Chùa Bodhiculàmani (Chùa Ấp Sóc) di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, tọa lạc ở Ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách thị trấn Càng Long khoảng 07 km đường chim bay về hướng Tây- Nam và cách thị xã Trà Vinh khoảng 30 km.
Chùa Bodhiculàmani (Chùa Ấp Sóc) di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, tọa lạc ở Ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách thị trấn Càng Long khoảng 07 km đường chim bay về hướng Tây- Nam và cách thị xã Trà Vinh khoảng 30 km.
Đến với chùa Ấp Sóc thuận lợi bằng đường bộ, từ thị xã Trà Vinh theo quốc lộ 53 Trà Vinh- Vĩnh Long đến UBND xã Bình Phú rẽ trái theo tỉnh lộ 911 về chợ Ất Ếch. Đến chợ Ất Ếch theo hương lộ 6 đi thêm một đoạn khoảng 4 km sẽ gặp Di tích nằm phía bên phải. Ấp Sóc là một trong 9 ấp của xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, là vùng căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Dân tộc Khmer chiếm trên ½ dân số sống tập trung trên giồng đất cát, phần đông sống bằng nghề nông có tính cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất. Xã có một tỉnh lộ đã được tráng nhựa là trục lộ giao thông quan trọng (Trước đây là hương lộ số 6 nay là tỉnh lộ 911, giáp quốc lộ 53 ở đoạn đường Càng Long về thành phố Trà Vinh) Về văn hóa xã hội ở đây có nét đa dạng và phong phú mang tính bản sắc dân tộc. Xã có 02 chùa Khmer và 01 chùa Phật của người Kinh, đồng thời có một số ít dân tộc Hoa sinh sống tại khu vực chợ. Thế nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân Ấp Sóc cũng như nhân dân các ấp của xã Huyền Hội bị bọn chúng bóc lột tận xương tủy. Chúng khai thác triệt để dẫn đến bần cùng hóa người lao động. Ở nông thôn, phân hóa giàu nghèo thành hai giai cấp rõ rệt là nông dân và địa chủ. Chùa Bodhiculàmani (Chùa Ấp Sóc) được xây dựng cách nay trên 400 năm, vào khoảng năm 1541 D. L. Ngôi chùa cũng được trùng tu, sửa chữa nhiều lần và triết lý Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức, vào cuộc sống nhân dân trở thành triết lý đời sống con người. Trong hai cuộc kháng chiến, chùa Ấp Sóc không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, trung tâm giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc, mà còn là cơ sở họat động bí mật, nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng như: Đồng chí Nguyễn Đáng (Năm Trung)- Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, ông Ma Ha Sơn Thông – Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa VII, đồng chí Phạm Hồng Phước (Chín Phước)- Nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thành Thưởng (Tư Hồng)- Nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Xuyên- Nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, đồng chí Sơn Be, Thạch Thanh (Prate Thanh), Thạch Khêne, Thạch Hưu (Hai Hưu), Nguyễn Văn Phụng (Sáu Phụng), Phạm Văn Đang (Hai Tân), Lê văn Tý (Năm Tý), Dương Văn Tám (Tám Ai), Nguyễn Văn Tốt (Tư Tốt), Tám Tơ, Thạch Sết (Tám Sết), Năm Nhỏ, Nguyễn Văn Hỹ (Tư Hỹ), Hàng Kinh (Năm Kinh) v.v... Chùa Ấp Sóc xã Huyền Hội, huyện Càng Long là một trong những ngôi chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh thuộc hệ phái Nam Tông. Chùa có phong cách kiến trúc theo kiểu chùa Khmer Nam bộ nói chung và các ngôi chùa Khmer trong tỉnh Trà Vinh nói riêng. Quần thể kiến trúc ngôi chùa gồm: chánh điện, tăng xá, sala, tháp đựng hài cốt, trường học, nhà bếp, nhà Neak Tà....Với diện tích khuôn viên gần 03 hecta, sum xuê nhiều cây cổ thụ: cây dầu, cây sao...Với những phong cảnh mát mẻ của những hàng cây xanh làm tăng vẻ đẹp ở địa phương và góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch được bao bọc tứ phía bởi những hàng rào cũng đã được đúc bằng xi măng với những họa tiết hoa văn Khmer, trên mỗi đầu cột hàng rào đều được gắn hình hoa sen.
Trà Vinh
1166 lượt xem
Ngày cập nhật
: 29/07/2023
(Theo dulichtravinh.com.vn)