Điểm di tích

Di tích lịch sử Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn

Nhà và lò gạch Võ Công Tồn là nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn - người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mệnh cho Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930-1945). Sở dĩ Di tích có tên gọi là Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn bởi vì đây là một tổng thể kiến trúc gồm hai điểm: Ngôi nhà của ông Võ Công Tồn và lò gạch thuộc sở hữu của ông. Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn tọa lạc tại ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nhà Võ Công Tồn được xây dựng khoảng năm 1910, theo kiểu chữ công, ba gian, hai chái với chất liệu bê tông, mái ngói. Năm 1984, do bị xuống cấp, ngôi nhà bị phá bỏ, chỉ tận dụng lại móng, nền, ngói để dựng ngôi nhà mới có diện tích 128m2. Trang trí bên trong nhà mang phong cách chung của các ngôi nhà khá giả cuối thế kỷ XIX với bao lam, hoành phi, câu đối. Nổi bật ở nhà Võ Công Tồn là bao lam với đề tài đa dạng được thể hiện sinh động bởi kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, cẩn ốc xà cừ rất công phu và có giá trị về mặt điêu khắc, chạm gỗ. Lẫm lúa nhà Võ Công Tồn là nơi bác Tôn Đức Thắng mở lớp học truyền bá tư tưởng chống thực dân Pháp vào năm 1928. Lò gạch là nơi Võ Công Tồn sản xuất và kinh doanh gạch ngói tạo nguồn tài chính cung cấp cho Đảng. Cơ sở tin cậy của Đảng bộ Chợ Lớn, Xứ ủy Nam kỳ và các phong trào yêu nước trước năm 1945. Năm 1927, Nguyễn An Ninh là nhà cách mạng, nhà văn và nhà báo. Ông đã sáng lập tổ chức yêu nước Thanh niên Cao vọng Đảng, nhưng năm 1923, Võ Công Tồn đã sát cánh cùng Nguyễn An Ninh trong công tác làm báo. Mở trường lớp để nâng cao dân trí, tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc cho quần chúng nhân dân, các lớp học ngắn ngày thường xuyên được tổ chức tại khu lò gạch Võ Công Tồn do Nguyễn An Ninh trực tiếp giảng huấn, thu hút đông đảo công nhân lò gạch. Vào năm 1935, Chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại khu Lò gạch Võ Công Tồn. Mọi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ đều diễn ra tại đây. Năm 1936, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thị Minh Khai mở lớp học 20 ngày để tuyên truyền vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin cho đông đảo công nhân lò gạch. Năm 1937, có 40.000 truyền đơn phản đối toàn quyền Brevie và thanh tra lao động J.Godart sang Việt Nam cũng được in ra tại khu lò gạch của Võ Công Tồn. Những truyền đơn in từ lò gạch được rải khắp nơi từ Sài Gòn Chợ Lớn đến Tân An và Mỹ Tho. Khu lò gạch là nơi Võ Công Tồn trực tiếp sản xuất và kinh doanh, có lúc lên đến hơn 300 công nhân. Nơi đây chính là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho Đảng. Các nhà yêu nước hoạt động trong những năm đầu Đảng còn non trẻ. Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn đã được Bộ Văn Hóa – Thông tin ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 19/01/2004. Nguồn: Cổng Thông Tin Tỉnh Ủy Long An

Long An 337 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Ngã Tư Rạch Kiến

Di tích lịch sử, văn hóa “ Ngã Tư Rạch Kiến”, tọa lạc tại ấp 1, xã Long Hòa, huyện Cần Đước. Đây là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến nổi tiếng ở Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày 20/12/1966, đế quốc Mỹ đổ quân xuống tái chiếm Rạch Kiến với âm mưu khống chế, đánh phá vùng giải phóng Cần Đước, Cần Giuộc hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và cứu vãn tình thế đang ngày càng rệu rã suy sụp ngụy quân, ngụy quyền ở vùng này. Từ căn cứ này địch liên tục bắn pháo đi các nơi bất kể ngày đêm. Ngày nào chúng cũng tung lực lượng đi càn để tìm cách tiêu diệt lực lượng của ta. Được sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, một vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến được thiết lập, vành đai diệt Mỹ bao gồm 12 xã. Lực lượng vũ trang của huyện lúc này có 7 Trung đội địa phương với quân số trên 200 người, ngoài ra còn 5 Trung đội du kích liên xã quân số trên 100. Mỗi xã đều có 1 trung đội du kích, mỗi ấp có từ 1 đến 3 tổ du kích mật. Lực lượng địch mạnh cả về quân sĩ và cả về phương tiện vũ khí chiến đấu. Trên vành đai diệt Mỹ, ta tổ chức đào khắp các đoạn đê làm chướng ngại vật cản xe của địch. Đoạn đường từ ngã tư Xoài Đôi đi ngã tư An Thuận và đoạn đường từ căn cứ Rạch Kiến đi Tân Trạch, Long Sơn là những đoạn đường ta thường gài mìn diệt nhiều xe tăng dọc hai bên sông Đôi Ma đều có giao thông hào địa hình do ta tác chiến, có bố trí các bãi chông mìn diệt địch. Hầm chông còn được ta bố trí ở khắp nơi, trên đường hành quân, ngoài gò mả, đồng ruộng… Trong thôn ấp, nhiều công sự cá nhân và đào các giao thông hào bọc theo lộ đất trong xã và liên xã. Mỗi con đường đi vào thôn đều có bố trí cửa chiến đấu “trên các ngã đường ta dựng lên các phòng thông tin, các hình nộm, đặt các bảng khẩu hiệu”… Năm 1966, tại ngã ba Long Sơn, lực lượng C315 chống càn với địch. Ta tiêu diệt 1 trung đội Mỹ. Năm 1967, lực lượng tiểu đoàn 1 của ta phối hợp với du kích xã chống càn với 1 tiểu đoàn lính Mỹ có phi cơ yểm trợ, tại ấp 4 xã Phước Tuy trận này ta diệt khoảng 50 tên và bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Cũng vào năm 1967 lực lượng bộ đội tỉnh kết hợp với bộ đội huyện, C315 diệt gọn 1 đại đội lính Mỹ ở đồn Long Khê làm cho địch phải bỏ luôn căn cứ này. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân trên Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, dựa trên 3 mũi cơ bản là quân sự, chính trị, binh vận được phối hợp một cách nhuần nhuyễn, liên hoàn với nhau, ta đã cô lập căn cứ Mỹ và làm cho lực lượng địch ở nơi đây tổn thất nặng nề. Vùng giải phóng phía Nam lộ 4 được giữ vững và mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp và là bàn đạp tấn công vào Sài Gòn vào Tết Mậu thân –1968 của các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang Long An. Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là một hình thái chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao ở Long An, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy (1966-1967). Năm 1996 ''Ngã Tư Rạch Kiến'' được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 28-6-1996. Nguồn: Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Long An

Long An 516 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa tọa lạc tại trung tâm thị trấn Đức Hòa. Tại đây, vào ngày 4/6/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm- Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định-Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa, khoảng 5000 đồng bào các xã trong huyện đã tham gia cuộc biểu tình hô vang khẩu hiệu đòi quyền dân sinh dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống lính vào làng đàn áp nhân dân. Xuất phát trên những ngả đường khác nhau, các đoàn người biểu tình đã gặp nhau tại khu vực ngã tư Đức Hòa vào lúc 17 giờ, và cùng tiến về phía Dinh Quận, đòi gặp quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (còn gọi quận Sành) để giải quyết các yêu sách của ta. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, quận Sành rất khiếp sợ không dám trực diện với nhân dân. Để đối phó với tình hình trên, địch phải xin điều binh tiếp viện. Đến 20 giờ được sự tiếp viện của địch từ hướng Chợ Lớn kéo đến- trong đó có cả cảnh sát Hóc Môn, Chợ Lớn và 20 lính mã tà của Sở cảnh sát Sài Gòn do tên cò Dreuil chỉ huy - quận Sành ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng. Chúng tìm cách truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình. Tất cả bọn lính đều được vũ trang, sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp đoàn người. Trước sự hung hăng của kẻ định, tinh thần của quần chúng không hề nao núng, đồng bào vẫn tiếp tục xiết chặt tay nhau tiến lên. Tên cò Dreuil ra lệnh bắn xả vào đoàn người, vài người đi đầu đã ngã xuống trước tầm súng địch trong tiếng la thét phẫn nộ của quần chúng. Trong tình thế căng thẳng trên, đồng chí Châu Văn Liêm nhanh chóng tiến lên phía trước gặp tên cò Dreuil để đưa bản yêu sách, đồng thời trực tiếp tranh luận vạch trần những hành động dã man và biết bao tội ác của địch bằng vốn tiếng Pháp thông thạo. Cuộc tranh luận kéo dài khoảng 15 phút, thì bất ngờ tên cò Dreuil rút súng lục bắn trúng vào giữa ngực đồng chí Châu Văn Liêm. Bọn lính vẫn ngoan cố tiếp tục nã súng vào đoàn biểu tình, làm thêm nhiều người chết và bị thương, cách dinh quận không đầy 100m. Đoàn biểu tình chựng lại, tản ra nhưng chưa hẳn giải tán. Mãi đến khi địch điều thêm lực lượng, bắt đi khoảng 100 người với sự thị thực của Thống đốc Nam Kỳ và Chủ tỉnh Chợ Lớn Renault thì cuộc biểu tình mới chấm dứt. Cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu, nhưng nó đã gây chấn động lớn thời bấy giờ: Lần đầu tiên trong một vùng thôn quê yên tĩnh, đã nổ ra cuộc chạm trán quyết tử với kẻ thù vì quyền lợi sống còn của hàng vạn người dân bị áp bức bóc lột từ bao đời nay. Cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 ở Đức Hòa được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An- Chợ Lớn năm 1930. Nó chứng minh cho khả năng lãnh đạo, vận động quần chúng đấu tranh của Đảng, và niềm tin một lòng theo Đảng của người dân Đức Hòa. Sang những năm 1940-1941, người dân Đức Hòa tiếp tục hưởng ứng và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng lãnh đạo ngay chính trên quê hương mình. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng. Cũng trong thời điểm này, ở thị trấn Đức Hòa một đài xử bắn được lập nên để hành hình những chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa. Tại đây, trong 3 ngày mồng 7, mồng 8, mồng 9 tháng 7 năm 1941, bọn chúng đã liên tiếp xử bắn các đồng chí, chiến sĩ yêu nước. Súng nổ, máu đỏ cả trường bắn. Các chiến sĩ ta hy sinh trong sự tiếc thương của bà con khắp thị trấn Đức Hòa hôm đó. Khu vực Ngã tư Đức Hòa với những địa điểm như: Dinh Quận gắn với cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 của hơn 5000 nhân dân Đức Hòa; Đài xử bắn các chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940-1941…là những chứng tích lịch sử tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, và là niềm tự hào của người dân Đức Hòa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung về tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để giành lấy nền độc lập tự do. Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận Khu vực Ngã tư Đức Hòa là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Long An

Long An 507 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - là di tích quốc gia mang nhiều dấu ấn lịch sử. Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Nơi đây ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, những nhà chính trị và những nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà,...Đồng thời là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam bộ. Từ những năm 1946 – 1949, Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc đã chọn địa bàn xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh làm căn cứ để lãnh đạo chống thực dân Pháp tái xâm lược trên phạm vi toàn Nam Bộ. Đây chính là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, là nơi lưu niệm quá trình hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà hoạt động chính trị, những nhà lãnh đạo quân đội. Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ (1946-1949) xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 03/08/2007. Nguồn: Trang Thông Tin Huyện Ủy Tân Thạnh

Long An 546 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm hay còn gọi là Chùa Ông Miêng, là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại ấp Xóm Chùa, Xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Chùa Phước Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2002. Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2021, vào năm 1880, một người khá giả ở làng Tân Lân, ông Bùi Văn Minh đã cải gia vi tự, lấy ngôi nhà mình lập chùa có tên gọi là Phước Lâm Tự, vừa thờ Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Vì có công khai cơ lập làng nên sau khi qua đời, ông Bùi Văn Minh được dân chúng tôn làm hậu hiền và đưa vào phối tự trong đình Tân Lân. Ngôi chùa do ông lập ra ngoài tên chữ Hán là Phước Lâm Tự, ngoài ra còn có tên là chùa ông Miêng (do lệ cữ tên húy ông Minh). Nhìn về tổng thể, ngôi chùa gồm 3 phần: chánh điện - hậu tổ, khu mộ tháp và nhà trù. Chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu bánh ít, có móng đá xanh, tường gạch, lợp ngói vảy cá. Toàn bộ cột chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên các chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái, tạo cho không gian bên trong sự rộng rãi thoáng mát. Nội thất chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thị Giả, Thập Điện Diêm Vương, Thiện, Hộ Pháp, Kim Cương… nhiều bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đa số tượng Phật có chất liệu gỗ, đồng được chế tác từ thế kỷ 19 với phong cách nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Phật giáo Nam Bộ. Có một pho tượng rất đặc biệt tạc một vị Bồ Tát mình mặc cà sa, tay cầm phất trần, ngồi trên long mã bằng gỗ. Những bộ bao lam, hoành phi, liễn đối đều được chạm trổ rất công phu. Đặc biệt nhất là bức hoành Pháp luân thường chuyển chạm lộng nhiều lớp có dạng cuốn thư với chủ đề cúc trĩ. Chữ Thọ được chạm nổi tách làm đôi ở hai đầu cuốn thư và 4 chữ pháp luân thường chuyển sơn đỏ trên nền vàng góp phần làm tăng đường nét tinh xảo, sinh động cho hoành phi. Đây là một trong những bức hoành đẹp nhất ở Long An chứng minh trình độ nghệ thuật điêu luyện của nghề chạm khắc gỗ ở Cần Đước đã phát triển mạnh vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cũng như những ngôi chùa làng khác ở Nam Bộ, phía sau chánh điện chùa Phước Lâm là tổ đường theo đúng công thức Tiền Phật - Hậu Tổ. Tổ đường có bàn thờ và di ảnh của các vị trụ trì đã quá vãng, di ảnh và bàn thờ Bùi Công- người khai sơn chùa và bàn thờ của họ Bùi. Bên hông chánh điện là 4 ngôi mộ tháp khá cổ kính trong đó có tháp bảo đồng của tổ khai sơn Hồng Hiếu và ngôi mộ của ông Bùi Văn Minh. Phía sau chùa là hồ sen rộng nở đầy hoa. Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, chùa Phước Lâm còn có ý nghĩa về mặt lịch sử khi nơi đây từng che giấu các chiến sĩ cách mạng trong suốt những năm chống Pháp và Mỹ. Mái già lam ở Xóm Chùa từng là nơi lui tới hoạt động cách mạng của lãnh đạo địa phương thời kháng chiến. Sở chỉ huy trận đánh Xóm Chùa nổi tiếng ở Tân Lân năm 1962 cũng được đặt tại chùa Phước Lâm. Vì là cơ sở cách mạng nên chùa Phước Lâm thường xuyên trở thành mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Trên chánh điện của chùa vẫn còn những vết tích chiến tranh in hằn trên cột gỗ. Chùa Phước Lâm là tổ đình của hệ phái Lục Hòa ở Cần Đước. Vào những ngày rằm, khá đông thiện nam, tín nữ đến chùa lễ Phật, cầu kinh như để xua đi bao nỗi ưu phiền của cuộc sống đời thường và hòa đồng với nhau trong tình thương bao la của Phật. Nguồn: Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Long An

Long An 517 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Lịch sử Cách mạng tỉnh Long An

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (còn gọi là di tích Bình Thành) tọa lạc tại xã Bình Thành, nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Khu di tích đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998. Cùng với sự ra đời và phát triển của những phong trào đấu tranh chống xâm lược, căn cứ khu vực Bình Thành đã trở thành một địa danh lịch sử. Nơi đây, sau khởi nghĩa Nam Kỳ, các chiến sĩ cách mạng đã xây dựng căn cứ địa đầu tiên ở Nam bộ để tiếp tục chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đây là quân khu Đông Thành, có một thời gian đây cũng là căn cứ của Bộ Tư Lệnh khu 7 và Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trong 21 năm chống Mỹ, khu vực Bình Thành với bề dày truyền thống đã được Tỉnh ủy Long An chọn làm căn cứ để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Căn cứ cách mạng Bình Thành trong kháng chiến chống Mỹ rộng lớn, cơ động, linh hoạt bởi lẽ cuộc chiến rất ác liệt, địch dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt, nên tỉnh ủy Long An phải linh đông dời đổi địa điểm và phạm vi hoạt động nhiều lần, tuy vẫn bám trụ căn cứ. Di tích khu vực Bình Thành là trung tâm của căn cứ, là nơi Tỉnh ủy và các ban ngành của tỉnh đóng trụ sở lâu nhất, các phế tích còn lại rõ nhất. Năm 1920, huyện Cửu An được đổi tên thành huyện Thủ Thừa, lúc này di tích thuộc xã Bình Thành, tổng Cửu Cư Thượng, thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Đức Huệ, Đức Hòa được sát nhập vào địa giới tỉnh Long An. Di tích lúc bấy giờ thuộc xã Bình Thành, huyện Đức Huệ. Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, di tích là nơi ghi dấu ấn đậm nét quá trình ra đời và hoạt động của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Long An trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy Long An đã kiên cường bám trụ, trước mọi thủ đoạn nhằm hủy diệt khu căn cứ của giặc, để lãnh đạo phong trào đấu tranh, góp phần quyết định vào thành tích cao quý, Long An trung dũng, kiên cường. Di tích cũng là nơi ghi dấu sự có mặt và hoạt động của Xứ ủy Nam bộ, các cơ quan cao cấp Xứ ủy, cấp Khu, nhiều đơn vị vũ trang của Miền, nhiều nhà lãnh đạo Đảng và quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là bằng chứng cụ thể của quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh cao cả từ buổi đầu kháng Pháp đến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào, chiến sĩ không riêng ở Long An mà từ khắp mọi miền đất nước. Nguồn: Cổng Thông Tin Tỉnh Ủy Long An

Long An 547 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà trăm cột

Nhà trăm cột còn được gọi là Nhà ông Hội Đồng hay nhà ông Cả nằm ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ngôi nhà này do ông Trần Văn Hoa lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn xây dựng. Ông làm việc trong Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ của chính quyền Pháp, ông là người có uy tín trong xã hội. Dù gọi là nhà trăm cột nhưng sự thực, ngôi nhà có đến 120 cột, trong đó 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ. Nhà trăm cột có kiểu chữ Quốc, 3 gian, 2 chái đôi với diện tích 822m2 trong một khu vườn rộng 4.886m2. Ngôi nhà này được khởi công vào năm 1901, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí do nhóm 15 thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun… mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhà gồm có hai phần: phần trước là phần nội tự – ngoại khách, phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Lẫm lúa ở sau cùng đã tháo dở (1952), nay chỉ còn nền móng. Mặt chính nhà quay về hướng Tây Bắc, quanh nhà có sân rộng dùng để phơi lúa, bột. Hành lang, hiên và nền nhà được lát gạch Tàu, không gian rộng rãi hướng ra khu vườn rộng nên luôn mát mẻ. Cửa chính và các cửa sổ có song hình con tiện, bản gỗ. Kết cấu chính của Nhà Trăm Cột kiểu xuyên trính ( còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường), khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây – Đông, Tiền – Hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ , uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình chày cối, tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối). Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Đặc biệt, trang trí trong kiến trúc ở Nhà Trăm Cột cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao qua cách bố cục, thể hiện đề tài cũng như xử lý kỹ thuật. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài vân hóa long, tứ thời kiểu dây lá hóa đặc trưng của Huế rất sắc sảo. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như tứ linh, tứ thời, bát quả; các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát,khế,măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ , ghế nghi, bàn tròn , bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình. Với giá trị ấy, năm 1997 Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia. Nguồn: Du lịch Long An

Long An 619 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Mộ và đền thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức

Di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Quần thể di tích gồm đền thờ, lăng mộ và nhà trưng bày tư liệu với diện tích khoảng 1.300 m2. Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Thượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp, nên có cốt cách làm tướng từ nhỏ, sức khỏe, thần thái cũng hơn người. Năm 1780, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh lập nhiều công lớn nên được ban họ vua. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu vua Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công, rồi làm Tổng trấn Bắc thành. Sáu năm sau, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng cai quản toàn miền Nam. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ngày mồng 9 tháng chín năm Kỷ Mão (1819), ông mất và an táng tại quê nhà. Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ 19. Lăng nhìn chính hướng nam, mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, thuộc loại hình đơn táng. Án ngữ ở lối vào mộ phía bắc là bình phong từ đá ong cao 3m, có đắp nổi hoa văn mai – lộc. Đường thần đạo dài 17 m dẫn từ bình phong đến phần chính của mộ. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bao quanh là lớp tường thành kết hợp các trụ biểu búp sen. Bia mộ tạc bằng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề quốc hiệu Việt Cố, mộ của Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tiền quân, tặng thời Trung Dực vận công thần, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh tước Quận công, bia được lập vào tháng 11 năm Kỷ Mão (1819). Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nấm mộ phẳng dài. Sau nấm mộ là Bình phong hậu khép lại kiến trúc lăng mộ. Đáng chú ý là trên bức bình phong hậu có bài minh văn tương truyền nội dung minh văn do chính vua Gia Long ngự phê để ghi nhớ công lao của một đại thần đã cùng mình vào sinh ra tử, từng là người bảo toàn tính mạng cho vua và sự trung hưng của triều Nguyễn. Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến 1959, gia tộc thờ ông trong ngôi nhà xưa do Vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền thờ mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa gỗ trông ra hướng Đông. Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án chạm rồng, phụng, hoa lá sơn son thếp vàng, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Trong đền có nhiều cổ vật và tư liệu rất giá trị. Di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia ngày 11/05/1993. Nguồn: Du lịch Long An

Long An 508 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo

Vàm Nhựt Tảo là nơi ghi dấu chiến công vang dội đốt tàu Pháp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Vàm Nhựt Tảo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1996. Toàn bộ khu di tích tọa lạc tại địa phận xã An Nhựt Tân (nay là xã Tân Bình), huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Nguyễn Trung Trực có tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 tại xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, ông đã tham gia vào đội nghĩa binh kháng chiến dưới quyền chỉ huy của Trương Định và được cử về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An. Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo ông đã bố trí một kế hoạch táo bạo, thông minh để đánh tàu L' Espérance, một tiểu hạm của Pháp đang hoành hành trên vùng sông nước huyện Cửu An. Sáng ngày 10/12/1861, sau khi bố trí lực lượng phục kích trên bờ và dụ cho một bộ phận địch rời khỏi tàu, Nguyễn Trung Trực đã cùng 59 nghĩa quân lên 5 chiếc ghe giả làm ghe buôn lúa tiến sát tàu địch. Trong lúc trình giấy thông hành, ông đã bất ngờ giết tên lính Pháp rồi cùng nghĩa quân tấn công lính Pháp trên tàu L' Espérance. Không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt ( chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẫn hỏa đốt cháy tàu L' Espérance. Ngọn lửa bốc cao từ từ nhấn chìm tàu xuống đáy sông sâu. Tin chiến thắng Nhựt Tảo bay đi làm nức lòng quân dân cả nước. Triều đình Huế đã thăng Nguyễn Trung Trực lên chức Quản Cơ, hậu thưởng cho nghĩa quân, cấp tử tuất và hỗ trợ tiền cho làng Nhựt Tảo (bị quân Pháp triệt hạ). Thực dân Pháp cũng hết sức bàng hoàng vì chúng không thể ngờ rằng nghĩa quân có thể gây cho chúng tổn thất lớn như thế. Nối tiếp khí thế hào hùng đó, ngay sau trận Nhựt Tảo, nghĩa quân đồng loạt nổi dậy công phá hệ thống đồn lũy của Pháp ở 3 tỉnh miền Đông, trong đó có trận Cần Giuộc (16/12/1861) đã đi vào lịch sử cùng với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất hủ.Thời gian lặng lẽ trôi, vàm Nhựt Tảo vẫn còn đó như gợi lại trong lòng khách vãng lai một niềm hoài cổ. Tàu L' Espérance sau gần 120 năm nằm yên dưới đáy sông sâu đã được khai quật. Tổng số hiện vật thu được là 89, trong đó có 78 hiện vật gỗ, 8 hiện vật sắt, 2 hiện vật đồng và 1 hiện vật thủy tinh. Qua nghiên cứu các hiện vật gỗ ta còn thấy đầy đủ các bộ phận để hợp thành bộ khung của tàu như cong đà, be, lườn, cột buồm. Tuy đã bị đục để lấy đi phế liệu nhưng tàu L' Espérance vẩn còn một số mảnh gỗ bọc đồng hiện rõ vết cháy loang lổ. Tất cả những hiện vật nêu trên đã được bảo quản và trưng bày tại Bảo Tàng Long An nhằm giới thiệu khách tham quan trong và ngoài nước những bằng chứng cụ thể về chiến công oanh liệt của người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực cách nay hơn một thế kỷ. Nguồn: Du lịch Long An

Long An 647 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Tôn Thạnh

Nằm cạnh tỉnh lộ 835 thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một ngôi chùa đã nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học: Chùa Tôn Thạnh - một di tích lịch sử đã được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997. Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808. Thiền sư có thế danh là Nguyễn Ngọc Dót, con của ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba tổng Phước Điền Trung huyện Phước Lộc. Ban đầu thiền sư tu học ở chùa Vĩnh Quang, gần chợ Trường Bình, được sư phụ đặt cho pháp danh là Viên Ngộ. Thuở ấy đường vào chợ Trường Bình cỏ cây rậm rạp, lầy lội khó đi, hùm beo, thú dữ thường ra làm hại người. Thấy vậy thiền sư Viên Ngộ phát nguyện một mình chặt cây, đắp đường từ chợ Trường Bình xuống thôn Tích Đức và phường Hòa Thuận dài 250 trượng. Năm Gia Long thứ 7 (1808) sư Viên Ngộ đến làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc) cất chùa Lan Nhã - đó chính là chùa Tôn Thạnh hiện nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đây là ngôi chùa ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Thiền sư còn cho đúc tượng Địa Tạng Bồ Tát bằng đồng để thờ trong chùa. Tương truyền, khi đúc lần đầu, tượng Bồ Tát bị khuyết, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay của mình cho vào nồi nước đồng để tượng đúc lần sau được viên mãn. Ông không những là một người con chí hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước Phật đài là sẽ ''trường tọa'' 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện ''trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc'' để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Pháp thân của ông được tăng chúng an táng ở bảo tháp phía tây chùa Tôn Thạnh. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ. Mười sáu năm sau khi thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Trong ba năm 1859-1861 nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm Tân Du, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người ''dân ấp dân lân'', nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử đã lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ: ''Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ''. Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ 19, và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Long An

Long An 491 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu lưu niệm Nguyễn Thông

Khu lưu niệm Nguyễn Thông thuộc ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là nơi lưu niệm danh nhân Nguyễn Thông: một trí thức yêu nước, nhà hoạt động văn hóa lớn của Nam kỳ lục tỉnh nửa cuối thế kỷ 19. Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, sinh năm 1827 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Bình Thanh - tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, Gia Định (nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Thuở nhỏ, Nguyễn Thông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 18 tuổi, ông được gia đình gửi ra Huế để có điều kiện học tập tốt hơn. Năm 1849, ông đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương tại trường thi Gia Định, nhưng khi thi Hội bài vấy mực nên bị đánh hỏng. Nguyễn Thông bắt đầu cuộc đời quan trường năm 1851 với chức Huấn đạo huyện Phú Phong, tỉnh An Giang. Tháng 2/1859, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông tòng quân vào Nam chiến đấu và trở thành trợ thủ đắc lực của Thống đốc quân vụ đại thần Tôn Thất Hiệp. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ (tháng 2 năm 1861), ông về Tân An hoạt động chống Pháp cùng với các thủ lĩnh nghĩa quân địa phương. Năm 1862, Nguyễn Thông được Kinh lược sứ Phan Thanh Giản đề cử giữ chức Đốc học Vĩnh Long và giữ chức vụ này từ năm 1863 đến tháng 7/1864. Năm 1865, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ bị Pháp xâm chiếm, ông cùng với nhiều sĩ phu Nam Kỳ không chịu hợp tác với giặc, nên đã bị bắt ra tỉnh Bình Thuận. Năm 1867, Nguyễn Thông được cử làm án sát Khánh Hòa rồi án sát Quảng Ngãi. Năm 1870, ông tham gia chấm thi Hương ở trường Thừa Thiên rồi làm Biện lý bộ Hình, Bố chánh Quảng Ngãi. Ở đây, Nguyễn Thông đã tích cực thi hành những biện pháp để bài trừ nạn tham ô, hà hiếp dân chúng của bọn cường hào ác bá địa phương. Việc làm này đã đụng chạm tới quyền lợi của một số đại thần trong triều, vì vậy, không lâu sau ông bị cách chức, tống giam và bị xử trượng, sau nhờ dân chúng kêu oan tới vua, mới được giải tội. Năm 1873, ông xin về dưỡng bệnh tại Bình Thuận. Năm 1874, Triều đình cho phục chức, bổ nhiệm ông làm việc tại bộ Lễ nhưng khi đến Huế, ông bị bệnh nên phải cáo quan trở về. Năm 1876, ông lại được triệu về kinh, giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Năm 1877, triều đình chấp thuận kế hoạch khai hoang vùng La Ngư, Ba Dầu nên cử ông về làm doanh điền sứ Bình Thuận. Năm 1878, bệnh cũ tái phát, ông xin nghỉ dài hạn. Năm 1880, Nguyễn Thông được mật chỉ cùng với các quan địa phương xử vụ nổi dậy của người thiểu số, xử vụ lưu dân từ trong Nam ra. Cũng năm này, ông thành lập Đồng Châu xã và xây dựng Ngọa Du Sào để có nơi làm thơ, đọc sách. Năm 1881, Nguyễn Thông được bổ nhiệm làm Phó sứ điển nông kiêm Đốc học tỉnh Bình Thuận. Năm sau ông được thăng làm Hồng lô tự khanh. Ngày 27/8/1884, Nguyễn Thông mất tại Ngọa Du Sào - Phan Thiết (Bình Thuận). Khu lưu niệm Nguyễn Thông đã được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia ngày 19/1/2001. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Long An

Long An 506 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật