Vào những tháng cuối năm, Gia Lai mang một vẻ đẹp rực rỡ. Đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng cho chuyến hành trình khám phá mảnh đất này. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Gia Lai mỗi năm đều đón chào du khách từ khắp nơi đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng và đắm mình trong không khí lễ hội sôi động. Tuy Gia Lai có thể được khám phá vào bất kỳ mùa nào, nhưng đối với tôi – người đã gắn bó lâu dài với nơi đây thì thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm tuyệt vời nhất. Khi ấy, cảnh sắc Gia Lai chuyển mình với màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ, thời tiết mát mẻ và dễ chịu và đây cũng là lúc những lễ hội văn hóa độc đáo diễn ra, tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng.
Vào khoảng cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12, Gia Lai sẽ mang không khí trong lành, thời tiết dễ chịu với nền nhiệt trung bình dao động từ 18-25°C. Không khí se lạnh nhưng chẳng đến mức lạnh buốt vào sáng sớm rồi lại ấm áp khi mặt trời lên với những tia nắng dịu dàng khiến người ta cảm thấy thư thái, như được ôm lấy bởi sự trong lành và dịu dàng của thiên nhiên. Thời tiết lý tưởng này cũng là điều kiện tuyệt vời để du khách thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời, từ những chuyến dã ngoại cho đến việc leo lên các ngọn đồi núi để phóng tầm mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
1. Điểm đến nổi bật ở Gia Lai vào những tháng cuối năm
Núi lửa Chư Đăng Ya - Biểu tượng sắc vàng Tây Nguyên
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm tại làng Ploi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cách và trung tâm Pleiku khoảng 30 km về phía Đông Bắc. Nhờ khí hậu dễ chịu, mát mẻ quanh năm, nơi đây luôn thu hút đông đảo du khách gần xa. Mỗi mùa trong năm, Chư Đăng Ya lại mang một sắc thái riêng, làm say lòng biết bao nhiêu tín đồ yêu thích khám phá.
Nếu có cơ hội đến Chư Đăng Ya vào khoảng giữa tháng 11, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên vô cùng đặc sắc của Gia Lai. Cảm giác được đứng giữa rừng hoa dã quỳ nở rộ trong không khí lễ hội náo nhiệt là một điều thật khó quên. Ngọn núi dường như khoác lên một "chiếc áo" khác, rực rỡ với sắc vàng ấm áp của hoa dã quỳ. Dọc hai bên triền đồi, những bụi hoa nở rộ, vàng óng, phủ kín cả một vùng trời. Sắc vàng của hoa nổi bật trên nền đất đỏ bazan đặc trưng của Tây Nguyên, vẽ nên bức tranh tự nhiên sống động, khiến tôi chỉ muốn ngắm nhìn mãi không thôi.
Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp, du khách còn được leo núi, chinh phục từng bậc đá lên đến đỉnh cao nhất và ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng Tây Nguyên từ trên cao. Chư Đăng Ya thực sự là một nơi lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá, tìm kiếm những vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết và quyến rũ của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
Biển Hồ - Đôi Mắt Của Pleiku
Biển Hồ Pleiku, hay còn gọi là Hồ T'nưng, là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Gia Lai. Tên gọi "Biển Hồ" đã gợi nên hình ảnh mênh mông và rộng lớn. Biển Hồ nằm về phía Tây Bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chỉ khoảng 7km nếu đi theo Quốc lộ 14. Vị trí này rất thuận tiện cho những ai muốn trải nghiệm không gian thiên nhiên hùng vĩ chỉ sau một đoạn đường ngắn từ thành phố.
Thời tiết tại Pleiku phân thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa, mỗi mùa đều mang đến cho Biển Hồ một nét đẹp rất riêng. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là thời điểm lý tưởng nhất để du khách khám phá vẻ đẹp của Biển Hồ. Tôi đặc biệt thích ghé thăm vào khoảng thời gian tháng 11 đến tháng 12, lúc này tiết trờ bắt đầu se lạnh và những bông hoa dã quỳ nở rộ phủ đầy khắp các con đường tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ, bình yên.
Mỗi lần đứng trước Biển Hồ T'nưng, tôi đều có cảm giác như đang đứng trước một bức tranh phong cảnh tuyệt mỹ. Vào mùa này, mặt hồ mênh mông và phẳng lặng như gương, phản chiếu cả trời xanh và mây trắng. Khung cảnh ấy như thôi thúc người ta buông bỏ mọi muộn phiền, chỉ còn lại sự yên bình, sâu lắng nơi tâm hồn. Biển Hồ Pleiku không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi để tôi tìm lại sự cân bằng, một nơi thật sự đặc biệt với những ai muốn đắm mình trong vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà tráng lệ của Tây Nguyên.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
2. Lễ hội đặc sắc
Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya
Lễ hội hoa dã quỳ ở Gia Lai thực sự là một sự kiện văn hóa độc đáo, thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn cả những du khách từ khắp nơi đổ về. Đây là lễ hội mà bất kỳ ai yêu thích thiên nhiên và văn hóa Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua. Được tổ chức thường niên vào tháng 11 – thời điểm mà sắc vàng của hoa dã quỳ phủ khắp vùng đất Gia Lai. Lễ hội mang đến niềm vui và không khí phấn khởi cho người dân, đồng thời tạo cơ hội để giới thiệu nét đẹp hoang sơ, mộc mạc mà quyến rũ của núi rừng Tây Nguyên đến với đông đảo du khách.
Bên cạnh việc ngắm hoa, lễ hội hoa dã quỳ còn là dịp để khám phá những nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Trong suốt thời gian lễ hội, các hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức như múa xoè, hát giao duyên, và trình diễn các nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, cồng chiêng. Là người sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, mỗi lần tham dự những hoạt động ấy, tôi cảm nhận rõ nét hơn về sức sống mãnh liệt cũng như nền văn hóa đa dạng nơi đây, mang đến gần gũi và thân quen. Ngoài những hoạt động văn hóa nghệ thuật, du khách còn có dịp thưởng thức các món ăn đặc sản mang đậm hương vị Tây Nguyên. Những món ăn như cơm lam, gà nướng, thịt bò một nắng chấm muối kiến vàng, mật ong rừng… sẽ khiến bạn thích thú vì hương vị độc đáo, thơm ngon, mộc mạc mà khó quên. Mỗi món ăn không chỉ là đặc sản địa phương mà còn là niềm tự hào của người dân Gia Lai.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
Lễ hội hoa dã quỳ không chỉ là một dịp vui chơi mà còn là cơ hội quảng bá vẻ đẹp của Gia Lai và Tây Nguyên đến gần hơn với mọi người. Đối với tôi, lễ hội không chỉ làm tăng sức hút của quê hương mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giúp đời sống của người dân Gia Lai được nâng cao. Cảm giác nhìn thấy quê hương ngày càng được biết đến và yêu mến khiến tôi không khỏi xúc động và tự hào, mong muốn được giới thiệu nhiều hơn về nét đẹp và sự hiếu khách của Gia Lai với bạn bè gần xa.
Lễ hội mừng lúa mới
Lễ mừng lúa mới của đồng bào J’rai và Bahnar tại Gia Lai là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, mang đậm tinh thần đoàn kết và niềm tin thiêng liêng vào tự nhiên. Hằng năm, khi mùa màng thu hoạch xong, từ khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau, cũng là lúc người dân tổ chức lễ hội. Đây giống như thời gian để mọi người có thể nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả, vừa để tri ân các vị thần nông nghiệp, vừa để cầu mong cho vụ mùa sau bội thu, đời sống cộng đồng thêm ấm no, hạnh phúc.
Lễ mừng lúa mới được tổ chức không chỉ trên quy mô cả buôn làng mà sau đó còn lan tỏa vào từng nhà, từng hộ gia đình. Đó là một nét đặc biệt của người J'rai và Bahnar - khi mà lễ hội không chỉ là dịp chung của cả làng mà còn là lễ của từng nhà, tạo nên sự gắn kết rất sâu sắc trong cộng đồng. Trong suốt quá trình thu hoạch, già làng sẽ chọn một đám lúa tốt nhất, dành riêng để dâng thần Ia Pôm - vị thần lúa và thần nông nghiệp trong tín ngưỡng của đồng bào. Đây là thời khắc quan trọng, khi cả làng đều tụ họp tại chân ruộng để cùng chứng kiến và tham gia vào nghi thức cúng thần. Lễ vật cúng thần được mỗi nhà đóng góp một chút: một ché rượu cần, một con gà, hay một miếng thịt để tạo nên mâm cúng trang trọng. Trong sự chuẩn bị giản dị ấy, ta thấy được tình cảm gắn bó và sự chân thành của người dân, khi mà từng người, dù là già hay trẻ, đều có nghĩa vụ góp một chút gì đó từ thành quả lao động của mình để chia sẻ cùng cộng đồng.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
Sau phần lễ cúng, mọi người sẽ cùng nhau đốt lửa, tiếng cồng chiêng lại vang lên khắp một vùng mang theo âm hưởng của núi rừng. Tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng nói cười và cả hương thơm của các món ăn dân dã, tất cả tạo nên một không khí lễ hội sống động. Đây là lúc mà mọi người ăn uống no say, vui chơi thâu đêm, thậm chí đến ngày thứ hai, thứ ba mới ra về. Những khoảnh khắc ấy để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc về cuộc sống đầy tình người và tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Nguyên.
Khi lễ hội chung của làng đã kết thúc, mỗi gia đình lại tổ chức lễ mừng lúa mới tại nhà mình, như một cách tri ân riêng đối với thần linh và chúc tụng cho gia đình mình những điều tốt lành. Nhà nào có điều kiện thì mổ heo còn nhà nào đơn giản hơn thì dâng một chút rượu và miếng thịt nhỏ cùng bữa nấu cơm từ hạt lúa mới, và thực hiện nghi thức cúng thần Ia Pôm ngay tại nhà. Lễ hội mừng lúa mới là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào J’rai và Bahnar. Mỗi lần tham dự lễ hội, tôi không chỉ thấy lòng mình vui lây trong không khí đầm ấm, mà còn thấy mình thêm yêu mảnh đất và con người Tây Nguyên - những con người chân chất, giản dị nhưng giàu tình yêu thương, luôn trân trọng từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
3. Lưu ý khi du lịch Gia Lai vào cuối năm
Đến với Gia Lai vào những ngày cuối năm, bạn sẽ cảm nhận được một không khí se lạnh, êm dịu khác hẳn với sự ồn ào của thành phố. Và để khám phá hết vẻ đẹp của vùng đất này, việc lựa chọn phương tiện di chuyển là điều bạn cần quan tâm. Nếu bạn là người thích sự tiện lợi và nhanh chóng, máy bay sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Chỉ với vài giờ đồng hồ bay, bạn đã có thể đặt chân đến Pleiku, tuy nhiên, nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác khám phá, ngắm nhìn những cánh đồng cà phê bạt ngàn, những con đường quanh co uốn lượn, thì xe khách hoặc tàu hỏa sẽ là một lựa chọn thú vị hơn.
Để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của Gia Lai vào cuối năm, bạn nên chuẩn bị hành lý thật kỹ. Thời tiết se lạnh về đêm đòi hỏi bạn cần mang theo những chiếc áo khoác ấm áp, một chiếc khăn len mềm mại và một chiếc mũ. Ngoài ra, đừng quên chuẩn bị những bộ quần áo thoải mái để tham gia các hoạt động như trekking, cắm trại, hay đơn giản chỉ là dạo bộ trên những con đường làng. Với trang phục phù hợp, bạn sẽ tự tin và thoải hơn trong chuyến hành trình khám phá những điều thú vị mà vùng đất này mang lại.
Gia Lai mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: sưu tầm).
Gia Lai, với vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa đặc sắc, luôn chào đón du khách bằng tấm lòng mến khách. Để chuyến đi trở nên ý nghĩa và đáng nhớ, chúng ta cần thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa địa phương. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng, hãy luôn giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, không xả rác bừa bãi. Đồng thời, hãy tìm hiểu và tôn trọng những phong tục tập quán của người dân bản địa, việc làm nhỏ này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương
Lời kết
Với tôi, mùa du lịch đẹp nhất ở Gia Lai chính là vào những tháng cuối năm, đây không chỉ là thời điểm để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là dịp để tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc văn hóa Tây Nguyên. Mỗi năm, tôi đều luôn mong chờ thời điểm mùa hoa dã quỳ nở rộ, không chỉ vì sắc hoa rực rỡ mà còn bởi những lễ hội, phong tục độc đáo. Hãy đến Gia Lai vào thời điểm này để hòa mình vào không gian thiên nhiên và văn hóa tuyệt vời của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.