Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

An Giang

Gò Tháp An Lợi

Di tích khảo cổ cấp quốc gia gò tháp An Lợi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thuộc thời kỳ hậu văn hóa Óc Eo, niên đại từ thế kỷ 8 - 9 với quy mô lớn và còn khá nguyên vẹn. Di tích góp phần hé mở nhiều cứ liệu khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo. Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ ở Việt Nam, gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo. Theo các chuyên gia, những di vật, phế tích và các giá trị của văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cổ. Tiêu biểu, có di tích kiến trúc gò tháp An Lợi (di tích nằm trên nền gò cao nên người dân nơi đây quen gọi là “gò tháp”). Năm 1999, di tích gò tháp An Lợi được Bảo tàng tỉnh phát hiện trong 1 lần khảo sát tại vùng núi ở huyện Tri Tôn. Đến năm 2002, Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khảo sát lại di tích khảo cổ gò tháp An Lợi. Di tích khảo cổ gò tháp An Lợi có dạng hình chữ nhật, diện tích rộng trên 300m2. Đỉnh gò bằng phẳng, có độ cao 2,5m so bề mặt chung quanh. Mặt gò xuất lộ nhiều viên gạch, nhiều vỉa gạch chạy thẳng hàng theo hướng đông tây cùng vài khối đá, tấm đá kiến trúc nằm lộ thiên giữa gò hoặc cạnh các gốc cây. Trong đó có 1 “bàn đá” hình tròn đặt kê trên những viên gạch nguyên và vỡ ở giữa gò. Sườn gò ở phía nam và bắc là các vách tường gạch xây vẫn còn thẳng đứng, ở phía đông và tây do bị đào phá để lấy gạch nên để lại trên sườn gò chỗ gạch, chỗ đá lởm chởm… Đó là dấu hiệu cho thấy kiến trúc này được xây bằng gạch và đá hỗn hợp thuộc phong cách truyền thống của cư dân văn hóa Óc Eo - Phù Nam xưa. Kết quả cho thấy, mặc dù có bị đào bới nhưng nền kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn với độ cao của vách tường tháp từ 1,5 - 2,5m. Kết quả khai quật cho thấy, di tích gò tháp An Lợi có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật xây bằng gạch - đá khá lớn được bẻ góc nhiều lần với chiều dài 19,2m theo hướng đông tây, rộng 11,6m theo hướng bắc nam, cao 2,5m tính từ chân gờ cột giả hoặc 3,6m tính từ chân móng gạch cuối cùng - sát lớp đá móng lên đến đỉnh. Bố cục kiến trúc gồm 2 phần: Phần tiền sảnh ở phía đông nối liền với bậc lên xuống, phần hậu sảnh ở phía tây. Bên trong kiến trúc phần hậu sảnh có một hố thờ dạng hình giếng vuông, các cạnh rộng 1,2m theo hướng đông tây và 1,1m theo hướng bắc nam. Hố đã bị đào khá sâu, trong hố có chứa nhiều gạch nguyên, đá và cát màu xám. Ngoài ra, trong hố còn phát hiện 1 hũ sành lớn bị vỡ nhiều mảnh, hũ có miệng không cao, thân phình rộng, đáy bằng, bên ngoài có lớp men màu nâu đen rất bóng. Các di vật thu được chất liệu chủ yếu là đồ đá với loại hình, như: Mảnh vỡ Linga đá, máng nước thiêng Somasutra, bàn đá; những tấm đá nhiều hình dáng, như: Đá hình bán nguyệt, đá hình cánh quạt, đá hình khối chữ nhật và một vài mảnh gốm cổ và vòi bình số lượng không đáng kể. Qua nghiên cứu, gò tháp An Lợi thuộc loại kiến trúc nặng xây bằng gạch và đá hỗn hợp thuộc thời kỳ hậu Óc Eo. Việc tìm thấy nhiều Linga và Somasutra cho rằng, kiến trúc gò tháp An Lợi là một đền thờ thuộc tín ngưỡng Siva nơi thực hiện các nghi thức cầu phúc của các cộng đồng cư dân cổ thuộc thời kỳ hậu Óc Eo. Niên đại đoán định của kiến trúc khoảng thế kỷ 8 - 9 sau Công nguyên. Gò tháp An Lợi có giá trị cao về mặt nghiên cứu khoa học, nguồn gốc lịch sử hình thành vùng đất và nền văn hóa dân tộc đã hơn 1.000 năm. Với ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng, giá trị khoa học cao, gò tháp An Lợi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá, khảo cổ cấp quốc gia, ngày 26/02/2008. Nguồn: Báo An Giang Online

An Giang 1031 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Bà Lê

Chùa Phước Hội được người dân địa phương gọi với tên thân thương là chùa Bà Lê toạ lạc tại xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sở dĩ có tên gọi này bởi ngôi chùa được xây dựng trên phần đất của bà Lê, một người Việt gốc Hoa sống tại địa phương. Chùa Bà Lê theo hệ phái Đại thừa, được xây dựng vào cuối năm 1897, bằng tre, lá đơn sơ làm nơi tín ngưỡng của người dân địa phương. Chùa Phước Hội thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Di Lặc, Quan Thế Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, Địa Tạng bồ tát... Không chỉ thờ Phật, tại chính điện chùa Bà Lê còn thờ các vị: Ngọc Hoàng đại đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tứ đại Thiên Vương… Ngoài ra, trong chùa còn có khu vực thờ những người có công, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Không chỉ là nơi thờ tự, chùa Phước Hội còn là “địa chỉ đỏ”, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương. Đặc biệt, ngay từ những năm đầu thành lập, chùa là nơi tụ họp của nhân dân đấu tranh chống lại quân thù. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của quân và dân tỉnh An Giang, chùa Phước Hội là một trong những cơ sở cách mạng vững chắc. Từ năm 1920-1965, khi hòa thượng Thích Quảng Đạt về làm trụ trì tại chùa, đã có công lớn trong công tác, hoạt động cách mạng như: Tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược và nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng cấp tỉnh, huyện. Trong những năm 1945-1946, chùa Bà Lê là cơ sở Văn phòng của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến; là nơi tổ chức thanh niên tập luyện quân sự chống Pháp. Đây còn là cơ sở chế tạo vũ khí thô sơ và in ấn truyền đơn, tài liệu... Chùa Bà Lê là nơi đào tạo nhiều thế hệ quần chúng yêu nước. Nhiều cán bộ địa phương đã trưởng thành, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Đặc biệt, nhiều cán bộ xuất thân từ ngôi chùa đã đóng góp xương máu và cả tính mạng cho Tổ quốc. Nổi bật trong đó có chị Huỳnh Thị Hưởng, liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của chị Huỳnh Thị Hưởng đã làm sáng ngời truyền thống vẻ vang cho quê hương, xứ sở. Đồng thời làm sáng lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân An Giang. Ngày nay, trên quê hương Hội An có một ngôi trường được xây dựng khang trang mang tên Huỳnh Thị Hưởng, lưu dấu cho các thế hệ học sinh nhớ đến tấm gương bất khuất của người nữ du kích anh hùng. Ngày 12/12/1986, Bộ Văn hóa công nhận chùa Bà Lê (Phước Hội Tự) là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đặc biệt, hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chùa đón tiếp nhiều cán bộ, chiến sĩ đến dâng hương, thành tâm kính bái trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ được thờ phụng trong chùa. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trên mảnh đất anh hùng. Nguồn: Báo An Giang online

An Giang 1572 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Giồng Thành

Chùa Giồng Thành hay còn gọi là Long Hưng Tự thuộc xã Long Sơn, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Chùa được hòa thượng Trần Minh Lý xây dựng lần đầu vào năm 1875 bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Đến năm 1927, Hòa thượng Chánh Hường (1879 – 1947), là người xã Long sơn, nhận thấy cửa thiền ngày càng đông tín đồ mà chùa thì quá cũ kỹ và chật hẹp, nên đã xin với nhà cầm quyền Pháp, cho đi quyên góp để xây cất lại ngôi thờ Phật. Năm 1970, Hòa thượng Chơn Như (1925 – 1972) cho trùng tu lại chùa theo kiến trúc kiểu Ấn Độ. Và đây là lần trùng tu lớn nhất, và tồn tại cho đến ngày nay. Về tên gọi chùa Giồng Thành, theo một số tài liệu cho biết là xuất phát từ chỗ chùa được xây trên nền đất của hào thành triều Nguyễn. Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã nhưng về đại thể, chùa Giồng Thành là khối kiến trúc hài hòa theo phong cách Á – Âu với lối xây dựng theo hình chữ “song hỷ”, gồm 3 gian, mái lợp bằng ngói móc, trên cột chánh điện có vẽ hình rồng. Ở chánh điện có nhiều pho tượng cổ như tượng đức Phật A Di Đà, bộ tượng Thập Điện Minh Vương…Hai ngôi tháp mộ lớn ở chùa là tháp của Hòa thượng Đạt Điền (đời 38) và Hòa thượng Chơn Như (đời 40). Ngoài vẻ uy nghiêm, chùa Giồng Thành còn được nhiều người biết đến như địa chỉ đỏ của phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tại đây vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, tổ chức Kèo Vàng, Kèo Xanh của Phan Xích Long đã nhóm họp để thu hút người yêu nước chống thực dân Pháp, mở đầu cho hàng loạt hoạt động yêu nước. Đây còn là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – truyền bá chủ nghĩa yêu nước chân chính cho đồng bào (1928 – 1929). Trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng, chùa Giồng Thành tiếp tục là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Khu 8, Trung ương cục miền Nam. Đặc biệt nơi đây từng là chỗ trú ngụ an toàn cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong những năm tháng kháng chiến đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụỵ nhào như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…. Hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười (âm lịch), khách thập phương đến viếng và lễ chùa rất đông. Bên cạnh là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, di tích chùa Giồng Thành còn gắn liền với những dấu ấn lịch sử, khi chùa đã từng là nơi ẩn náu của nhiều chiến sĩ cách mạng và là nơi tổ chức các hoạt động chính trị, chống lại thực dân Pháp. Nhờ những công lao to lớn mà vào ngày 12/12/1986, di tích chùa Giồng Thành đã được Bộ văn hoá, thể thao và du lịch công nhận là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Du lịch an Giang

An Giang 1117 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hòa Thạnh (Chùa Cây Mít)

Chùa Hòa Thạnh hay Hòa Thạnh Cổ Tự, dân gian thường gọi là chùa Cây Mít tọa lạc tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa Hòa Thạnh do nhân dân thôn Nhơn Hưng xây dựng từ năm 1847, ban đầu rất đơn sơ bằng cây tạp, vách lá, mái tranh. Năm 1913, chùa bị cháy, nhân dân đóng góp để xây dựng lại chùa bằng danh mộc, vách ván, mái lợp ngói âm dương. Năm 1925, hòa thượng Huỳnh Hồng Diệp cho xây dựng lại chùa khang trang như hiện nay. Tổng diện tích xây dựng chùa khoảng 500m2, kiến trúc gồm 4 bộ nóc, cột gỗ tròn, vách xây hồ vôi ô dước trộn đá trứng. Chùa Hòa Thạnh được xây theo bố cục kiến trúc thống nhất. Có hai mái chính ở đằng trước và đằng sau, và hai mái bên, được dựng trên nền cao 0,5 m, các mái lan xuống thấp với các đầu đao ở bốn góc cong lên. Chính diện chùa là ao Liên Trì được xây dựng vào năm 2009. Trên ao có lối đi dẫn đến tượng Phật Bà Quan Âm cưỡi rồng rất đẹp. Bên trái là đền thờ Phật Di Lặc, bên phải chùa là hai bảo tháp. Trong chính điện, chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật độc đáo. Trước chùa Hòa Thạnh hiện có một tấm bia tưởng niệm có hình quốc huy Việt Nam, ở giữa quốc huy là một tấm bảng ghi ngày tháng năm cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa. Nghệ thuật nổi bật của ngôi chùa là các tượng thờ, hầu hết đều bằng gỗ mít do nghệ nhân tại địa phương đã khéo tay tạc 19 loại tượng, cao từ 0,4m đến 1,4m. Theo một số vị cao niên trong làng kể lại, nơi đây toàn rừng rậm, cây cối mọc um tùm, và có rất nhiều gỗ mít. Thấy vậy, các vị sư mới dùng gỗ mít cất chùa và chạm khắc tượng để thờ cúng. Năm 1913, trong lúc chùa bị cháy người dân ở gần chùa cùng các vị tu hành kịp khiêng, vác các pho tượng ra khỏi chùa. Cho nên, nhà chùa mới giữ được các pho tượng gỗ quý đến ngày nay. Riêng pho tượng Ngọc Hoàng thì bị cháy nám, nay còn dấu tích để lại. Các tượng Phật được thể hiện kỹ thuật tạo hình khá chính xác theo từng khuôn mẫu, tướng mạo trang nghiêm, y trang tươm tất. Từ các chi tiết tay cầm bửu bối, đầu đội mão, dáng đứng trên bục hoặc ngồi cỡi thú, đề thính hay tòa sen… đều được phác họa rất chuẩn mực, đường nét sắc sảo, với màu sắc sơn son thếp vàng rất rực rỡ. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Hòa Thạnh còn là nơi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã từng ở. Sau khi từ quan, để tránh sự theo dõi của mật thám và chính quyền thực dân Pháp, cụ Sắc đã đi qua nhiều tỉnh ở Nam Bộ, trong đó có An Giang. Từ năm 1921 đến 1923, cụ thường lui tới chùa Cây Mít (tên gọi chùa Hòa Thạnh phổ biến lúc bấy giờ), lúc đó chùa do hòa thượng Huỳnh Hồng Diệp, đồng thời là một sĩ phu yêu nước, trụ trì. Hòa Thạnh được sử dụng như một địa điểm gặp gỡ, liên lạc giữa cụ Phó Bảng với các sĩ phu khắp các nơi. Và cũng từ chùa Hoà Thạnh, tinh thần yêu nước, sự bất hợp tác với thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã có ảnh hưởng rộng lớn tới nhân dân trong vùng. Trong những kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, chùa Hòa Thạnh là cơ sở vững chắc của cách mạng và bộ đội. Khuôn viên nhà chùa có hầm bí mật che giấu cán bộ và tổ chức hoạt động. Do vậy, người dân vùng Bảy Núi coi chùa Cây Mít – Hòa Thạnh là công trình văn hóa và là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương. Ngày 4-8-1992, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hòa Thạnh Cổ Tự là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Nguồn: Du Lịch An Giang

