Trong tour du lịch xuôi từ TP.HCM về Đồng Tháp Mười, qua địa phận tỉnh Long An và Đồng Tháp, du khách thích thú với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ. Trong đó, Khu di tích (KDT) Gò Tháp, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là điểm đến thú vị với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Trong tour du lịch xuôi từ TP.HCM về Đồng Tháp Mười, qua địa phận tỉnh Long An và Đồng Tháp, du khách thích thú với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ. Trong đó, Khu di tích (KDT) Gò Tháp, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là điểm đến thú vị với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Đoàn khách từ TP.HCM xuôi về Đồng Tháp Mười qua địa phận tỉnh Long An và Đồng Tháp (Trong ảnh: Đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu di tích Gò Tháp)
Điểm tham quan KDT Gò Tháp có diện tích gần 290ha, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa và Tân Kiều. Cách đây khoảng 1.500 năm, vùng đất này từng tồn tại một tiểu vương quốc sầm uất thuộc Vương quốc Phù Nam (thế kỷ thứ I-VI sau Công nguyên). Cả quần thể gồm 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, giếng thần, di tích cư trú, xưởng chế tác, tượng thần Vishnu cùng nhiều hiện vật bằng vàng được lưu giữ khá nguyên vẹn. Nơi đây cũng từng là “đại bản doanh” của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong những ngày đầu chống thực dân Pháp của ông cha ta (giai đoạn những năm 1860).
“Chúng tôi đã có 2 ngày 1 đêm về vùng đất Đồng Tháp Mười với những điểm đến mang tính lịch sử cũng như những trải nghiệm lý thú. Đầu tiên chúng tôi tham quan, tìm hiểu KDT Gò Tháp, kế đến là Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười; sau đó là KDT quốc gia Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh; Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (tỉnh Long An);... Chuyến đi giúp chúng tôi hiểu hơn về vùng đất Đồng Tháp Mười mà đặc biệt là KDT Gò Tháp” - ông Nguyễn Văn Ba, đến từ TP.HCM, chia sẻ.
Năm 2012, KDT Gò Tháp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là nơi hội tụ nhiều giá trị to lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử gắn liền với vùng đất Nam bộ. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh Gò Tháp là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng thời văn hóa Óc Eo và là “thủ phủ” của một tiểu quốc thuộc Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.
Sau năm 1945, Gò Tháp được Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ chọn làm căn cứ kháng chiến trong giai đoạn từ năm 1946-1949. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) khi đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 04/01/1960.
Khách tham quan di tích đền thần Vishnu
KDT Gò Tháp còn mang nét độc đáo về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Mỗi năm, KDT Gò Tháp diễn ra 2 kỳ lễ hội truyền thống: Lễ vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 Âm lịch) và Lễ tưởng niệm Ngày mất của 2 vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (rằm tháng 11 Âm lịch), thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương.
Đến Gò Tháp, du khách sẽ bất ngờ bởi đây không chỉ là KDT mà còn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những thảm thực vật phong phú đặc trưng của vùng đất ngập nước. Trong đó, phải kể đến khu sinh thái trên 160ha, là nơi gìn giữ, bảo tồn nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động, thực vật đặc hữu và nơi được xem là “vương quốc của sen”.
KDT này có nhiều giồng cát quanh co như lượn sóng, tạo thành cụm gò nổi. Trên gò có nhiều cây cổ thụ như trôm, gáo, sao, dầu, thao lao sừng sững tỏa bóng mát. Vào mùa nước nổi thì đồng nước mênh mông xen lẫn màu xanh cây cỏ, tạo thành phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Đứng trên Gò Tháp, bạn sẽ thấy bốn bề toàn cảnh bao la của vùng Đồng Tháp Mười./.
Đồng Tháp
1318 lượt xem
Ngày cập nhật
: 04/11/2023
Song Nhi