Phật viện Đồng Dương

Phật viện Đồng Dương

Di tích lịch sử khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương (Khu phế tích Phật viện Đồng Dương) nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến khi các nhà khoa học người Pháp công bố các kết quả nghiên cứu và khai quật. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, với tên gọi mới là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay. Kinh đô nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2 km2 (theo kiến giải của những nhà nghiên cứu Pháp thì Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. Tiếng "Dương" là biến âm của tiếng "Yan"- trời, linh thiêng trong ngôn ngữ Chăm). Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng Ly Ly, cửa ngõ thông thương với bên ngoài được bố trí rất kín đáo. Bia ký còn ghi lại sự sùng đạo của nhà vua, cho biết vào năm 875 “Do lòng tin vào Phật Giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay “đô thị giải phóng” (moksapura), nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapada). Nhà vua nhấn mạnh đến những kẻ nào phạm tội ác phải chịu đày đọa xuống địa ngục. Sau khi xây dựng xong, vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ và nhiều thứ khác cho Lokesvara. Nhà vua dặn: Sau khi băng hà, được đổi danh hiệu là Paramabuddhaloka. Tất cả những sự kiện trên đã chứng minh là vua Indravarman II đã đồng nhất với Phật dưới dạng Bồ Tát. Đạo Phật Chămpa trong thời này theo Đại thừa. Tháng 9/1996, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy, ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều. Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40 - 50cm, có nơi chỉ dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô. Có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Chămpa, còn kinh thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương. Phật viện là một quần thể kiến trúc lớn nằm gọn trong bức tường thành hình chữ nhật gọi là thành ngoại, cạnh dài chạy theo hướng chính Đông - Tây kích thước khoảng 155m nhân 326m. Vết tích nền móng còn lại cho thấy đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục Đông - Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc Đông Nam. Ngày nay một cái đã bị san lấp làm ruộng. Ngoài ra, góc Đông Nam của thành ngoại còn có vết tích kiến trúc của một tòa nhà dài. Thành ngoại có hai cửa Đông và Tây. Hiện tại vết tích cổng rất mờ nhạt. Bên trong Thành ngoại có Thành nội. Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính. Thành nội còn có một tháp đặc biệt gọi là Tháp Giếng- nằm phía góc Tây Nam của Thành nội, ngày nay đã bị vùi lấp. + Khu đền thờ chính: nằm trong một khu vực hình chữ nhật. + Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện Phật giáo (Vihara). + Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. + Nhóm phía Tây: gồm các đền thờ chính và các tháp phụ xung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Chăm; Trong quá trình phát hiện và khai quật Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị như: tượng thần Hộ pháp bằng đá, tượng Phật bằng đá, nhóm tượng Siva bằng đá, tượng Phật bằng đồng (bảo vật quốc gia - lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), tượng nữ thần bằng đồng,… Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương trưng bày tại Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã hình thành một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX, đến cuối thế kỷ IX, được gọi là phong cách Đồng Dương. Đồng Dương là khu di tích Phật giáo hết sức độc đáo của vương quốc Chăm, không chỉ có giá trị tiêu biểu của Việt Nam mà còn là di tích Phật giáo hiếm có trên thế giới thời kỳ cổ, trung đại. Thông qua những cổ vật còn lại, đã phản ánh thời đại cực thịnh của một vương quyền, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chăm lên hàng tột đỉnh. Dưới góc độ tôn giáo, Đồng Dương đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục và cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới ngày nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 22/12/2016. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Quảng Nam 1153 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt

Mở cửa

Khám Phá Quảng Nam

Miếu Quan Công

Quảng Nam 1191

Di tích cấp quốc gia

Lăng mộ Đoàn Quý Phi (Lăng Vĩnh Diên)

Quảng Nam 1178

Di tích cấp quốc gia

Phố cổ Hội An

Quảng Nam 1157

Di tích cấp quốc gia

Phật viện Đồng Dương

Quảng Nam 1154

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Phước Lâm

Quảng Nam 1126

Di tích cấp quốc gia

Chùa Cầu

Quảng Nam 1108

Di tích cấp quốc gia

Hội Quán Phước Kiến

Quảng Nam 1096

Di tích cấp quốc gia

Thánh địa Mỹ Sơn

Quảng Nam 1088

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Chúc Thánh

Quảng Nam 1072

Di tích cấp quốc gia

Hội quán Quảng Đông

Quảng Nam 1052

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật