Điểm di tích

Di tích lịch sử khu vực Đồn Biên phòng Bu Prăng

Ngày 4/1/2023, Di tích lịch sử khu vực Đồn Biên phòng Bu P'răng nằm ở bon Đắk Huýt và bon Bu P'răng 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đài tưởng niệm liệt sĩ – nơi ghi danh và tri ân 16 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977. Để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ngày 20/5/1975, Đồn Công an nhân dân vũ trang Bu P’răng (tiền thân của Đồn biên phòng Cửa khẩu Bu P’răng) được thành lập, với quân số ban đầu là 32 cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang được chi viện từ tỉnh Sơn La vào. Lúc bấy giờ, đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia với đoạn biên giới dài 16,5 km, thuộc xã Quảng Trực (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Lắk cũ) nay là huyện Tuy Đức (Đắk Nông), giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường bám trụ, dũng cảm chiến đấu 127 trận, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Mốc son lịch sử thể hiện tinh thần quả cảm của các chiến sĩ lúc bấy giờ là trận đánh kéo dài 47 ngày đêm (từ ngày 29/3 đến 16/5/1978) với bọn Pôl Pốt. Cuộc chiến đấu thắng lợi, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới nói trên thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Bu P’răng. Với chiến công đó, ngày 6/11/1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Bu P’răng đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đồn biên phòng cửa khẩu Bu P’răng đóng quân trên địa bàn huyện Tuy Đức, cách trung tâm huyện 35 km, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chính diện 11 km đường biên giới, phụ trách bon Bu P’răng 2 thuộc xã Quảng Trực (Tuy Đức). Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch của cấp trên về nhiệm vụ, công tác biên phòng. Theo đó, cùng với xây dựng đầy đủ các văn kiện tác chiến, đồn thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống nảy sinh trên biên giới, địa bàn, trạm cửa khẩu. Chỉ tính trong 2 năm 2020-2021, đồn đã tổ chức 676 đợt tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới với 6.084 lượt cán bộ, chiến sĩ, qua đó phát hiện và xử lý 10 vụ/11 đối tượng vi phạm biên giới. Là đồn cửa khẩu, đơn vị duy trì hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu chặt chẽ, đúng luật pháp, đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, duy trì ổn định và phát triển quan hệ hợp tác hai bên biên giới. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Nông Thôn Mới - Tỉnh Đăk Nông

Đắk Nông 176 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Cầu Sêrêpôk

Cầu Sêrêpôk do người Pháp xây dựng vào năm 1941, hoàn thiện, đưa vào sử dụng năm 1957 và được chính quyền Pháp đặt tên là cầu 14 (cầu nằm trên tuyến đường 14), còn người dân địa phương đặt tên là cầu Sêrêpôk vì bắc qua sông Sêrêpôk nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đầu cầu phía đông thuộc xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; còn đầu cầu phía đông thuộc xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Năm 1904, thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy cai trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk và chia cao nguyên Đắk Lắk thành năm quận. Trong quá trình xâm lược, thực dân Pháp đã nhận thấy sự khó khăn trong việc di chuyển trên con đường huyết mạch, làm ảnh hưởng đến ý đồ xâm chiếm mở rộng lãnh thổ. Năm 1941, chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dựng cầu 14 và cây cầu được xây dựng bằng xương máu của các tù nhân chính trị ở nhà đày Buôn Ma Thuột, người dân địa phương. Cầu được thiết kế với kết cấu giàn bê tông cốt thép liên tục chạy dưới, dài 169,5 m, có 4 nhịp, rộng 5 m, hai làn đường cho người đi bộ 1,37 m, làn đường xe chạy là 2,8 m, tải trọng 5 tấn. Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 thì cầu Sêrêpôk thuộc loại hiện đại và có kiến trúc đẹp. Bước sang giai đoạn 1954-1975, tuyến đường 14 được đế quốc Mỹ và ngụy quyền khai thác triệt để, bố trí lực lượng chốt chặn nhằm kiểm soát, ngăn chặn mọi nguồn lực của bộ đội Việt Nam. Cũng chính tại nơi đây, quân và dân ta mở mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rồi hướng về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1985, trước tình hình phát triển của vận tải đường bộ, cầu Sêrêpôk xây dựng từ thời Pháp không thể tiếp tục đáp ứng được nhu cầu vận chuyển về cả tải trọng và mật độ phương tiện nên Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư xây dựng cây cầu mới thay thế cho cầu cũ tải trọng nhỏ và đã xuống cấp. Cầu Sêrêpôk mới được xây dựng tại lý trình Km 733+900 Quốc lộ 14, cách cầu cũ 30 m về phía bắc. Cầu dài 176 m, có kết cấu bê tông cốt thép dầm giản đơn, gồm 5 nhịp, chiều rộng 11 m, có 2 làn xe cơ giới rộng 7 m và 2 làn đi bộ rộng mỗi làn 1,25 m. Công trình do Khu Đường bộ 5 làm chủ đầu tư và Công ty Công trình Giao thông 510 của Tổng công ty Công trình Giao thông 5 thuộc Bộ Giao thông vận tải thi công. Cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 1992. Từ đó, các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 14 đều qua cây cầu mới. Vào năm 2016, một cây cầu thứ ba nằm giữa hai cầu cũng đã được hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng trên Quốc lộ 14. Với ý nghĩa đó, cầu Sêrêpốk được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông chọn làm điểm di sản của Công Viên Địa Chất Đắk Nông thuộc tuyến du lịch “Bản giao hưởng của làn gió mới”. Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử

Đắk Nông 154 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk

Đồi 722 – Đắk Sắk là căn cứ biệt kích của Mỹ - Ngụy thiết lập năm 1965. Đây là nơi diễn ra trận chiến ác liệt của bộ đội chủ lực cùng lực lượng quân sự địa phương tiến công tiêu diệt căn cứ biệt kích vào ngày 22 và 23/8/1968. Đồi 722 ở độ cao 722m so với mặt biển trên địa bàn thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil,. Tháng 5/1965, Mỹ - Ngụy và chính quyền Sài Gòn cho xây dựng căn cứ quân sự Đồi 722 (còn gọi là trại lực lượng đặc biệt Đức Lập) cách trung tâm quận Đức Lập khoảng 10 km về hướng Đông nhằm tăng cường lực lượng và gia tăng các hoạt động quân sự. Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, năm 1968 Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên xác định cần phải tiêu diệt địch tại chi khu quận lỵ Đức Lập mà nòng cốt là cứ điểm quân sự Đồi 722 - Đắk Sắk, một trong số sào huyệt trọng yếu của địch trên mặt trận Tây Nguyên. Thực hiện chủ trương đó, trong suốt những năm 1968 đến 1975 bộ đội chủ lực ta phối hợp với quân dân địa phương tổ chức nhiều trận đánh vào cứ điểm này, một mặt làm tiêu hao lực lượng sinh lực địch, mặt khác nhằm đánh phá hệ thống đồn bốt đang án ngự phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường Nam Tây Nguyên. Sau năm 1968, qua nhiều thất bại nặng nề ở chiến trường Nam Tây Nguyên, địch lui về cố thủ trong các cứ điểm quân sự, trong đó địa bàn Đồi 722 - Đắk Sắk là cứ điểm quân sự trọng yếu. Từ đây, chúng tiếp tục thực hiện chính sách dồn dân lập ấp. Trước tình hình đó, để giữ vững thế trận, Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo Huyện ủy Đắk Mil, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện “ba bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất và du kích bám địch) tiếp tục đấu tranh với địch, đẩy mạnh xây dựng hậu cứ, tăng gia sản suất, bảo đảm cung cấp lương thực cho mặt trận; mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế co cụm, cùng với Nhân dân cả nước sẵn sàng chiến đấu. Đến năm 1975, cứ điểm Đắk Sắk, Đức Lập bị quân ta xóa sổ hoàn toàn. Sau ngày giải phóng, để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta tại Đồi 722 - Đắk Sắk nói riêng, trong chiến dịch Đức Lập mùa thu 1968 nói chung, tỉnh Đắk Nông đã lập Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ngày 24/10/2012, di tích Đồi 722 - Đắk Sắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Di tích lịch sử Đồi 722 - Đắk Sắk có tổng diện tích gần 4 ha, trên di tích này vẫn còn lại một số di vật, quân trang quân dụng, như giày, mũ, vỏ đạn. Năm 2010, khu vực I của di tích đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm, khuôn viên cây xanh và tường rào với tổng diện tích đầu tư xây dựng 2.485m2. Hàng năm, di tích phục vụ khoảng trên 1.000 lượt khách đến viếng thăm, học tập. Đây là di tích lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong giáo dục truyền thống, ý thức chính trị cho thế hệ trẻ, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh. Là một trong những mốc son lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử

Đắk Nông 152 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh

Căn cứ vào sử liệu địa phương và lời kể của một số già làng ở Krông Nô thì N’Trang Gưh, tên thật là Y Gưh, là người dân tộc Ê đê, sinh khoảng năm 1845, tại buôn Choáh Kplang, nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Tương truyền, N’Trang Gưh là người tài cao, đức rộng và là một thành viên săn bắn giỏi của buôn nên có nhiều của cải quý giá như sừng tê giác, ngà voi. Không những thế, ông còn biết tính toán làm ăn giỏi nên mỗi khi đến mùa luôn thu được nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều trâu, bò, heo, gà... có uy tín trong buôn gần, làng xa, được mọi người yêu quý. Ngoài giàu có về của cải, ông còn là người giàu lòng thương người vì luôn hướng dẫn bà con những kinh nghiệm săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, mất mùa. Năm 1884, quân Xiêm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, đánh chiếm vùng hạ lưu sông Krông Nô và Krông Ana. Hưởng ứng lời kêu gọi của N’Trang Gưh, người dân ở 20 buôn người Bih sống trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đã đứng lên chống ngoại xâm. Nghĩa quân do N’Trang Gưh chỉ huy có đến 600 người, không có súng, chỉ dùng các loại vũ khí thô sơ: cung tên, giáo mác… Nhằm tăng thêm sức mạnh, N’Trang Gưh đã tạo ra một loại nỏ khá đặc biệt, chưa ở đâu có. Nỏ có chiều dài quá đầu người, thành nỏ rộng một gang tay, mỗi lần bắn ra 3 mũi tên. Với thứ vũ khí lợi hại này, cộng với tinh thần dũng cảm, kiên cường và mưu trí, năm 1887, nghĩa quân N’Trang Gưh đã bao vây tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm ngay trên cánh đồng buôn Tur và buôn Phok. Chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân N’Trang Gưh đã đập tan cuộc xâm lược của quân Xiêm, giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất, xây dựng buôn làng. Những năm đầu thế kỷ 20, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp đã thâu tóm và kiểm soát gần như toàn bộ số buôn, bon của đồng bào bản địa trên vùng đất Tây Nguyên. Buốc Gioa (Bourgeois), công sứ Pháp đầu tiên tại Đắk Lắk đã ngang nhiên dùng vũ lực quân sự xua đuổi người Ê đê, M’nông đi nơi khác, chiếm lấy buôn, bon, đất đai, nương rẫy, bến nước để thiết lập các đồn điền và xây dựng hệ thống đồn bốt. Đồng bào bị bắt vào làm phu trong các đồn điền của Pháp, mỗi ngày họ phải lao động từ 14 đến 15 giờ. Đầu năm 1900, quân Pháp đánh chiếm các buôn của người Bih dọc lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana. N’Trang Gưh đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu chống lại quân xâm lược, nổi tiếng nhất là trận tiêu diệt đồn buôn Tur. Vào một buổi sáng năm 1901, dưới sự chỉ đạo của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã vượt sông Krông Nô bao vây đồn Tur, dùng ná bắn được nhiều tên giặc rồi tấn công vào đồn. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ quân địch đồn trú tại đây bị tiêu diệt, tên thực dân Buốc Gioa, kẻ có nhiều nợ máu với nhân dân chết gục trước sân đồn. Thừa thắng, nghĩa quân tiếp tục tiến công, lần lượt tiêu diệt các đồn khác của thực dân như đồn buôn Jiăng, đồn buôn Dur... Với sự lãnh đạo tài tình và dũng cảm của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã chiến đấu trong suốt 13 năm. Năm 1914, do trong hàng ngũ nghĩa quân có người phản bội, địa điểm đóng quân của N’Trang Gưh bị tiết lộ, nên ông bị Pháp bắt, kết án tử hình. Sau khi N’Trang Gưh mất, thi thể của ông được nhân dân đưa về chôn cất tại quê hương, nơi ông sinh ra là buôn Choáh xã buôn Choah (Krông Nô). Để ghi nhớ địa điểm từng để lại nhiều dấu ấn lẫy lừng của người tù trưởng buôn làng Ê Đê, người anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên, ngày 2-8-2011, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Krông Nô

Đắk Nông 215 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử địa điểm bắt liên lạc Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ

Di tích lịch sử thôn Cây Xoài là Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Ngày 25/5/1959, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức thành lập Đoàn B90, có nhiệm vụ bí mật vào Nam cùng với đơn vị tại chỗ xây dựng cơ sở, xoi mở hai tuyến đường phía Đông và phía Tây từ Nam Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ - nơi có Xứ ủy Nam Bộ. Vượt qua những khó khăn, hi sinh và cả những chuyến móc nối không thành công, cuối cùng, vào khoảng 16 giờ, ngày 30/10/1960, Đoàn công tác B90 đã bắt liên lạc với đoàn công tác C200 của miền Đông Nam Bộ tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 4/11/1960, tại Km 4 trên đường Đắk Song đi Gia Nghĩa, cánh phía Tây của Đoàn B90 tiếp tục bắt liên lạc với đơn vị C270 từ Đông Nam Bộ lên. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được khai thông đã trở thành một điểm nút quan trọng giúp thông suốt tuyến đường Hồ Chí Minh, từ đây, tuyến vận tải quân sự chiến lược Đường Hồ Chí Minh như huyết mạch thông suốt từ Bắc chí Nam chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1961 đến năm 1965, tuyến Đường Hồ Chí Minh thông suốt, hàng vạn con em đồng bào Nam Bộ tập kết ra Bắc đã trở lại chiến trường; hàng loạt nhu yếu phẩm như bưu phẩm, công văn tài liệu, vũ khí, khí tài, kể cả thiết bị đài phát thanh giải phóng... đã được các chiến sĩ giao liên tuyến cánh Đông và cánh Tây đưa đón vận chuyển khẩn trương chi viện cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ; đưa đón cán bộ cấp cao của Đảng vào Nam lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống Mỹ. Qua một thời gian hoạt động, cơ sở ở Nam Tây Nguyên được mở rộng và nối liền các vùng có cơ sở ở Tây Khánh Hòa, Tây Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng và nối liền từ Đắk Mil đến chiến khu Đ. Bên cạnh đó, lực lượng hành lang Quảng Đức phối hợp với Campuchia mở rộng vùng kiểm soát dọc tuyến hành lang, tạo sự liên hoàn, phối hợp có hiệu quả các chiến trường trong kháng chiến. Để đạt được kỳ tích nối thông giữa các chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, không thể không nhắc đến vai trò của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã không quản hi sinh, gian khổ bảo vệ hành lang, che chở cho các lực lượng tham gia vận tải quân sự trên đường Trường Sơn, che dấu cán bộ, bảo vệ cách mạng, đảm bảo hoạt động thông suốt. Đó là những chàng trai, cô gái Đoàn H50 bám đường, bất chấp gian khổ, thiếu thốn; Là các đoàn dân công của địa phương bí mật gùi, thồ hàng hóa, vũ khí vượt qua những đèo cao, dốc đứng, cánh đồng lầy lội và đồn bốt nguy hiểm; Đó là hình ảnh 800 đồng bào ở căn cứ Nâm Nung phải ăn lá rừng, củ rừng để dành lúa, ngô, khoai, sắn giúp đỡ đội xoi đường và cán bộ, bộ đội đi trên hành lang, bất chấp sự nguy hiểm để nuôi quân, che chở các chiến sĩ cách mạng... Di tích lịch sử thôn Cây Xoài “Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông” là một trong những địa danh lịch sử gắn liền với kỳ tích của thế kỷ 20 - Đường Trường Sơn, được Nhà nước đầu tư xây dựng và hoàn thành vào ngày 23/3/2010. Ngày 02/8/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận đây là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Ngày 30/10/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ tưởng niệm và đặt Bia ghi danh sách các cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Nguồn: Đảng Ủy Khối Các Cơ Quan Và Doanh Nghiệp Tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông 704 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của N’Trang Lơng

Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào Mnông do người anh hùng N'Trang Lơng lãnh đạo là nơi ghi dấu chiến công hiển hách, oanh liệt chống ngoại xâm, thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần bất khuất, đoàn kết, nghĩa tình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến tranh đi qua, nơi đây còn dấu tích hầm, hào, lũy, công sự... mang giá trị lịch sử - văn hóa trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ. Hiện nay, để ghi nhớ công ơn, chiến công đấu tranh chống giặc xâm lược, các cấp thẩm quyền đã xếp hạng, đầu tư, tu bổ, phục dựng lại một số địa điểm của phong trào đấu tranh do N'Trang Lơng tại huyện Tuy Đức và xây dựng tượng đài tại Thành phố Gia Nghĩa cụ thể như: 1. Dấu tích đồn Bu Méra có tổng diện tích 1 ha (100m - 100m), đồn trước đây được bố trí khá khoa học, gồm một cửa chính ở phía Tây - Bắc, rộng 2,5m và 2 cửa phụ (cửa thoát hiểm) phía Tây - Nam và Đông - Bắc thông theo đường hào chạy dọc xuống phụ lưu Đắk Buk So. Với diện tích tổng thể chỉ có 1 ha, nhưng đồn Bu Méra lại chứa đựng một tiểu quần thể sinh thái mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên; có nhiều loại gỗ lớn, tuổi từ 70 đến 90 năm (là gỗ tái sinh, hầu như vẫn còn nguyên vẹn), cùng với nhiều loài chim, sóc, bò sát,… Hiện nay, di tích đã được phục dựng, tôn tạo với các hạng mục như hào, lũy, cổng,… để phục vụ khách tham quan du lịch. 2. Dấu tích bon Bu Nor với diện tích khoảng 7 ha, hiện nay nằm trong rừng phòng hộ của Lâm trường Quảng Tân với nhiều loại gỗ kích thước khá lớn, còn nguyên sinh. 3. Dấu tích "Bia Henri Maitre" được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Đăk Nông công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 24 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Đăk Nông. Hiện nay, phần mộ của Henri Maitre vẫn nguyên vẹn. Mộ có diện tích khoảng 3m2, nơi cao nhất là 40cm (so với mặt đất), dấu tích phản ánh tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc Đăk Nông dưới sự lãnh đạo mưu lược dũng mãnh của vị anh hùng dân tộc N'Trang Lơng. 4. Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1935 tại đồi Đắk Nu, phường Nghĩa Đức, Thành phố Gia Nghĩa. Ngày 27/08/2007, Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Nguồn: Sở Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch Đắk Nông

Đắk Nông 230 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV

Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV thuộc thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung (Krông Nô) hiện đang được đầu tư xây dựng, trùng tu gần hoàn thành. Không những là “địa chỉ đỏ” để lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng mà khu di tích sẽ hứa hẹn trở thành một trong những điểm du lịch lịch sử-sinh thái hấp dẫn. Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV nằm giữa một vùng đồi núi chập chùng như ôm ấp và che chở các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Nơi đây, tháng 12/1960, Tỉnh ủy Quảng Đức được thành lập trực thuộc Liên Khu ủy 5, dựa vào vùng căn cứ kháng chiến tại Nâm Nung gồm các buôn R’cập, Ja Ráh, Dốc Ju, Broah, Choaih, Fi Bri để lãnh đạo cách mạng. Khu căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV trong kháng chiến giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói. Đồng thời, cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam. Với những chiến tích lịch sử oai hùng đó, ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV là di tích cấp Quốc gia. Để địa danh xứng tầm với vai trò, vị trí về lịch sử cách mạng, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức khảo sát, khoanh vùng di tích. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã quyết định đầu tư hơn 28 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu các hạng mục: khu công sự, khu văn phòng liên tỉnh IV, phòng làm việc Ban cán sự B4, hội trường, trạm quân y, cầu qua khu căn cứ, đường nội bộ khu căn cứ, khu khánh tiết (nhà lưu niệm, bia tưởng niệm, tượng đài) và trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường ở khu căn cứ cách mạng Nâm Nung. Để phát huy giá trị lịch sử cách mạng, công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị to lớn của khu di tích đã được triển khai sâu rộng, từ đó, có ý thức bảo vệ, hiểu được tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử của quê hương. Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử

Đắk Nông 231 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà ngục Đăk Mil

Nằm dọc theo quốc lộ 14, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 60 km, ngục Đắk Mil, nằm trong địa phận huyện Đắk Mil, là di tích lịch sử oai hùng còn mang đậm dấu ấn của thời gian. Nhà ngục Đăk Mil, được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia ngày 17 tháng 3 năm 2005. Di tích Nhà ngục Đắk Mil, nằm gần trung tâm thị trấn Đăk Mil, cách tỉnh lỵ Đắk Nông 69 km theo đường bộ. Đường đi đến di tích rất thuận lợi, khách tham quan có thể đi bằng mọi phương diện cơ giới. Từ thị trấn Gia Nghĩa theo quốc lộ 14 hướng Tây Bắc đến ngã ba huyện Đăk Mil, rẽ trái khoảng 1 km vào UBND xã Đak Lao, đi tiếp hơn 100m tới ngã ba đầu tiên, rẽ phải khoảng 50m là đến di tích. Năm 1940, phong trào Cách mạng nổ ra khắp nơi trong cả nước, do số lượng tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng đông và để phục vụ thi công tuyến đường xuyên qua cao nguyên M’Nông bên cạnh nhà tù Buôn Ma Thuột thực dân Pháp còn cho xây dựng Nhà ngục Đăk Mil, (nay thuộc huyện Đăk Mil, Đắk Nông) giữa một khu rừng già, nơi rừng thiêng nước độc dùng để giam tù chính trị. Nhà ngục Đăk Mil, trở thành một cơ sở cách mạng trên địa bàn huyện và đã chứng kiến nhiều lần vượt ngục của những người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam Từ năm 1940 đến 1943, nơi đây đã giam giữ hàng trăm lượt chiến sĩ cộng sản, có thời điểm lên đến 120 người. Các chiến sĩ cách mạng bị đày ở Nhà ngục Đăk Mil, từ năm 1941 đến năm 1943: Chu Huệ, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Doánh, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Khải, Trần Tống, Lê Nam Thắng …. Cuối năm 1943 người Pháp chuyển toàn bộ số tù ở đây về nhà ngục Buôn Ma Thuột và cho phá hủy ngục Đăk Mil,. Nhà ngục Đăk Mil, thời xưa được dựng trên một khoảng đất giữa rừng núi u ám của huyện Đăk Mil,. Bên ngoài dãy Nhà ngục 9 gian thưng bằng gỗ, mái lợp tranh là hàng rào gỗ được chèn chặt bằng giây thép gai. Bên trong Nhà ngục lối đi được đặt ở giữa 2 dãy sàn gỗ có đủ cùm chân, xiềng tay, mỗi một chiếc cùm có treo 4 ống tre: 2 ống trên đựng nước uống, 2 ống dưới đựng nước tiểu và phân. Trải qua một thời gian dài, Nhà ngục Đăk Mil, đã bị đổ nát và trở thành phế tích. Hiện nay, vào ngày 31/12/2010, sau hơn hai năm tiến hành trùng tu, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc khôi phục, xây dựng Di tích lịch sử quốc gia Nhà ngục Đăk Mil, tại thôn 9A, xã Đắk Lao (Đắk Mil). Công trình do Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch đầu tư với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Toàn bộ di tích nằm giữa khu dân cư đông đúc với diện tích khoảng gần 1 ha, với 2 hạng mục chính là nhà ngục và nhà trưng bày các hiện vật. Nhà ngục đã được tái hiện với diện tích tương tự nhà ngục trước đây thực dân Pháp đã dựng nên, hiện vẫn còn nền móng cũ. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Đắk Mil,.

Đắk Nông 165 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật