Di tích lịch sử

Ninh Thuận

Đình Tấn Lộc

Đình Tấn Lộc thuộc khu phố 4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Đình được xây dựng ở đầu làng. Theo các cụ già trong làng thì vào năm Minh Mạng thứ 11 sau khi ông Phan Văn Nghi xin thành lập làng Tấn Lộc thuộc Kinh Dinh, phủ Ninh Thuận thì Đình Tấn Lộc lúc bấy giờ có tên là Đình Dinh Thủy, mới được xây dựng ở cuối làng bằng các vật liệu thanh tre đơn giản. Đến năm Giáp Dần (1853) đời vua Tự Đức, Đình Dinh Thủy mới được dời về địa điểm hiện nay. Đình thờ Thần Thành Hoàng, Thiên Y A Na và Chưởng Thái Giám Bạch Mã. Theo tục lệ của tiền nhân lưu lại, hàng năm thôn Tấn Lộc tổ chức tại đình làng làm đại lễ theo Xuân kỳ vào tháng 2 Âm lịch và làm trung lễ theo thu lệ vào tháng 8 Âm lịch. Mỗi đợt tế được chia làm ba phần, với những nghi thức rất trang trọng, từ lễ Khai sắc, đến lễ kỵ Tiền hiền và lễ Tế tại Chánh điện. Đình Tấn Lộc phường Tấn Tài đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá , kiến trúc nghệ thuật. Đình Tấn Lộc được xây dựng trên một khu đất có diện tích là 1.950 mét vuông, xung quanh có tường rào bao bọc. Mặt trước của Đình hướng ra sông Dinh, mặt sau nhìn ra xa có ngọn núi Cà Đú là điểm tựa lưng vững chãi. Đình Tấn Lộc là một tổng thể kiến trúc bao gồm: từ ngoài vào là nghi môn, bình phong, sân gạch, cách chừng 15m là tòa chánh điện, nối chánh điện với nhà Kiều là một khoảng sân nhỏ mà các cụ thường gọi là Thiên Tĩnh (giếng trời). Liền với nhà Kiều là nhà Tiền Hiền. Hai bên hông của tòa Chánh điện là nhà Đông và nhà Tây, phía trước nhà Đông và nhà Tây là hai ngôi miếu nhỏ, miếu Đông thờ Ngũ hành, miếu Tây thờ Thổ thần, còn hai bên hông của nhà Kiều là hai nhà Trù (nhà bếp) nhưng chỉ còn một căn phía Đông, còn căn phía Tây đã bị đổ nát. Ở phía Đông, giữa nhà Đông với nhà Trù có một cổng nhỏ (còn gọi là cổng Đông) dùng để ra giếng lấy nước. Đình Tấn Lộc là một công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ có giá trị. Về mặt kiến trúc Đình là một quần thể gồm nhiều ngôi nhà Tứ trụ ghép lại, sự có mặt của các kèo đâm, kèo khuyết làm cho diện tích của ngôi đình được nới rộng ra xung quanh. Đề tài trang trí ở Đình khá phong phú, hầu hết các mô típ cổ điển đều được sử dụng và mang tính triết lý sâu sắc như: “Tứ linh”: Rồng biểu trưng cho quyền lực, Lân biểu trưng cho ước vọng Thái Bình, Quy ngoài biểu trưng cho sự chịu đựng và sống lâu thì nó còn được quan niệm là hợp thể trong quan hệ đối đãi của trời cha đất mẹ, Phụng biểu hiện về ước vọng muôn đời của người dân Việt trong mối quan hệ với thần linh. Với đề tài bát bửu thì có Hoa mặt trời (trời) tượng trưng cho nơi ngự trị của thần linh mang tính linh thiêng. Gươm biểu hiện cho sức mạnh của con nhà võ diệt trừ xấu xa, ma quỷ. Quạt vả nhằm tiêu trừ độc hại ma quỷ. Đàn biểu hiện sự thanh cao của đạo nhân. Bầu rượu biểu trưng của Lý Thiết Quài đi tìm “lẻ quên” thoát khỏi sự ràng buộc xấu xa của cuộc đời và cây gậy Như Ý biểu hiện cho quyền lực… Hơn 100 năm qua, do sự tác động của thiên nhiên nên Đình đã qua nhiều lần tu bổ. Trong những lần tu sửa đó, do nhận thức có hạn nên một số kiến trúc như nhà Đông, nhà Tây đã được làm mới lại hoàn toàn trên nền cũ song cơ bản Chánh điện và nhà Tiền hiền vẫn giữ được những yếu tố nguyên gốc nên vẫn không làm mất đi dáng vẻ uy nghi, cổ kính của ngôi đình. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Thuận

Ninh Thuận 872 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trùng Sơn Cổ Tự

Trùng Sơn cổ tự là một tổng thể công trình kiến trúc hoành tráng được hòa thượng Thích Bửu Hiền tạo lập vào năm 1973 tại di tích lịch sử núi Đá Chồng (núi Phụng Hoàng), thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ban đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà thờ Phật giản dị trên núi, là nơi hàng ngày nhà sư Bửu Hiền dùng làm nơi tu tập, đồng thời cũng là nơi để bà con, phật tử viếng thăm, khấn phật, cầu an. Dần về sau, ngôi am nhỏ được nhà sư mở rộng, xây thêm các hạng mục, tiểu cảnh nhằm mục đích làm nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh cho bà con, phật tử gần xa mỗi khi lên viếng phật. Qua đời của Hòa thượng Thích Bưu Hiền, đến đời của Thượng tọa Thích Tâm Tường. Ngôi am được mở rộng xây dựng trên diện tích, quy mô hoành tráng gồm nhiều hạng mục như cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, … Năm 2012, do hạn hẹp về kinh phí nên chùa chỉ hoàn thành trước hạng mục chính điện, nhà thờ tổ, sân hiện, bậc cấp tam quan lên xuống … riêng hạng mục tam quan, các tiểu cảnh, khu vực đặt thờ các tượng phật, bồ tát ngoài trời, … vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do việc xây dựng theo địa hình đồi núi nên rất khó phân biệt đâu là tiền đường, bái đường, chính điện, cổng tam quan hay nhà thờ tổ. Chính vì thế mà tổng thể công trình chùa vừa tạo ra tính sinh động theo mô típ kiến trúc độc đáo, đồng thời cũng tạo ra tính phức tạp khi nhận diện. Sau hơn 40 năm xây dựng và hoàn thiện. Cho đến ngày nay, chùa đã trải qua ba đời trụ trì. Trong đó gồm: Hòa thượng Thích Bưu Hiền (người sáng lập), Thượng tọa Thích Tâm Trường (người kế nhiệm thứ hai và cũng là đệ tử của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, sư huynh Hòa Thượng Thích Bưu Hiền), Đại đức Thích Nguyên Minh (trụ trì hiện nay, đệ tử Thượng tọa Thích Tâm Trường). Nhìn chung, các đời trụ trì của chùa Trùng Sơn đều có mối gắn kết của “tông môn pháp phái”. Trùng Sơn Cổ Tự có độ cao hơn 60m so với mặt nước biển. Đường dẫn lên chùa là đường tam cấp dốc, thẳng đứng với gần 500. Đi hết đường tam cấp, cảnh sắc mở ra đầu tiên chính là hạng mục tam quan còn đang xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ thuần Việt. Tuy chưa hoàn thành, nhưng khi nhìn tổng thể, tam quan Trùng Sơn Cổ Tự là hạng mục vững chắc, bền bỉ, rộng lớn khi nguyên vật liệu hoàn toàn và bê tông, cốt thép và đá xanh. Qua tam quan, tiếp tục đi lên là khoảng sân hiên phía dưới, với điểm nhấn là nhiều cây cảnh và đôi rồng thời Lý Trần uy nghi, dũng mãnh. Từ sân hiên đi lên theo bậc tam cấp, chính là quần thể công trình kiến trúc gồm sân, chính điện, nhà thờ tổ, nhà khách, … mà ba đời trụ trì xây dựng. Chùa Trùng Sơn cổ tự còn nổi tiếng là nơi rất linh thiêng khi đây là nơi ngự trị của hai ngôi chùa Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ và Tổ đình chùa Trùng Khánh. Sự hội tụ này thể hiện cho một vùng đất linh khí của đất trời. Nguồn: Du lịch Ninh Thuận

Ninh Thuận 1293 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Đề-pô xe lửa Tháp Chàm

Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là cơ sở hạ tầng của Sở Hỏa xa do người Pháp lập ra bao gồm: Nhà ga, Khu bảo trì, sửa chữa đầu máy toa xe, Khu ở công chức. Người dân Ninh Thuận quen gọi là Đề-pô xe lửa Tháp Chàm (thuộc phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm hiện nay). Đề-pô xe lửa Tháp Chàm phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, kỹ thuật duy tu, sửa chữa... Được biết đường sắt xuyên Việt hoạt động thông suốt từ năm 1936. Trước đó có các đoạn hoàn thành và hoạt động như đoạn đường sắt Nha Trang-Tháp Chàm-Sài Gòn hoạt động từ năm 1903, đoạn đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt dài 84 km, trong đó có 16 km đường sắt răng cưa, khởi công xây dựng năm 1906 đến năm 1933 bắt đầu hoạt động. Với đặc điểm này, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là một trong các cơ sở đường sắt nhất nước ta thời đó như Gia Lâm (Hà Nội), Bến Thủy (Vinh), Touran (Đà Nẵng), Dĩ An (Sài Gòn–Bình Dương)... Theo sử liệu, với quy mô khoảng 200 công nhân, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm là ga hành khách và ga kỹ thuật thực hiện tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe và một số chức năng khác. Do vậy, đây là nơi hội tụ nhiều cá nhân ưu tú từ các tỉnh khác vào làm việc, từ đây họ trở thành hạt nhân tuyên truyền các tư tưởng chính trị tiến bộ. Cuối năm 1928, họ thành lập Chi bộ Tân Việt tại làng Bảo An. Tháng 4-1929, đảng Tân Việt chuyển thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, cơ sở đảng Tân Việt tại Ninh Thuận cũng đổi tên và hoạt động theo phương hướng mới. Sau ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, tháng 4-1930, các chi bộ Tân Việt tại Ninh Thuận chuyển thành các chi bộ Đảng Cộng sản theo chủ trương chung của cả nước, bao gồm Chi bộ Đề-pô xe lửa Tháp Chàm và Chi bộ Cầu Bảo, Chi bộ Sở Muối Cà Ná. Từ đó, tổ chức Đảng lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, tiêu biểu là tổ chức cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Sáng sớm ngày 1-5, công nhân đi làm thấy cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên đỉnh tháp nước ga Tháp Chàm và trên cây me cổ thụ làng Bảo An; truyền đơn rải nhiều khu vực ga, khu dân cư Bảo An. Cùng lúc đó, 120 công nhân Đề-pô xe lửa Tháp Chàm tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và yêu cầu giới chủ thực hiện các quy định lao động. Có thể nói, vừa ra đời, chi bộ Đảng tại Đề-pô xe lửa Tháp Chàm đã tổ chức đấu tranh trực diện với Pháp. Với những sự kiện, dấu ấn lịch sử trên, Đề-pô xe lửa Tháp Chàm được công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh vào năm 2003. Nguồn: Báo Ninh Thuận

Ninh Thuận 1488 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Miếu Năm Bà

Ngày 28/02/2023, Miếu Năm Bà, phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Miếu Năm Bà là cơ sở tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trong khu vực phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Miếu không chỉ có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn gắn với các phong trào cách mạng, phong trào kháng chiến quan trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, Miếu là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của chính quyền Việt Minh, là nơi tổ chức các hoạt động nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi hội họp của Dân quân du kích địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Miếu là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, phát động các phong trào tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và nhiều hoạt động yêu nước, đưa tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ. Khi đất nước hòa bình, Miếu là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng của người dân địa phương. Ngày nay, hàng năm tại Miếu Năm Bà, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống và nghe các đồng chí lão thành cách mạng kể chuyện về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh ta (ngày 21/8/1945) cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh; qua đó, giáo dục, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay. Việc xếp hạng di tích lịch sử Miếu Năm Bà nhằm xác lập cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia thực hành di sản văn hóa tại Miếu Năm Bà. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị của Miếu Năm Bà theo quy định; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp; trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Đảng Bộ Tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận 1099 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích Tháp Hòa Lai

Tháp Hòa Lai, một ngôi tháp cổ được cho là một trong những công trình lâu đời nhất của người Chăm còn tồn tại. Tháp Hòa Lai tọa lạc ngay trên đường quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 9, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga xưa. Tháp Hòa Lai đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1997. Đến ngày 22/12/2016, được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong quá khứ, nơi đây từng có ba ngôi tháp nên từng có tên gọi là Ba Tháp, tuy nhiên do sự bào mòn của thời gian và những biến động trong lịch sử, một ngôi tháp đã bị sập. Người dân bản địa còn hay gọi tháp này là tháp Hòa Lai thay cho tên Ba Tháp ngày trước. Khác với kiến trúc của tháp Po Klong Garai, phong cách kiến trúc của tháp Hòa Lai nổi bật với những cánh cửa hình vòm có nhiều mũi tròn, các trụ tường hình bát giác với phong cách trang trí hình lá uốn cong. Đến với tháp Hoà Lai, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn nghệ thuật xây dựng và điêu khắc cực kỳ tinh tế của dân tộc Chăm Pa. Ngôi tháp vốn là một tổng thể kiến trúc bao gồm tháp Bắc, tháp giữa và tháp Nam. Hiện nay, ngọn tháp trung tâm chỉ còn lại phần nền do bị phá vỡ nghiêm trọng vào thế kỉ 9. Nơi đây được biết đến là khu di tích cổ có khá nhiều công trình phụ bao quanh tháp nhưng theo thời gian chỉ còn một ít vết tích lưu lại như tường thành, lò gạch… Nét đặc sắc của cụm tháp Hòa Lai chính là phong cách trang trí hết sức tinh xảo với những đường nét hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, các trụ ốp và bộ diềm mái. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau. Tháp Bắc được xây bằng gạch, trên tường chạm trổ hoa văn hình mặt chim, thú, lá, hoa… rất ấn tượng. Ở hướng Đông của tháp Bắc chỉ có duy nhất một cửa vào, ba hướng còn lại đều là cửa giả. Bên trong tháp có sẵn các ô hình tam giác để gắn đèn lên mỗi khi cúng tế. Tháp Nam là ngọn cao nhất, cũng được xây bằng gạch và chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. Trải qua hơn 1000 năm cùng biết bao thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp của tháp Hoà Lai vẫn trường tồn theo năm tháng và giữ nguyên những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong lối kiến trúc và điêu khắc của người Chăm xưa. Nguồn: Du lịch Ninh Thuận

Ninh Thuận 1172 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Đình Đắc Nhơn

Đình Đắc Nhơn toạ lạc tại thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ngôi đình xây dựng trên một khu đất bằng và rộng. Năm 1999, Đình Đắc Nhơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Theo hồ sơ lý lịch di tích của Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, đình Đắc Nhơn do một vị sư người Trung Quốc đến Phan Rang xây dựng vào thế kỷ thứ 18 tên là Hoà thượng Liễu Minh - Đức Tạng. Lúc mới xây dựng, đình Đắc Nhơn chỉ là một ngôi miếu nhỏ mang tên “Đắc Nhơn Từ Miếu”. Điều bí ẩn tồn tại hàng trăm năm nay mà không ai lý giải được tại sao ngôi đình Đắc Nhơn của người Việt lại thờ vua Po Klaong Garay của người Chăm? Và việc vua Po Klaong Garay của người Chăm trở thành vị thần hoàng trong ngôi đình của người Việt là một hiện tượng giao lưu văn hoá rất độc đáo. Nhân dân thôn Đắc Nhơn còn lưu truyền câu chuyện rằng, xưa kia vùng đất mà họ đang sinh sống là thuộc nước Chiêm Thành. Để ghi ơn những bậc tiền hiền đã khai khẩn đất hoang, dẫn thuỷ nhập điền nên họ thờ phụng ngài để cầu mong sự bình an, sung túc, lúc gặp hoạn nạn cầu mong ngài phù hộ và che chở. Qua 6 đời vua triều Nguyễn, đình Đắc Nhơn vinh dự 7 lần được trao sắc phong từ thời vua Minh Mạng (1840), đến vua Khải Định (1924). Trong đó, thời vua Thiệu Trị trao 2 tấm sắc phong. Như vậy, đình Đắc Nhơn có tất cả là 8 sắc phong. Nội dung của các tờ sắc phong cho biết vị thần hoàng được dân gian thờ phụng chính ở đình Đắc Nhơn mang tên là “Lạc Phiên Dương thần”, mà trong dân gian hay gọi là vua Lác. Về mặt kiến trúc đình Đắc Nhơn thể hiện đầy đủ tiêu chí của một ngôi đình truyền thống. Nhưng, kiến trúc của đình Đắc Nhơn mang dáng vẻ của một ngôi nhà truyền thống của người Chăm gồm có 3 gian chính. Tại chánh điện có để một cái tấm phản đặt theo hướng bắc nam, nhìn lên trần nhà là cổ lầu làm bằng tấm ván gỗ kết lại như biểu tượng bức màn Lemlir biểu tượng cho bầu trời trong văn hoá Chăm hay là biểu tượng Thang Sa xuất hiện ở kiến trúc đền tháp Po Klaong Garay dùng để treo tấm màn lễ Panil mỗi khi dâng lễ vật trong đền tháp. Những dấu vết, bàn tay tài hoa của người thợ vẫn còn hằn in lên trên các nét chạm trổ, điêu khắc ở công trình kiến trúc tôn giáo đình Đắc Nhơn là một bằng chứng sống động về giao thoa văn hoá Việt - Chăm. Việc một vị vua của người Chăm trở thành thần hoàng được thờ phụng trong ngôi đình của người Việt là một hiện tượng kì lạ và độc đáo phản ánh sự giao lưu, tiếp biến văn hoá Việt - Chăm. Người Việt thờ vua Po Klaong Garay với tên gọi Lạc Phiên Dương thần mà trong dân gian gọi là vua Lác. Đồng thời, người Việt còn sáng tạo thêm về nguồn gốc của vua Lác từ những câu chuyện cổ tích của người Chăm để phù hợp với quan niệm, tư duy người Việt. Khi cúng lễ cho vua Po Klaong Garay trên đền tháp người Chăm cúng con dê, con gà. Khi tiếp nhận văn hoá Chăm, mỗi năm tế thần ở đình Đắc Nhơn bao giờ lễ vật cũng có một con dê. Như vậy, những đường biên văn hoá Việt - Chăm trong việc thờ phụng thần hoàng và xây dựng nhà ở càng làm giàu thêm hệ giá trị văn hoá hai dân tộc. Nguồn: Trang Tin Điện Tử Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Chăm

Ninh Thuận 975 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Làng Tri Thủy

Đình làng Tri Thủy thuộc thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải. Đình được xây dựng cách đây trên 200 năm để thờ thần Thành Hoàng. Đình còn thờ các bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, dựng đình. Hiện nay, tại đình Tri Thủy vẫn còn lưu giữ những sắc phong của các triều vua Nguyễn ban cho Thành Hoàng. Đình làng Tri Thủy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp quốc gia vào tháng 4-2011. Đình Tri Thủy được xây trên khu đất nằm ngay đầu làng Tri Thủy có diện tích 3231,82m2. Mặt trước của Đình hướng ra Đầm Nại, bên phải là chùa Kim Sơn, bên trái là trục đường chính liên xã, phía sau Đình Trị Thủy là Núi Đình và khu dân cư. Tên Đình Tri Thủy lấy theo tên làng Tri Thủy (trước đây có tên làng Bến Đò, thuộc tổng Mỹ Tường, đạo Ninh Thuận nay thuộc thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), được hình thành cách đây 200 năm do những người cánh họ Dương (Bình Định) theo chân Chúa Nguyễn di cư vào Ninh Thuận. Đình được xây dựng để thờ thần Thành Hoàng, theo tín ngưỡng dân gian thì đây là vị Thần bảo trợ cho dân làng, vì không có thần phả để lại nên ngày nay rất khó xác định được lai lịch của Thần. Ngoài Thành Hoàng là đối tượng thờ chính, ở Đình còn thờ thêm các vị tiền bối có công khai khẩn, lập làng, dựng Đình và Bà Thủy Long. Tại Đình còn lưu giữ những sắc phong của các vua Nguyễn ban cho Thành Hoàng . Đình Tri Thủy là một tổng thể kiến trúc công trình xây dựng bao gồm từ ngoài vào là cổng Tam Quan, bức Bình phong, sân Đình, tòa Chánh Điện. Hai bên là tòa Chánh điện là nhà Đông, nhà Tây. Phía sau Chánh điện là 1 khoảng sân nhỏ nối Chánh điện với nhà Tiền Hiền. Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật của một số bộ phận chính: – Cổng Tam Quan: kiến trúc theo phong cách cổ, dáng tứ trụ; trên các cột đắp nổi câu đối có nội dung ca ngợi vùng đất hiển linh, phù hộ cho dân làng sống giàu sang, hạnh phúc. – Bình phong: được xây dựng trước sân Đình đối diện với tòa chánh điện. Theo quan niệm của dân gian, bình phong có tác dụng ngăn ngừa luồng khí độc thổi vào thôn. – Chánh điện: là công trình kiến trúc chính nên có quy mô và uy nghi hơn so với các kiến trúc còn lại được chia làm hai phần: Tiền đàng và Hậu tẩm. Tiền đàng là ngôi nhà dành cho việc hành lễ nên còn gọi là nhà Tiền bái. Tiền đàng là một ngôi nhà tứ trụ, tường xây bằng đá, chất kết dính vữa vôi, mái lợp ngói Tây. Tòa Chánh điện là nơi thờ Thành Hoàng nên nội thất được treo các câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. Chính giữa là án thờ thần, trên án và xung quành án thờ được bài trí các đồ tự khí và các vật trang trí rất tinh xảo nhưng không kém phần uy nghiêm; các hiện vật được lưu giữ tại Đình. Trong năm tại Đình Tri Thủy tổ chức một số lễ nghi thức long trọng như Tết Nguyên đán, Tiết Thanh Minh, Rằm tháng 7 âm lịch…. Nguồn: Du lịch Ninh Thuận

Ninh Thuận 1192 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc

Bẫy đá Pi Năng Tắc còn có tên gọi là “Bẫy đá Bác Ái” nằm tại triền núi Gia Túc, thuộc xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 70km về hướng Tây Bắc. Vào cuối năm 1959, tại địa điểm này Pi Năng Tắc - Anh hùng Lực lượng vũ trang tìm cách ngăn địch vào sâu trong vùng Phước Bình để tàn phá. Tận dụng sự hiểm trở của đèo Gia Túc với dốc cao, một bên là vách đá dựng đứng, phía dưới là dòng sông Trương chảy xiết, vực sâu, chỉ có con đường dẫn vào Phước Bình, ông Pi Năng Tắc cho lập 17 chiếc bẫy đá liên hoàn trên đoạn đường dài khoảng 500 mét, phía dưới đoạn đường cho cắm chông, xoa bẫy, mang cung có tẩm độc. Tại nơi đây đã ghi lại trận địa phục kích địch bằng bẫy đá vào trưa ngày 10/8/1961 của du kích Raglai do Pi Năng Tắc - Anh hùng Lực lượng vũ trang đã chỉ huy dân quân du kích đồng loạt cho sập bẫy, đá trên vách núi đổ xuống đội hình địch, địch hoảng loạn bỏ chạy lại bị tên ná bắn ra, bị đạp chông, mắc bẫy do du kích gài sẵn, khiến cho hơn 100 tên địch thiệt mạng tại chỗ. Bẫy đá Pi Năng Tắc đã cho chúng ta thấy giá trị to lớn về lịch sử kháng chiến nói lên tinh thần dũng cảm, thông minh sáng tạo của đồng bào dân tộc Raglai. Chiến thắng ngày 10/8/1961 là một trong những trận đánh điển hình về nghệ thuật chiến tranh nhân dân chỉ với vũ khí thô sơ. Trải qua mấy chục năm, bãi chiến trường xưa đã có nhiều biến đổi nhưng bẫy đá vẫn còn đó và đã đi vào lịch sử truyền thống của địa phương, ở trong trái tim của mọi người dân Raglai, là niềm tự hào về một quá khứ anh hùng của dân tộc – Pi Năng Tắc. Để ghi nhớ chiến công của anh hùng Pi Năng Tắc, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã dựng bia kỷ niệm chiến tích tại đèo Gia Túc gắn với tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Pi Năng Tắc và đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng địa danh Bẫy đá Pi Năng Tắc là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia vào ngày 31/08/1992. Hiện nay, Bẫy đá Pi Năng Tắc đã trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ học sinh, sinh viên. Mặc dù thời gian đã lùi xa về quá khứ hơn 63 năm, dấu tích về những bẫy đá vẫn hiện hữu sinh động, minh chứng hùng hồn về nghệ thuật chiến tranh du kích, tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Ninh Thuận. Nguồn: Bảo Tàng Tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận 1447 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Núi Cà Đú

Núi Cà Đú là một địa danh có tiếng trên ngã ba quốc lộ 1A Bắc – Nam đi Ninh Chử, nằm bên núi Cà Đú có độ cao 318m. Cà Đú là gọi trại tiếng Chăm: Chơk Du’, nghĩa là núi có hình giống con vích; quả thật nếu đứng từ Gò Đền nhìn núi, ta thấy như con vích, con rùa đang bò ra phía biển. Càng lên cao núi Cà Đú càng thoáng mát bởi cấu trúc của các hang động. Từ đây du khách được ngắm nhìn bao quát khu du lịch biển Ninh Chử, cánh đồng muối Phương Cựu, Đầm Vua, đồng lúa vàng của huyện Ninh Hải và xa xa là hòn núi Đá Chồng. Chính vẻ đẹp này đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp của núi Cà Đú. Với những tảng đá chồng chất lên nhau và nhiều hang lớn, lắm ngõ ngách nên núi Cà Đú khá hiểm trở. Chính địa thế này từ những năm đầu của phong trào Cần Vương, nghĩa quân đã chọn núi Cà Đú làm căn cứ chống pháp. Cũng từ đây, các đội trinh sát, các lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đã bám trụ gầy dựng cơ sở , tổ chức diệt tề, trừ gian. Cùng các chiến khu cách mạng lúc bấy giờ như Bác Ái, Anh Dũng, CK 7, 19, 35, căn cứ núi Cà Đú có một vị trí rất quan trọng nằm giữa vùng bị tạm chiếm, gần dân nhất và cũng gần địch nhất, nhưng căn cứ Cà Đú lại bất khả xâm phạm. Mặc dù quân địch tìm mọi cách tiêu diệt nhưng các trận càn quét, bao vây, phản kích của địch đều bị quân kháng chiến bám trụ ở núi Cà Đú đánh lui. Bao năm bám trụ chịu đựng mọi gian khổ, lực lượng kháng chiến ở núi Cà Đú đã giữ vững niềm tin cách mạng. Núi Cà Đú là một nơi không thể sản xuất ra lương thực, ngay cả nguồn nước uống cũng cần phải tiếp tế, nắm được điều này địch đã dùng mọi thủ đoạn quyết triệt tiêu mọi nguồn tiếp tế của dân cho lực lượng cách mạng. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, niềm tin sắc son vào Cách Mạng, nhân dân ở khu vực xóm Dừa, Dư Khánh… đã không ngại gian khó, hy sinh tìm đủ mọi cách để tiếp tế lương thực cho du kích. Địch chặn đường bộ, nhân dân lại vận chuyển bằng đường thuỷ qua Đầm Nại. Chính sự đùm bọc của nhân dân quanh vùng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ cách mạng và tạo nên các huyền thoại về các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của lực lượng kháng chiến. Chứng tích ấy ngày nay vẫn còn lưu lại trong kí ức của nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Chính ý nghĩa lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đúng vào ngày 16/4/1999 – ngày kỷ niệm giải phóng Ninh Thuận, Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyết định công nhận núi Cà Đú là một di tích lịch sử của tỉnh. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Ninh Hải - Ninh Thuận

Ninh Thuận 1243 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Miếu Xóm Bánh

Miếu Xóm Bánh nằm trên khu phố 1, phường Đài Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, từ trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ khoảng 400m, rẽ theo một con hẻm về phía tay trái hơn 100m là tới di tích. Thời Minh Mạng, Ấp Thanh Sơn (hiện nay là phường Đài Sơn) là vùng đất thuộc thôn Văn Sơn, huyện An Phước, tỉnh Bình Thuận, cư dân nơi đây đã xây dựng một ngôi Miếu nhỏ để thờ phụng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Miếu có tên chữ là Thanh Sơn Miếu, nhưng tên thường gọi là Miếu Xóm Bánh. Nơi đây thờ nữ thần Thiên Y - A Na (bà Chúa Ngọc), một hiện tượng thờ phổ biến của cư dân người Việt trong quá trình di dân và sinh sống trên vùng đất mới. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đến năm Thành Thái thứ 14 được chuyển dời đến địa điểm hiện nay và xây dựng với quy mô lớn còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Miếu Xóm Bánh nằm trong khu vực đông dân cư nhưng lại được xây dựng trên một khu đất khá rộng đến 4629m2, toàn bộ kiến trúc được bao quanh bởi tường thành xây bằng đá, vữa vôi, chừa hai cổng đi vào khu vực Miếu. Cổng phía trước miếu gọi là Nghi môn nằm hướng Nam, cổng phía sau nằm hướng Bắc. Nghi môn có cấu trúc giống như một ngôi nhà nhỏ có 6 trụ bằng vữa vôi, phân đều hai bên theo chiều dọc, nâng đỡ phần mái ở trên, trụ ở giữa được gắn hai cánh cửa gỗ, mái lợp ngói âm dương, ở hai đầu đường bờ nóc đắp nổi vân mây xoắn tạo dáng hình thuyền. Hai bên sân xây am thờ sơn thần, ngũ hành. Bên trong xây dựng khá bề thế, thể hiện những mảng chạm khắc gỗ với nhiều đề tài phong phú như: tứ linh, bát hữu, hoa lá, chim thú; các dải hoa dây, hoa lá tập trung ở các khám thờ, hương án, các bức hoành phi, câu đối, đầu dư, đầu bẩy,…với đường nét tỉ mỉ, tinh xảo, đòi hỏi người nghệ nhân phải dày công mới hoàn thành. Hàng năm, vào rằm tháng giêng, tháng 7 và tháng 10 tiến hành lễ cúng Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Vào ngày 25 tháng chạp âm lịch cúng đưa Chư thần về trời. Ngày 30 tháng chạp âm lịch cúng rước Chư thần về Miếu đón năm mới. Ngoài ra Miếu Xóm Bánh còn tổ chức Lễ Kỳ Yên với đầy đủ nghi thức cổ truyền gần giống nghi thức tế Đình ở Ninh Thuận, được bắt đầu từ sáng hôm trước đến trưa ngày hôm sau, đây là lễ lớn nhất trong năm cầu thần phù hộ cho làng xã bình yên, cơm no áo ấm, lễ diễn ra vào Tiết Thanh Minh. Miếu Xóm Bánh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 2002. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Thành Phố Phan Rang - Tháp Chàm

Ninh Thuận 1045 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Văn Sơn

Đình Văn Sơn thuộc khu phố 4, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, cửa hướng về phía Nam, phía trước có hồ sen hình bán nguyệt, xa dần ở phía sau là ngọn núi Cà Đú. Vào năm 1829, sau khi việc trùng tu Đình hoàn thành các Hương chức bây giờ dựng bia kỷ niệm, tấm bia được đặt trước sân nhà Tiền hiền, ở giữa là chữ “ Văn Sơn Thôn Đình” , bên trái là “ Minh mạng thập niên tuế thứ Ất Hợi cốt ngoạt kiết đán” (ngày 1 tháng tốt năm Ất hợi đời vua Minh Mạng thứ mười 1892). Đây là niên đại duy nhất đề cập tới quá trình hình thành của Đình được khắc trên văn bia và lưu giữ đến ngày nay, vì vậy đời sau đã lấy đó làm mốc cho việc thành lập Đình nhưng thật chất ngôi Đình đã có trước đó. Đình Văn Sơn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thôn Văn Sơn, nó chính là kết quả của một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Từ cổng Tam quan vào, qua một sân gạch đất tòa Chánh điện, nhà Tiền hiền nằm ở phía Tây tòa Chánh điện, nhà Nhóm nằm ở phía Đông tòa Chánh điện, liên kết giữa Tiền hiền- Chánh điện- Nhà nhóm bằng hai cửa phụ ở hai đầu hồi tòa Chánh điện, toàn bộ kiến trúc liên hoàn với nhau tạo thành một công trình khép kín. Chính điều này, khi bước chân vào Đình, du khách cảm nhận được không khí trang nghiêm đầm ấm, gần gũi. Đình Văn Sơn là một ngôi đình có nhiều nhà vuông ghép lại, toàn bộ kiến trúc được đặt trên nền móng cao gia cố kỹ, tránh được mưa gió, xây dựng tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng, với kỷ thuật xây dựng này tạo cho ngôi Đình nét khỏe khoắn và vững chãi. Đình có nhiều mảng chạm khắc đẹp, đề tài trang trí phong phú gồm: “Tứ linh” (Lân - Ly - Quy - Phụng), Rồng, Bát Tiên, Bát Bửu, từ một dải hoa dây, từ cây trúc, cây mai, từ một dải vân mây qua sự khéo léo của các nghệ nhân cũng được cách điệu thành Rồng. Các tác phẩm chạm khắc của các nghệ nhân không bị gò bó theo một khuôn khổ mà thường có sự ngẫu hứng và luôn dẫn dắt người xem đến những điều mới lạ. Ngày 24 tháng chạp âm lịch hàng năm, Đình tổ chức Lễ đầu năm và cuối năm, đưa chư Thần Thành Hoàng về báo công và tội của làng, ngày 26 tháng giêng âm lịch có lễ tạ Thần để tạ ơn thần phù hộ cho dân làng và cầu mong những điều lành cho năm tới. Lễ Tam Nguyên diễn ra trong 3 ngày rằm lớn trong năm, rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, lễ này để tạ ơn thần Thiên Quan Đại Đế đã làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ Kỳ Yên đây là lễ chính ở Đình, hằng năm tổ chức 2 lần vào mùa Xuân (tháng 2 hoặc tháng 3 Âm lịch) và mùa Thu (tháng 7 hoặc tháng 8 Âm lịch), với mục đích cầu thần cho mùa màng sắp tới và báo đáp thần sau mùa thu hoạch. Ngày hội đình được tổ chức hằng năm vào tiết Thanh minh, đặc biệt là tại đây đã tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 (âm lịch), từ năm 2004 đến nay. Đình Văn Sơn được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích quốc gia năm 1999. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Thành Phố Phan Rang - Tháp Chàm

Ninh Thuận 1022 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật