Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân, tên chữ đầy đủ trong thư tịch cổ là Báo Ân Thiền Tự hay Tự Già Báo Ân, tên dân gian thường gọi là chùa Cấm, trước thuộc xã Tháp Miếu, tổng Bạch Trữ, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XII thời vua Lý Cao Tông (1176-1210). Đây là một trong số ít ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ thời Lý đến ngày nay. Chùa làm trên một quả đồi cao, cây cối xum xuê, bốn bề lộng gió, phong cảnh đẹp, tĩnh tại, đậm chất u tịch chốn thiền tôn. Xưa khu vực này gọi là núi Tiêu Dao, tục gọi là rừng Cấm có lẽ do vậy mà chùa nổi tiếng với tên gọi chùa Cấm. Theo văn bia, ngọc phả thì chùa đã có từ lâu, đến thế kỷ XII, thái tử con vua Lý Cao Tông đã cúng hơn trăm mẫu ruộng, hai nghìn quan tiền để tu bổ chùa, còn công đức 700 quan tiền để làm tiệc cúng dàng. Giao cho võ tướng họ Nguyễn trực tiếp chỉ đạo, vận động quyên góp công đức tu sửa chùa. Kết quả là chùa được trùng tu xong với “bảy gian san sát vừa xây, cột sơn hoa thắm, màu ngọc tươi chiếu rọi, cung cao điện báu, ánh nhật nguyệt chói ngời sáng láng, tượng phật huy hoàng, tòa sen đĩnh đạc, chuông to gác phượng, khánh quý khám rồng, vẻ lộng lẫy uy nghi rõ rệt…”. Võ tướng họ Nguyễn còn công đức một nghìn quan tiền để mua hơn một trăm mẫu ruộng cúng cho chùa làm ruộng oản. Đến thế kỷ XIV đời vua Trần Anh Tông, chùa Báo Ân lại được công chúa Hưng Nương cấp nhiều tiền của tu bổ, tôn tạo. Để ghi nhớ công đức của ngài, như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, nhân dân đã lập điện thờ Hưng Nương công chúa ở trong chùa. Trải qua những biến cố thăng trầm của thời gian cả nghìn năm lịch sử, đến nay chùa Báo Ân vẫn còn tại khuôn viên cũ nhưng đã có nhiều thay đổi. Các tòa kiến trúc cổ như: tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, điện thờ công chúa Hưng Nương và điện thờ mẫu do xuống cấp nên đã dỡ bỏ. Hiện nay chùa đã được tôn tạo, xây dựng lại với quy mô lớn, kiến trúc bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi. Trong chùa còn lưu giữ được những di vật, cổ vật có giá trị như: tượng pháp, khám thờ, chuông đồng, bia đá. Trong đó, tiêu biểu nhất là bia đá “Báo Ân thiền tự bi ký” (bài ký bia chùa Báo Ân). Cho đến nay, theo các số liệu rà soát, khảo sát, thống kê, đây là văn bia triều Lý duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh. Văn bia được khắc vào tháng Chạp năm Trị Bình Long Ứng (1209) và được khắc lại về sau, có lẽ là vào cuối thế kỷ XVIII, đặt tại chùa Báo Ân. Bia được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến và công bố trong Thơ văn Lý Trần (Nxb KHXH, H.1977) và Văn bia thời Lý (Nxb ĐHQGHN, H.2010). Đây là tấm bia mang niên đại cổ nhất Vĩnh Phúc và là một trong 18 tấm bia thời Lý còn lại đến nay ở nước ta. Bia cao 1,4m, rộng 0,85m, dày 0,14m, đặt trên lưng rùa đá mai trơn, đầu nhô lên, chân bốn móng choãi ra bốn phía. Bia khắc cả hai mặt với 50 dòng gồm 1498 chữ Hán - Nôm, nét chữ sắc sảo theo lối chữ trân thời Lý, rất đẹp. Nội dung bài ký do Ngụy Tư Hiền soạn với lối văn biền ngẫu, đăng đối, súc tích, Cuối bài ký là một bài minh viết theo lối kệ nhà phật. Nội dung văn bia miêu tả cảnh chùa Báo Ân ở thế kỷ XII hết sức lộng lẫy, huy hoàng, ghi lại công đức tu sửa chùa của thái tử Sâm con vua Lý Cao Tông và võ tướng họ Nguyễn cùng phật tử, nhân dân nơi đây. Theo Nguyễn Hữu Mùi (Nghiên cứu Văn bia Vĩnh Phúc, 2013), mặc dù văn bia còn đậm sự khoa trương, nhưng đã hiện lên rõ ràng hình ảnh của một ngôi chùa thời Lý: chùa chỉ do một người bỏ công đức trùng tu, quy mô chùa bề thế, trong chùa có tượng phật, đài sen, ngoài chùa có chuông, có khánh; chùa sở hữu nhiều ruộng đất và có Hội Thiền Thích Giáo (một dạng hội phật tử, ban hộ tự) để quản lý chốn thiền môn. Căn cứ vào văn bia này có thể thấy, việc xây dựng, trùng tu chùa chiền diễn ra trên đất Vĩnh Phúc đã có từ thời Lý. Việc xây dựng, trùng tu chùa chiền được triều đình khuyến khích chứ không cấm cản và giao cho tầng lớp quan lại, quý tộc đứng ra chủ trì, tổ chức. Việc xây dựng, trùng tu chùa chiền còn được xem như một sự kiện trọng đại trong đời sống tinh thần của nhân dân, thu hút cả vùng, thậm chí cả nước cùng tham gia công đức. Điều đó chứng tỏ trong sự phát triển cực thịnh của Phật giáo thời Lý, địa bàn Vĩnh Phúc cũng là một trung tâm thịnh hành của tôn giáo này. Điều đặc biệt là trong số gần 1500 chữ trên bia, có xen lẫn những chữ Nôm, những chữ Nôm này để ghi tên người và tên đất. Có nhận định cho rằng, đây là một trong những chứng tích chữ Nôm xưa nhất được tìm thấy ở Việt Nam. Trước văn bia này, dấu vết một vài chữ Nôm chỉ mới được tìm thấy ở hai nơi: trên quả chuông chùa Vân Bản, Hải Phòng (năm 1076), trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (năm 1173). Chùa Báo Ân được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1995. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc có dự kiến xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với bia chùa Báo Ân và nâng cấp xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích chùa Báo Ân, đây là những hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nguồn: Chùa Báo Ân Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc 2068 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh

Mở cửa

Khám Phá Vĩnh Phúc

Đền Bắc Cung

Vĩnh Phúc 2443

Di tích cấp quốc gia

Chùa Báo Ân

Vĩnh Phúc 2069

Di tích cấp tỉnh

Chùa Hoa Dương

Vĩnh Phúc 1720

Di tích cấp quốc gia

Đình làng Hương Canh

Vĩnh Phúc 1645

Di tích quốc gia đặc biệt

Tháp Bình Sơn

Vĩnh Phúc 1608

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Thờ Trần Nguyên Hãn

Vĩnh Phúc 1605

Di tích cấp quốc gia

Chùa Hà Tiên

Vĩnh Phúc 1478

Di tích cấp tỉnh

Chùa Cói

Vĩnh Phúc 1422

Di tích cấp tỉnh

Danh thắng Tây Thiên

Vĩnh Phúc 1420

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình Thổ Tang

Vĩnh Phúc 1338

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật