(SGTT) – Chợ nổi Cái Bè ngày trở lại chưa được như xưa, bán buôn chưa nhộn nhịp, sầm uất và chặng đường hoàn thiện còn dài nhưng giấc mơ chợ nổi Cái Bè hồi sinh đang thành hiện thực.
(SGTT) – Chợ nổi Cái Bè ngày trở lại chưa được như xưa, bán buôn chưa nhộn nhịp, sầm uất và chặng đường hoàn thiện còn dài nhưng giấc mơ chợ nổi Cái Bè hồi sinh đang thành hiện thực.
Chợ nổi Cái Bè nằm tại vị trí giáp ranh của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long.
“Các chợ nổi của miền Tây đang chìm” là câu nói tiếc nuối của dân kinh doanh du lịch và những du khách mong muốn tìm về nét xưa của vùng miền Tây sông nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn nổi tiếng với hàng loat ngôi chợ nổi, có những chợ mà tên tuổi đã từng tồn tại cả trăm năm như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) chợ nổi Long Xuyên(An Giang)… Nhưng số chợ nổi này giờ đã đã dần mai một và trở thành ký ức của nhiều thế hệ.
Là vùng nổi tiếng với những dòng sông, kênh rạch chằng chịt, người dân miền Tây xưa kia quen đi lại bằng ghe xuồng. Nhưng ngày nay, đường xá liên thông, những cây cầu nối liền các thôn ấp, vì vậy mà việc vận tải hành khách, hàng hóa bằng ghe xuồng dần được thay thế bằng xe tải, xe khách với khối lượng lớn, tốc độ nhanh. Cùng đó là sự phát triển của công nghệ khiến việc giao thương buôn bán trên sông không còn phù hợp.
Chưa kể việc xây dựng các trung tâm thương mại, xây dựng bờ kè xóa các bến tàu… cũng làm “nhấn chìm” chợ nổi. Trong khi đó, theo các chuyên gia du lịch, du khách nhất là khách quốc tế lại rất quan tâm đến chợ nổi ở sông Mê Kông, mất điểm tham quan này là mất một nguồn khách lớn.
Xưa kia lúc còn sầm uất, chợ Cái Bè là nơi hàng ngày có hàng trăm ghe, xuồng tứ xứ đỗ về.
Có rất nhiều đề tài nghiên cứu, hội thảo bàn về việc “cứu chợ nổi”, nhưng quả thật không dễ. “Thương hồ phải mưu sinh được thì mới bảo tồn được chợ nổi”, ông Phan Xuân Anh, một “ông trùm” du lịch tàu biển, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt trăn trở đã dành nhiều thời gian đi đi về về vùng Đồng bằng sông Cửu Long trăn trở. Ông đã hơn một lần thử khôi phục chợ nổi Cái Bè, khoảng trước dịch Covid-19, ông đầu tư 15 chiếc ghe bầu và giao bà con Cái Bè cùng ông cố gắng tổ chức lại các chuyến buôn bán trên sông. Hai năm dịch bệnh, cùng với một số khó khăn và thiếu kinh nghiệm làm dự án của ông bế tắc, thậm chí 15 chiếc ghe theo chân bà con đi vùng khác sinh sống, không đòi lại được.
Để làm “sống dậy” chợ nổi, một lần nữa ông Xuân Anh và các bạn trẻ thuộc Khu du lịch Mekong Riverside – một khu dịch lịch được đầu tư trước đó của ông (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn), cùng sự phối hợp với UBND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đưa 32 chiếc ghe bầu cho bà con mượn, vừa chở hàng và vừa là nhà cho cả nhà buôn bán trên sông. Dự kiến sẽ có thêm 15 chiếc ghe bầu nữa sớm hoàn thiện và được kéo về giao bà con có mong muốn tham gia phục vụ du lịch. Họ được khuyến khích buôn bán, ai có gì bán nấy, ưu tiên sản vật địa phương, sản phẩm làng nghề, đồ dùng hàng ngày, các món ẩm thực miền quê.
Mấy chiếc ghe này là loại cũ từ 18-30 tấn được mua từ khắp các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp rồi được sửa sang, thay máy, mỗi chiếc có giá trị hàng trăm triệu đồng. Các chiếc ghe này sẽ không tính phí, người dân được giao còn còn được tập huấn cách buôn bán, xây dựng tour tuyến, hỗ trợ quảng bá du lịch… Tuy vậy bà con vẫn còn e ngại quay lại buôn bán trên sông vì chuyện hiệu quả, dù rất nhớ chợ nổi xưa.
Bán gì treo nấy là hình ảnh quen thuộc tại những chiếc ghe, xuồng ở chợ nổi.
Chợ nổi Cái Bè xưa nằm trên dòng sông Tiền lộng gió. Đến vàm Cái Bè, trong trí nhớ của mọi người, trên một khúc sông rộng, cảnh buôn bán tấp nập hàng ngày với khoảng 400 đến 500 ghe, xuồng đầy ắp các loại trái cây neo lại chờ thương lái đến chia hàng.
Và bây giờ, khi đoàn tham quan đến khu chợ trên nhỏ trên sông đang “nổi” lại dần. Hình ảnh “cây bẹo” treo gì bán nấy hay lời chào mời đon đả của bà con thương hồ, với tiếng gáy của chú gà trống choai trên ghe, rồi nếm thử những món đặc sản miền Tây và nghe luôn tiếng hò mùi mẩn của cô chèo đò khiến nhiều người như chạm được vào vùng ký ức xưa
Những món ăn đặc trưng cũng được người dân mời chào khi có du khách ghé thăm chợ nổi.
Thương hồ đang trao đổi hàng hòa với nhau ở chợ nổi Cái Bè
Tham quan nhà một người dân đan chằm lá dừa nước.
Tất nhiên tour tham quan chợ nổi Cái Bè phải kèm thêm nhiều “gia vị” khác mới phong phú và mặn mà được với du khách. Với vé tham quan dự kiến là 230.000 đồng, du khách không chỉ được tham quan chợ nổi, chèo đò trên sông mà còn được ghé vườn người dân hái trái theo mùa hay tìm hiểu về các nghề truyền thống như đan lục bình, đan võng chuối, du khách đến Cái Bè còn được tham quan nhà thờ trăm tuổi cùng nhiều dịch vụ, trải nghiệm khác.
Thậm chí sắp tới đây dự án mở rộng thêm nhằm tạo ra nhiều hoạt động, gia tăng trải nghiệm cho du khách như tham quan bè cá, cùng người dân dỡ chà bắt cá tôm, mua bán nhiều mặt hàng trên sông hơn… Du khách ủng hộ thì bà con sẽ có thêm cơ hội mưu sinh, vừa giữ lại văn hóa miền sông nước, vừa cải thiện kinh tế.
Nghề đan lục bình ở miền Tây.
Một góc chợ nổi Cái Bè đang dần được hồi sinh hiện nay.
Chợ nổi Cái Bè ngày trở lại chưa được như xưa, bán buôn chưa nhộn nhịp sầm uất và chặng đường hoàn thiện còn dài nhưng giấc mơ ngày chợ nổi Cái Bè hồi sinh đang thành hiện thực, làm đậm chút tình sông nước gửi du khách xa gần.
Tiền Giang
1015 lượt xem
Ngày cập nhật
: 13/11/2023
Phan Yến Ly