Lễ hội chùa Muống được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của sư tổ Tuệ Nhẫn đã tồn tại nhiều thế kỷ và nay vẫn duy trì và phát triển. Khác với những ngôi chùa khác trong vùng, lễ hội ở đây không chỉ đơn thuần là lễ hội kỷ niệm ngày mất của Tổ Tuệ Nhẫn, mà lễ hội được gắn kết giữa hai yếu tố "Thần và Phật", vì đối với Phật tử gần xa - ngài là bậc cao tăng được tôn kính hết mực, đối với quê hương, ngài lại là một vị thành hoàng làng có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm ấp. Do đó, lễ hội ở đây là một lễ hội đặc biệt, thời gian kéo dài 4 ngày từ ngày 24 đến ngày 27 tháng giêng hằng năm.
Lễ hội chùa Muống được tổ chức bắt đầu từ ngày 24, nhưng thực chất đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Trong ngày 24 quan trọng nhất là lễ"nhập tịch", mục đích của lễ này là làm lễ yết kiến với Thánh Tổ xin phép để dân làng được mở lễ hội. Các lễ vật chỉ là lễ chay gồm hương hoa, nải quả, bánh dầy, bánh nếp... Các sư thay nhau tụng kinh niệm Phật suốt ngày đêm, không khí lễ hội khá sôi nổi.
Ngày 25 có nghi lễ rước bánh dầy: Theo tập tục của người dân nơi đây là dùng những sản vật do chính họ làm ra trên mảnh đất này, để dâng lên Thánh tổ, sản vật của họ là những hạt gạo nếp thơm ngon tròn trịa, đồ thành xôi, thơm nức, giã mịn tạo thành những chiếc bánh to nhỏ đủ cỡ đặt lên mâm, có những chiếc bánh dầy lớn đặt trên mâm gỗ, đây là tín ngưỡng phồn thực của cư dân trồng lúa nước thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Những chiếc bánh dầy đưa lên kiệu, rước quanh chùa, trong tiếng nhạc âm vang và dòng người trang nghiêm, kính cẩn đi theo các kiệu sơn son thếp vàng. Sau đó, những chiếc bánh dầy được đưa vào tiền đường, tam bảo, nhà tổ để làm lễ. Tại đây các sư trụ trì và Phật tử đọc nhiều bài kinh ca ngợi công lao của đức Phật và mong muốn có mùa màng bội thu.
Ngoài nghi thức rước bánh dầy, ngày 25 còn có lễ "Tập ngơi", thực chất lễ này là tập dượt để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày này, có tổ chức rước kiệu thử và chuẩn bị chu đáo các dụng cụ rước.
Ngày 26 là ngày chính hội, từ sáng sớm, nhân dân địa phương và các Phật tử gần xa đã tấp nập tập kết ở chùa, xếp thành đội ngũ để chuẩn bị rước. Cũng giống như các lễ hội ở đình làng, các dụng cụ như kiệu bát cống, bát bửu, long đình, tàn, tán, lọng... được chuẩn bị kỹ càng và là dụng cụ rước truyền thống của địa phương. Đây là một điểm khác biệt của chùa Muống so với các ngôi chùa khác. Đi đầu đoàn rước là phường bát âm, rồi đến bát bửu, đến tàn lọng, kiệu hoa lễ, kiệu bát cống rước tượng Thánh tổ Từ Giác Quốc Sư, sau cùng các Phật tử và nhân dân. Trước đây, có 3 kiệu bát cống trên có tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và tượng Từ Giác Quốc Sư, 3 pho tượng này thường được rước đến tam quan chùa để làm lễ, sau đó lại rước về an vị trong điện tổ. Lễ rước kiệu ở di tích giống như lễ rước kiệu ở các đình đền Việt Nam.
Buổi tối ngày 26 có lễ Mộc dục (lễ tắm tượng): sau khi đọc kinh, các sư cùng các Phật tử tiến hành nghi lễ tắm tượng. Tất cả các pho tượng đều được tắm rửa bằng nước sạch, có pha nước ngũ vị thơm lừng, nghi lễ này chỉ diễn ra một lần trong năm và vào đúng tối 26 tháng giêng.
Ngày 27, Phật tử các nơi tiếp tục đến lễ và buổi tối có tụng kinh và kết thúc lễ hội.
Do thân thế của vị sư tổ nổi tiếng, lại được tổ chức vào đầu xuân, chùa Muống là ngôi chùa lớn, nên lễ hội ở đây là lễ hội lớn nhất trong vùng. Khách đến dự lễ hội đủ mọi lứa tuổi, trang phục phù hợp. Đặc biệt khách đến dự lễ được các Phật tử trong làng đón tiếp chu đáo, thân mật. Tục mời trầu khá đặc biệt: Trước cổng chùa là các cụ bà mặc áo dài thâm, nét mặt phúc hậu, tươi vui đón khách và mời trầu với cử chỉ thân thiện như những người khách đã quen biết từ lâu, đây là cử chỉ hiếu khách đã từng tồn tại từ bao đời nay của lễ hội này. Khách đến dự lễ không chỉ là khách trong vùng mà còn có rất đông khách ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Cùng với dòng người đổ về với lễ hội, là hàng hóa muôn sắc màu tràn ngập khắp mọi nơi, đó là các sản phẩm nông nghiệp, tò he, quần áo dành cho các Phật tử, nón, mũ và các hàng hoá thiết yếu khác.
Phần hội được tổ chức khá sôi nổi, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê... từ năm 2009, tại đây đã xuất hiện những trò chơi mới như: đu quay truyền thống, xiếc người bay, mô tô bay, tàu hoả đi trên đường ray...
Là một ngôi chùa lớn, lại có nhiều vị cao tăng trụ trì, đồng thời lại thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm, vì thế lễ hội tại di tích có quy mô khá lớn và có mối liên hệ chặt chẽ với các ngôi chùa thuộc thiền phái này.
Chùa Muống đã trải qua 7 thế kỷ tồn tại, ngôi chùa này đã ghi vào lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam. Hiện nay, chùa còn 32 ngôi tháp lớn nhỏ, chủ yếu là tháp đá thời Hậu Lê và thời Nguyễn, nhiều nhất trong các chùa ở Hải Dương.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, hầu hết các công trình của chùa đã bị phá hủy trong kháng chiến. Hòa bình lập lại, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 1980 cho đến nay, chùa Muống như được hồi sinh. Nhiều công trình được khôi phục như nhà tổ, tăng phòng, chùa chính và nhiều hạng mục khác. Lễ hội truyền thống cũng từ đó mà được phục hồi, phát triển và là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hải Dương. Trong những năm tới, địa phương đã có phương án tổ chức lễ hội có quy mô lớn, khôi phục những nét đẹp truyền thống, nhằm gìn giữ văn hoá phi vật thể đã từng tồn tại trong lịch sử, từng bước bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc
Từ 21/02/2025 - 24/02/2025