Vietnam V

điểm di tích

Khu di tích núi và chùa Châu Thới

Di tích danh thắng Núi Châu Thới là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Dương được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia ngày 21 tháng 4 năm 1989, với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Núi Châu Thới nằm ở vị trí gần quốc lộ 1K thuộc địa phận phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Núi Châu Thới cao 85m, trên đỉnh có ngôi cổ tự uy nghi, quang cảnh cây cỏ quanh năm tươi tốt. Theo các nguồn tư liệu khảo cứu, chùa Châu Thới được xây dựng vào khoảng năm 1612 do Thiền sư Khánh Long sáng lập từ một am tranh nhỏ, lúc bấy giờ chùa được mang tên là Hội Sơn Tự. Tuy nhiên, căn cứ vào lạc khoản còn lưu giữ ở chùa có ghi dòng chữ “Tân Dậu niên chánh nguyệt sơ kiến nhật”, có thể xác định chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1681 và là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tỉnh Bình Dương và thuộc nhóm lâu đời nhất Nam Bộ. Hơn 300 năm lịch sử, chùa Châu Thới đã trải qua 13 đời trụ trì; qua quá trình biến động lịch sử, chùa đã được tu tạo nhiều lần: Năm 1930, trùng tu lại nhà thờ Tổ và Giảng đường; năm 1971, đắp xi–măng 220 bậc thang lên núi; năm 1993, Chánh điện được trùng tu. Sau đó, các hạng mục khác như bảo tháp, đại hồng chung, tượng phật, rồng chầu…cũng được xây dựng, hoàn thiện. Bên cạnh những giá trị lịch sử tôn giáo, chùa Châu Thới còn mang những giá trị lịch sử cách mạng của vùng đất Dĩ An. Trong kháng chiến chống Pháp, dựa vào thế núi và ngôi chùa Châu Thới là nơi trú ẩn, hội họp của các nhà hoạt động cách mạng. Với địa thế hiểm yếu lại có các vị sư yêu nước, do đó rất thuận lợi làm điểm hội họp, dừng chân, ẩn náu; chùa Châu Thới đã từng là nơi luyện tập võ nghệ của các hội viên “Thiên địa hội”, nơi dừng chân của quân Đào Tây Sơn và là nơi lánh nạn của các chiến sĩ cách mạng. Các nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Tấn Phát cũng từng đến chùa và hoạt động tại đây. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, các chư tăng ở đây đã ủng hộ tiền, gạo, vải, thuốc cho bộ đội; lúc cần kíp chùa Châu Thới đã ủng hộ cả Đại Hồng Chung để công binh xưởng đúc đạn đánh giặc… Chùa Châu Thới được liệt vào một trong những Danh lam cổ tự của Việt Nam; chùa, núi, quang cảnh xung quanh tạo nên một danh thắng phong thủy hữu tình, cảnh trí thơ mộng, xanh mát…các yếu tố kiến trúc hòa quyện, tạo điểm nhấn cho khung cảnh thiên nhiên, làm toát lên những giá trị văn hóa kiến trúc, văn hóa cảnh quan nổi bật. Chùa Châu Thới hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 3 pho tượng Phật được tạc cách đây hơn 300 năm; hệ thống tượng gỗ, tượng đất nung; đặc biệt chùa còn lưu giữ pho tượng Quan Thế Âm bằng gỗ mít trên 100 năm do chính Hòa thượng Thích Thiện Hóa chế tác. Tuy các hạng mục chính của chùa được xây bằng bê tông, cốt thép song được thể hiện bởi những bậc thợ tài hoa nên tổng thể chùa vẫn toát nên vẻ đẹp cổ kính, đậm màu sắc dân tộc. Quần thể chùa, điện trên núi Châu Thới gồm: Chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu…một số hạng mục được trang trí bằng các mảnh gốm sứ rất đẹp mắt. Năm 1994, chùa đã vận động bà con đóng góp đúc 4 pho tượng đồng, mỗi tượng nặng trên 1 tấn, cao 2.5m do nhóm thợ kỳ cựu của xứ Huế, đây là những pho tượng đúc đồng đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, chùa còn có tượng Quan Thế Âm cao 22,5m, cặp rồng lớn bao quanh, cách hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan chùa Châu Thới trên đỉnh núi Châu Thới đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia năm 1989. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 81 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Thần Dĩ An

Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đình được xây dựng vào năm 1838. Năm 1853, được vua Tự Đức ban sắc phong thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một ngôi đình cổ - nơi bảo lưu những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xuân lược, đình là nơi các chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù. Đình là nơi hoạt động của “bộ đội Đào Sơn Tây”. Đặc biệt, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đình còn là nơi dừng chân, trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình, hiện vẫn còn một số hầm bí mật của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đình cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng. Nhìn tổng thể kiến trúc, đình Dĩ An được thiết kế dạng chữ “nhất”, gồm: võ ca, võ quy, chánh điện, nhà khách, nhà túc,... Võ ca là nơi làm lễ Xây chầu và hát bội vào mỗi dịp lễ Kỳ yên, được xây dựng bằng bê tông thép và lợp tôn. Sân khấu, được xây dựng cao 0,8m, có hai bức tranh thủy mặc ở hai bên. Võ quy là nơi các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát bội), hội họp, cũng là nơi chuẩn bị cho buổi ca diễn và dành cho khách. Nơi đây có thiết trí những câu đối bằng chữ Hán. Chính điện là nơi thờ tự chính của đình, với cột, kèo, rui, mè... đều được làm bằng gỗ; mái lợp ngói vảy cá, trên nóc có gắn hình bầu dục và hai con rồng; tường xây gạch; nền lát gạch men màu vàng. Chính điện được chia thành 15 gian, gồm 3 gian thờ chính và 12 gian thờ phụ. Bên trong chính điện được sắp xếp theo bố cục: Gian đầu tiên là nơi đặt bàn thờ Hội đồng nội, có thiết trí bao lam gỗ được chạm trổ rất tinh xảo, sơn son thếp vàng. Tiếp đến là án thờ Giáng Son - nơi thờ sắc phong của thần. Song song với án thờ Giáng Son là án thờ Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ chính thần được đặt ở vị trí trang trọng, hai bên đặt tượng hai con bạch mã, lỗ bộ, võng điều; ngoài ra, còn trang trí bao làm bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng các câu đối bằng chữ Hán. Sau chính điện và phía tây nam của đình là hai dãy nhà khách với nhiều gian nhà được trang hoàng khá trang trọng. Nhà được xây dựng gồm 80 cột gỗ quý, mái lợp ngói móc, toàn bộ được sơn phủ màu đen tạo nên nét cổ kính. Đây là nơi dùng để sinh hoạt và đón tiếp khách trong những ngày lễ cúng đình. Hàng năm, đình có hai lễ cúng lớn là: Lễ Cầu bông (cúng Tiên sư, Tổ nghiệp) diễn ra vào ngày 16-6 âm lịch với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và lễ Kỳ yên được tổ chức vào ngày 15 và 16-11 âm lịch (3 năm đáo lệ một lần) nhằm cầu cho quốc thái dân an. Ngoài ra, đình Dĩ An còn là nơi dung hợp nhiều tín ngưỡng: Thờ Thành Hoàng, Nữ Thần (Ngũ hành nương nương, Diêu Trì Địa Mẫu, Kim Hoa nương nương..); đền thờ Vua Hùng, đền thờ các anh hùng liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng…thể hiện truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Đình Dĩ An được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 18-3-2011. Ngày 28-3-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đình Dĩ An là di tích cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 73 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân An

Đình Tân An - Bến Thế nằm ở khu phố 1, phường Tân An, TP Thủ Dầu Một. Đây là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng ngày 2/6/2004. Đến ngày 26/4/2014 Đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là “Tương An miếu”, do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Tân Định) lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, có hình dáng như ngày nay. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính. Vào ngày 19-11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long. Nguyễn Văn Thành là một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn, nhưng đã vướng vào trọng án “văn chương” của con trai Nguyễn Văn Thuyên, bị Gia Long nghi ngờ phản nghịch bị bức tử và chỉ được giải oan hơn nửa thế kỷ sau đó (vào năm 1868). Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm toàn bằng gỗ Sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái, gồm 40 cây cột vuông bằng gỗ, hành lang rộng gồm 30 cột gỗ (do thời gian mưa nắng đã làm cho một số cột ở hai bên hành lang bị hư hại nên được thay bằng cột xây bằng gạch, vôi). Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phủ rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác. Toàn bộ ngôi đình có chiều rộng 50m, dài 70m, được xây trên diện tích hơn 10.000m2 (số liệu theo bảng đồ địa chính của di tích). Đặc biệt, toàn nội thất trong đình như hiện vật bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, bao lam, cột gỗ, câu đối… đều bằng gỗ quý được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau làm tôn lên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình. Ngoài ra, đình còn lưu trữ một công trình chữ Hán rất phong phú còn lại cho đến ngày nay qua các cặp liễn đối, hoành phi, sắc thần… Hàng năm theo đúng lệ xưa , lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16- 11 (âm lịch) là dịp trăng sáng để bà con thuận tiện vui chơi và đi lại. Đây cũng là dịp thủy triều dâng cao và theo quan niệm của nhân dân đó là điềm của mùa màng bội thu, của vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào… Đình Tân An là một di tích lịch sử - văn hóa mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, đình còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Tân An là nơi hoạt động cách mạng của địa phương. Nguồn: Báo Bình Dương điện tử

Bình Dương 86 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đình thần Phú Long

Đình Phú Long còn gọi là “Phú Long linh miếu” nằm ở khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, được ban sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Trải qua gần 200 năm, dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc và những hiện vật có giá trị còn lưu giữ tại đình. Đình do nhân dân địa phương lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Lúc đầu đình được xây dựng bằng tre, gỗ, trên nền đất thô sơ. Sau đó, đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997... Hiện nay, đình có tổng diện tích sử dụng là 5.828m2, diện tích xây dựng là 1.258m2. Đình được xây dựng kiểu chữ tam, theo lối “trùng thiềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Cổng đình, tường vách dọc ngang được chạm trổ hoa văn, họa tiết, phần lớn được cẩn li ti bằng những mảnh men sành sứ cổ, đủ sắc màu, phong phú với nhiều hình tượng, điển tích đa dạng, mang sắc thái đặc thù của vùng sông nước thiên nhiên hài hòa. Về kiến trúc, toàn bộ mặt tiền, phần bê tông của đình được cẩn các mảnh gốm sứ đầy màu sắc, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật gốm sứ truyền thống trong kiến trúc đình, chùa tại Thủ Dầu Một. Toàn bộ tiền điện có gắn bao lam bằng gỗ được chạm trổ với các đề tài hoa trái như mai, lan, cúc, lựu, nho, chuối, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Ở khoảng giữa trung điện và chính điện có một bao lam ghép gốm sứ men màu xanh, trang trí các hình long, lân, cảnh hội Bát tiên, Long Hải tướng quân, cá hóa rồng... Trên mái trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình long, lân, quy, phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long tranh châu. Bên trong mái ở trung điện và hậu điện là hai bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, hai hàng cột gồm sáu cây loại gỗ gõ, có đường kính 40cm. Chính giữa chính điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban, hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Ở đây còn thờ các vị có công với làng, với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng hình mai, lan, cúc, trúc, với long vị đắp nổi trông rất uy nghi (gọi là ngự). Chính điện có nhiều hương án được xếp trật tự dành cho du khách thập phương đến thắp nhang, lễ bái thể hiện lòng thành kính. Bên hương án có đôi quy, hạc đứng chầu, tượng trưng cho sự bền vững. Gian đầu hồi, bên trái đặt bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên cạnh đặt một cái mõ dài 1.8m, bên phải đặt bàn thờ ông Hổ, bên cạnh có một cái trống để sử dụng vào các dịp cúng tế, lễ hội. Các bàn thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền cũng được bài trí tôn nghiêm. Từ ngoài nhìn thẳng vào chính điện, có hàng lễ bộ, gồm nhiều loại binh khí với bốn cặp hạc đứng trên lưng rùa. Đình còn lưu giữ rất nhiều câu đối khắc trên thân các cây cột, hương án..., tất cả đều được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Các hoa văn trang trí trong lẫn ngoài đình là hình cá hóa long, rồng cách điệu, cảnh hội Bát tiên... Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Đình Phú Long đã từng là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nguồn: Trung Tâm Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Bình Dương

Bình Dương 73 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hội Khánh

Chùa Hội Khánh tọa lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 7/1/1993. Chùa xây dựng từ thế kỷ 18 (1741), dưới chân đồi, cách trung tâm TP Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, năm 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007, chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27m và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp. Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày 30/3/2010 (15/2/2010 Âm lịch) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về cấu trúc chùa gồm bốn phần chính: Tiền điện – chánh điện, giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý, Đông lang và Tây lang chùa bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương” - đây là biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ xứ Nam Kỳ; Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa. Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “Thập bát La Hán” (tạo tác năm 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước Chánh điện. Các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm. Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quý Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Trong những năm 1923 -1926, Chùa Hội Khánh còn là nơi ẩn náu quy tụ các nhân sĩ: Nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính hòa thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân phụ của bác Hồ), cụ Tú Cúc… mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù Hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây dược ảnh hưởng đáng kể. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức, tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, Phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ năm 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến năm 1983 Chùa Hội Khánh là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, nơi đây, Tỉnh hội xây dựng Trường cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé (Bình Dương). Hiện Thượng tọa Thích Huệ Thông trụ trì Chùa Hội Khánh (từ năm 1988) và là Phó ban Thường trực Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 88 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở địa điểm thuộc ấp 1 xã Minh Tân (trước là xã Minh Thạnh) huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (vị trí cũng đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng xác định năm 1987). Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 11/5/2010. Di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh là di tích tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích mặc dầu là một cơ quan tạm thời, nhưng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong chiến lược chiến tranh của thời đại mới, mà trực tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sở dĩ gọi là di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Mình là vì Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại ấp Tà Thiết Krom – Lộc Thành - Lộc Ninh, Sông Bé. Sau cuộc họp ngày 25/3/1975 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ chính trị, cùng ngày, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu sát với tình hình tác chiến cơ quan, Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe làm Sở chỉ huy Căm Xe, hay còn gọi là sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chì Minh. Với vị trí đã được xác định chuyển dời này, di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm quan trọng quyết định sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt, trực tiếp, nhanh nhẹn nhằm tạo thuận lợi cho thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ chính trị giao cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất. Di tích nằm trong khu vực rừng cây, có rất nhiều suối nhỏ và ngắn đổ vào con suối lớn Căm Xe như suối Các Liễu, suối Ong Lô, suối Biên Lộc, suối Bà Già, suối Bà Thành….(Căm Xe theo lịch sử địa phương là một vùng đất lâu đời, có một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, bên cạnh có dòng suối. Chính dòng suối này, với những đặc điểm lợi hại mang tính chất “thượng võ” của nó đã tạo nhiều thuận lợi để quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ). Đây là khu rừng tái sinh, rừng cây cũ đã bị chặt phá, rừng tái sinh cũng bị đốt nhiều lần. Vì di tích là một cơ quan tạm thời nên các lán trại, hầm hào tại đây chủ yếu được làm bằng vật liệu là gỗ có sẵn, sau thời gian dài mưa nắng phá hủy chỉ còn lại những vết tích khá mờ nhạt, chỉ có hố bom nơi đồng chí Văn Tiến Dũng lấy nước để sinh hoạt là còn khá nguyên vẹn. Theo người dân sinh sống nơi đây thì cứ đến tháng 3 thì đốt để trồng sắn. Hiện nay thì cảnh quan khu vực này đã thay đổi rất nhiều so với trước, rừng cao su bạt ngàn bao quanh khu vực di tích. Những dấu vết còn lại như: hố bom lấy nước sinh họat, dấu vết các hầm hào cũng đã mờ, cỏ cây mọc khá nhiều, phải rất khó khăn mới tìm được những dấu vết cũ do cỏ cây che khuất. Năm 1987 đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một số đồng chí cán bộ miền về thăm và xác định vị trí trên cơ sở những dấu tích còn lại. Sau đó huyện đội Bình Long và nhân dân xã Minh Thạnh đã xây dựng bia làm mốc đánh dấu tại nơi đây. Bia được làm bằng chất liệu bê tông cốt thét, có độ cao 3m, rộng 2,5m, trên bia có gắn ngôi sao, dưới ngôi sao có ghi dòng chữ Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, 30 tháng 4 năm 1975, xã Minh Thạnh. Đến ngày 20/8/1990, Bảo Tàng Quân Khu 7 xây dựng bia khác cách tấm bia cũ khoảng 3m, có chiều cao 15m, chiều ngang 1,5m, bia cũng được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Đến năm 2005 được trùng tu lại bằng đá hoa cương cho đến nay. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 94 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Chiến Khu D

Chiến khu Đ được hình thành vào tháng 2-1946 với địa bàn ban đầu bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Thị Xã.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trong từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, phạm vi Chiến khu Đ lại có sự thay đổi. Chiến khu Đ - Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của Khu 7, nằm trong hệ thống các khu vực của khu tính theo thứ tự bảng chữ cái (A: Căn cứ giao thông liên lạc, B: Căn cứ hậu cần, C: Khu bộ đội thường trực). Về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả chiến khu rộng lớn. Ngoài ra, còn có một số cách lý giải khác: Đ mang ý nghĩa là “đỏ”, ý chỉ vùng chiến khu cách mạng kiên cường, một “địa chỉ đỏ” của cả nước; Đ là chữ cái đầu của địa danh Đất Cuốc - nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ xây dựng cứ điểm đầu tiên; Đ là chữ viết tắt của chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu đầu tiên... Trên cơ sở phạm vi ban đầu gồm 5 xã thuộc huyện Tân Uyên, từ năm 1948 trở đi, Chiến khu Đ được mở rộng, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để mở rộng lên phía bắc tới Phước Hòa và phía đông tới sông Bé; sau đó tiếp tục vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: Phía tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; phía bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng; phía đông vẫn giáp sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và phía nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), ta chuyển dần trung tâm căn cứ lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi mở rộng tối đa. Lúc bấy giờ, Chiến khu Đ nằm trong phạm vi: Phía nam giáp sông Đồng Nai; phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước); phía bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng); phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng. Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như: Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301, Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục. Chiến khu Đ là nơi ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19-3-1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có những trận đánh tiêu biểu, như: Trận Bảo Chánh (5-1947), Trảng Táo (6-1947), Bảo Chánh 2 (6-1947), Bàu Cá (7-1947), Đồng Xoài (12-1947), La Ngà (3-1948), trận tấn công tiểu khu Phước Thành (9- 1961), trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa (10-1964)... Đặc biệt, đây là nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tồn tại gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Với ý nghĩa lịch sử, tầm vóc và sự đóng góp của Chiến khu Đ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 11-5- 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Chiến khu Đ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Báo Bình Dương điện tử

Bình Dương 100 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt

Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam giác sắt) nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Địa đạo Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với Chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ miền Đông, xứ Ủy Nam bộ, Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định,… nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta. Năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn Ce - da - phôn (2-21/1/1967) với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy… Trong trận này nổi lên anh hùng bắn tỉa - Nguyễn Văn Đực, chỉ 10 viên đạn tiêu diệt 9 tên xâm lược hoặc Võ Thị Huynh - anh hùng lực lượng vũ trang từng lăn mình dưới làn bom đạn để chăm sóc, bảo vệ thương binh. Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt”. Địa đạo Tây Nam Bến Cát không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một ”Làng ngầm”. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm, nước uống, có giếng nước, hầm nấu ăn, hầm làm việc, chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh, v.v… Địa đạo Tây Nam Bến Cát với các hoạt động của nó đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Địa đạo Tây Nam Bến Cát đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã Tây Nam đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, Địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 110 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Nhà tù Phú Lợi

Di tích nhà tù Phú Lợi Hiện tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Tổng diện tích hiện nay là 77.082m2,đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia ngày 10/07/1980. , và tồn tại suốt tám năm (1957-1964). Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh thắng lợi. Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” chỉ trong vòng 2, 3 năm sau Hiệp định Giơ – neo –vơ, Mỹ Diệm gây không biết bao nhiêu tội ác trên cả miền Nam. Bằng khẩu hiện “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, chúng đã xây dựng thêm nhiều nhà tù. Nhà tù Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm ở miền Nam được dựng lên giữa năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Số tù nhân chúng đưa về Phú Lợi đầu tiên có 4 nữ và khoảng 100 nam, đến cuối 1957 tăng lên 3.000 tù nhân. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí Viện – gọi là khu “An Trí Viện” nhưng thực chất là trại giam. Khu trại giam gồm có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A,B,C,D,… mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt. Có hai cổng chính: cổng thứ nhất mang bảng “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, cổng thứ hai mang bảng “An trí viện”. Đến cuối năm 1958, số tù nhân lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây. Chế độ khắc nghiệt của nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác lúc bấy giờ, ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Sống bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man… và chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân. Trước những thủ đoạn vừa khủng bố vừa mị dân, những cảnh tra tấn dã man đày ải cực hình, anh chị em trong tù vẫn giữ được lòng kiên định và ý chí kiên cường chiến đấu. Đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của những người yêu nước, những người cộng sản. Qua kinh nghiệm thực tế trong phong trào hoạt động bí mật, nên chỉ trong một thời gian ngắn các Đảng viên ở các trại đã tổ chức được đường dây liên lạc với nhau, các nhóm Đảng viên các chi bộ bí mật lần lượt được thành lập. Đầu năm 1958, Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi được thành lập. Suốt những năm tháng ở đây, tù nhân có tổ chức bí mật của Đảng ta chỉ đạo. Ban Đại diện, Tổ Tâm giao, hoặc Đôi bạn đồng hương ở từng trại giam làm nòng cốt đấu tranh, từng bước đấu tranh với kẻ thù đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân. Tất cả là nhờ sự kiên trung của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nhà tù Phú Lợi trở thành một bằng chứng về tội ác của Mỹ – Ngụy tại miền Nam Việt Nam; nơi đây là biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, các đồng chí cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương

Bình Dương 100 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Châu Hưng

Chùa Châu Hưng tọa lạc tại số 37 đường Cây Keo, khu phố 1, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức. Được tạo lập năm 1884 với kết cấu đơn sơ, qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Chùa được xây dựng mới hoàn toàn vào năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn thành, với diện tích xây dựng 365 mét vuông trên tổng diện tích 5.796m2. Trước ngày 30/4/1975, chùa Châu Hưng được xây dựng trên đất Gò Cát, xung quanh là những ruộng lúa và rau muống. Đây là một địa chỉ đỏ, từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ du kích và bộ đội về đứng chân bám trụ ngay cửa ngõ Sài Gòn. Các vị đại đức, hòa thượng, trụ trì ở đây là những người luôn có chí hướng theo cách mạng, lực lượng nằm vùng tại khu vực này luôn lấy ngôi chùa làm cơ sở hoạt động. Đầu năm 1973 khi Hiệp định Pari được ký kết, địch dồn quân về bảo vệ Sài Gòn nên chiến trường Bắc Thủ Đức lúc bấy giờ như một cái túi chứa các đơn vị của địch nhằmán ngữ hướng Đông Bắc Sài Gòn, ngăn chặn lực lượng ta đưa quân xuống đánh vào Sài Gòn, nên chúng liên tục tổ chức các cuộc càn quét, phát quang địa hình, lúc này lực lượng ta bám trụ rất khó khăn, vất vả. Chùa được xây dựng theo cấu trúc của văn hóa Việt Nam, tạo nên sự thông thoáng mát mẻ, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Với kiến trúc riêng biệt như phòng khách, nhà vãng sanh và khuôn viên chùa với nhiều loại cây cảnh, hòn non bộ. Chùa có cấu trúc mặt bằng kiểu chữ nhị, cổng xây theo dạng tam quan. Nhìn từ phía bên ngoài, chùa được xây dựng bằng bê tông cốt thép với màu vàng chủ đạo của nhà Phật, gồm hai tháp riêng biệt: Tháp 1: Là mặt tiền chùa thuộc phía trên tiền điện. Tháp có 2 tầng ở trên đỉnh tháp có gắn bánh xe pháp luân. Chính giữa tầng 2 có ghi “Châu Hưng Cổ Tự” bằng chữ Hán. Tầng dưới viết “Chùa Châu Hưng” bằng chữ quốc ngữ, hai bên còn có hai cặp câu đối bằng chữ Hán. Tầng trệt là cửa chánh điện, chỉ mở vào các dịp đại lễ hoặc các ngày rằm trong tháng. Tháp 2: Có 2 tầng, cao hơn tháp 1, hai bêm hông tháp có gắn chữ “Vạn” và chữ “Phật” bằng chữ Hán. Chùa Châu Hưng là một cơ sở tôn giáo mang giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, được xếp hạng di tích cấp Thành Phố ngày 18/8/2011. Cũng giống như những ngôi chùa khác, chùa Châu Hưng là nơi để người dân, tín đồ tìm nguồn động viên, an ủi, giải toả áp lực trong cuộc sống; là nơi để mong cầu, ước nguyện về một tương lai tốt đẹp, đồng thời cũng là nơi răn dạy con người phải biết sống hướng thiện. Mặc dù, chùa đã được trùng tu nhiều lần bằng vật liệu kiên cố, không còn giá trị ngôi cổ tự xưa, song trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ được 14 pho tượng cổ, 4 long vị và tấm hoành phi khắc 4 chữ “Tổ ấn trùng quang” đã có từ lâu đời. Không chỉ thế, chùa Châu Hưng còn góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chùa đã cưu mang đùm bọc, nuôi giấu, chở che biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong hoàn cảnh bom, đạn ác liệt. Nhiều Phật tử của chùa bị địch tình nghi hoặc bị bắt rồi đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Tuy nhiên, Phật tử của chùa vẫn đứng vững trước bao khó khăn, thử thách và là cơ sở hoạt động vững chắc của cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 114 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Bửu Thạnh

Chùa Bửu Thạnh tọa lạc tại số 62 đường 6, khu phố Ông Nhiêu, phường Long Trường, TP Thủ Đức. Ngày 30/11/2006, Chùa Bửu Thạnh được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố. Chùa Bửu Thạnh được xây dựng năm 1801, thuộc hệ phái Bắc Tông. Người sáng lập ra ngôi chùa Bửu Thạnh là vị Tổ Sư pháp hiệu Tiên Hiền, người trụ trì chùa suốt 32 năm và viên tịch năm 1833. Thuở sơ khai, chùa có quy mô kiến trúc khá lớn, xây dựng bằng gỗ quý, tọa lạc trên diện tích đất rộng. Trong chiến tranh chống Pháp năm 1947, chùa bị thiêu hủy hoàn toàn. Năm 1955, Hòa thượng Thích Huệ Thành trùng tu lại ngôi chùa mới cách chùa cũ khoảng 50m về hướng Tây Bắc, tọa lạc trên diện tích đất rộng 6,5 ha. Sau 10 năm được tái lập, chùa Bửu Thạnh một lần nữa lại bị giặc Mỹ phá hủy. Năm 1976, Hòa thượng Thích Huệ Thành lại về trùng tu chùa và giao cho đệ tử là Hòa thượng Thích Huệ Cảnh làm trụ trì. Về việc thờ cúng, chùa Bửu Thạnh thuộc hệ phái Bắc Tông nên ngoài nhân vật trung tâm được thờ là Đức Phật Di Đà, Thích Ca, Di Lặc; chùa còn thờ Thánh Mẫu, Quan Đế Thánh Quân, Ngũ Hành. Chùa Bửu Thạnh được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”, công trình chính gồm: Chánh điện, Tổ đường, Nhà túc. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có một số công trình khác như: cổng Tam quan, nhà khách, trai đường và nơi ở của tăng chúng, miễu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, ngôi bảo tháp Cửu trùng thờ Ngọc Xá Lợi Phật, thờ cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành… Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cũng là 2 lần chùa bị phá hủy hoàn toàn rồi lại tái lập, nên trong chùa hiện nay hầu như không còn bảo lưu được di vật cổ nào. Tất cả hiện vật trong chùa hiện nay như: Đại hồng chung, trống, tượng Phật, hoành phi, liễn đối… đều mới được tái tạo vài chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong sân chùa vẫn còn lưu giữ 12 tảng đá xanh kê chân cột, hình vuông, mỗi tảng đá có kích thước 40x40cm. Ngoài ra, trong tịnh địa sau chùa (nơi ngôi chùa Bửu Thạnh xưa tọa lạc) vẫn còn 5 ngôi tháp cổ bằng đá ong của các đời trụ trì chùa trước kia. Đây có lẽ là những di vật duy nhất chứng minh sự tồn tại lâu đời cũng như quy mô bề thế trước kia của chùa Bửu Thạnh. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 116 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu Di Tích Lịch Sử Bót Dây Thép

Di tích Bót Dây Thép gồm 3 căn nhà biệt lập, kiến trúc kiểu Tây phương, tường gạch, mái ngói, nằm trên khu đất cao thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, thành phố Thủ Đức. Bót Dây thép xây dựng từ rất lâu, theo các bô lão trên 80 tuổi thì ngay lúc nhỏ đã thấy nhà Dây Thép. Trước năm 1945, Bót dây thép tiền thân được gọi là Nhà dây thép vì được xây dựng dùng làm trạm phát và thu nhận tin tức của người Pháp. Trạm được thiết kế xây dựng gồm ba căn nhà biệt lập kiến trúc theo kiểu 'tây' với ba cột ăng-ten, cột cao nhất đến hơn 70 m. Công trình do hai người Pháp là Hermall và Stéru thiết kế để phục vụ cho quá trình xâm lược của thực dân Pháp trước năm 1945. Bót dây thép là căn nhà một trệt, một lầu, bố trí nhiều cửa sổ trổ ra bốn hướng. Phía trái ngôi nhà có hai cầu thang dẫn lên lầu một. Ðiều lạ lùng nhất là trong Bót dây thép có một căn hầm bí mật dùng để nhốt, tra tấn người mà chúng cho là 'phản nghịch'. Hầm chỉ có một lỗ thông hơi duy nhất ở phía trên nóc. Miệng hầm có kích thước nhỏ (0,4 m2) chỉ vừa đủ cho một người đứng thẳng lọt vào trong hầm. Năm 1945, khi Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Ðông Dương, Nhà dây thép bị quân phát-xít Nhật chiếm giữ. Sau đó không lâu, phát-xít Nhật bị đánh bại, thực dân Pháp trở lại và Nhà dây thép lại thuộc về tay người Pháp. Khi chiếm lại Nhà dây thép, thực dân Pháp cho hạ bớt cột ăng-ten (chỉ chừa lại một cột) và xây thêm hai căn nhà gạch nền cao, một căn để viên chỉ huy có tên là Pi-rô-let ở và căn còn lại dành cho để binh lính Pháp canh giữ. Từ ngày tiếp quản Bót dây thép, quân Pháp đã biến nơi này thành ngục tù, bắt bớ, vây hãm, hành hạ, tra khảo những người dân của làng Tăng Nhơn Phú anh hùng và những ai mà chúng nghi ngờ là có liên quan, tiếp tế cho các chiến sĩ cách mạng. Tại đây, trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, binh lính Pháp đã khảo tra, hành hạ biết bao người dân cũng như chiến sĩ cách mạng kiên cường. Chúng bắt bớ, dùng mọi biện pháp tra khảo một cách dã man. Có những tù nhân bị ngộp thở chết vì hầm giam người quá đông, không có dưỡng khí. Nhiều người khác, bất kể già trẻ, trai gái, hễ bị chúng nghi ngờ là phải đứng xếp hàng cho chúng bắn chết ném xác xuống sông Cầu Bến Nọc. Tàn bạo hơn, chúng còn dùng mã tấu chặt đầu, xác ném xuống sông, đầu cắm vào cọc, dựng thành hàng dài trước Bót dây thép để 'trưng tội', ngăn ngừa những người yêu nước đứng lên. Bót dây thép trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp là một địa ngục trần gian đối với bao người dân vô tội. Di tích Bót dây thép được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 18-1-1993. Nguồn: Đoàn phường Tăng Nhơn Phú A

TP Thủ Đức 114 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình thần Linh Đông

Đình Linh Đông nay tọa lạc tại số 28 đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Đình nằm trên một gò đất cao, có diện tích 2479.1m2. Mặt tiền đình quay về hướng Đông - Nam. Đây là một công trình đặc sắc, có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã của cư dân Nam Bộ, tinh thần tôn trọng, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền đã có công khai phá lập làng, lập đình...đồng thời cũng thể hiện trí tuệ, sự tài hoa, khéo léo của các bậc nghệ nhân xưa. Căn cứ chữ hán khắc trên cây đòn nóc tiền điện đình Linh Đông “Quý mùi niên, quý thu, cát nhật tạo” (dựng đình ngày lành tháng 9 năm Quý Mùi - 1823) có thể xác định đình Linh Đông được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Buổi đầu, kiến trúc đình Linh Đông có thể được xây dựng với quy mô nhỏ và bằng các vật liệu nhẹ. Thời gian sau, kiến trúc đình có sự thay đổi ngày càng khang trang, tôn nghiêm hơn với tường gạch, mái ngói, hệ thống kết cấu gỗ như: cột, vì kèo, câu đầu, xà, đòn tay, rui, mè hầu như còn bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Đình Linh Đông là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, kiến trúc của đình Linh Đông vẫn còn lưu giữ được nhiều yếu tố kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ. Đình Linh Đông xây dựng theo dạng chữ Tam gồm ba nếp nhà: tiền điện, trung điện và chính điện, nhà khách và nhà bếp, phần còn lại là sân đình. Trong đó, nổi bật là kiến trúc tiền điện và chính điện. Tiền điện là nếp nhà năm gian, chính điện theo kiểu tứ trụ với tổng số lượng là 32 cột gỗ chống đỡ toàn bộ hệ thống mái ngói âm dương. Các bàn thờ trong chính điện được bài trí đăng đối nhau. Trung tâm là khám thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh; phía trước là án thờ Hội Đồng; bên phải là khám thờ Ngũ Thổ Thần Vị và khám thờ Tiền Hiền Chi Vị; bên trái là khám thờ Ngũ Cốc Thần Vị và khám thờ Hậu Hiền Chi Vị. Đặc biệt đình còn lưu giữ sắc phong do vua Tự Đức ban cho Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh thôn Linh Chiểu Đông, huyện An Nghĩa vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (ngày 8 tháng 1 năm 1853). Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh tế các đề tài như: long - lân - quy - phụng, hạc - rùa, hoa - lá - quả... Hàng năm, đình Linh Đông tổ chức một ngày lễ lớn đó là lễ Kỳ Yên. Lễ Kỳ Yên diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch với mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Trong những ngày này, nhân dân vùng Linh Chiểu và du khách tấp nập về dự lễ cúng đình. Ngoài ra, đình còn tổ chức lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng), lễ Trung Nguyên (15 tháng 7) và lễ giỗ Tiền hiền Tạ Dương Minh (tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức) vào ngày 19 tháng 6 âm lịch. Với những giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đình Linh Đông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 4 tháng 11 năm 2020. Nguồn: Sở Văn Hóa Và Thể Thao TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 124 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Phong Phú

