UNESCO vừa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng là di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.
UNESCO vừa công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng là di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.
Quần thể Di tích Cố đô Huế
Một góc cổ kính, thơ mộng của thành phố Huế. Ảnh: Hoàng Lê
Tháng 12-1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được điền tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trong gần 400 năm (1558 – 1945), Huế là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn (thế kỷ XVI – XVIII) ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII), rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn (1802 – 1945).
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm…
Vịnh Hạ Long
Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được công nhận lần thứ hai với giá trị về địa chất – địa mạo vào năm 2000.
Ảnh: Vương Lộc
Quần thể đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng chính là đảo đá vôi và đảo phiến thạch. Tuy số lượng đảo trên vịnh Hạ Long rất lớn, nhưng không đảo nào giống đảo nào, tạo nên cảnh sắc đặc trưng mà chỉ có Hạ Long có được.
Dựa vào hình dáng này cộng với sự tưởng tượng của con người, các hòn đảo ở đây đã được đặt những cái tên rất gần gũi bình dị như đảo Đầu Người, hòn Trống Mái, hòn Rồng, hòn Ông Sư, hòn Đũa… Bên cạnh đó, một số đảo còn được đặt tên theo các sự tích dân gian như núi Bài Thơ, hang Trinh Nữ, đảo Tuần Châu hay các nét độc đáo trên đảo như hòn Ngọc Vừng, hòn Kiến Vàng, đảo Khỉ…
Khu di tích Mỹ Sơn
Theo Cục Di sản Văn hóa, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đền tháp ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa.
Ảnh: Ban Quản lý Di sản Mỹ Sơn/www.disanvanhoamyson.vn
Hầu hết các đền tháp và các công trình phụ đều được xây bằng gạch với kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo… Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn sinh động, mang những nét đặc trưng của các phong cách nghệ thuật Chămpa.
Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1999.
Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Lê
Phố cổ Hội An là một thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể đồ sộ. Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội An vẫn giữ được gần như nguyên trạng với khoảng 1.360 di tích.
Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà cổ, những bức tường và cả những con đường. Dù đã trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ xưa, trầm mặc, rêu phong trên từng mái ngói, hàng cây…
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Vẻ đẹp Hang Va thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: Ryan Debooth
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và phụ cận bao gồm lãnh thổ một phần các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Ninh. Phần lớn diện tích vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là núi đá vôi. Với địa hình karst chia cắt mãnh liệt và thảm thực vật nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi đã tạo cho Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sự đa dạng về sinh học và độc đáo về địa chất địa mạo.
Khu Phong Nha – Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch.
Hoàng thành Thăng Long
Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, song hành cùng lịch sử dân tộc trong suốt 10 thế kỷ qua, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á… được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long đã từng là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.
Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá. Ảnh: Nguyên Phong
Thành nhà Hồ, còn gọi là thành Tây Đô ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính.
Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội), từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, tháng 6-2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Quần thể danh thắng Tràng An
Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận. Ảnh: Vương Lộc
Hội tụ đầy đủ tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất với những giá trị nổi bật toàn cầu, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận.
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba vùng được bảo vệ liền kề nhau là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động.
Vịnh Lan Hạ, thuộc quần đảo Cát Bà. Ảnh: Vương Lộc
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cát Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình cùng những bãi cát trắng mịn.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển – đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh sẽ là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới.
Quảng Ninh
3260 lượt xem
Ngày cập nhật
: 24/09/2023
Nguyên Phong tổng hợp ; Theo Cục Du lịch Quốc gia, Cục Di sản Văn hóa, TTXVN