Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định

 Lễ hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch hằng năm, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Lễ hội gồm: Lễ dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng. Đối tượng suy tôn: Đức Phật và thiền sư Không Lộ người giỏi chữa bệnh lại giỏi cả thơ văn, ông tổ nghề đúc đồng, nhà kiến trúc tài giỏi có công phò vua giúp nước.

Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là Hội xuân vào dịp tết Nguyên Đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13,14,15 để kỷ niệm ngày sinh của thánh tổ Không Lộ.
Hội xuân gồm các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Hội tháng chín được tổ chức trọng thể, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, hội tháng chín còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, vào ngày hội nhân dân không những trong vùng mà cả trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo nhau về tụ hội: Dù cho cha đánh mẹ treo Em không bỏ hội chùa keo hôm rằm. Đặt biệt là ở đây thường tổ chức từ ngày 10 tháng 9 đến hết hội.
Hình ảnh các chàng trai đóng khố, mặc áo nẹp ngắn, không tay, đầu chít khăn đồng màu khoẻ mạnh, trên hàng chục chiếc chải lao vun vút, giữa dòng sông trong tiếng dồn dập, tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người, đã ghi in trong tâm hồn những người dự hội Keo.
Ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ Dương Không Lộ, một nhà thơ thời Lý – Trần, một nhà thơ có học vấn sâu sắc về Phật học, là biểu tượng của con người sáng tạo văn hoá. Sau những lễ nghi trang trọng, tiết mục chèo tải được mọi người đón nhận nồng nhiệt nhất.
Độc đáo nhất trong lễ hội là môn đua thuyền trải: có 15 xóm trong làng tham gia đua thuyền hay gọi là bơi trải, có tất cả 10 người trên thuyền trong đó có 1 người lái thuyền. Bơi trải ở Chùa Keo Hành Thiện Nam Định khác với các nơi khác, họ không ngồi bơi mà 10 người đểu đứng để chèo. Bắt đầu xuất ở trong sông con là sông làng khoảng 5-6km rồi bắt đầu ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi 3.5 Vòng sông rồi quay về bắt Têu trong sông con nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất. Trung bình mỗi cuộc thi bơi trải diễn ra từ 3.5 – 4 h đồng hồ). Đây là môn thi đấu cổ truyền rất tuyệt vời đáng được ghi nhớ cũng như lưu trong sử sách của Dân tộc ta.
 

Từ 15/10/2024 - 17/10/2024

Khám Phá Nam Định

Khu di tích Phủ Dầy

Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh) tọa lạc trên địa bàn hai thôn Tiên Hương và Vân Cát thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, cách trung trung tâm thành phố Nam Định khoảng 15km về hướng Tây Nam. Đây là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa xếp hạng quốc gia theo quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21 tháng 02 năm 1975. Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt, đồng thời cũng là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn dân) với các duệ hiệu: Mã Vàng Bồ tát, Chế Thắng Hòa Diệu đại vương. Hầu hết các làng xã và đô thị ở nước ta đều có đền, chùa, phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh rất tôn nghiêm. Trong đó, di tích Phủ Dầy từ lâu đã được coi là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt. Căn cứ vào sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học cùng truyền thuyết dân gian về sự tích của Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì di tích Phủ Dầy được xây dựng trên mảnh đất quê hương nơi Mẫu giáng sinh lần thứ hai. Theo nội dung văn bia “Tiên từ phả ký” (Ngọc phả ghi chép việc đền Tiên Hương), “Thánh mẫu cố trạch linh từ bi ký”(Bia ghi việc nền móng cũ đền thiêng của Đức thánh Mẫu) hiện đang lưu giữ tại di tích thì Phủ Dầy (gồm Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát) có lịch sử xây dựng sớm nhất vào thời Hậu Lê, niên hiệu Dương Hoà (1642) và Cảnh Trị (1663-1671). Công trình ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ được nhân dân địa phương xây dựng để phụng thờ và tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, chính quyền, nhân dân và du khách thập phương công đức tiền của, công sức để trùng tu, xây dựng Phủ Dầy thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu khang trang, bề thế như hiện nay. Phủ Tiên Hương được xây dựng trong một khuôn viên rộng gần 7500m2, mặt quay hướng Tây Nam. Trên mặt bằng tổng thể, công trình gồm 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, cao thấp khác nhau được bố trí đăng đối, hài hòa tạo thành bình đồ kiến trúc kiểu “Nội trùng thềm, ngoại chữ quốc”. Nhìn từ bên ngoài vào, đầu tiên là một giếng tròn mang ý nghĩa “Tụ thủy để tụ phúc”, tiếp đến là 3 tòa phương đình, hồ bán nguyệt và công trình chính. Hai bên công trình chính là 2 giải vũ chạy suốt nối liền lầu Cô, lầu Cậu với nhà bia, nhà khách. Công trình chính có bốn cung thờ gồm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung thờ đều có bộ khung được lắp dựng bằng gỗ lim, thiết kế theo lối trùng thiềm điệp ốc, tạo cho không gian nơi thờ tự rộng phía ngoài và sâu hút phía trong. Trong số 4 cung thờ thì cung đệ tứ là hạng mục công trình có giá trị nghệ thuật cao nhất. Tại đây, trên hệ thống vì kèo, xà ngang, xà dọc, ván bưng các cấu kiện kiến trúc được các nghệ nhân gia công, chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ với nhiều đề tài, họa tiết sinh động như: tứ linh, tứ quý, cá hóa long, bánh xe pháp luân, cặp tiền “ngũ phúc”, dơi ngậm chữ “thọ”, nghê chầu, lưỡng đào, sen quy... mang giá trị nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX - XX. Phủ Vân Cát nằm cách Phủ Tiên Hương khoảng 1km về hướng Đông, được xây dựng trên một khu đất rộng gần 3600m2, mặt quay về hướng Tây Bắc. Công trình gồm 7 tòa với 30 gian lớn nhỏ cũng được thiết kế tương tự phủ Thiên Hương theo kiểu “Nội trùng thềm, ngoại chữ quốc”. Trên mặt bằng tổng thể, nhìn từ ngoài vào, đầu tiên là hồ bán nguyệt, giữa hồ là tòa thủy đình 3 gian được lắp dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Tiếp đến là hệ thống nghi môn (ngũ môn) thiết kế theo kiểu chồng diêm 3 tầng, 5 gác lâu và công trình chính. Công trình chính cũng được thiết kế gồm 4 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Phần giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật được thể hiện rõ nét nhất trên các cấu kiện kiến trúc gỗ của cung đệ tứ. Tại đây, các nghệ nhân đã dồn toàn bộ tài trí, công sức chạm khắc nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức phong phú, đa dạng với các họa tiết long hóa, rồng chầu phượng múa đan xen là bầy ly vui đùa cùng những chú rùa ẩn hiện dưới ao sen... mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Lăng Mẫu Liễu Hạnh được xây dựng vào năm 1938, trên một khu đất cao có diện tích rộng 1647m2. Lăng xây hoàn toàn bằng chất liệu đá xanh, gồm nhiều vòng tường hình vuông. Chính giữa các vòng tường đều có cửa được cấu tạo bởi 2 cột trụ, phía trên đỉnh trụ có đặt một bông sen đá màu hồng. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh rộng 1,3m. Tổng thể công trình lăng có 60 trụ tương ứng với 60 búp sen trông xa như một hồ sen cạn. Công trình kiến trúc Phủ Dầy, kể từ khi khởi dựng đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng quy mô nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn những giá trị kiến trúc mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Với cách tính toán hợp lý, khoa học về quy mô, kết cấu kiến trúc đến việc kết hợp, sử dụng tài tình các vật liệu xây dựng, cha ông ta đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo và hoàn mỹ. Cả ba di tích phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Mẫu Liễu Hạnh, không chỉ có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học mà còn có giá trị về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật. Ngoài vị trí toạ lạc trong cảnh quan sơn thủy hữu tình, các di tích này đều có quy mô bề thế, kết cấu đăng đối, hài hoà, cùng với giá trị nghệ thuật đặc sắc thông qua các đề tài điêu khắc phong phú, đa dạng. Tất cả những yếu tố đó đã trở thành hạt nhân quan trọng cấu thành một quần thể kiến trúc, một “siêu điện thờ” nổi tiếng không chỉ của Nam Định, mà còn tiêu biểu của cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống di vật, cổ vật và đồ thờ tự như: văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự…cùng truyền thuyết về Thánh mẫu Liễu Hạnh là những nguồn tư liệu phong phú và quý báu giúp các nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực lý giải và nhận diện giá trị to lớn của các di tích này đối với hệ thống di sản văn hoá của dân tộc qua các thời đại.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Vường quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy chính là khu bảo tồn ngập nước ven biển tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là khu rừng ngập mặt đầu tiên của Đông Nam Á tham gia công ước quốc tế RAMSAR. Với hệ thống sinh thái lý thú và hấp dẫn nhiều loài chim quý hiếm trở về đây cư trú nơi đây đã tạo lên một bức tranh tươi đẹp, sống động của một vùng quê điển hình ngay cửa sông ven biển miền Bắc. Thời điểm thích hợp đi du lịch vườn quốc gia Xuân Thủy là từ tháng 10 – 11 đến tháng 3 – 4 năm sau, bởi vào lúc này lượng chim tăng đột biến tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt của hàng ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc. Bên cạnh đó theo kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Xuân Thủy thì bạn cũng có thể tới thăm vào các tháng mùa Hè để tận hưởng gió biển và ngắm cảnh sắc rực rỡ tại đây. Du lịch vườn quốc gia cũng là dịp để bạn thưởng thức những món ăn đặc sắc Giao Thủy như: nem chạo, nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, nộm sứa, mật ong rừng ngập mặn... hay những loại hải sản tươi ngon của vùng biển như: ngao, sò, tôm, cua… Hệ sinh thái quốc gia Xuân Thủy được UNESCO công nhận là vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới khu ven biển liên tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đây được coi là sân ga của những loài chim di trú quốc tế với hơn 200 loài trong đó có hơn 50 loài chim nước và 100 loài chim di cư. Vì thế, vườn quốc gia Giao Thủy sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đi du lịch Nam Định. Bên cạnh việc tham quan tại vườn quốc gia Xuân Thủy thì du khách quay lại đất liền, nghỉ ngơi tại khách sạn, nhà nghỉ. Và nếu muốn có chuyến trải nghiệm đáng nhớ trong đời thì bạn nên dựng lều ngủ trong rừng thông bên cạnh cánh đồng ngao để sáng sớm thức giấc có thể đón bình minh tuyệt vời. Với trên 200 loài chim với hàng chục nghìn cá thể, VQG Xuân Thuỷ thực sự là một ga chim lớn của vùng đồng bằng Sông Hồng. Đến với VQG Xuân Thuỷ bạn sẽ được khám phá các loài chim mới lạ, được thoả sức ngắm nhìn những chú chim đang say sưa kiếm ăn, những đàn cò bay lượn trên nền rừng xanh biếc.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Đền Trần

Nhắc tới Nam Định là nhắc tới vùng đất Thành Nam có lịch sử văn hóa, văn hiến lâu đời. Nhắc tới Nam Định là nhắc đến vùng đất học, nơi đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước. Nam Định từ xưa đã được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long bởi đây là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần. Chính vì thế mà khu di tích đền Trần không chỉ trở thành nơi tưởng nhớ các vua Trần có công bảo vệ đất nước mà còn là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách Để đi vào Đền phải đi qua cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ sen, hoa nở thơm ngát cả một vùng. Đường vào đền rợp bóng cây cổ thụ to lớn, tạo bóng râm cho khách đến vãn cảnh. Khu di tích Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường. Phía bên phải là đền Cố Trạch còn bên trái là đền Trùng Hoa. Nguồn ảnh: instagram vickyvan97 Hàng năm đền Trần diễn ra hai lễ hội lớn thu hút rất nhiều khách thập phương. Đó là Lễ hội Đền Trần được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm và Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng đã được ghi danh vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

Từ tháng 1 đến tháng 12