Đình tọa lạc trên khu đất 4,2ha, tại khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức. Ngoài những giá trị kiến trúc và tâm linh, đình còn là di tích lịch sử cách mạng. Đình Phong Phú được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, khi thôn Phong Phú có tên trong tổng An Thủy, hạt Sài Gòn năm 1880. Đình đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, mặc dù vậy các cụ trong hội đình luôn giữ được liên lạc với cách mạng và đã có nhiều đóng góp suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1993, đình Phong Phú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa – cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đình được xếp hạng là di tích lịch sử – cách mạng vì ở góc vườn, có một căn hầm bí mật để giấu cán bộ cách mạng. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) đình Phong Phú là nơi tập trung quân, nơi dừng chân của cán bộ cách mạng vùng Thủ Đức. Đình còn là nơi cung cấp tiền bạc, lương thực, thuốc men, dầu hôi… thường xuyên cho cán bộ cách mạng. Năm 1960, toàn bộ hội đình bị bắt vì bị tình nghi có tiếp tế và quan hệ với cách mạng. Ở trong tù, mặc dù bị tra khảo, các cụ cương quyết không khai. Khi ra tù, các cụ lại tiếp tục con đường ủng hộ cách mạng. Đình Phong Phú có hai lớp cổng. Lớp thứ nhất có hai cửa tả – hữu, ở giữa tạc bia Ông Hổ. Lớp cổng thứ hai xây theo kiểu tam quan, chính giữa là tượng Bạch Mã. Sau tam quan là bàn thờ Thần Nông và hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu Ngũ Hành Nương Nương và tượng Ông Hổ. Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện. Theo trục dọc công trình, chính giữa có tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp. Hai bên chính điện là nhà truyền thống và nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long. Trong đình, tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Điểm đặc biệt của ngôi đình là bàn thờ lộ thiên được đặt phía trước miếu Ngũ Hành Nương Nương. Thời kháng chiến, nơi đây dùng thắp nhang làm ám hiệu khi có quân địch xuất hiện. Vào ngày mùng Một, Rằm và lễ Kỳ Yên, người đến viếng đình rất đông, nhiều nhóm học sinh đến tìm hiểu giá trị lịch sử và kiến trúc của đình. Lễ Kỳ Yên, còn là lễ cầu an, tế Thành Hoàng lớn nhất trong năm của những ngôi đình thần ở Nam bộ. Đây cũng là lễ chính của đình Phong Phú, diễn ra vào ngày 14 đến 16/11 Âm lịch thường niên. Nếp sinh hoạt văn hóa này có từ rất lâu và hằng năm, cứ đến dịp lễ, hàng nghìn người dân địa phương nô nức đến đình. Mọi người thắp nén hương thành kính cầu an và tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng từng trú ngụ nơi này Rất nhiều người dân gắn bó với ngôi đình như mạch sống, như kỷ niệm thiêng liêng. Nhiều thế hệ Nhân dân ở đây ra sức gìn giữ ngôi đình và những tinh hoa văn hóa. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đến viếng đình, thắp nén hương tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Ngôi đình được các bậc tiền bối khẳng định là ngôi đình nổi tiếng nhất Thành Phố và ở vùng Nam Bộ. Đình Phong Phú là nơi tâm linh, thu hút hàng triệu khách thập phương đến thăm viếng, nhất là mỗi dịp xuân về, Tết đến. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 92 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Xuân Hiệp

Đình thần Xuân Hiệp, tọa lạc tại Đường 5, khu phố 2, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức. Đình thần Xuân Hiệp tên cũ là Đình Xuân Trường có thể được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1818 đến năm 1885. Từ ngày được xây dựng đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Kiến trúc của Đình thần Xuân Hiệp được làm bằng vật liệu gỗ. Nhân vật chính được thờ cúng ở đình là Thần Thành hoàng bản cảnh. Vị thần này được vua Bảo Đại của triều Nguyễn ban cho các mỹ tự “khai nguyên diệu hóa chính đạo đại vương tôn Thần” vào ngày 27/7/1934. Ngoài thờ Thần Thành hoàng. Đình còn thờ Hội đồng chư thần như: Tả ban, Hữu ban. Ngũ Thổ, Ngũ Cốc, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Thần nước, Thần hổ, Bạch Mã. Các hiện vật có giá trị lịch sử gồm: 1 sắc phong bằng chất liệu giấy Dó (giấy bản) do vua Bảo Đại ban cho Thần Thành hoàng bản cảnh thôn Xuân Hiệp, tổng An Điền, tỉnh Gia Định ngày 27/7/1943; 1 chiếc mõ dài; 6 dàn lỗ bộ – đồ thờ cúng phỏng theo vũ khí như: gậy, dùi đồng, long đao, xà mâu, búa, rìu (gồm 40 cây), cán gỗ, lưỡi đồng; 2 kiếm bằng đồng; 3 cặp hạc đứng trên lưng rùa, bằng chất liệu gỗ; 1 chiếc chiêng đồng. Các hiện vật có giá trị nghệ thuật gồm: 14 bức hoành phi bằng gỗ được chạm nổi, chạm chìm tinh tế, đề tài lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, cúc dây, chữ Hán; 7 cặp liễn đối bằng gỗ được chạm nổi, chạm chìm tinh tế đề tài long – vân, cúc dây, chữ Hán; 6 bao lam bằng gỗ được chạm thủng, chạm nổi, chạm chìm tinh tế, đề tài lưỡng long triều nguyệt, nho – sóc, tứ linh, khỉ – đào; 9 khám thờ và bàn thờ bằng gỗ được chạm nổi, chạm chìm tinh tế, đề tài lưỡng long triều nguyệt, tứ linh, chim và hoa; 1 ngựa xích thố bằng gỗ; 1 ngai Thần bằng gỗ; 1 cặp hạc đứng trên lưng rùa bằng đồng; 1 bình hoa gốm; 14 bộ tam sự (lư hương và cặp chân đèn) bằng đồng. Kiến trúc tổng thể của Đình thần Xuân Hiệp được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm 3 khối nhà chính là: tiền điện; chính điện và hậu điện (chung một khối); nhà bếp và nhà khách. Cả ba khối nhà này nằm trên một trục dọc. Ở bên phải sân đình là miếu Ngũ hành nương nương, miếu được xây dựng vào năm 1968. Phía sau miếu Ngũ hành là miếu Thủy Long xây dựng vào năm 1937 với mục đích thờ Thần nước suối Xuân Trường. Đối diện với tiền điện là khối nhà thứ nhất. Võ ca được xây dựng theo kiểu “tứ trụ” với mục đích làm sân khấu để hát bội vào những dịp cúng kỳ yên của đình. Khối nhà thứ hai là tiền điện. Với kiến trúc kiểu “ba gian hai chái” nên tiền điện có ba cửa ra vào cho ba gian, ba cửa này chỉ mở rộng vào dịp cúng lễ. Ngày thường muốn vào đình phải đi bằng cửa hông ở hành lang bên phải. Bên trong tiền điện được bố trí các khám thờ và bàn thờ: ngay trước cửa ra vào gian giữa là bàn thờ Hội đồng nội. Khối nhà thứ ba là chính điện và hậu điện. Khối nhà này được xây dựng theo kiểu “tứ trụ”, mái lợp ngói vẩy cá vào năm 1946 thay cho mái ngói âm dương đã mục nát. Trên gờ nóc của mái gắn tượng gốm lưỡng long tranh châu. Đình thần Xuân Hiệp hàng năm có một kỳ lễ chính là Lễ Kỳ yên (cầu an), kỳ lễ này diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, Đình thần Xuân Hiệp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 15/12/2004. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 114 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Trường Thọ

Đình thần Trường Thọ tọa lạc tại khu phố 8, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức. Đình Trường Thọ thờ Thần Thành Hoàng bổn cảnh với mong muốn Thần Thành Hoàng sẽ phù hộ cho dân chúng trong làng. Nhân vật Thần Thành Hoàng theo truyền khẩu chính là Châu Văn Tiếp – một vị tướng triều Nguyễn. Bản chính sắc phong đã bị Pháp đốt, nay đình chỉ còn giữ lại bản sao. Không chỉ thờ Thần Thành Hoàng, đình còn thờ các vị: Tả ban và Hữu ban, Hội đồng nội, hội đồng ngoại, Tiền hiền và Hậu hiền, Tiên sư, Thần Nông, Ngũ Hành, Bạch Hổ, Thanh Long, Bạch Mã… Về mặt kiến trúc: đình thần Trường Thọ trông vô cùng uy nghi giữa những hàng cây với kiến trúc riêng biệt. Đình được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc bao gồm tiền điện, chánh điện, hậu điện, nhà trù và nhà kho với tổng diện tích 518 mét vuông. Từ cổng tam quan đến khuôn viên của mặt tiền đình, thoạt tiên ta sẽ gặp hình ảnh miếu thờ Thần Nông và cả đàn Bạch Mã, tất cả đều được xây bằng xi-măng. Đình được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái, toàn bộ mái đình được 48 cột tròn chống đỡ, các cột đều thuộc loại gỗ quý, đường kính mỗi cột 30cm, cột cao từ 4m đến 6m, chân kê đá xanh. Cấu trúc xây dựng theo kiểu dân dụng nhưng rất kĩ thuật, lấy tứ trụ làm điểm tựa đặt giữa chánh điện chịu lực. Các đầu kèo đâm trính, nêm chặt bằng gỗ giữ bộ giàn trò chống gió bão, lại chia lực giữa chánh điện với tiền điện và hậu điện. Đặc biệt các kèo được chạm khắc theo đề tài “Long tọa môn”, đuôi rồng hướng về phía mặt tiền, đầu rồng chạm trổ trên đầu kèo ở hậu sở. Nghệ thuật chạm trổ đầu và đuôi rồng cũng như các hoa văn ở kèo, dầm được thể hiện hết sức tinh vi. Những đầu kèo đâm trính xuyên cột để giữ thế cân bằng là phong cách dân gian rất hiếm. Tiền điện có nhiều hiện vật thờ cúng rất quý hiếm, có ba bàn hương án thờ hội đồng nội, ngoại trên có các bài vị và một bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với hàng chữ: “Thánh thọ vô cương” Khu hậu điện nối liền với chánh điện. Kiến trúc nổi bật ở hậu điện là các đầu kèo xuyên qua cột gỗ với các đầu rồng chạm trổ rất điêu luyện thể hiện rồng trầm ở đình (long ngọa triều), ngụ ý điềm lành tỏa khắp đình. Chân mỗi cây cột gỗ đều được kê các hòn đá tảng xanh tròn. Ở bàn thờ giữa có bức hoành phi được treo phía trên với hàng chữ: Khai sáng đại huân (người khai sáng có công to). Hai bên có hai bàn thờ viên quan, hương chức, trên đặt nhiều bài vị. Phía trên hai bàn thờ cũng có năm bức hoành phi ghi: Phong điều vũ thuận – Hưởng vu thành – Thượng an hạ thực – Tiền đại viên quan – Tiền đại hương chức. Hậu đình là nơi hội họp trước khi vào lễ của ban Trị sự đình và cũng là nơi đãi khách trong các ngày lễ lớn. Tiếp giáp với hậu đình có dãy nhà độc lập. Nơi đây dùng làm nhà bếp và nhà kho chứa những vật dụng chén, ly, bát, tách nhằm phục vụ lễ bái. Đình Trường Thọ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 30/12/2002. Đình Trường Thọ là một cơ sở tín ngưỡng dân gian có giá trị về mặt lịch sử cũng như về mặt kiến trúc nghệ thuật. Từ khi thành lập cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình vẫn là ngôi nhà chung của người dân Trường Thọ. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 115 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phước Tường

Chùa Phước Tường là di tích lich sử văn hóa cấp quốc gia, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận cấp bằng ngày 27/7/1993 và công nhận là Di Tích kiến trúc nghệ thuật ngày 7/1/1993. Chùa Phước Tường là một ngôi chùa cổ của Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc ở đường 102, Khu phố 7, Phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức. Chùa theo hệ phái Bắc tông do thiền sư Linh Quang – Phật chiếu (1736 – 1788), đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn vào năm 1741. Đến năm Giáp Ngọ (1834) đời Minh Mạng, trụ trì đời thứ tư là Từ Minh, dời chùa đến địa điểm hiện nay, tái thiết quy mô. Chùa Phước Tường nằm trên khu đất khá rộng, gần 30.000 m², bao phủ bởi nhiều cây cổ thụ to xanh mát. Trong khuôn viên chùa có nhiều tượng Phật và điện thờ bố trí xung quanh sân chùa như tượng Phật Thích Ca dưới gốc Bồ Đề, điện thờ Tam Thế Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Bảo tháp…Chùa được trùng tu nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn. Kiến trúc ngôi chùa ngày nay là kết quả của những đợt trùng kiến vào những năm 1930, năm 1952 và năm 1991. Chùa được xây dựng theo lối chùa cổ Nam Bộ thuần túy, những dãy nhà được xây dựng theo hình chữ L ngược có trục chính và trục phụ. Trục chính là một tập thể qui mô, kiến trúc bao gồm: chánh điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tĩnh, tăng đường, phần cuối của trục chính là trai đường. Trục phụ gồm đông lang nằm bên trái trục chính, được sử dụng để làm nhà kho và bếp. Tiền điện chùa có bố trí tượng Hộ Pháp, Kim cang và các bao lam được chạm theo đề tài tùng hạc. Tác phẩm điêu khắc độc đáo có giá trị lịch sử là bức hoành phi treo ở tiền điện mang dòng chữ “Phước Tường Tự” có niên đại từ đời vua Minh Mạng 1834. Tiếp nối tiền điện là chánh điện. Chánh điện là khu vực thờ cúng chủ yếu và được trưng bày khá nhiều tượng Phật cổ. Chính giữa chánh điện là một bao lam lớn, được chạm theo đề tài tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng. Trước chánh điện có hàng cột chạm khắc thân hình rồng vàng uốn lượn theo những câu đối sơn son thiếp vàng. Sát với chánh điện là Tổ đường, nơi đây có đặt bàn thờ tổ, thờ tượng Tổ sư Đạt Ma và bài vị của các vị sư trụ trì của chùa, bố trí bàn thờ 9 bà mẹ Thai Sanh mà dân gian thường gọi là “Mẹ sinh mẹ độ” và một đôi liễn “Long giáng” bằng gỗ. Chùa Phước Tường cũng như các chùa ở Nam Bộ đều bày trí theo công thức “Tiền Phật hậu Tổ”, chùa có 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối và nhiều bao lam, thần vọng, bài vị. Tượng thờ có nhiều loại, có tượng bằng đá, bằng đất, nhiều nhất là bằng gỗ. Một số tương gỗ ở chùa tạc vào đầu thế kỷ 19, còn nét thô phát nhưng có giá trị lớn của cổ vật niên đại hàng trăm năm và có nhiều câu đối văn hay, chữ đẹp, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 120 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hội Sơn

Chùa Hội Sơn, tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển, Phường Long Bình, thành phố Thủ Đức. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi nhỏ có độ cao khoảng 15m so với mực nước biển. Theo nhiều tài liệu ghi chép thì Chùa Hội Sơn ban đầu được một vị thiền sư có tên Khánh Long khai lập và trụ trì vào cuối thế kỷ 18, do vậy chùa còn có tên gọi là chùa Khánh Long. Sách Gia Định Thành Thông Chí giới thiệu về chùa: “Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành…”. Trải qua theo thời gian, Chùa Hội Sơn dần dần có dấu hiệu bị hư hỏng và xuống cấp. Năm 1938, Ni sư Thích Nữ Như Thanh và đệ tử là Thích Nữ Như Tiên đã tiến hành tôn tạo, sửa chữa và nâng cấp thêm một số công trình phụ bên trong chùa. Tháng 7/2012, hỏa hoạn xảy ra tại chùa Hội Sơn đã thiêu rụi toàn bộ ngôi Chánh điện bằng gỗ của chùa. Đến năm 2015, dự án phục dựng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn được thực hiện. So với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4m. Theo đó, chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỷ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể để phục vụ cho việc sinh hoạt tu học của chư Tăng, Phật tử. Mặc dù có tuổi đời trên 200 năm, trải qua nhiều lần sửa chữa và xây dựng mới nhưng tới nay chùa Hội Sơn vẫn bảo toàn nguyên vẹn khối kiến trúc cơ bản của một cổ tự như: mái ngói âm dương, nền lót gạch màu,… Sân chùa được thiết kế vô cùng rộng rãi để bài trí một số tượng phật, bồ tát. Mặt trước của chánh điện là nơi đặt pho tượng Phật Thích Ca, hai bên chánh điện cũng được nhà chùa đặt Tượng Phật Di Lạc và Tượng Phật bà Quan Âm. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử thì Chùa Hội Sơn còn có khá nhiều di chỉ khảo cổ chưa được khai quật. Di chỉ này nằm ngay dưới khuôn viên 18.000 m² ở trên một vùng phù sa cổ trong đó có một lớp đá ong dày 4m, được phủ lên bởi một lớp đất mỏng. Do tác động của quá trình bào mòn, rửa trôi và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết nên các hiện vật này đã dần lộ thiên. Hiện theo những gì đã thống kê được thì có khoảng 89 công cụ bằng đá và rất nhiều mảnh gốm có niên đại hàng ngàn năm. Hiếm có ngôi chùa nào đem lại nhiều giá trị lịch sử như Chùa Hội Sơn. Bên cạnh các món đồ kể trên thì chùa còn lưu giữ rất nhiều pho tượng cổ cùng các hiện vật quý hiếm khác Vì những giá trị lịch sử và phong cảnh nên thơ tuyệt đẹp, ngày 7/1/1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã công nhận chùa Hội Sơn là một di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, chùa được đánh giá là ngôi chùa có thắng cảnh đẹp nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, chùa tiếp đón hàng ngàn du khách, phật tử tới cúng lễ và tham quan chùa. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 102 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh

Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh tọa lạc tại đường 10, khu phố 4, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh là một ngôi mộ cổ có kiến trúc theo dạng trâu phục với hai vòng tường trong, ngoài bao quanh, gắn liền phần chân mộ là tấm bia đá cao 42cm, rộng 32cm và dày 4cm. Trên bia khắc 37 chữ Hán, chia thành một hàng ngang và 3 hàng dọc Theo thông tin trên bia mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh ghi: mộ ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức. Mộ Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh có diện tích xây dựng 108m2 với 2 vòng tường đá ong bao quanh, bình phong tiền, bình phong hậu và ngôi mộ ở giữa, vật liệu để xây mộ là đá ong và gạch, mặt ngoài được trát bằng một lớp vữa cổ. Phía trước bia mộ là bệ hiến tế, bệ được xây bằng gạch, là nơi dùng để đặt lư hương và các đồ cúng tế, lễ vật. Di tích mộ Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh do hương chức thôn Linh Chiểu Đông trùng tu và lập bia mộ vào năm Canh Dần – 1890. Di tích không có hiện vật mà chỉ có các thành phần kiến trúc tạo nên ngôi mộ là bia mộ, các bức bình phong và 2 lớp tường bao xung quanh. Mộ Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh là di tích có giá trị lịch sử – văn hóa – kiến trúc nghệ thuật, là cơ sở tín ngưỡng dân gian và là nơi giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Về mặt kiến trúc nghệ thuật, ngôi mộ là di tích mộ cổ tiêu biểu của những năm cuối thế kỷ 19, được coi là còn tương đối nguyên vẹn trên địa bàn TP Thủ Đức với hai vòng tường bao xung quanh, hai bình phong hậu, bình phong tiền, hai cửa ngoài, hai cửa trong. Về mặt lịch sử – văn hóa, ngôi mộ còn bia mộ ghi rõ tên húy, tên hiệu, ngày mất và công lao của người tạ thế, cùng với đó là sự thừa nhận công lao tiền nhân của hậu thế, nên rất có giá trị về mặt lịch sử mở cõi dựng nước, giữ nước. Về mặt tín ngưỡng dân gian, ngôi mộ là nơi để Nhân dân và tiểu thương địa phương thường xuyên lui tới cúng tế nhằm tưởng nhớ công đức của người khai ấp, lập chợ, thể hiện truyền thống nhớ về nguồn cội của người dân Thủ Đức. Về mặt giáo dục truyền thống, Mộ Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh là minh chứng trực quan cho sự tồn tại của một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đối với địa phương. Là nơi để người dân tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa, lễ hội và địa dư của Thủ Đức xưa và nay. Đây cũng là nơi góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân gian, là nơi giúp người dân thêm yêu mến quê hương và tri ân công đức của những bậc tiền nhân. Mộ Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố ngày 27/7/2007. Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa TP Thủ Đức

TP Thủ Đức 107 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Nhà Dây Thép Cà Mau

Di tích lịch sử Nhà Dây Thép nằm ở vị trí trung tâm thành phố, tọa lạc tại góc đường Lê Lợi – Lý Bôn, khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau. Với giới trẻ ngày nay, ba chữ “nhà dây thép” khá lạ lẫm, thực ra đó là nhà bưu điện được thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910 để thực hiện chức năng thông tin liên lạc phục vụ cho bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Tận dụng tình hình, cách mạng Việt Nam đã biến nơi đây trở thành đầu mối thông tin liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ với Chi bộ Đảng Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Từ năm 1930 đến 1939, Xứ ủy Nam Kỳ và Đặc ủy Hậu Giang đã chọn Nhà Dây Thép là địa điểm liên lạc, đồng chí Lê Tồn Khuyên (nhân viên Nhà Dây Thép) được giao nhiệm vụ phụ trách đầu mối liên lạc của Đảng tại khu vực Cà Mau. Từ điểm liên lạc này, Đảng bộ Cà Mau đã nhận được những tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời để củng cố lực lượng và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng và giành được nhiều thắng lợi. Di tích Nhà Dây Thép không những là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, mà còn là công trình ghi nhận dấu ấn lịch sử phát triển của ngành giao thông liên lạc ở Cà Mau. Qua thời gian, Nhà Dây Thép bị hư hại nặng nên đến năm 1999, tỉnh Cà Mau đã thống nhất phục dựng lại theo nguyên mẫu và đến năm 2004, ngôi nhà được khánh thành và đưa vào sử dụng. Do điều kiện hoạt động bí mật nên các di vật trong di tích không còn lưu giữ được, mà hiện nay Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã phục chế các hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến di tích, đồng thời trưng bày hoàn chỉnh tại di tích, phục vụ tốt cho khách đến du lịch Cà Mau tham quan nghiên cứu. Đồng thời trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 2/6/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nhà Dây Thép tại Cà Mau là Di tích cấp Quốc gia. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 114 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Phật Tổ (Chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự)

Chùa Phật Tổ tọa lạc tại phường 4, thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng vào năm 1840, mang đậm lối kiến trúc cổ của thế kỷ 19, đây là nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất ở vùng đất Cà Mau. Nguyên cách gọi tên chùa Phật Tổ là do sự tôn kính từ lâu đời của người dân vùng Cà Mau với vị hòa thượng lập dựng chùa: Hòa thượng Thích Trí Tâm. Truyền thuyết kể lại khoảng năm 1840 vùng Cà Mau là vùng lau sậy, theo dòng người đi khai hoang mở đất có chàng trai Tô Quang Xuân đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề cổ thụ thì thấy lộ ra một quyển kinh Phật đặt ở gốc cây. Từ đó chàng trai dựng am thờ Đức Quan Thế Âm vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân bên bờ kênh Quản Lộ. Tương truyền, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Thiên hạ biết tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu. Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Thấy vậy, hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng ghen ghét đã vu cho ông là gian đạo sĩ. Ông bị quan trên bắt về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) quản thúc. Nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở chùa Kim Chưởng. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông viên tịch. Vua sắc phong cho ông làm “hòa thượng” đồng thời ban cho gấm vóc và cử người đưa di hài về đến tận Cà Mau. Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã xuống chiếu sắc phong cho Tô Quang Xuân là Hòa thượng Thích Trí Tâm, sửa sang am tranh của ông bên cánh rừng già và sắc tứ cho chùa với tên hiệu là “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”. Hòa thượng Thích Trí Tâm được người dân trong vùng tôn kính xem như là “Phật Tổ”, nên chùa cũng gọi là “chùa Phật Tổ”. Chùa Phật Tổ đã qua nhiều lần tu sửa, lần đại trùng tu là vào năm 1937. Tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ được hiện trạng của ngôi chùa cổ. Các hiện vật phụng thờ như tượng gỗ, khánh gỗ, độc bình, chuông đồng, câu đối, sắc phong của vua ban… vẫn còn lưu giữ, minh chứng cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt bắt đầu những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên vùng đất phương Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phật Tổ là nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Ngày 24/11/2000, chùa Phật Tổ được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa cổ, bên phải từ cổng chùa vào còn có văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, văn phòng Phân ban Đặc trách Ni giới. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho người nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng… Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp. Hàng năm, mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử tề tựu về tham dự. Nguồn: Du lịch Cà Mau

Cà Mau 128 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 29 điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Các địa điểm này nằm trên địa bàn 7 huyện và thành phố Cà Mau gồm: Huyện Thới Bình có 11 điểm gồm: Văn phòng trung ương cục miền Nam; Đài phát thanh Trung ương Cục miền Nam; Phòng họp Trung ương Cục miền Nam; Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Đài Cơ yếu của Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Nhà in Trần Phú; Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Đài phát thanh Nam Bộ, Trường Nguyễn Văn Nguyễn; Các cơ quan đoàn Thể thuộc xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam; Trường Trần Quốc Toản; Nơi làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ; Sở Giao thông Liên lạc - Vô tuyến điện - Đài Phát thanh Nam Bộ. Huyện Năm Căn có 1 điểm: Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Huyện Cái Nước 1 điểm: Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Huyện Đầm Dơi 6 điểm: Xứ Ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam; Hội trường Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ; Sở Ngân khố Nam Bộ; Trường Đảng Xứ ủy Nam Bộ mang tên Trường Chinh; Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ; Ban mật mã của Xứ ủy Nam Bộ. Huyện Phú Tân 3 điểm: Trường Đảng Trung ương Cục miền Nam mang tên Trường Chinh; Nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chấm bút khởi thảo “Đường lối cách mạng miền Nam” tiền thân của Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng; Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Huyện U Minh 2 điểm: Sở Y tế Nam Bộ; Địa điểm Sở Giáo dục Nam Bộ từ năm 1948 đến năm 1954. Huyện Trần Văn Thời 4 điểm: Ban Tổ chức Trung ương Cục sáp nhập với Ban Tổ chức Quân sự; Nhà in Trần Phú; Nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở trong thời gian hoạt động cách mạng tại Cà Mau; Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại Sông Đốc, tỉnh Cà Mau. Thành phố Cà Mau 1 điểm: Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau. Các địa điểm trên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 10/11/2010 (gồm 5 điểm di tích) và ngày 28/10/2016 (bổ sung 04 điểm di tích). Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 112 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Hòn Khoai

Hòn Khoai là tên một cụm đảo nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai cách đất liền hơn 6 hải lý (14,6km) có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Khoai gồm nhiều đảo nhỏ: Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ. Trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so mực nước biển là 318m. Xưa kia, địa danh này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Hòn Giáng Hương, Hòn Độc Lập hay đảo Poulop vào thời Pháp. Tuy nhiên, bởi hình dạng giống như một củ khoai khổng lồ mà người địa phương vẫn quen gọi với cái tên là Hòn Khoai cho đến tận ngày nay. Hòn Khoai là hòn đảo đá, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý cùng quần thể động thực vật phong phú, chính điều đó đã làm say lòng biết bao du khách. Theo nghiên cứu mới nhất hệ thực vật ở Hòn Khoai có hơn 1.400 loài gồm cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây làm thuốc… Động vật cũng khá phong phú với các loài khỉ, gà rừng, trăn hoa, kỳ đà, sóc bụng trắng… và hơn 20 loài chim quý. Hòn Khoai được mệnh danh là đảo ngọc của đất mũi, rừng núi bao quanh, nước biển xanh trong hiền hòa và những di tích nhuốm màu thời gian. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến tỉnh Cà Mau. Tháng 9/2013, Cụm đảo Hòn Khoai được xác lập Kỷ lục cụm đảo gần xích đạo nhất. Lịch sử của di tích Hòn Khoai cũng kể về ngọn hải đăng cao 12,05m được xây dựng bởi thực dân Pháp trên đỉnh cao của hòn đảo. Ngọn hải đăng này có công suất quét sáng rộng 35km; là một phần của hệ thống đèn biển Cần Giờ – Côn Đảo – Hòn Khoai – Phú Quốc giúp chiếu sáng cho tàu biển lưu thông trên biển Đông. Vào ngày 13/12/1940, nơi đây đã ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng khi ông Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Hòn Khoai chống lại thực dân Pháp và giành thắng lợi. Đây cũng là ngày được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân Cà Mau để kỷ niệm sự kiện quan trọng này. Hòn Khoai có bờ biển dài, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho ngư dân và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Từ những loài sinh vật phù du nhỏ bé cho đến những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: mực, tôm hùm, tôm tít, cá mú, cá bớp,… Biển Hòn Khoai có những bãi cát rộng. Khi thủy triều xuống, biển lặng, du khách có thể đi bộ trên bãi cát để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở không khí trong lành của rừng, của biển. Vào ngày 27/04/1990, Di tích Hòn Khoai đã được bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 126 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Chùa Cao Dân

Chùa Saraymel Chey (Chùa Cao Dân) tọa lạc tại ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chùa Cao Dân nằm cạnh quốc lộ 63 (thuộc địa phận ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 16 km về phía Bắc. Chùa Cao Dân được xây dựng năm 1922 trên diện tích 4 ha, ở ngã 3 rạch Đường Cày, do bà Diệp Thị Lài hiến. Lúc bấy giờ nhân dân thường gọi là Chùa Châu Trắng (Bạch Ngươu). Qua nhiều lần bị địch đốt phá, đến năm 1998, Chùa Cao Dân được xây dựng mới. Bên trong chánh điện chùa có một bàn thờ lớn, thờ duy nhất Phật Thích Ca. Đối diện với chánh điện là tháp Hoà thượng Hữu Nhem, được xây dựng năm 2003, cao 17m, diện tích 12 m². Năm 1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết, ta phải đưa một bộ phận cán bộ và con em cốt cán tập kết ra Bắc, chọn Chùa Cao Dân làm điểm tập trung học tập cho số cán bộ và con em cốt cán trong tỉnh để đưa ra miền Bắc. Số cán bộ cốt cán còn lại sử dụng hết mức thế hợp pháp, số cán bộ chưa bị lộ cài vào hàng ngũ của địch. Số cán bộ bị lộ chuyển vùng hoạt động hoặc rút vào bí mật. Các đoàn thể cách mạng cũng được sắp xếp lại và biến tướng cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Mặt khác, Chùa Cao Dân được sự chỉ đạo của Đảng dời ra cạnh lộ cầu số 6 (Quốc lộ 63), để tránh sự dòm ngó của địch. Đồng thời, có nhà cửa nhân dân làm lá chắn về an ninh để hoạt động dễ dàng hơn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Quản trị cùng các chư tăng, phật tử Chùa Cao Dân gắn bó mật thiết với cách mạng. Chùa Cao Dân là cơ sở bí mật của cách mạng. Trong đó, Hòa thượng Hữu Nhem, nguyên trụ trì chùa đã viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ, tích cực vận động các nhà sư, Ban Quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc kinh - hoa - khmer ở địa phương tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địch đã nhiều lần dội bom tàn phá ngôi chùa; nhiều chư tăng, phật tử đã anh dũng hy sinh. Ngày nay, tại Chùa Cao Dân vẫn còn nhiều hố bom chưa san lấp, như chứng minh sự tàn phá của kẻ địch không thể làm lu mờ tinh thần quật khởi, yêu nước của phật tử, chư tăng. Trong quá trình hình thành và phát triển, Chùa Cao Dân vừa làm nhiệm vụ giữ đạo, vừa làm tốt nhiệm vụ của người công dân yêu nước, luôn gắn bó với dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng, của cách mạnh đã tạo được những thành quả rất đáng trân trọng. Đồng thời, không tách rời khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 29/12/2017, Chùa Cao Dân được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 138 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là

Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, thuộc ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tháng 9/1963, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu (T3), Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau chủ trương mở chiến dịch tấn công quân sự, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng Nam Cà Mau, Cái Nước và Đầm Dơi là hai chi khu (quận lỵ) ở phía Nam Cà Mau, cách nhau 20km được chọn làm mục tiêu chính. Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi và Cái Nước trong một đêm, tiến công các đồn bót xung quanh, chặn đánh địch tăng viện. Cùng lúc đẩy mạnh tấn công các hậu cứ, sân bay, sở chỉ huy địch ở Cần Thơ, Sóc Trăng và các tỉnh. Tiến công địch bằng 3 mũi giáp công, nhổ đồn bót, phá ấp chiến lược. Thời gian nổ súng tiêu diệt hai chi khu được quy định thống nhất vào đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10 tháng 9/1963 Chi Khu Đầm Dơi và Cái Nước, được xây dựng với kết cấu vững chắc từ năm 1955. Nơi đây trở thành nơi phòng thủ nghiêm ngặt của quân địch với hệ thống bảo vệ phức tạp; bao gồm rào chắn thép, bãi mìn, và tháp canh chiến lược,…. Tại Chi Khu Đầm Dơi, Tiểu đoàn U Minh 1 đã tiến hành chiến thuật tấn công đầy can đảm và thông minh. Trải qua hai giờ đồng hồ ác liệt, quân dân nơi đây đã phá hủy chiến khu Đầm Dơi, tiêu diệt 110 kẻ địch, bắt sống 48 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự. Chiến thắng ở Cái Nước cũng không kém phần ấn tượng. Tiểu đoàn 306 đã tấn công mạnh mẽ vào đêm 10/9/1963. Kết quả là đã tiêu diệt được 92 kẻ địch, bắt sống 84 tên và thu giữ nhiều vũ khí quân sự quan trọng. Chà Là cũng là một địa điểm hứng chịu một cuộc tấn công toàn diện của quân đội ta. Sau hơn 3 giờ đấu tranh ác liệt, quân đội ta đã hủy hoại căn cứ Chà Là và đánh bại hoàn toàn quân địch. Kết quả là bắt sống 30 tên địch và thu giữ được nhiều loại vũ khí. Các trận đánh này không chỉ diệt quân địch mà còn góp phần phá tan chiến thuật “trực thăng và dù” của quân đội Mỹ. Những trận thắng ấy không chỉ mở rộng vùng giải phóng; mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh và tình thần đấu tranh của quân dân miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước - Chà Là là một thành công lớn của quân dân ta trong việc thực hiện phương trăm “hai chân, ba mũi” (vũ trang - chính trị - chính trị - binh vận), phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là hai trong bảy trận thắng lớn của quân nhân miền Nam trong năm 1963, ta đã tiêu diệt nhiều địch, gỡ nhiều đồn bót và phá tan từng ấp chiến lược, vùng giải phóng được mở rộng, trận Chà Là không những loại địch ra khỏi vòng chiến đấu mà còn góp phần đánh bại chiến thuật “trực thăng vận và quân dù” của Mỹ - ngụy. Ngày 18/8/2016, di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau

Cà Mau 117 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật