Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Chùa Tôn Thạnh

Chùa Tôn Thạnh

Nằm cạnh tỉnh lộ 835 thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một ngôi chùa đã nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học: Chùa Tôn Thạnh - một di tích lịch sử đã được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997. Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808. Thiền sư có thế danh là Nguyễn Ngọc Dót, con của ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba tổng Phước Điền Trung huyện Phước Lộc. Ban đầu thiền sư tu học ở chùa Vĩnh Quang, gần chợ Trường Bình, được sư phụ đặt cho pháp danh là Viên Ngộ. Thuở ấy đường vào chợ Trường Bình cỏ cây rậm rạp, lầy lội khó đi, hùm beo, thú dữ thường ra làm hại người. Thấy vậy thiền sư Viên Ngộ phát nguyện một mình chặt cây, đắp đường từ chợ Trường Bình xuống thôn Tích Đức và phường Hòa Thuận dài 250 trượng. Năm Gia Long thứ 7 (1808) sư Viên Ngộ đến làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc) cất chùa Lan Nhã - đó chính là chùa Tôn Thạnh hiện nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đây là ngôi chùa ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Thiền sư còn cho đúc tượng Địa Tạng Bồ Tát bằng đồng để thờ trong chùa. Tương truyền, khi đúc lần đầu, tượng Bồ Tát bị khuyết, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay của mình cho vào nồi nước đồng để tượng đúc lần sau được viên mãn. Ông không những là một người con chí hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước Phật đài là sẽ ''trường tọa'' 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện ''trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc'' để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Pháp thân của ông được tăng chúng an táng ở bảo tháp phía tây chùa Tôn Thạnh. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ. Mười sáu năm sau khi thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Trong ba năm 1859-1861 nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm Tân Du, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người ''dân ấp dân lân'', nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử đã lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ: ''Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ''. Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ 19, và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Long An

Long An 1335 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Long An

Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Long An 2206

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo

Long An 2003

Di tích cấp quốc gia

Di tích lịch sử Ngã Tư Rạch Kiến

Long An 1768

Di tích cấp quốc gia

Khu di tích Lịch sử Cách mạng tỉnh Long An

Long An 1538

Di tích cấp quốc gia

Chùa Phước Lâm

Long An 1484

Di tích cấp quốc gia

Lăng Mộ và đền thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức

Long An 1449

Di tích cấp quốc gia

Nhà trăm cột

Long An 1439

Di tích cấp quốc gia

Di tích lịch sử căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ

Long An 1427

Di tích cấp quốc gia

Khu lưu niệm Nguyễn Thông

Long An 1417

Di tích cấp quốc gia

Chùa Tôn Thạnh

Long An 1336

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật