Làng Kép xưa có 3 xóm: Kép, Keo, Càn. Ba xóm này sau thành ba thôn mà các họ Nguyễn, Mai, Đào, Trần là lâu đời và lớn. Trong quá trình lịch sử, làng Kép sau này phát triển thành các thôn đội với nhiều họ nhỏ từ các nơi về sinh sống. Tuy thế cho đến nay, các họ ở Kép vẫn cho rằng hai chi họ Nguyễn ở đây là lâu nhất. Tục truyền hai chi họ Nguyễn này trước kia vào thời Lê Lợi khởi nghĩa, có hai người kết nghĩa anh em ( quê gốc ở Thanh Hoá ) theo nghĩa quân Lam Sơn ra Bắc đánh giặc Minh. Khi giặc tan, thấy nơi này có thể cư trú được nên đã lưu lại và trở thành hai vị tổ đầu tiên của họ Nguyễn ở Kép, sau thời lê Lợi. Dần dần họ khác đến tụ cư trở thành dân gốc ở nơi đây.
Do làng Kép là một địa bàn quan trọng trên trục đường thiến lý cổ, nên nơi đây được các triều đại phong kiến đặt thành trạm để án ngữ toang khu vực. Là nơi dừng chân của các đoàn sư thần hai nước Việt – Trung ( xưa ) và là nơi đồn trú của quan quân thời phong kiến. Bởi thế, trong địa dư làng còn có các địa danh trên các xứ đồng, đồi gò…như Đồng Càn, thành Cần Trạm, Cầu Gỗ, giếng Sau, giếng Hoả, đồng Thảo, Bãi Trận, đồi Đắp, đồi Nghè, đồi Ngô Công, Mô Cờ, Ao Trạm, Sau đồn, đồn Trạm, am Mồ, rừng Keo, Non Tú, rừng Bụt, rừng Đơn….
Khu di tích đình Cần Trạm, chùa Kép, nghè Trận. Ba di tích này đều nằm trên đồi nghè kề bên đồi Bắp - Đồi có làng Kép toạ lạc. Đình, đền, chùa, nghè là ba công trình nằm ở sườn phía bắc đồi Bắp, quay về hướng Bắc. Đình gồm 5 giáp 2 trái, quy mô lớn đặt dưới chân đồi. Cả ba đình đều làm theo lối cổ truyền rất uy nghi đẹp đẽ. Nhìn trên tổng thể cả ba công trình này đều ở vào địa thế sơn thuỷ hữu tình. Phía trước đình gọi là ao đình và cánh đồng vườn Dâu, đồi Tây. Sau lưng là đồi Nghè; bên phải có đồi Bụt, bên trái có đồi Bắp. Cảnh quan thoáng đãng mà ấm cúng.
Khu thành Cần Trạm ở phía đông bắc làng Kép. Thành này được xây dựng từ đầu thế kỷ XV. Nơi đây diễn ra trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn. Trận này, quân Minh đã bị thất bại nặng nề mà lịch sử Việt Nam đã ghi lại những dòng chữ chói lọi. Sau ngày chiến thắng quân Minh, thành này là nơi nhà Mạc dùng làm chỗ đóng quân chống lại nhà Lê. Bởi thế mà thành cũng có tên là thành nhà Mạc. Suốt thời Lê, thành Cần Trạm là nơi dừng chân của các sứ thần Việt Nam và Trung Hoa. Do đó, quanh thành còn nhiều địa danh gắn với thành này như Ao Trạm, Cần Trạm, Mô Cơ….
Làng Kép xưa có bốn giáp: đông, tây, nam, bắc. Các giáp này gồm các đinh nam tổ chức theo họ. Họ to thì một giáp, họ bé thì hai, ba họ vào một giáp. Mỗi giáp có một giáp trưởng. Giáp trưởng là tộc trưởng của họ và cũng là người lo việc cho giáp mình. Các thành viên trong giáp có trách nhiệm cùng lo việc làng, việc nước với giáp trưởng. Lệ cũ quy định, xuất đinh nào mua nhiêu, mua lềnh thì gọi là ông nhiêu, ông lềnh thì được tha miễn các sưu dịch, binh lính. Người đã mua nhiêu, mua lềnh thì gọi là ông nhiêu ông lềnh. Ông lềnh trưởng do hàng giáp bầu để lo việc làng, giúp việc giáp trưởng mỗi khi làng có việc.
Trước đây ở làng Kép mỗi năm có các lệ vào ngày 4/01; 6/01; 20/02; 1/6, 20/8; 1/10; 15/12 và 23/12. Các lệ này tổ chức to nhỏ tuỳ theo từng lệ, nhưng trong đó lệ 6/01 được coi là hội xuân. Còn các lệ khác thì gọi là việc làng. Theo lịch trình này, các hội lệ trên lần lượt diễn ra như sau:
- Ngày mồng 4 tháng giêng là ngày động thổ của làng. Theo lệ này thì làng Kép có tục từ 30 tháng chạp đến 4/1 năm mới không ai được làm gì kinh động đến làng. Trong khoảng thời gian đó, chiều 30 tháng chạp năm trước, dân ra đình tế tất niên. Đến giao thừa có lễ cúng giao thừa xin lộc ở đình. Đến sáng 4 tháng giêng có lễ ra giò ở đình.
- Ngày mồng 6 tháng giêng là ngày hội lệ thờ thần đầu xuân. Làng cho mở cửa đình, cửa nghè và cho làm bãi hội, sắp kiệu đóng đám.
Hội 1/6 ở làng Kép có các trò vui như: Đu, vật, cầu kiều, cờ người, tam cúc điếm, liếm lòng chảo, chọi gà….
Đu ở làng Kép là đu nhún, có giải. Hàng năm làng cho dựng cây đu từ trong Tết. Cây đu này cũng như mọi cây đu của các làng khác. Có điều khi vào hội, làng cho dựng dàn treo để giải để người đu thi tài tranh giải. Giàn treo giải là 8 cây tre chôn cao hơn cây đu. Mỗi bên 4 cây, giữa 4 cây có đặt đòn gánh, trên đó buộc cây treo giải. Cây treo giải trên tầm cánh đu. Giải có thể là tiền, hiện vật, hoặc bánh pháo. Nếu là bánh pháo thì ai đu phải đốt được bánh pháo mới là được giải. Do có treo giải nên người đu phải khoẻ mạnh, gan, để nhún cho cánh đu vượt quá tầm 900 lên cao. Khi đó người đu với tay lấy giải hoặc giơ bùi nhùi rơm, châm bánh pháo. Việc này diễn ra rất nhanh nên rất khó đạt được ý định. Đây là cuộc tranh tài thực sự nên thanh niên các xã bên đến dự rất đông.
Vật ở làng Kép được tổ chức ở ngay sân đình. Do làng không phải làng vật nên chỉ tổ chức cho vui, nên không ai muốn vật thì vào tham gia, nếu thắng thì làng cho giải.
Trong trò leo Cầu Kiều, làng cho đóng giá ở giữa ao đình, rồi đặt cây tre dài gá lên giá ấy. Đầu kia cây tre đặt ở trên bờ. Ngoài ao có treo giải thưởng, ai đi cầu ra giữa ao mà lấy được giải thì là thắng.Nếu ai chẳng may ngã xuống ao, ướt sạch thì tự lội mà vào bờ.
Làng cũng cho làm sân cờ người bên sân đình. Quân cờ toàn là các cô gái chưa chồng. Làng có cả bộ áo quần quân cờ theo lối quần áo tướng, sỹ, tốt ở bộ tam cúc. Nếu một bên là nam thì đó là thanh niên trẻ chưa vợ. Khi chơi, người cầm quân được giao một lá cờ đuôi nheo, đi quân thì phất cờ chỉ chỗ cho quân đi. Ngoài sân có bàn cờ tướng theo dõi, đi đứng như trong sân. Để cổ động cuộc cờ người, bên ngoài có người liên tục đánh trống đánh chiêng thúc giục. Trong sân lại có một người cầm trống bỏi gõ tung tung vào tai người cầm quân giục đi. Bởi thế, cuộc chơi tuy là đấu trí căng thẳng nhưng cũng rất sôi động.
Bên sân hội lại có 4 chòi được dựng lên để chơi tam cúc điếm. Khi chơi có người chia bài, rao bài bằng bài thơ vần rất hay, người chơi cứ nghe bài rao mà đoán đối phương ra quân gì để liệu quân. Đây cũng là một hình thức vui chơi ở hội làng Kép.
Trong ngày hội làng cho bón giáp thi cỗ đơm. Cỗ này còn gọi là cỗ ba tầng. Cỗ ba tầng này có cỗ chay, cỗ mặn và cỗ hoa quả. Cỗ chay của làng thươngg có bánh xu xê, bánh chầng gừng, bánh cốm. Cỗ mặn thì các món: giò lụa, giò mỡ, chả quế, thịt gà, thịt lợn, nem chạo, bóng mực, măng, miến….Hoa quả có các loại như: Cam, quýt, bòng, bưởi, hồng, chuối…bày lên thờ để làng chấm cỗ. Thi cỗ xong, làng cho hạ để dân ăn cỗ hương ẩm là cỗ cho làng dùng. Cỗ này làng trích từ quỹ ruộng công, ruộng hậu…ra đẻ lo việc làng. Tất cả các vị từ cụ thượng đến kỳ hào, lý dịch, cụ hạ, giai đinh đều được hưởng nhưng chỗ ngồi ở đình có phân ra thứ bậc khác nhau. Các cụ trên được ưu tiên các món đầu gà, má lợn, lòng gan. Cứ bốn người một cỗ. Cai đám và các ông lềnh cứ thế mà lo sắp xếp cho đủ.
Tối ngày hội 6/1 trong đình, trên chùa làng có các đoàn hát nhà tơ, chèo, tuồng biểu diễn cho dân xem.
Đình ở làng Kép là đình của xã đầu tổng, do đó hội lệ các xã trong tổng đến dự rất đông vui.
Hàng năm nếu có hạn hán thì làng tổ chức cầu đảo ở đền làng nghè Sấu là chính. Để tổ chức cầu đảo, làng cho làm lễ mở cửa đền Càn, tế ba ngày cầu mưa. Đến ngày thứ hai cho rước lên nghè Sấu. Khi rước thì cho người đóng làm ông sấm, ông sét. Ông sấm, ông sét cầm bó đuốc bằng nứa, bằng sậy huơ lên huơ xuống giả làm sấm sét. Đồng thời lúc đó cho trống chiêng đánh, gõ vang trời. Lại cho người khiêng lọ nước đi theo, thỉnh thoảng lại múc nước bằng gáo dừa ngậm vào mồm phun lên trời giả làm mưa rơi.
Ngày xưa, làng Kép là làng chỉ canh tác một vụ nên hạ điền tổ chức vào ngày 1/6 và lễ thượng điền ( lễ xuống đồng ) tổ chức ở trước đình làng. Lễ này có tế xuống đồng. trong lễ tế bao giờ cũng có ba thứ:
- Một cây khoai nước.
- Một cây sim.
- Một hòn đá.
Và lời văn khấn bao giờ cũng có cấu: cầu cho lúa xanh như khoai, sai như sim, chìm như đá.
Sau lễ khấn này thì làng cho các cô gái trẻ chưa chồng xuống ruộng trước đình đã cày bừa sẵn thi cấy. Ai cấy nhanh, cấy thẳng, cấy đẹp, cấy dẻo, cấy khéo là nhất.
Lễ lên đồng 1/10 cũng gọi là lễ mừng cơm mới. Lễ này làng có bánh dầy, xôi, gà mang đình. Cả làng cùng ăn cỗ, tuy không có trò vui, nhưng không khí trong làng rất vui.
Hội làng Kép ngày nay mở vào 20 tháng 2 âm lịch do thôn Trong và Ngoài cùng tham gia.
Từ 29/03/2024 - 29/03/2024