Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc xếp hạng đường đá cổ Pavie là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh hùng vĩ, hiện cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ đón du khách đến trải nghiệm, khám phá.
Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3130/QĐ-UBND về việc xếp hạng đường đá cổ Pavie là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh hùng vĩ, hiện cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ đón du khách đến trải nghiệm, khám phá.
Ảnh: @greniscop
Theo quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, khu vực bảo vệ đường đá cổ Pavie, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát được xác định theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ khoa học di tích.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao, UBND huyện Bát Xát xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích danh lam thắng cảnh đường đá cổ Pavie theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Theo nhiều tài liệu và ghi chép, tuyến đường đá cổ được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ trước, thời điểm này, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2. Thống đốc Auguste Jean - Marie Pavie là người khảo sát và chỉ đạo xây dựng tuyến đường này để vận chuyển lương thực, nông sản giữa các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Bởi vậy, tuyến đường được gọi tên là Pavie. Tuy nhiên, những người dân sinh sống ở đây cho rằng, từ trước đó, cha ông họ đã chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San bằng lối đi này và khai phá đến đất Lai Châu, người Pháp chỉ tiếp tục mượn tuyến đường của người Mông để vận chuyển.
Theo thời gian, mặc dù bị cỏ cây mọc che bớt lối đi nhưng tuyến đường đá vẫn còn rộng chừng 3 m và kéo dài tới hơn 20 km xuyên qua những địa hình phức tạp. Những năm gần đây, tuyến đường đá cổ Pavie trở thành một trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ vĩ không thể bỏ qua của du khách.
Một đoạn đường đá cổ Pavie.
Đường đá cổ Pavie nằm ở độ cao khoảng 1.000 m đến 2.500 m so với mực nước biển. Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, núi Nhìu Cồ San được người Pháp lựa chọn xây dựng đồn trú quân sự bởi nơi đây có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối với tỉnh Lai Châu. Con đường đá cổ Pavie là một phần minh chứng cho lịch sử đấu tranh bền bỉ, lâu dài của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam khiến cho Thực dân Pháp phải rút toàn bộ quân khỏi khu vực núi Nhìu Cồ San. Đến ngày 01/11/1950, tỉnh Lào Cai được hoàn toàn giải phóng, chính thức chấm dứt cảnh áp bức, đô hộ của thực dân, phong kiến. Từ sau khi giải phóng đến nay, đường đá cổ Pavie vẫn được người dân lựa chọn làm con đường di chuyển chính từ thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát sang bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Trải qua thời gian, đường đá cổ Pavie đã chịu tác động lớn của thời tiết, khí hậu và con người.
Hiện nay, chiều dài tuyến đường còn khoảng 12km. Trong đó trên địa phận tỉnh Lào Cai là 6,4 km, với 4 km đường còn tương đối nguyên vẹn. Đường đá cổ đầy rêu phong, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh và các dãy núi cao hùng vĩ, rất phù hợp với loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá và là nguồn tư liệu thực tiễn quý giá để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử địa phương.
Con đường đá cổ Pavie như một sợi dây kết nối tiềm năng du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai - Lai Châu; một tuyến du lịch giàu triển vọng, đánh thức những trầm tích văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo trên dãy Hoàng Liên hùng vĩ.
Lào Cai
1311 lượt xem
Ngày cập nhật
: 13/12/2023
G.Minh