Am Chúa

Am Chúa

Am Chúa tọa lạc trên núi Đại An hay còn gọi là Qua Sơn (Qua Lãnh, núi Chúa, núi Cấm), xưa nay tên Đại An thông dụng nhất. Núi Chúa là một thổ sơn, cao 284 thước, Am Chúa nằm ở lưng chừng núi, có độ cao 80m so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào xác định thời gian cụ thể mà Am Chúa được xây dựng; song qua lời kể của hào lão địa phương thì khởi đầu Am Chúa là một thảo am nhỏ nằm cùng Đại An sơn tự (chùa Đại An) trên ngọn Hoa Sơn và sau nhiều lần trùng tu thảo am đã trở thành nơi thờ Thiên Y Thánh Mẫu khang trang như ngày nay. Mặc dù hiện nay ngôi chùa nhỏ mang tên Đại An không còn nữa, nhưng sự hòa quyện giữa tục thờ Mẫu và những lễ nghi mang màu sắc Phật giáo thì vẫn còn nguyên vẹn và là nét văn hóa đặc trưng ở Am Chúa. Hệ thống kiến trúc thờ tự tại Am Chúa có nhiều nét tương đồng với kiến trúc các đình làng Khánh Hòa. Cấu trúc thờ tự có sự phối thờ, phối tế gần giống với các công trình kiến trúc tín ngưỡng trong tỉnh và đây chính là một đặc điểm tín ngưỡng của người dân Khánh Hòa. Các công trình kiến trúc ở Am Chúa gồm: Tam quan, mộ ông bà Tiều, bia ký, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chánh điện. Ngôi chánh điện được trùng tu lần thứ 3 vào năm Mậu Tuất (1958), lần thứ 4 năm Mậu Thìn (1988), đại trùng tu năm Kỷ Sửu (2009) với dạng thức kiến trúc ba gian. Am Chúa bài trí thờ tự với lỗ bộ, các cặp liễn đối, hoành phi được khắc, chạm tinh tế, sắc sảo. Án thờ đầu tiên là hương án thờ thần vị của Tiều công phu phụ. Khám thờ Thiên Y Thánh Mẫu được trang hoàng lộng lẫy, là điểm tập trung nhất của cấu trúc thờ tự trong Chánh điện; hai bên là khám thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương. Bên tả ban thờ Thánh Mẫu là ban thờ Tứ vị Thái tử và Thập nhị hành khiển, còn được gọi là ban thờ Cậu (Hoàng tử Trí – con trai Thánh Mẫu); bên hữu là ban thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương, còn gọi là ban thờ Cô (Công chúa Quý – con gái Thánh Mẫu). Tất cả các ban thờ trong Chánh điện đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh tế, đặc sắc. Toàn bộ chánh điện có kết cấu vì nóc kiểu vì kèo, các hàng cột cái và cột quân được làm từ gỗ quý có giá trị cao. Am Chúa còn lưu giữ được hai sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Theo quan niệm dân gian, tháng Ba là tháng Vía Bà, “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Lễ hội Am Chúa từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hàng năm và diễn ra theo một diễn trình truyền thống: Lễ mộc dục (tắm tượng), lễ tam hiến trơn, lễ tế chính, hát văn Mẫu, tế Nữ quan, lễ cúng Hậu thường, nghi thức dâng hương và múa bóng. Qua các truyền thuyết, truyện kể dân gian đến thờ phụng thể hiện sự tiếp nối liên tục về văn hóa, tín ngưỡng, Am Chúa đã mang trong mình những giá trị của hai nền văn hóa Chăm – Việt. Tuy rằng có những dấu ấn khác nhau, song phải khẳng định hình tượng Thiên Y A Na là một sáng tạo của người Việt, có cội nguồn từ hình tượng Pô Nagar của dân tộc Chăm và đều xuất phát từ hình tượng hiện thân cho người mẹ sáng tạo muôn loài. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, năm 1999 Am Chúa được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia. Nguồn: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa 631 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Khánh Hòa

Văn miếu Diên Khánh

Khánh Hòa 2198

Di tích cấp quốc gia

Lăng Bà Vú

Khánh Hòa 1597

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Trần Quý Cáp

Khánh Hòa 1366

Di tích cấp quốc gia

Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết

Khánh Hòa 1282

Di tích cấp quốc gia

Tháp Bà Pônagar

Khánh Hòa 1251

Di tích cấp quốc gia

Phủ Đường Ninh Hoà

Khánh Hòa 1228

Di tích cấp quốc gia

Thành cổ Diên Khánh

Khánh Hòa 1176

Di tích cấp quốc gia

Miếu Bình Tây Đại Tướng

Khánh Hòa 1164

Di tích cấp quốc gia

Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235

Khánh Hòa 1140

Di tích cấp quốc gia

Khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin

Khánh Hòa 793

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật