Lễ hội chùa Trông diễn ra vào ngày 15 tháng Ba âm lịch hàng năm, tại xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, với mục đích suy tôn Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không.
Được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của vị thiền sư Nguyễn Minh Không ở thời nhà Lý. Lễ hội chùa Trông là một lễ hội lớn của vùng Hạ Hồng xưa kia, cho đến ngày nay, lễ hội này đã đi vào lịch sử dân tộc.
Chùa Trông được thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ thời Lý ở thế kỷ thứ 11. Ngôi chùa này thờ Phật và thiền sư Nguyễn Minh Không. Chùa Trông còn có tên khác là Chùa Tông, trong Đại Nam nhất thống chí có ghi là đền thờ thiền sư Minh Không, họ Nguyễn, tự là Chí Thành. Thời phong kiến ngôi chùa này thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại của phủ Hạ Hồng. Từ năm 1947, Hán Lý đã trở thành một thôn của xã Hưng Long, huyện Ninh Giang.
Chùa Trông đã được xây dựng dưới thời Lý, đến thời Nguyễn thì quan thượng thư Thượng Đoàn đã cho tôn tạo lại theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, giải vũ, tắc môn, nhà mẫu, chùa kiểu chữ đinh và đền Đức Thánh kiểu chữ đinh trông rất đồ sộ. Công trình này đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến nay chỉ còn lại hệ thống tam quan cùng một số cổ vật của chùa. Tam quan chùa Trông là một công trình kiến trúc nghệ thuật có kiến trúc độc đáo ở thời Nguyễn. Ngôi chùa này hiện nay đã được khôi phục lại nhưng vẫn chưa được như thời xưa.
Hội chùa Trông được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của vị thiền sư Nguyễn Minh Không ở thời Lý. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của vùng Hạ Hồng xưa, đã đi vào lịch sử của dân tộc. Hội kéo dài trong 16 ngày, bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 đến ngày mồng 1 tháng 4.
Ngày 15/3 sẽ cử hành lễ thỉnh kinh, lễ rước nước, tổ chức lễ rước kiệu rất long trọng ra sông Luộc để lấy nước về cúng.
Ngày 16, cử hành nghi lễ rước Thành Hoàng và lễ tế tại chùa.
Lễ hội chùa Trông do hai làng Hán Lý và Hào Khê cùng đứng ra tổ chức, vì từ xa xưa hai làng này chính là một làng. Sau khi được chia tách, mỗi làng đều có đình riêng. Đình Hán Lý thì thờ thành hoàng là đại vương Đường Cát, một vị tướng khác của Khúc Thừa Dụ đã có công đánh thắng giặc Đường ở thế kỷ thứ 10. Đình Hào Khê là nơi thờ Lý Chiêu Hoàng làm thành hoàng làng, vị vua cuối cùng của triều nhà Lý. Như vậy ngày hội này phải tế 3 vị, gồm 2 thành hoàng và một vị thiền sư. Tại đây chỉ có đội tế nam, trang phục theo truyền thống gồm có ba mạnh bái và 16 vị bồi tế. Tên huý nên kiêng các từ như: Lệ, Minh, Ứng, Chiêu.
Quy trình tế lễ gồm ngũ tuần: Tuần thứ nhất: Dâng hương và hoa; Tuần thứ hai : Dâng đăng trà; Tuần thứ ba: Dâng quả thực; Tuần thứ tứ: Đọc chúc văn; và Tuần thứ năm: Lễ Tất
Sau khi thực lễ tế đức Thánh và 2 vị Đại vương xong sẽ tổ chức các trò vui dân gian kéo trong 3 đến 4 ngày.
Đến ngày 20 tháng ba, cử hành lễ rước xuất Đông nhập Tây. Lễ này được cử hành từ khi xây dựng tam quan. Cổng phía Bắc có ghi ba chữ Bắc địa đầu tức là làng Hán Lý ở phía bắc. Cổng phía Nam có ghi 3 chữ là Nam thiên động tức là làng Hào Khê là một động ở phía nam. Đoàn rước gồm có: kiệu Đức thánh, kiệu bát hương, 2 kiệu Thành hoàng, kiệu Thánh mẫu. Kiệu này được các nữ thanh đồng khiêng. Đoàn rước sẽ di chuyển ra phía cổng ở phía đông, đi vòng quanh 2 làng , về cổng ở phía tây.
Tối ngày 25 tháng 3, mỗi giáp sẽ sửa sọan một mâm cỗ để cúng ở đền Đức thánh, đọc kệ kể thân thế của Người.
Từ ngày 26 tháng 3, tế lễ Thành hoàng và Đức thánh. Sau tế lễ sẽ là lễ dâng hương do 16 người trong đội múa thực hiện trước tượng Đức thánh theo điệu Giao liên, Hoa chúc, mô phỏng lại điệu múa cung đình. Trong những ngày lễ hội còn có các trò diễn dân gian.
Sáng ngày mồng 1 tháng 4, tổ chức nghi lễ rước Thành hoàng về các đình và kết thúc hội.
Phần chia cỗ: Nếu lễ vật là bằng trâu bò, thì thủ sẽ biếu vị tiên chỉ một nửa, còn lại chia thành 3 phần, một phần biếu các cụ già từ 60 tuổi trở lên trong làng, 1 phần để biếu chức sắc trong làng, một phần để biếu những người hành văn. Thịt được chia theo đầu người từ hương ẩm trở lên.
Hội chùa Trông năm nào cũng mời đại biểu của chùa Hoa Vân đền Tân La ( Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đền Tranh và đền Trung Hoà (Ninh Giang). Trong những ngày lễ hội, nhân dân Đào Phố thuộc xã Hồng Phúc thường tổ chức lễ rước Thành hoàng lên chùa Trông để dự hội, gọi là lễ rước chạ.
Hội chùa Trông ngày nay vẫn đông vui, nội dung cũng khá phong phú không kém lễ hội xưa./.
Từ 23/04/2024 - 08/05/2024