Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Nhịp chày giã gạo không chỉ là âm thanh của lao động mà còn là tiếng lòng, là linh hồn của một nền văn hóa lâu đời trong đời sống bình dị của người Jrai trên mảnh đất Gia Lai. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Giữa không gian núi rừng Gia Lai mênh mông, nơi từng đợt gió thổi qua những cánh đồng lúa chín vàng óng, âm vang của nhịp chày giã gạo như giai điệu thân thương đưa tôi trở về với ký ức của một vùng quê yên bình. Trên mảnh đất Gia Lai, nét đẹp lao động mộc mạc của người Jrai vẫn được lưu giữ qua từng thế hệ. Âm thanh của những chiếc chày gỗ gõ nhịp vào cối gạo không chỉ đơn thuần là tiếng động mà còn là hơi thở, là linh hồn của một đời sống giản dị gắn bó với hạt gạo, cây lúa.
Những nhịp chày giã gạo (Ảnh: sưu tầm).
Khi ánh mặt trời còn đang e ấp trên những ngọn đồi, hay vào những đêm trăng tròn sáng vằng vặc, nhịp chày lại vang lên rộn rã trong những nếp nhà sàn của người Jrai. Tôi từng được chứng kiến cảnh tượng ấy, một hình ảnh tưởng chừng như rất đỗi bình thường nhưng lại chứa đựng bao ý nghĩa và cảm xúc. Trước mắt tôi, hai người phụ nữ Jrai đứng bên chiếc cối nhỏ, tay cầm chày, miệng trò chuyện rôm rả. Những chiếc chày gỗ nhịp nhàng giáng xuống, lúc đều đặn, lúc dồn dập tạo nên một bản hòa ca độc đáo giữa con người và thiên nhiên.
Nhưng để giã được những hạt gạo trắng ngần, không vỡ vụn, đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật của người phụ nữ Jrai. Đôi tay chai sạn vì công việc đồng áng vẫn đầy uyển chuyển, họ điều chỉnh nhịp chày sao cho hạ xuống đúng lúc, đủ lực để tách vỏ trấu mà không làm nát gạo. Trên chiếc cối gỗ, hai người thay nhau nhịp chày lên xuống, như thể từng động tác đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần của đời sống thường nhật.
Những nhịp chày giã gạo (Ảnh: sưu tầm).
Sau những nhịp chày giã gạo, đôi bàn tay khéo léo của họ lại tiếp tục với công việc sàng sảy. Từng cái lắc tay nhẹ nhàng nhưng dứt khoát khiến cả lúa, thóc và trấu như những lớp sóng cuộn lên trên tấm nia tre. Dưới ánh sáng ban mai, những hạt gạo trắng đục lấp lánh ánh ngọc, như kết tinh của sự cần cù, khéo léo và tình yêu dành cho đất mẹ. Khi những chiếc gùi đã đầy gạo, người phụ nữ Jrai lại tiếp tục công việc thường ngày, nhưng nhịp chày ấy vẫn còn ngân vang mãi trong không gian làng quê như một khúc hát không lời kể lại câu chuyện của một đời sống gắn bó với mảnh đất này.
Tôi tự hỏi, nhịp sống hiện đại có thể cuốn đi nhiều thứ, nhưng tại sao tiếng chày giã gạo vẫn còn đó, không hề phai nhòa? Có lẽ, bởi với người Jrai, đây không chỉ là một công việc mà còn là một phong tục, một biểu tượng văn hóa thiêng liêng. Chính những người phụ nữ Jrai đã giữ gìn nhịp chày ấy qua bao đời, để nó không chỉ vang lên trong những nếp nhà mà còn được tái hiện trong các lễ hội truyền thống. Mỗi mùa lễ hội, bản làng lại sôi động hơn, bởi tiếng chày giã gạo cùng với tiếng cồng chiêng tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
Những nhịp chày giã gạo (Ảnh: sưu tầm).
Nhịp chày giã gạo không chỉ là âm thanh lao động mà còn là của một nền văn hóa, là lời nhắc nhớ về sự bền bỉ, giản dị và gắn bó với thiên nhiên của người Jrai trên quê hương Gia Lai. Tôi nghe nhịp chày ấy mà lòng rộn ràng một niềm tự hào khó tả. Bởi lẽ, đó không chỉ là một phần của văn hóa Jrai, mà còn là một phần trong ký ức và tâm hồn của chính tôi.