Quảng trường Đại Đoàn Kết được xem như là nơi giao thoa giữa các yếu tố chính trị, lịch sử và văn hoá ở Tây Nguyên. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Gia Lai chính là quê hương yêu dấu của tôi, nơi đây không những gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và con người chất phát, giản dị mà còn nổi tiếng với Quảng trường Đại Đoàn Kết – một biểu tượng đầy tự hào của người dân Gia Lai. Đây là nơi không chỉ những người con Gia Lai mà các du khách đều mong muốn được ghé thăm khi đặt chân đến mảnh đất này và hòa mình vào dòng chảy văn hóa đặc sắc của dân tộc trong không khí thân thương, đoàn kết mà con người nơi đây mang lại. Chuyến tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết đã giúp tôi khám phá thêm được những nét đẹp về lịch sử của chính quê hương mình và mang lại cho tôi những cảm xúc khó quên.
1. Quảng Trường Đại Đoàn Kết
Nằm giữa lòng thành phố Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai - một điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất Tây Nguyên. Tên gọi "Đại Đoàn Kết" mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn với văn hóa - lịch sử của vùng đất này. Từ xa xưa, Gia Lai đã là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc thiểu số cùng với những người dân từ miền xuôi lên lập nghiệp. Để tôn vinh tinh thần đoàn kết của toàn thể cộng đồng, cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa và lịch sử, tỉnh Gia Lai đã quyết định xây dựng Quảng trường này.
Quảng trường được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2007 đến năm 2012 bao gồm các hạng mục: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, cột cờ, mô hình núi Hàm Rồng, bộ cồng chiêng, bể phun nước, tháp đá, sân, thạch thư, hòn đá mã não, hồ sen, nơi thờ Bác Hồ. Ngoài ra, trong khu vực của Quảng trường còn có trên 2.000 cây xanh và 205 ô cỏ. Phần sân có diện tích khá lớn, khoảng hơn 23.000 m2 đảm bảo cho những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa mang tầm quốc gia của tỉnh, tập trung hơn 50 ngàn người trong cùng một thời điểm.
Quá trình xây dựng Quảng trường cũng không hề dễ dàng, như “trái tim thành phố”, Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng từ sự nỗ lực, tâm huyết và sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, cần phải có sự tư vấn từ những nhà chuyên môn uy tín hàng đầu cả nước như: kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, họa sĩ Trần Khánh Chương, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương… Công trình mang tính thẩm mỹ cao đã tạo ra một không gian văn hóa đa sắc màu, nơi người dân có thể gặp gỡ, tụ họp và cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau khi khánh thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận đây là Quảng trường có “Tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất”, “Bộ cồng chiêng lớn nhất”, “Bức phù điêu bằng đá lớn nhất” và hội Đá quý Việt Nam cũng công nhận Quảng trường có cột đá ghép nhiều trụ đá nhất, bức thư tạc trên tảng đá nặng nhất. Đặc biệt vào năm 2017, Quảng trường Đại Đoàn Kết được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Gia Lai.
2. Không gian của Quảng trường Đại Đoàn Kết
Khi bước vào Quảng trường Đại Đoàn Kết, tôi đã rất bất ngờ trước khung cảnh rộng lớn và hoành tráng của nơi đây. Quảng trường được thiết kế với không gian mở, giúp bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sự bao la của bầu trời Tây Nguyên. Bao phủ khắp Quảng trường là thảm cỏ xanh mướt và các hàng cây rợp bóng, tạo nên không gian thoáng đãng, mát mẻ và dễ chịu dù vào những ngày nắng gắt. Kiến trúc của Quảng trường là sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và truyền thống, phản ánh sự phát triển với giữ gìn lịch sử của Gia Lai.
Quảng trường Đại Đoàn Kết như lá phổi xanh của thành phố Pleiku với hơn 2.000 cây xanh các loại được nhiều địa phương gửi tặng như: sao đen, giáng hương, sanh, lộc vừng, đào, sứ, ban tím, trắc bách diệp, tường vi, mai anh đào, phượng tím, huyền diệp, kơ nia, mai,… Năm 2022, một số cây hoa anh đào do Chính phủ Nhật Bản trao tặng cũng được trồng trong khuôn viên Quảng trường. Mỗi góc nhỏ ở đây đều ngập tràn màu sắc của cây cỏ và những bông hoa đang đua nhau khoe sắc. Quần thể cây xanh đã làm nổi bật thiết kế không gian mở của nơi đây, làm cho Quảng trường thêm phần thoáng đãng, trong lành hơn và để giữ cho cây xanh luôn tốt tươi quanh năm thì đội ngũ công nhân chăm sóc đã luôn tận tâm, dày công và hết sức trách nhiệm với công việc của mình.
Điểm nhấn nổi bật nhất của Quảng trường là tượng đài Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bức tượng được đặt tại giữa Quảng trường, cao lớn và trang nghiêm đã chứng tỏ vai trò và vị trí trung tâm trong tổng thể công trình. Khi đứng trước tượng đài Bác Hồ, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng giống như thể Người vẫn luôn ở đây dõi theo từng bước phát triển của mảnh đất này. Bức tượng không chỉ là biểu tượng tôn kính mà còn là lời nhắc nhở về những giá trị cốt lõi mà Bác luôn khuyên dạy: sự đoàn kết, tình yêu quê hương và lòng yêu nước.
Phía sau tượng Bác là dãy phù điêu được cách điệu bằng đá uốn cong mô phỏng hình hoa sen cùng những nét chạm khắc vô cùng tinh tế và điêu luyện của người thợ lành nghề về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu thường nhật của đồng bào nơi đây. Hai bên của bức phù điêu là hai dàn cồng chiêng Tây Nguyên khá ấn tượng với chiêng bằng và chiêng núm. Vòng ra sau bức phù điêu, đập vào mắt bạn là ngọn núi nhân tạo có hình dạng của núi Hàm Rồng – nơi được ví như nóc nhà của Gia Lai. Ngoài ra, ở giữa khuôn viên của Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng lớn ấy là 54 khối đá bazan hình trụ tạo thành tháp đá 3 lớp cao dần lên, đầy sức sống tượng trưng cho sự đoàn kết và gắn bó của 54 dân tộc anh em của nước ta.
Khoảng sân rộng lớn chính là khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và các sự kiện lớn của tỉnh. Điều đặc biệt của Quảng trường Đại Đoàn Kết chính là những hoa văn, họa tiết đặc trưng của các dân tộc thiểu số mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên được trang trí khắp nơi, từ các bảng chỉ dẫn từng khu vực trong Quảng trường đến những con đường lát gạch xung quanh. Bên cạnh đó, khu vực mô phỏng lại hình ảnh ngôi nhà rông truyền thống cũng là một điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách đến để tìm hiểu thêm về nét đặc trưng trong kiến trúc và văn hóa của người dân bản địa.
3. Các hoạt động diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết
Quảng trường Đại Đoàn Kết là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị và văn hóa quan trọng của tỉnh Gia Lai. Vào những dịp lễ lớn, Quảng trường trở thành không gian tổ chức các sự kiện như lễ mừng Quốc khánh hay các lễ hội văn hóa và các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Gia Lai. Sự kiện tổ chức tại đây không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn chào đón du khách từ khắp nơi đến tham gia và hòa mình vào không khí náo nhiệt, hân hoan.
Một trong những hoạt động văn hóa nổi bật nhất tại Quảng trường chính là các lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, trong đó phải kể đến lễ hội cồng chiêng – một nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, Quảng trường cũng là nơi diễn ra các hoạt động thể thao và vui chơi giải trí vào cuối tuần, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi thường xuyên đến đây để đi bộ, tập thể dục. Với không gian rộng lớn và thiết kế đẹp mắt, Quảng trường Đại Đoàn Kết trở thành nơi để các bạn trẻ đến để gặp gỡ, trò chuyện và chụp ảnh check-in cũng như lưu giữ những khoảnh khắc đẹp và chia sẻ niềm tự hào về quê hương mình.
Là người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lai, trong lòng tôi luôn tràn đầy niềm tự hào mỗi khi có dịp đến Quảng trường Đại Đoàn Kết, bởi vì đây không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng của người dân Gia Lai.
Lời kết
Chuyến tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết đã khiến tôi cảm thấy thêm yêu quê hương mình hơn cũng như càng thêm trân trọng những giá trị văn hóa mà người dân Gia Lai luôn gìn giữ. Tôi hy vọng rằng Quảng trường sẽ được bảo tồn và phát triển để trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Gia Lai mà còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và khám phá để góp phần vào việc Quảng bá nét đẹp văn hóa và lịch sử của mảnh đất này.