An Giang 1185 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Ông Bắc

Chùa Ông Bắc còn gọi là Bắc Đế Miếu – Hội quán đầu tiên của người Hoa ở An Giang nằm trên đường Phạm Hồng Thái, bên bờ sông Long Xuyên, thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bắc Đế Miếu được xem như cơ sở thờ tự của những người Hoa di cư từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến sinh cơ lập nghiệp tại An Giang. Họ cùng nhau xây dựng Hội quán, thực chất là văn phòng hành chính để làm hội sở liên lạc đồng hương, nhưng thường đưa thêm các tượng thần Bắc Đế, Thiên Hậu, Ngọc Hoàng, Quan Công vào thờ nên người Việt gọi là chùa. Như chùa Ông Bắc tức là thờ Bắc Đế. Hội quán này được xây dựng cách đây trên 100 năm, khi vùng đất này còn mang tên Đông Xuyên, sau đó thuộc thôn Mỹ Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Kiên, tỉnh An Giang thời Nhà Nguyễn. Theo những người cao tuổi và căn cứ vào bia ký kể lại lịch sử chùa, thì ban đầu chùa khá đơn sơ. Đến năm Giáp Ngọ (1887), ông Quảng Thành Lợi và Hòa Mậu Xương là hai người Hoa giàu có trong vùng, đứng ra vận động đồng hương và người dân tín ngưỡng, đóng góp tiền của, khởi công sửa chữa lần thứ hai. Qua 4 năm xây dựng, đến năm Mậu Tuất (1891), chùa được hoàn thành và trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp và tiêu biểu của thành phố Long Xuyên. Đây là một công trình đặc thù lối Quảng Đông, màu vàng sậm kết hợp với đỏ và nâu, cùng hoa văn uốn lượn trên nóc mái ngói. Chùa đã được công nhận di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia vào tháng 6 năm 1987. Nối liền với tiền sảnh và khánh thờ Bắc Đế là hai con đường đi vào song song nhau. Tiền điện- sân thiên tỉnh (còn gọi là giếng trời) được coi là khu vực giao lưu phong thủy, hai bên là hai cửa vòng tròn, qua Đông lang và Tây lang. Mái nóc chùa lợp ngói đại ống tráng men xanh, trên cạnh nóc chạm khắc hình bát tiên, voi, rồng, phượng, cá… cùng những bức phù điêu, hoa văn cổ, đẹp mang sắc thái nghệ thuật nhà Nguyễn pha lẫn kiến trúc nghệ thuật Trung Quốc. Người được thờ chính tại chính điện là Bắc Đế, tướng ngồi trông rất oai phong, đường bệ, đầu đội mão bình thiên đế vương, tay bắt ấn, tay cầm đao, chân đạp rắn, chân đạp linh xà… Trước khánh thờ Quan Công và khánh thờ bà Thiên Hậu có đôi Long trụ, bên trên khánh thờ là bộ Bát tiên kỵ thứ… Ngoài ra Phật Thích Ca, Địa Tạng bồ tát, Ngọc hoàng Thượng đế… cũng được tôn thờ tại đây. Tất cả tập họp thành một bản sắc văn hóa của người Hoa, đã hòa nhập lâu đời vào nền văn hóa Việt Nam. Nhìn chung, màu sắc trang trí nội thất Bắc Đế miếu được tô điểm rất rực rỡ nhưng hài hòa; các hoa văn, liễn đối, phong thủy đều được thể hiện bằng những đường nét nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ rất đặc sắc, tinh xảo. Dù thời gian xây dựng đã hơn một thế kỷ và qua nhiều lần sửa chữa, nhưng di tích Bắc Đế miếu vẫn còn giữ được nguyên trạng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý báu trên 100 năm tuổi, như: Ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng, sữa chữa trong Hội quán; các chuông đồng (chuông đại hồng chung), đỉnh sắt, ba khám thờ (khánh); biển điêu khắc cõi tam giới với kiểu dáng kiến trúc thuần túy của dân tộc Hoa. Đặc biệt, chiếc chuông đúc bằng đồng đến nay vẫn được ngân vang hàng ngày. Nguồn: Du Lịch An Giang

An Giang 1107 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Lịch sử Cột Dây Thép

Di tích Cột dây thép ở ấp Long Thuận, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cột dây thép được thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, làm hệ thống thông tin liên lạc nối giữa 2 xã Long Điền và Tấn Mỹ, được bố trí nằm sát bên một nhánh sông Tiền. Thân cột được làm từ 4 cột trụ thép, gắn kết vào nhau tạo thành hình tháp, chóp vuông, với tổng chiều cao hiện nay hơn 30m, rất vững chắc. Mỗi chân bằng thép hình chữ (L) nối kết không đều, cách nhau khoảng 1,5m. Cột có bệ đá bao xung quanh, nằm ở vị trí giữa cổng chính vào khu di tích. Khu di tích có diện tích khoảng 3.000m2. Ngoài khuôn viên rộng lớn dành tổ chức kỷ niệm hay các sự kiện, bên trong còn có nhà truyền thống, lưu giữ những đồ vật, hình ảnh một thời của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở thống nhất 3 tổ chức Đảng ở nước ta, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Đảng ra đời như ánh hào quang soi sáng con đường cho cách mạng Việt Nam, vận động thu hút đông đảo quần chúng nhân dân giác ngộ và đi theo con đường cách mạng của Đảng. Tại An Giang, tỉnh đã chọn Chợ Mới làm điểm phát triển tổ chức. Từ đây, chi bộ Đảng đầu tiên cũng được thành lập tại xã Long Điền vào tháng 4/1930. Lúc đầu gồm 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Nhằm phát triển mạnh cơ sở, các đồng chí đã đi sâu vào vận động quần chúng nhân dân, thợ thủ công. Để qua mắt bọn tay sai và thực dân, lợi dụng phong trào bóng đá ở sân vận động Mỹ Long (xã Long Điền), các đồng chí đã bí mật truyền tay nhau để tuyên truyền Đảng Cộng sản sâu rộng. Chúc mừng sự kiện hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang, một lá cờ Đảng đã được treo trên đỉnh Cột dây thép, nhưng sớm bị thực dân Pháp lấy xuống. Mấy hôm sau, lá cờ Đảng thứ 2 được treo lên trong đêm khuya. Sáng hôm sau lá cờ đỏ “búa liềm” phất phơ tung bay như “Ánh hào quang trên dòng sông Tiền”, khiến kẻ thù vừa phẫn nộ và lo sợ, còn nhân dân vô cùng phấn khích. Từ đây, Cột dây thép chính là địa điểm mà Đảng ta đã tập hợp quần chúng nhân dân 2 lần biểu tình. Nhiều chi bộ Đảng cũng được thành lập và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành nhiều thắng lợi. Khu di tích hiện còn lưu giữ một số đồ vật trong nhà truyền thống. Với những dấu mốc son trong phong trào đấu tranh giành độc lập, Cột dây thép trở thành địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Nguồn: Báo An Giang online

An Giang 2003 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành

Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Đây là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh hào hùng của Quản cơ Trần Văn Thành cùng các nghĩa binh Gia Nghị trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa chống thực dân Pháp. Quản cơ Trần Văn Thành sinh ra trong một gia đình trung nông khá giả ở xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), khi vừa lớn lên, ông được đi học chữ Nho. Ông học ít nhưng biết nhiều, sau đó ông được cụ thân sinh rước thầy về nhà dạy thêm võ nghệ, trước hết là để phòng thân và sau là có điều kiện giúp người dân lương thiện. Từ năm 1840, ông Trần Văn Thành nhập ngũ, đến năm 1845 ông làm Chánh quản cơ nên còn được gọi là Quản cơ Thành. Năm 1867, Pháp chiếm thành Châu Đốc (tỉnh An Giang). Không khuất phục giặc, ông kéo lực lượng dân binh về Bảy Thưa xây dựng căn cứ, phối hợp với nghĩa quân Nguyễn Trung Trực kháng Pháp trong vùng Long Xuyên, Rạch Giá. Sau khi Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử tử (năm 1868), Quản cơ Trần Văn Thành quy tụ nghĩa quân khắp vùng miền Tây về Láng Linh xây dựng đồn lũy, rèn đao, đúc kiếm, đánh phá đồn bót giặc... Quân Pháp nhiều lần đánh vào Láng Linh - Bảy Thưa nhưng không đạt kết quả. Đầu năm 1873, Pháp cho người mang thư đến mua chuộc nhưng Quản cơ Trần Văn Thành cương quyết không chịu quy thuận. Không mua chuộc được ông, Pháp huy động lực lượng lính mã tà của Long Xuyên, Cần Thơ, Châu Đốc tấn công vào vùng Châu Phú. Từ ngày 19 đến 20/3/1873, Quản cơ Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chống giặc và hy sinh anh dũng. Nhân dân thương tiếc tôn gọi ông là Đức Cố Quản, lập đền thờ ở Láng Linh. Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, còn gọi là Bửu Hương tự hay dinh Đức Cố Quản được xây dựng vào năm 1897, là nơi tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa (1867-1873) cũng là nơi tập hợp nhân dân và tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương yêu nước chống thực dân Pháp. Tháng 2/1913, nhân ngày giỗ của Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị, ông Trần Văn Nhu tổ chức lễ khá lớn, nhân dân yêu nước quanh vùng và con cháu nghĩa binh tham dự rất đông. Thực dân Pháp lo sợ nên đã đến vây bắt và đốt đền thờ nhằm thủ tiêu vết tích của Quản cơ Trần Văn Thành. Đến năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đứng ra xây dựng lại đền thờ tại nền cũ, lợp ngói, xây tường gạch, cột gỗ, nền lát gạch khang trang và rộng rãi. Năm 1947, lực lượng cách mạng từ đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành đã tiêu diệt đồn thực dân Pháp tại xã. Để trả thù, thực dân Pháp tiến hành khủng bố và đốt đền thờ một lần nữa, chỉ còn lại 4 cây cột ở chánh điện. Đến năm 1952, nhân dân quanh vùng góp tiền xây dựng lại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành khang trang như ngày hôm nay. Đền xây theo lối kiến trúc cổ kính, dạng chữ “tam” gồm có chánh điện, đông lang và tây lang, mái lợp ngói đại ống, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu, cột gỗ căm xe, tường gạch, nền lát gạch bông. Từ năm 1955-1975, đền thờ là cơ sở cách mạng của xã, nơi tiếp tế, liên lạc và nuôi chứa cán bộ hoạt động ở địa phương. Ngày 12/12/1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, vào các ngày 20, 21 và 22 tháng 2 (âm lịch), chính quyền địa phương cùng đông đảo nhân dân tổ chức long trọng lễ giỗ theo nghi thức truyền thống. Nguồn: Báo An Giang online

An Giang 1250 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà Mồ Ba Chúc

Di Tích Nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10/7/1980. Nơi đây lưu giữ hài cốt của những người dân vô tội bị sát hại và được xem là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của Pôn Pốt, muôn đời còn ghi nhớ. Đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước. Vào đêm 30-4-1977, cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, Pôn Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào ta một cách man rợ. Đỉnh cao của tội ác này là cuộc thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc từ ngày 18-4 đến 30-4-1978. Qua 12 ngày đêm bị bọn Pôn Pốt chiếm đóng, Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa các công trình công cộng; tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết hoặc xé đôi người, nắm hai chân đập đầu vào gốc cây… Chùa Phi Lai là một trong những địa điểm bị phá hủy nặng nề. Nơi đây, bọn Pôn Pốt giết gần 300 người dân vô tội. Dưới bàn thờ của chùa có 43 người lẩn trốn, cũng bị chúng dùng lựu đạn giết chết 40 người. Tại chùa Tam Bửu, quân Pôn Pốt bắt hơn 800 người. Sau thảm sát, Ba Chúc chỉ còn lại là một vùng đất tan hoang với những nỗi đau thương đến tận cùng. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của Ba Chúc. Mọi cơ sở vật chất gần như bị san bằng, Ba Chúc chìm trong tang thương và đầy rẫy mùi tử khí. Thảm sát qua đi, hơn 30 phái đoàn ngoại giao, báo chí và Liên Hiệp quốc đã đến nơi để chứng kiến tận mắt tội ác của bọn Pôn Pốt đối với đồng bào Ba Chúc. Nhà mồ đầu tiên được xây dựng ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc vào năm 1979. Khi đó nhà mồ xây dựng khá đơn giản theo hình lục giác với đặc điểm nổi bật là 4 cánh tay cầm 4 thanh kiếm đẫm máu cắm thẳng xuống đất, thể hiện ý chí căm thù của người dân Việt Nam đối với bọn giết người man rợ Pôn Pốt. Năm 2013, nhà mồ được xây dựng lại, là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, Phi Lai. Điểm nhấn công trình Nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng, nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau như: 86 phụ nữ trên 60 tuổi; 155 phụ nữ từ 21 đến 40 tuổi; 88 thiếu nữ từ 16 đến 20 tuổi; 264 trẻ em từ 3 đến 15 tuổi; 23 nam từ 16 đến 20 tuổi… Những vật dụng như cọc, dùi, dao, búa… mà quân Pôn Pốt dùng để hành hạ, giết chóc người dân Ba Chúc, được đặt nằm im ắng trong các lồng kính, nhưng chứa đựng sức mạnh tố cáo tội ác ghê gớm. Ở nơi đây, nhang khói không bao giờ tắt, luôn có người đến thăm viếng, tham quan. Không ít người đã không kìm được nước mắt thương cảm, xót xa cho những con người vô tội. Hàng năm, lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc được tổ chức vào ngày 16/3 (âm lịch). Đây được xem là lễ giỗ tập thể rất lớn tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách, tín đồ tôn giáo và thân nhân các nạn nhân tham gia cúng viếng, cầu nguyện. Nguồn: Du Lịch An Giang

An Giang 1409 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu (còn được gọi là Sơn Lăng) thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, là một di tích lịch sử rất giá trị của Châu Đốc nói riêng và của cả nước nói chung. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, Lăng Thoại Ngọc Hầu còn là địa điểm tham quan ở Châu Đốc không thể thiếu trong bất kỳ một tour du lịch Châu Đốc nào. Đây là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời phong kiến và là một di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Khuôn viên lăng mộ có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu (một trong những người có công khai phá bờ cõi, mở rộng vùng Châu Thổ sông Cửu Long nói chung và Châu Đốc nói riêng). Bên cạnh đền thờ Thoại Ngọc Hầu còn có khu mộ của hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20. Vị trí của Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm cạnh chùa Tây An dưới chân núi Sam và cách miếu Bà Chúa xứ khoảng 20m. Lăng Thoại Ngọc Hầu là một công trình kiến trúc khá đồ sộ có sự kết hợp hài hòa trong bố cục thiên nhiên toàn cảnh ở khu vực núi Sam. Vì thế, điểm tham quan này để lại ấn tượng sâu sắc với du khách qua các tour du lịch Châu Đốc. Theo tư liệu lịch sử về Thoại Ngọc Hầu cho thấy, Ông đã cho xây dựng Lăng từ khi còn sống bởi một vợ thứ và vợ chính của ông – bà Châu Thị Tế khi mất đều được ông cho chôn cất lần lượt phía trái và phía phải mộ của ông sau này. Lăng Thoại Ngọc Hầu có khuôn viên khá rộng, có tường thành bao bọc và cổng vào đúc khá dày có hình bán nguyệt tạo nên thế vững chãi và chắc chắn. Nơi tường thành có năm tấm bia đá gắn chặt vào tường thành. Trong số này có bia chính giữa được cho là bia Vĩnh Tế Sơn được xây dựng năm 1828 – sau 4 năm kênh Vĩnh Tế được hoàn thành. Mộ của Thoại Ngọc Hầu và hai người vợ được xây bằng hồ vôi ô dước, đầu mộ là bình phong có đắp chữ Hán, chân mộ có bi kí. Bên ngoài vuông lăng, sau này có đền thờ ông Thoại được xây dựng với thế tựa lưng vào núi Sam để tưởng nhớ Thoại Ngọc Hầu. Bên trong đền được trang trí khá tỉ mỉ, kỹ lưỡng, có tượng bán thân của ông. Khu đất rộng ngoài vuông lăng còn có vô số các ngôi mộ của những người đã bỏ mình trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế, được ông Thoại quy tụ cả về đây chôn cất. Bên cạnh khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu là Nhà trưng bày các hiện vật cổ quý hiếm của ông, bộ sưu tập bao gồm những đồ vật của hai ông bà sử dụng trong những dịp lễ triều như: mão bằng vàng và những vật sử dụng hằng ngày rất phong phú của VN, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia cho tới châu Âu như các loại đồng tiền bằng vàng, bạc, các loại đồ gốm: bát, muỗng, đĩa, thố, ống nhổ, bình rót...; đồ thủy tinh như: kính đeo mắt, bình, ly chân cao, lọ hít...; đồ đồng gồm: đồng chạm, đồng tam khí, pháp lam (đồng tráng men); antimol như: nồi, mâm, ấm, chân đèn, hộp đựng nữ trang, ô trầu, chảo, khay, chậu (thau), mâm bồng, đĩa chân cao, ống điếu, lệnh bài...; đồ bạc như: muỗng, hộp...; và những tàn tích của những chiếc hộp gỗ, rương gỗ... Bộ sưu tập bao gồm nhiều hiện vật quý hiếm trong đó có những hiện vật thuộc diện bảo vật quốc gia như chiếc mão vàng, thỏi, hộp vàng, đồng tam khí...; nhiều hiện vật được xác định là của vua Gia Long - Minh Mạng ban tặng cho cả hai ông bà có giá trị cao về lịch sử văn hóa, thẩm mỹ, khắc họa rõ nét sinh hoạt của tầng lớp quan lại cao cấp thời kỳ đầu triều Nguyễn tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, góp phần bổ sung những phần khuyết thiếu trong việc nhận thức về cổ vật thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Thành Phố Châu Đốc Tỉnh An Giang

An Giang 1102 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thánh đường Hồi giáo Masjid Mubarak

Thánh đường Mubarak tọa lạc trên một khu đất rộng, bên bờ Châu Giang, thuộc ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang (trước đây là xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Người địa phương thường gọi nôm na các thánh đường Hồi giáo ở đây là chùa. Thánh đường được xây dựng khá sớm, từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá. Tính đến nay, thánh đường đã trải qua 4 lần xây dựng và sửa chữa lớn. Lần xây dựng gần nhất vào năm 1965, theo phong cách kiến trúc các kiểu thánh đường ở các nước Trung Đông. Thoạt nhìn, thánh đường Mubarak mang đến cảm giác choáng ngợp vì vẻ lộng lẫy và những họa tiết lạ mắt nhưng không kém phần tinh tế. Thánh đường Mubarak được thiết kế theo dạng 1 tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài thẳng tắp, với gam màu chủ đạo là xanh và trắng. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm được trích từ kinh thánh Qur’an. Mubarak được xem là một thánh đường có lối kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng làng Chăm Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm văn hóa Hồi giáo nói chung và văn hóa của người Chăm ở Nam bộ nói riêng. Từ ngoài nhìn vào thánh đường chúng ta sẽ nhìn thấy cổng chính có hình vòng cung, phía trên nóc có một tháp lớn 2 tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi giáo. 4 góc trên nóc thánh đường đều có 4 tháp nhỏ, giữa nóc thánh đường có 2 tháp bầu tròn nhô cao.Từ cửa chính của thánh đường trở ra 2 bên, mỗi bên có 2 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m. Là nơi thường xuyên tập trung đông người đến cầu nguyện nên thánh đường có khá nhiều cửa ra vào cùng 8 cây cột chắc chắn ở bên trong. Những chiếc cột theo dạng trụ tròn này được thiết kế to nhưng cân đối, đều đặn. Bên trong thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát được thiết kế đơn giản nhưng phải có hậu tẩm. Hậu tẩm được thiết kế là vòm lõm sâu vào tường sao các tín đồ khi cầu nguyện luôn hướng về phía mặt trời lặn, đây là nơi dành riêng cho các vị Imam (người chủ lễ) có nhiệm vụ hướng dẫn các tín đồ làm lễ. Bên cạnh hậu thẩm là một bục cao còn gọi là “minbar” dành cho người thuyết giảng giáo lý trong các buổi lễ thứ sáu hàng tuần. Bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh, nền được lát gạch, trần nhà treo những chùm đèn điện sáng rực tô điểm thêm vẻ trang trọng, tôn nghiêm. Lúc ấy, lòng du khách khoan khoái lạ thường, tín tâm trỗi dậy, lòng tà tiêu tan. Hàng năm, thánh đường tổ chức 3 kỳ lễ lớn: lễ sinh nhật giáo chủ Muhammed ((người sáng lập đạo Hồi) vào ngày 12/3 Hồi lịch, lễ Roja (lễ hành hương đến thánh địa La Mecque) vào ngày 10/12 Hồi lịch, lễ Ramadan (tháng ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến 30 tháng 9 Hồi lịch. Trong những ngày lễ lớn này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây. Di tích Thánh đường Mubarak đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào ngày 12/12/1986. Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi. Nguồn: Du Lịch An Giang

An Giang 1068 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, giữa sông Hậu, tổ 4, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi ông "là gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân". Ông là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, năm 1958. Cũng trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90, đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã trao tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Xukhe Bato - Huân chương cao quý nhất của Mông Cổ. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Lê nin vì hòa bình và hữu nghị các dân tộc (năm 1955) và Huân chương Lê nin - năm 1967 do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1984. Đây là nơi Bác Tôn đã sinh ra, trưởng thành. Khu di tích này rộng khoảng 3.102m2, nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát như bao nhiêu làng quê Nam Bộ, bao gồm các hạng mục: - Ngôi nhà sàn: do ông Tôn Văn Đề, thân sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dựng năm 1887, trên nền đất hương hỏa dòng họ Tôn. Năm 1888, Bác Tôn sinh ra tại ngôi nhà này và sống ở đây suốt thời niên thiếu đến khi rời quê lên Sài Gòn học nghề (năm 1906). - Khu mộ chí: nằm trong khu vực vườn cây ăn quả, có diện tích nền 110m2, thẳng phía sau nhà sàn, là nơi an nghỉ cuối cùng của hai thân sinh và vợ chồng người em trai thứ tư của Bác Tôn là bác Tôn Đức Nhung. - Vườn cây: gồm các loại cây, hoa trái tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ như: mai, tre xanh, vú sữa, xoài... - Công trình Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Tôn, gồm 3 hạng mục: + Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; + Nhà trưng bày: giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn; + Quảng trường: nằm bên bờ sông Hậu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, mít tinh. lễ hội.... - Công trình Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn, gồm 7 hạng mục: + Nhà làm việc của Bác Tôn; + Chiếc Ca nô: mang tên Giải phóng, đây là chiếc ca nô mà Bác Tôn Đức Thắng đã điều khiển, đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảng và cán bộ cách mạng bị tù Côn Đảo trở về, chấm dứt 15 năm Bác Tôn bị tù đày tại địa ngục Côn Đảo; + Máy bay Y-A-K40 số 452: đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày 11/5/1975 để dự lễ mít tinh kỷ niệm 30/4/1975; + Tàu Giang cảnh: là phương tiện đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tháng 10 năm 1975; + Nhà trưng bày các tác phẩm điêu khắc: gồm 23 tác phẩm điêu khắc, bằng gốc cây lâu năm, chủ đề về Bác Tôn và quê hương Mỹ Hòa Hưng. Trong ngôi nhà sàn vẫn lưu giữ 12 hiện vật gốc được gia tộc họ Tôn sử dụng từ khi dựng nhà, tiêu biểu như: bộ ngựa gõ, bộ bàn ghế tiếp khách, tủ thờ, đỉnh trầm, tủ áo... Nhà Trưng bày thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng có 36 hiện vật gốc gắn với cuộc đời niên thiếu và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn, tiêu biểu như: đôi hài hàm ếch, đồng hồ đeo tay, quần kaki, ... và nhiều hiện vật phục chế khác. Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, du lịch. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

An Giang 1248 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật