Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc

Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc

Địa phận của huyện Bác Ái là một phần nối liền của dãy Trường Sơn hùng vĩ; là vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của miền cực Nam Trung Bộ. Bác Ái là tên của một huyện miền núi, là địa bàn cư trú của cộng đồng dân tộc Raglai, một dân tộc có dân số hiện nay đứng thứ ba của tỉnh Ninh Thuận. Nhắc đến Ninh Thuận nhiều du khách sẽ nhớ đến những địa điểm nổi tiếng như biển Ninh Chữ, biển Cà Ná, Vịnh Vĩnh Hy, làng nghề gốm Bầu Trúc, các di tích tháp Chăm… Nhưng ít ai biết được rằng nơi đây còn là vùng đất của nhiều di tích lịch sử cách mạng. Trong các di tích ấy phải kể đến Di tích lịch sử cách mạng Bẫy đá Pi Năng Tắc. Bẫy đá Pi Năng Tắc còn có tên gọi là “Bẫy đá Bác Ái” nằm tại triền núi Gia Túc, thuộc xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 70km về hướng Tây Bắc. Vào cuối năm 1959, tại địa điểm này Pi Năng Tắc - Anh hùng Lực lượng vũ trang tìm cách ngăn địch vào sâu trong vùng Phước Bình để tàn phá. Tận dụng sự hiểm trở của đèo Gia Túc với dốc cao, một bên là vách đá dựng đứng, phía dưới là dòng sông Trương chảy xiết, vực sâu, chỉ có con đường dẫn vào Phước Bình, ông Pi Năng Tắc cho lập 17 chiếc bẫy đá liên hoàn trên đoạn đường dài khoảng 500 mét, phía dưới đoạn đường cho cắm chông, xoa bẫy, mang cung có tẩm độc. Tại nơi đây đã ghi lại trận địa phục kích địch bằng bẫy đá vào trưa ngày 10/8/1961 của du kích Raglai do Pi Năng Tắc - Anh hùng Lực lượng vũ trang đã chỉ huy dân quân du kích đồng loạt cho sập bẫy, đá trên vách núi đổ xuống đội hình địch, địch hoảng loạn bỏ chạy lại bị tên ná bắn ra, bị đạp chông, mắc bẫy do du kích gài sẵn, khiến cho hơn 100 tên địch thiệt mạng tại chỗ. Bẫy đá Pi Năng Tắc đã cho chúng ta thấy giá trị to lớn về lịch sử kháng chiến nói lên tinh thần dũng cảm, thông minh sáng tạo của đồng bào dân tộc Raglai. Chiến thắng ngày 10/8/1961 là một trong những trận đánh điển hình về nghệ thuật chiến tranh nhân dân chỉ với vũ khí thô sơ. Trải qua mấy chục năm, bãi chiến trường xưa đã có nhiều biến đổi nhưng bẫy đá vẫn còn đó và đã đi vào lịch sử truyền thống của địa phương, ở trong trái tim của mọi người dân Raglai, là niềm tự hào về một quá khứ anh hùng của dân tộc – Pi Năng Tắc. Để ghi nhớ chiến công của anh hùng Pi Năng Tắc, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã dựng bia kỷ niệm chiến tích tại đèo Gia Túc gắn với tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Pi Năng Tắc và đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng địa danh Bẫy đá Pi Năng Tắc là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia vào ngày 31/08/1992. Hiện nay, Bẫy đá Pi Năng Tắc đã trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ học sinh, sinh viên. Mặc dù thời gian đã lùi xa về quá khứ hơn 63 năm, dấu tích về những bẫy đá vẫn hiện hữu sinh động, minh chứng hùng hồn về nghệ thuật chiến tranh du kích, tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Ninh Thuận. Nguồn: Bảo Tàng Tỉnh Ninh Thuận

Ninh Thuận 210 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Ninh Thuận

Di tích Đề-pô xe lửa Tháp Chàm

Ninh Thuận 284

Di tích cấp tỉnh

Trùng Sơn Cổ Tự

Ninh Thuận 221

Di tích cấp quốc gia

Miếu Năm Bà

Ninh Thuận 213

Di tích cấp tỉnh

Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc

Ninh Thuận 211

Di tích cấp quốc gia

Núi Cà Đú

Ninh Thuận 207

Di tích cấp tỉnh

Di tích Tháp Hòa Lai

Ninh Thuận 203

Di tích quốc gia đặc biệt

Miếu Xóm Bánh

Ninh Thuận 202

Di tích cấp quốc gia

Đình Làng Tri Thủy

Ninh Thuận 201

Di tích cấp quốc gia

Đình Đắc Nhơn

Ninh Thuận 195

Di tích cấp quốc gia

Đình Văn Sơn

Ninh Thuận 193

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật