Độc đáo ngôi làng cổ có 17 căn nhà xây bằng đất đỏ ở Bắc Giang

Không chỉ độc đáo với kiến trúc làm nhà bằng đất, bản cổ Bắc Hoa, Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang còn nổi tiếng là nơi có cảnh đẹp, mến khách… níu chân du khách.

Không chỉ độc đáo với kiến trúc làm nhà bằng đất, bản cổ Bắc Hoa, Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang còn nổi tiếng là nơi có cảnh đẹp, mến khách… níu chân du khách.

Độc đáo làng nhà bằng đất

Được nhiều đồng nghiệp, bạn bè giới thiệu từ lâu nhưng phải đến những ngày đầu xuân năm nay, chúng tôi mới có dịp đến thăm bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang.

Từ UBND xã, sau khoảng 15 phút di chuyển bằng ô tô, chúng tôi đã đến trung tâm bản. Trước mắt chúng tôi là 17 căn nhà được làm hoàn toàn bằng đất đỏ, có lẫn sỏi son, nằm san sát nhau giữa triền đồi tạo khung cảnh gần gũi, thân thương.

Cùng với đó là lòng mến khách của người dân, từ già trẻ, gái trai, ai cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên, nhiệt tình giới thiệu về những điểm nổi bật, độc đáo của quê hương.

Toàn cảnh làng cổ Bắc Hoa, Tân Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang từ trên cao.

Giới thiệu về căn nhà được làm hoàn toàn bằng đất của mình, bà Lường Thị Lan, 60 tuổi cho biết, ngôi nhà được vợ chồng tôi xây dựng khi mới lập gia đình cách đây gần 40 năm nhưng đến nay vẫn nguyên vẹn.

Lúc đó, theo quy ước của bản, hộ nào làm nhà, cả bản đến giúp đỡ. Theo đó, bản có hơn 100 hộ thì mỗi hộ cử một người đến giúp 2-3 ngày công. Còn lại là anh em trong gia đình và họ hàng, làng xóm đến giúp công sức dựng nhà.

Ngôi làng độc đáo với 17 ngôi nhà có tường bằng đất, lợp ngói âm dương nằm san sát nhau.

Vừa pha trà mời khách, bà Lan vừa kể: Lúc đó, việc làm nhà hoàn toàn được thực hiện theo lời dạy và kinh nghiệm truyền lại của các cụ cao niên trong làng. Để tiện cho việc dựng nhà, chúng tôi phân công người đến khoảng đồi rộng, ít sỏi đá để đào đất rồi trộn với nước suối, làm nhuyễn đất. Sau đó, đất sẽ được đưa vào khuôn gỗ đã được ghim chặt trên tường nhà theo tỷ lệ nhất định rồi mọi người cùng nhau dùng chày gỗ nén chặt từng lớp lên nhau. Các khuôn cứ nối tiếp nhau như vậy cho đến khi hình thành lên khung, tường nhà. Do vậy, căn nhà được làm hoàn toàn bằng đất mà không phải xây móng, không cần sử dụng bất kỳ cột, kèo nào.

"Nhờ ngôi nhà này, tôi đã nuôi 6 người con khôn lớn, giờ chúng cũng đều đã dựng vợ, gả chồng, có cuộc sống riêng", bà Lan nói.

Các ngôi nhà được xây dựng hàng chục năm nay, nguyên liệu hoàn toàn bằng đất đồi, sẵn có tại địa phương.

Biết chúng tôi là khách từ xa đến thăm bản, ông Hoàn Văn Quấn, 46 tuổi đã đon đả mời đến thăm nhà. Với vẻ mặt phấn khởi, giọng nói hào sảng, mến khách, ông cho biết, năm 2008, khi đó, ông mới lấy vợ, đẻ thêm hai người con, lại đang ở chung với bố mẹ. Căn nhà đất ba gian cũ của bố mẹ ông để lại tuy chưa xuống cấp nhưng khá chật hẹp nên gia đình ông quyết định làm ngôi nhà mới rộng, đẹp hơn.

Lúc đó, nhiều người đến giới thiệu các mẫu nhà hiện đại, đẹp mắt xong gia đình ông vẫn quyết định làm nhà trình tường bằng đất để bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Bà Lường Thị Lan, 60 tuổi, rạng rỡ bên ngôi nhà được xây dựng bằng đất cách đây hơn 40 năm của gia đình.

"Tôi cũng đã đến tham khảo nhiều ngôi nhà hiện đại nhưng không nhà nào có thể sánh bằng nhà trình tường đất của người dân tộc Nùng chúng tôi.

Tường nhà rộng 40-60cm, cao 3,8 đến 5m, rộng 4 gian, lợp bằng ngói vảy cá âm dương giúp bảo đảm mùa hè thì thoáng mát, mùa đông lại ấm cúng. Hơn nữa, nhà lại chắc chắn, chỉ bỏ công xây dựng một lần là có thể ở cả đời mà không phải lo sơn, sửa gì.

Thời điểm đó, việc mua ngói rất khó khăn nên gia đình tôi và các hộ đều tự dùng đất sét nặn thành ngói rồi dùng cỏ khô, rơm đốt lò liên tục trong 15 ngày đêm để có ngói hình vảy cá lợp nhà", ông Hoàng Văn Quấn hồ hởi kể.

Cận cảnh tường đất được xây dựng từ hơn 40 năm trước của người dân bản Bắc Hoa.

Được biết, bản Bắc Hoa hiện có 160 hộ gia đình nhưng có 17 hộ vẫn còn giữ được nhà trình tường bằng đất. Điểm độc đáo là cả 17 căn nhà trình đất trên đều ở cạnh nhau, nằm san sát giữa bản tạo thành điểm nhấn ấn tượng cho du khách. Giữa các ngôi nhà hầu như cũng không được rào chắn kiên cố theo kiểu "kín cổng cao tường", mà chỉ ngăn cách bằng bờ đá, xếp chồng lên nhau hoặc rào bằng tre, nứa, tạo nên khung cảnh làng quê thơ mộng, cuốn hút du khách mỗi khi đến Bắc Hoa trải nghiệm.

Tạo điểm nhấn du lịch

Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn chia sẻ, bản cổ Bắc Hoa đã có từ hàng chục năm nay nhưng do bản nằm dưới chân núi, tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn nên có ít người biết đến. Năm 2016, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thời điểm đó đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đến thăm, làm việc với địa phương, thấy bản có nhiều nét nổi bật nên đã chỉ đạo chính quyền địa phương vận động nhân dân gìn giữ nét văn hóa độc đáo của mình. Từ đó đến nay, chính quyền và người dân trong bản đã ý thức được tầm quan trọng của các công trình kiến trúc cổ trên, gắn gìn giữ nét truyền thống của người dân với phát triển du lịch.

Ngoài việc xây nhà bằng đất, nhiều hàng rào đá cũng là điểm nhấn tại làng cổ Bắc Hoa.

Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cũng cho biết, không chỉ có nhà trình bằng đất độc đáo, đến với Bắc Hoa vào ngày mùa, du khách còn được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín chạy quanh đồi.

Ngoài ra, mùa xuân, Bắc Hoa còn nổi tiếng với bạt ngàn hoa cải cúc, phủ khắp các cánh đồng. Trên các triền đồi sẽ là những cành hoa mận, hoa đào khoe sắc, tạo vẻ đẹp nên thơ, bình dị cho bản cổ.

Cùng đó, trong những ngày hè nóng nực, Bắc Hoa vẫn là điểm đến lý tưởng với rừng nguyên sinh bạt ngàn phủ quanh làng, cùng đó là những dòng suối mát trong, chảy róc rách quanh năm, trở thành điểm đến trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cận cảnh nội thất trong căn nhà cổ tại bản Bắc Hoa.

Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng cho biết, hiện nay, du khách đến với Bắc Hoa chủ yếu là tự phát, do những người yêu vẻ đẹp truyền thống và thiên nhiên tự tìm đến. Đa phần du khách tự mua đồ ăn đem đến hoặc về thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn và huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ăn nghỉ, rất ít người chọn ở lại vì dịch vụ phụ trợ tại địa phương chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Chính quyền địa phương đề nghị các cấp ngành sớm mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư kết hợp với người dân địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thu hút du khách, giúp người dân phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài những ngôi nhà cổ, Bắc Hoa còn là điểm đến hấp dẫn của các bạn trẻ. Ảnh FB.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn cũng cho biết, hiện nay địa phương đã xây dựng quy hoạch, trình UBND tỉnh Bắc Giang thông qua quy hoạch phát triển du lịch tại bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn. Cùng đó, UBND huyện cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, bảo tàng sinh thái… tại bản Bắc Hoa. Các hợp tác xã du lịch trên địa bàn cũng đưa Bắc Hoa vào điểm đến lý tưởng trong các tour du lịch sinh thái, vườn đồi trên địa bàn. Từ đó giúp nhiều người biết đến, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Lục Ngạn.

"Tiềm năng du lịch của Bắc Hoa vẫn còn nhiều, chưa được khai thác đúng mức, chắc chắn dịch vụ du lịch sẽ còn phát triển, trở thành nền kinh tế mũi nhọn tại địa phương trong thời gian tới", vị lãnh đạo này nói.

21 Tháng 02, 2024 1225

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành