 261 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thác Tác Tình

Nằm trên địa phận xã Bình Lư thuộc huyện Tam Đường- thác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Không biết từ khi nào cuộc sống của người Dao và cư dân địa phương đã gắn bó chặt chẽ với thác Tình, nguồn nước trong mát vẫn hối hả chảy ngày đêm của thác chính là tư liệu cho quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nơi đây. Thác Tác Tình đẹp là vậy nhưng ít ai biết được rằng đằng sau vẻ đẹp mê hồn ấy là một câu chuyện tình hết sức u buồn. Truyện kể lại rằng: Xưa kia, từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Dao dưới chân thác có một nàng Lở Lan xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng được ví như những đoá Lan rừng - đẹp và ngào ngạt hương thơm. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong bản, cả hai thương nhau và quấn quýt như con hươu, con nai trên rừng bên nhau sớm tối. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu thì tai hoạ đã ập xuống đầu hai người, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở, trông gai vì bị kẻ gian âm mưu hãm hại chia cách, không thể nên duyên chồng vợ. Để giữ trọn tình yêu thuỷ chung của mình và lời thề ước giữa hai người, nàng Lở Lan đã trẫm mình xuồng dòng thác. Cảm phục trước hành động của cô gái trẻ, người dân nơi đây đã đặt tên cho ngọn thác là thác Tác Tình để tưởng nhớ đến cô cùng với mong ước tác hợp cho chuyện tình của hai người. Với tên thác đầy ý nghĩa, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Tây Bắc và câu chuyện tình mãnh liệt, thuỷ chung của đôi trai gái đã tạo nên một ngọn thác vừa mang vẻ đẹp quyến rũ lại vừa huyền bí làm say đắm lòng người. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến cố của lịch sử thác Tình vẫn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng du khách thăm quan, để rồi khi đã đặt chân đến nơi đây ai ai cũng đọng lại những ấn tượng không thể phai mờ về thác Tình – ngọn thác của tình yêu. Nguồn: Du lịch Lai Châu

Lai Châu 235 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Động Tiên Sơn

Quần thể động thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Động Tiên Sơn cách thị trấn Tam Đường khoảng 4km và cách Sapa khoảng 50km. Động cũng nằm ngay sát với quốc lộ 4D nên bạn rất dễ để có thể di chuyển đến đây. Động Tiên Sơn Lai Châu hình thành từ một loại đá vôi mang tên carxto từ hàng triệu năm trước đây. Còn nếu đứng từ động hướng mắt ra xa, bạn còn có thể thấy thấp thoáng đằng xa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đỉnh Fansipan ẩn hiện trong mây, hay khung cảnh núi non trùng điệp vô cùng đẹp mắt. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết về 99 ngọn núi và 99 hồ nước trong xanh của đồng bào người Lự. Theo truyền thuyết kể rằng, 99 ngọn núi hùng vĩ ấy chính là biểu tượng cho 99 chàng trai cường tráng, khỏe mạnh còn 99 hồ nước trong xanh lại là hình ảnh của 99 người con gái chăm chỉ, xinh đẹp. Những ngọn núi và hồ nước ấy nối tiếp nhau tạo nên “bức tường thành” ôm giữ một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu. Đó chính là vùng đất mà bạn đang đặt chân đến – động Tiên Sơn. Để đi được đến với động, bạn phải trải qua một quãng đường khá dài đi qua các ngọn núi hệt như những chiếc bát úp ngược. Sở dĩ mà nhiều người vẫn gọi nơi đây là “chốn bồng lai tiên cảnh” là vì cảnh sắc nơi đây có sự hài hòa giữa núi non, sông suối, chim muông,... tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp nao lòng. Vào năm 1996, động Tiên Sơn Lai Châu được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Động có tới 36 khoang nối tiếp với nhau chạy dài giữa 2 sườn núi vô cùng thú vị. Mỗi cung động khác nhau ấy lại được nhân dân quanh vùng đặt theo tên của nhiều nhân vật linh thiêng như Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho,... Khi ghé tới mỗi cung bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp riêng với vô vàn điều kỳ thú. Càng đi sâu vào động thì khoang càng lớn, không gian lại càng trở nên thoáng đãng. Phía bên trong động là vô số những thạch nhũ với các hình thù đa dạng khác nhau. Những nhũ đá này khi có ánh sáng chiếu vào thì tạo ra những khối có màu sắc tuyệt đẹp càng làm cho không gian trong động trở nên huyền ảo. Đặc biệt phía bên trong động còn có 1 dòng suối chảy vắt qua uốn lượn. Vì thế mà khi bạn đến đây sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự mát mẻ trong động, đặc biệt là vào mùa hè bạn sẽ nhận thấy được sự khác biệt rõ rệt này. Cùng với đó là âm thanh róc rách khi bạn đi qua cũng rất vui tai hay những tiếng tí tách của những giọt nước rơi từ vòm đá trên trần động xuống dưới nhũ đá bên dưới tạo thành những hình dạng muôn hình muôn vẻ vô cùng thú vị. Nếu so với nhiều những động khác thì động Tiên Sơn Lai Châu vẫn còn giữ được những nét hoang sơ và tự nhiên vốn có. Lễ hội động Tiên Sơn được xem như là một trong những lễ hội không thể bỏ lõ khi tới Lai Châu. Lễ hội này được diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội là hoạt động chung văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau như dân tộc Kinh, dân tộc Thái hay dân tộc Giáy, dân tộc Lự. Từ một hang động còn hoang sơ, chưa được cải tạo thì nay động Tiên Sơn Lai Châu đã được cải tạo lên rất nhiều và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn không nên bỏ lỡ khi đến với Lai Châu. Nguồn: Du lịch Lai Châu

Lai Châu 262 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Núi Đá Ô

Danh thắng Núi Đá Ô nằm trong địa phận bản Bành Phán, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Núi đá Ô Sìn Hồ gắn liền với sự tích gặp tiên của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Sự tích kể lại rằng: ngày xửa ngày xưa có một ông Tiên trên trời đi du ngoạn ở dưới trần gian. Ông Tiên đằng vân đáp xuống đỉnh San Ta Ngai – đỉnh núi được coi là cao nhất của Sìn Hồ. Sauk hi quan sát bốn phía, ông Tiên nhìn thấy một bãi đất bằng ở phía Nam. Tiên ông muốn tới vùng đó tham quan nhưng không rõ đường vì xung quanh là rừng rậm, núi xanh. Vậy nên ông Tiên đã quyết định sẽ mở một con đường. Bằng phép tiên ông đã mở con đường bằng cách xé vách đá, giờ đây là đường vào bản Sang Ta Ngai. Bãi bằng mà ông nhìn thấy chính là bản Tả Phìn. Ông Tiên được dân bản đón tiếp nồng hậu trong 7 ngày 7 đêm.Đến ngày thứ bảy ông chợt nhớ ra mình phải về trời. Do đi vội vã nên Tiên ông đã để quên rất nhiều đồ. Trước khi vào đến bản Tả Phìn khi ông nghỉ chân ở đỉnh núi ngọc, Tiên ông làm rơi mất viên ngọc, sau này bị Pháp lấy đi. Lúc đang xem hội ông rời khỏi Tả Phìn còn để quên chiếc ô dùng để che nắng che mưa lúc xem hội. Cái ô tiên này được cắm giữa bản. Sau này cái ô hóa đá, chính là núi Đá Ô bây giờ. Dân bản địa hàng năm đều tổ chức lễ hội và đến cúng lễ tại Đá Ô để cầu sức khỏe. Núi đá Ô là một dạng đá badan phong hóa có hình dạng như một chiếc ô lớn. Núi đá Ô nằm ở ngay trung tâm xã Tả Phìn, Sìn Hồ. Một phần của núi đá Ô dựa lưng vào hai cây cổ thụ lớn ( hai cây chò). Núi đá Ô cao hơn ba mét (3,7m) và chia làm ba phần. Phần trên cùng có dạng chóp ô lớn cao khoảng bảy mươi đến tám mươi cm và đường kính khá lớn lên đến 5,2 m, nhiều người đứng dưới phần chóp ô này vẫn có thể che nắng mưa tốt. Phần đá của chóp ô có màu xanh rêu cùng rất nhiều hoa văn đặc biệt, độc đáo. Phần thân giữa có đường kính 2,5 m gồm nhiều phiến đá có màu nâu đen được xếp chồng lên với nhau tạo thành những dạng hình thù độc lạ. Phần chân ( phần sát đất) có chiều cao lên đến 55cm và đường kính lên đến 5,4 m là những phiến đá phẳng ( đường kính 40 – 50 cm) cũng là nơi để dân địa phương đặt lễ vật khi đến dâng cúng được bao bọc bởi phần rễ nổi của hai cây cổ thụ. Nằm gần khu vực Núi Đá Ô là Động Ông Tiên, động có nhiều thạch nhũ với hình thù kỳ lạ được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm. Với khung cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành đã tạo thành nét riêng biệt cho núi đá Ô. Để nơi đây trở thành một trong những danh lam thắng cảnh nổi bật của cao nguyên Sìn Hồ. Núi đá Ô Sìn Hồ đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2007. Nguồn: Du lịch Lai Châu

Lai Châu 239 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thác Cầu Mây và Cổng Trời

Cổng Trời còn có tên gọi khác là Đèo Ô Quy Hồ hay Đèo Hoàng Liên Sơn cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở nhưng vô cùng hùng vĩ và là thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở Việt Nam. Ngày 29/6 vừa qua, cùng với thác Cầu Mây, Cổng Trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã chính thức trở thành Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia theo Quyết định số 2248/QĐ-BVHTTDL. Để lên tới Cổng trời có thể đi từ hai phía: một từ Tam Đường tỉnh Lai Châu, hai là từ Sa Pa tỉnh Lào Cai. Dù đi bằng đường nào, ngọn đèo này cũng làm "thót tim" du khách. Con đường uốn lượn, không ít lần du khách phải nép sát vào vách núi để tránh những chiếc xe hơi đổ đèo với tốc độ cao. Những dãy núi cao ngất với đám rễ cây chằng chịt, bên kia là những dãy taluy chênh vênh trên thung lũng sâu thăm thẳm. Mây bao phủ quanh các ngọn núi hay dưới thung lũng làm khách cảm giác như đang bồng bềnh giữa biển mây. Đèo Ô Quy Hồ có độ cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển, 2/3 quãng đường đèo thuộc tỉnh Lai Châu và 1/3 còn lại thuộc tỉnh Lào Cai. Những năm gần đấy, danh thắng này ngày càng nổi tiếng, đã và đang trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đi du lịch các tỉnh phía bắc. Để vượt qua quãng đường dài khoảng hơn 50 km lên tới đỉnh đèo - vị trí Cổng Trời không hề đơn giản. Tuy quãng đường không dài nhưng vô cùng treo leo, hiểm trở. Càng lên cao càng ngoằn ngoèo như thách thức các tay lái vốn quen với đường đồng bằng trải nhựa phẳng phiu. Cùng với đó, sương mù ở đây quanh năm dày đặc. Vào những ngày mưa hoặc lạnh, trước tầm nhìn chỉ còn một vài mét. Xe chỉ dám "bò" từ từ, bám gần sát vách núi để đảm bảo an toàn. May mắn là con đường đèo này nay đã được trải nhựa và mở rộng để việc đi lại được thuận lợi và bớt nguy hiểm hơn. Cuối năm 2012, mạng thông tin điện tử quốc tế có uy tín Globalgrashopper đã bình chọn đèo Đèo Ô Quy Hồ - một trong mười danh thắng đẹp nhất Việt Nam. Nhưng dù đường đi có vất vả đến đâu, khi đặt chân tới Cổng Trời du khách cũng cảm thấy thật xứng đáng với những công sức đã bỏ ra. Từ vị trí này, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược Phong Thổ (Lai Châu) - Sapa (Lào Cai), xa xa là Thác Bạc - một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá. Cao khoảng 200m, Thác Bạc ngày đêm ào ào nước đổ như góp nên âm thanh của núi rừng heo hút. Hay đơn giản đứng chỉ để nhìn khoảng không vô tận và khoáng đạt phía trước. Màu xanh ngút ngàn của cây, màu vàng của lúa chín chen lẫn những mảng lúa xanh non đến sắc nâu trầm ấm của đất. Và rồi lại được làm dịu bởi gió từ núi Hoàng Liên Sơn đưa tới. Có đứng tại Cổng Trời này mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Xi Păng (Fanxipan) vời vợi lưng trời. Bên dưới là những vực sâu thăm thẳm, với thảm rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Cũng lên tới Cổng Trời, mới thực sự cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên vùng Tây Bắc, mới biết được tại sao những thửa ruộng bậc thang của SaPa được tạp chí Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là một trong bảy thửa ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới. Càng hiểu hơn vì sao hình ảnh những bản làng ở Lai Châu thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí du lịch quốc tế và thêm tự hào về quê hương Việt Nam. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Lai Châu 228 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Động Pu Sam Cáp

Được mệnh danh là "Tây Bắc đệ nhất động", Quần thể hang động Pu Sam Cáp là một trong những kiệt tác hoàn mỹ của tạo hóa ban tặng cho Lai Châu. Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng chừng 5km, trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, thuộc địa bàn xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Quần thể hang động Pu Sam Cáp thuộc hệ thống dãy Pu Sam Cáp có độ cao khoảng 1300m đến 1700m so với mặt nước biển. Đây là dãy núi đá vôi hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo, theo địa hình catster với sườn núi thoải về hướng Nam và dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc. Với hơn 10 hang lớn nhỏ, trong đó có 2 hang động lớn, cũng là 2 hang động đã được đưa vào khai thác và đón tiếp khách du lịch là: Động Thiên Môn và Động Thiên Đường. Nét đẹp của quần thể hang động Pu Sam Cáp được ví như người đẹp ngủ quên giữa núi rừng Tây Bắc. Một vẻ đẹp nguyên sơ được giới chuyên môn đánh giá là không hề kém cạnh nếu đem so với bất kỳ hang động nào như Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), động Thiên Cung (Quảng Ninh) hay động Hương Tích (Hà Tây cũ)… Men theo lối bậc đá đi lên núi để bắt đầu chuyến hành trình khám phá của mình, du khách sẽ đến với động Thiên Môn. Một vòm cửa lớn và sâu hun hút hiện ra, một cảm giác mát lạnh từ đá và những cơn gió nhẹ thoảng qua sẽ khiến cho du khách cảm thấy vô cùng thư giãn và thoải mái. Trong khoảng không huyền bí ấy là vô số những “tác phẩm nghệ thuật” sống động mà “mẹ thiên nhiên” đã dựng lên từ đá. Trung tâm động là vòm hang cao rộng với diện tích lên tới 600m2. Mặt nền hang tương đối bằng phẳng, xen kẽ với những vũng nước lớn nhỏ khác nhau. Có thể gọi đây là “nhà hát của tạo hóa”. Vào sâu hơn nữa, quý khách sẽ thấy rất nhiều những khối thạch nhũ mang hình thù trừu tượng nhiều ẩn dụ cứ nối nhau muôn hình không dứt, tưởng như mọi sự từ thưở hồng hoang trên Trái Đất đều có ở nơi đây. Ra khỏi động Thiên Môn, du khách sẽ có một hành trình đầy thú vị qua một đoạn đường rừng còn nguyên nét hoang sơ để đến với động Thiên Đường. Nếu như động Thiên Môn được ví như "Nhà hát của tọa hóa" thì động Thiên Đường được ví như một bức tranh thu nhỏ của chốn bồng lai tiên cảnh. Gần cửa động, một con sư tử đá với dáng ngồi sừng sững, oai vệ như một vị thần canh gác, bảo vệ trung thành. Bước vào trong động, dưới chân chúng ta, những đường cong uốn lượn xuống dần như ruộng bậc thang. Càng đi sâu vào trong, ta như bắt gặp một không gian đa sắc, đa chiều, những giàn nhũ đá rủ xuống như tái hiện một hình ảnh nào đó thân quen của cuộc sống như giàn hoa, vườn rau… Giữa lòng động, một hồ nước trong vắt mang dòng nước mát, hiền hòa như nguồn sinh khí của đất trời. “Tháp Ngọc” hiện lên nổi bật và thu hút. Chiếc “Lọng Thiên” là một khối thạch nhũ với chu vi to, rộng, mấy người ôm không xuể. Lộng lẫy bốn bề là non xanh nước biếc với những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh sừng sững quanh hồ nước. Và còn bao hình thù kỳ bí khác đưa ta vào thế giới của sự tưởng tượng phong phú. Hãy một lần đến với Quần thể hang động Pu Sam Cap để chiêm ngưỡng và tận hưởng những phút giây thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên. Nguồn: Trang thông tin điện tử thành phố Lai Châu

Lai Châu 222 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Di tích Lịch sử Bia Lê Thái Tổ (Lê Lợi)

Quần thể đền thờ vua Lê Thái Tổ và bia vua Lê Thái Tổ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu 110km về phía Tây Nam, thuộc địa phận hành chính của xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ Vua Lê còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi. Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia cổ hoài lai”. Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) - một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu Nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu - Sơn La ngày nay). Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc vương Tư Tề và quan Tư khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó, vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn). Đại quân của triều đình tiến theo đường từ sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn. Khi quân của nhà vua tiến đến sào huyệt của Đèo Cát Hãn, Kha Lại và Đèo Cát Hãn bỏ trốn, sau đó Nhân dân bắt được Kha Lại và giết chết. Tháng Chạp năm Tân Hợi - 1431, sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc 1 bài thơ vào vách đá . Tấm bia khắc bài thơ của vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản văn hóa cực kỳ quý báu. Tấm bia đá hay đúng hơn là một trang vàng lịch sử chống giặc ngoại xâm cùng những tên tù trưởng tham lam, câu kết với ngoại bang để chống lại Nhà nước phong kiến Việt Nam lúc đó. Năm 2005, Nhà máy thủy điện Sơn La khởi công. Để tránh bị ngập nước, phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời. Bút tích sau khi được khoan cắt ra thành một khối đá lớn có kích thước dài 2,62m, rộng 1,13m, cao 1,85m, trọng lượng trên 15 tấn. Năm 2012, bia Lê Lợi được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m. Di tích Bia Lê Lợi đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 02-9-1981. Cuối 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-01-2017. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu

Lai Châu 239 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Di tích khảo cổ Nậm Tun

Di chỉ khảo cổ Nậm Tun được khai quật trong hang Nậm Tun, địa phận bản Phiêng Đanh, xã Mường So, huyện Phong Thổ nay là thị xã Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trước năm 1945, hang Nậm Tun có tên gọi là Thẳm Hộ Khoại - nghĩa là Hang Dào trâu. Di tích khảo cổ học Nậm Tun khai quật năm 1973, tầng văn hoá dày 1,8 m có hai lớp. Lớp trên có mặt rìu đá mài, đồ gốm và 3 mộ (còn giữ lại được di cốt) đặc trưng cho hậu kì đá mới. Lớp dưới đã tìm thấy gần 200 công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn, trên 700 mảnh tước và 2 mộ đặc trưng cho hậu kì đá cũ, tiêu biểu cho di tích khảo cổ hang động cổ xưa nhất ở Tây Bắc, thuộc văn hoá Sơn Vi. Di chỉ hang Nậm Tun là nơi cư trú, mai táng và chế tác công cụ của 2 lớp người, có 2 tầng văn hóa, giai đoạn trước và giai đoạn hậu kỳ thời đại Đá mới. Ở hang Nậm Tun có 5 ngôi mộ cổ và nhiều di vật cổ, đặc biệt là mũi dùi bằng xương, lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Hang Nậm Tun ở vào vị trí khá thuận lợi. Cửa hang nhìn về phía Tây. Trước hang là một dòng suối lớn, ngày nay người dân nơi đây quen gọi là làng Nậm Phé (Nậm Phé cách cửa hang không quá 100 m). Về mùa nước lũ, dòng suối dâng lên ngập cả thung lũng bao quanh hang. Thung lũng ngày nay quang đãng hơn, từ đó mọc lên những bản làng của người Hoa và người Thái sống xen kẽ. Hang Nậm Tun có cấu tạo rất phức tạp. Có chỗ thạch nhũ phủ dày. Có chỗ thạch nhũ chỉ mới tráng thành lớp mỏng. Lớp này dày trong khoảng 0,15m đến 0,20m. Tại đây tìm thấy di tích văn hoá của nhiều thời đại khác nhau. Những chiếc rìu mài toàn thân, những mảnh gốm tuy thô ráp song đã chế tạo bằng bàn xoay, có trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn thừng…, một khuôn đúc hai mang bằng đá, một hạt cườm xanh bằng ngọc bích- tất cả nếu sớm nhất cũng thuộc vào giai đoạn hậu kì thời đại đá mới. Qua lớp cuội to, là lớp đất có màu nâu sẫm, lẫn nhiều sỏi. Ở đây tìm thấy nhiều công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, có trọng lượng và kích thước khác nhau, chưa có hình dáng ổn định, tìm thấy nhiều mảnh tước to, sản phẩm của quá trình chế tác công cụ bằng phương pháp ghè đẽo trực tiếp. Di tích khảo cổ hang Nậm Tun được xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 07/02/2013. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu

Lai Châu 241 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Dinh thự Đèo Văn Long

Dinh thự Đèo Văn Long nằm trên địa phận xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, Tỉnh Lai Châu. Theo kết quả khảo sát năm 1983 của Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Lai Châu thì công trình này được bắt đầu xây dựng từ năm 1916. Các tư liệu để lại về dinh thự và gia tộc họ Đèo tuy còn rất sơ khai, nhưng đều cho rằng tất cả các công việc chọn hướng, chọn vị trí đặt cổng chính, miếu thờ, nhà Đẳm (nhà thờ tổ tiên) đều được gia tộc họ Đèo thuê thầy địa lí xem xét cẩn thận. Hai kiến trúc sư một người Pháp, một người Trung Quốc được mời về để thiết kế và giám sát, vật liệu được đưa lên từ các tỉnh miền xuôi. Vì vậy, kiến trúc khu dinh thự mang đường nét phương Tây hòa quyện dáng dấp phương Đông, đồng thời là đặc trưng của nghệ thuật xây dựng và phong thuỷ của người Thái. Dinh thự có diện tích chừng hơn 1ha, do nhu cầu phòng thủ, đón tiếp các quan chức Chính phủ Đông Dương và để thoả mãn lối sống xa hoa của mình, họ Đèo đã tập trung dân phu, binh lực, thợ thuyền cho việc xây dựng quần thể dinh thự, đặt tại một vị trí hiểm yếu, nằm ở ngã ba nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Còn sau lưng dinh thự là núi cao, trước mặt là ngã ba sông (sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay) có thể khống chế được con đường lên Phong Thổ, Mường Tè và xuôi về Hòa Bình, Sơn La, cũng như qua ngả Điện Biên sang Lào, địa thế hợp cho việc phòng thủ và chống lại quân địch, nếu thất bại có thể rút lui an toàn. Năm 1918, khu dinh thự đã hoàn thành với 8 đơn nguyên chính là: Cổng chính, nhà Đẳm, nhà ăn, nhà xoè, tháp nước, hầm nhốt phạm nhân, miếu thờ ma rừng và một nhà nữa có mặt hình chữ L (chưa rõ mục đích sử dụng). Ngoài ra, còn một số công trình bổ trợ khác như tường bao, cổng phụ, đường xe dẫn lên cổng chính, bậc thềm dài và hẹp dẫn xuống hầm nhốt phạm nhân, kho thóc, bến thuyền, nghĩa địa. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch đỏ, sàn gỗ, mái lợp ngói được tách ra từ những phiến đá, thường được gọi là đá đen (lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá sẽ cứng như sành). Xung quanh lâu đài là bức tường thành cao trên 3m, được xây bằng đá phiến dày 40-50cm, rất vững chãi, trên tường có nhiều lỗ châu mai quan sát phía bên ngoài. Trước khu nhà chính có khoảng sân rộng để múa xoè khi Đèo Văn Long tổ chức tiệc tùng, tiếp khách. Có thể nói quần thể dinh thự là một “pháo đài bất khả xâm phạm” của vua Thái. Nói đến Đèo Văn Long là con thứ của Đèo Văn Trị và là một lãnh chúa của Khu tự trị Thái ở Liên bang Đông Dương. Gia đình họ Đèo vốn xuất thân từ một dòng dõi quý tộc tại Vân Nam (Trung Quốc), họ không phải những người phản động mà đã cùng nhau chung sống hòa thuận trên mảnh đất Lai Châu từ rất lâu. Những năm cuối thế kỉ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương, dòng họ Đèo đã sát cánh cùng nghĩa quân Cờ Đen trấn giữ Sơn Tây và lập được nhiều chiến công. Thế nhưng sau những tổn thất khá lớn ở trận quyết chiến cùng sự nghi kị, thiếu thống nhất trong nội bộ, Đèo Văn Trị đã kí vào bản hiệp ước ngừng bắn vĩnh viễn với quân Pháp. Được Chính phủ Pháp bảo hộ, hậu thuẫn về tiền bạc và vũ khí, Pháp khôi phục cho Đèo Văn Trị cai quản vùng đất Sipsong Chuthai (12 xứ thái). Năm 1908, Đèo Văn Trị mất, trao lại quyền binh cho con là Đèo Văn Kháng, sau đó Kháng chết, Đèo Văn Long thay anh trai lên nắm quyền. Từ đây, với bản chất là kẻ tàn bạo, Đèo Văn Long gieo rắc bao nỗi khiếp sợ cho Nhân dân trong vùng. Ngoài việc cho quân lính đi cướp bóc vơ vét của cải của Nhân dân trong vùng, vua Thái còn đóng những chiếc thuyền lớn, lấy sông Đà làm trục giao thông chính chở lâm thổ sản mà hắn đã cướp được của Nhân dân địa phương mang xuống miền xuôi bán như: thuốc phiện, da hổ, da báo, mật gấu,… sau đó chở hàng hóa lên bán cho người dân địa phương. Sau giải phóng thị trấn Lai Châu (1952), Đèo Văn Long chạy sang Pháp lưu vong, dinh thự bị người dân phá hủy. Đến nay toàn bộ khu dinh thự đã trở thành phế tích, nhiều công trình bị mất hoàn toàn không thể xác định được hình dáng kiến trúc ban đầu. Năm 1980, dinh thự Đèo Văn Long được UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và nằm trong kế hoạch phục dựng. Tuy nhiên từ năm 2010, công trình thủy điện Sơn La tích nước, một phần khu dinh thự của Đèo Văn Long bị chìm vĩnh viễn xuống lòng sông chỉ còn lại một ít phế tích. Nguồn: Báo Lai Châu

Lai Châu 233 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật