Phong cảnh của danh thắng Bát Cảnh Sơn được thiên nhiên rất ưu ái đan xen hài hòa giữa núi, sông, cây, chùa chiền, là một điểm du lịch nổi tiếng với du khách khi đến với vùng đất Hà Nam
Hãy nghe
Nguyễn Thị Phượng
một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Bát cảnh sơn là thắng cảnh du lịch nổi tiếng, được coi là cửa ngõ Hương Sơn, nằm tại khu vực xã Tượng Linh, giao giữa 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức và Ứng Hoà (Hà Nội).
Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu ái với địa hình đồi núi mà giao thông lại hết sức thuận lợi, hiên ngang, có tiềm năng du lịch phong phú. Dãy Bát cảnh sơn đứng bên tả ngạn sông Đáy, dựa vào vòng cung Nam Công tạo thành thế núi ven sông hết sức hấp dẫn. Về vị trí, Bát cảnh sơn được coi là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau mang vẻ đẹp của dãy núi đá vôi Hà Nam – Hà Tây.
Vậy tại sao lại gọi là “Bát cảnh sơn”? Cụm từ "Bát cảnh Sơn Hà Nam" có nghĩa là tám cảnh đẹp của vùng núi sông Hà Nam. Nếu có dịp đến tham quan Bát cảnh sơn chúng ta sẽ thấy có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ địa thần linh được xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Qua quá trình biến đổi và vì lý do chiến trang, một vài cảnh quan đã bị hủy hoại nhưng Bát Cảnh sơn vẫn được rất nhiều du khách thích thú và đánh giá cao.
( Ảnh sưu tầm)
Địa điểm đầu tiên chính là Đền Tiên Ông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con voi phủ phục được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông. Theo đường đá hướng tới phía bắc chân núi Tượng Lĩnh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 5 gian nhà khách, 3 gian nhà tổ, và sẽ bước qua chính xác 108 bậc đá để lên đến đền. Đền được xây dựng theo hình chữ tam: tiền đường gồm 5 gian, trung đường gồm 3 gian, và hậu cung gồm 1 gian. Trước kia đền có diện tích nhỏ, sau nhiều lần nhờ sự đồng tâm đồng sức đồng lòng của nhân dân địa phương nay đền có diện tích rộng, quy mô đồ sộ. Ở đền còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng. Đặc biệt ở đền còn lưu giữ được 2 pho tượng, 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng được thờ trong hậu cung, rất uy nghiêm và cổ kính. Đứng từ trên đỉnh núi Tượng Lĩnh, du khách sẽ thấy được toàn bộ cảnh sắc bức tranh làng quê huyện Kim Bảng với nhà ngói đỏ, nhà tầng cánh đồng ruộng mênh mông bát ngát, một hồ nước rộng lớn, trong xanh trước mặt...
( Ảnh sưu tầm)
Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát. Theo các niên lão ở đây kể lại, xưa kia Tiên Ông quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh), là quan lớn thời nhà Trần, thân phụ ông có tới tổng cộng 23 thê thiếp mà vẫn chưa có con trai để nối dõi tông đường. Đến khi đi kinh lý ở trấn Sơn Nam, tại xã Thịnh Đại huyện Kim Bảng, thân phụ ngài lấy tới thê thiếp thứ 24 mới sinh được ông. Ngài sinh ra đã có tướng mạo uy nghi khác thường, lớn lên một lòng thờ Phật. Ngài rất ham học hỏi, ngao du khắp nơi tìm thầy học đạo. Vào một ngày, ngài đến khu Quang Thừa và thấy dãy Bát cảnh sơn hùng vĩ, oai phong bèn lập một ngôi chùa dưới chân núi động Tam Giáo để thờ Phật và thờ tổ tiên cha mẹ, gọi là chùa Tam Giáo. Ngài cũng giúp nhân dân địa phương rất nhiều, làm nhiều điều thiện như cưu mang, cứu giúp người nghèo, chữa bệnh cứu người. Khi đủ duyên với Phật, ngài hóa thân vào cây "Đại nại" và dặn dân làng hãy lấy cây gỗ đó để tạc tượng thờ, còn lấy đồng tạc tượng thờ thần. Nhân dân địa phương đã ghi nhớ và thực hiện theo lời ngài căn dặn. Các pho tượng ở đây rất linh thiêng, bị chiến tranh giặc tàn phá rất nhiều lần, cũng như những pho tượng này đã nhiều lần bị mang đi nhưng không ai đụng tới được. Đến đây du khách không chỉ được tham quan phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây mà sẽ có cảm giác rất thanh thản như đang đi ngao du chốn bồng lai tiên cảnh.
( Ảnh sưu tầm)
Điểm đến tiếp theo chính là Chùa Tam Giáo. Xuất phát từ đền Tiên Ông, du khách chỉ cần men theo sườn núi khoảng 1km là đền chùa Tam Giáo. Chùa tọa lạc dưới chân núi, trong khe núi có một suối nước, tương truyền rằng, thần kỳ thay ở dòng suối mỗi ngày đều tuôn ra hai bát gạo và hai đồng tiền để đủ cho các nhà sư trang trải cuộc sống. Sau đó, có kẻ lòng dạ thâm độc biết chuyện đã tìm cách làm cho miệng suối rộng ra, từ đó gạo tiền không chảy ra lần nào nữa. Đằng sau chùa còn có một cây đào tiên xum xuê tươi tốt, đơm hoa kết trái.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa chính là căn cứ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh, là kho tiếp liệu của công binh xưởng Liên khu III, lại vừa là Văn phòng thường trực Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến Liên khu III những năm 1947– 1950. Trên đường từ đền Tiên Ông đến chùa Tam Giáo xưa kia có rất nhiều hang động lấp lánh, lộng lẫy, đến nay do chiến tranh tàn phá, biến động của thiên nhiên, do sự khai thác quá mức của con người, nhiều hang đã bị phá hủy. Nhưng điều này lại giúp cho du khách có cảm giác mới lạ như đi thăm một di tích lịch sử.
Trong hành trình khám phá Bát Cảnh sơn tiếp theo, chúng ta sẽ được khám phá 4 ngôi chùa cổ nổi tiếng: Chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng. Những ngôi chùa này tạo thành một quần thể du lịch tâm linh vừa linh thiêng, vừa là điểm du lịch có phong cảnh hấp dẫn. Từ chùa Tam Giáo 150m đi ngược lên đỉnh núi là chùa Kiêu. Chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi cao, từ đây có thể bao quát một vùng rộng lớn phía đông nam xã Tượng Lĩnh. Ngôi chùa hiện chỉ còn lại phần nền móng và một hang động rộng 10m2. Trên đường lên chùa, du khách có thể thoải mái chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ hòa quyện với dòng sông yên bình.
Nếu thích phiêu lưu và khám phá, từ chùa Kiêu, du khách có thể băng qua những con đường đèo, vượt qua ba thung lũng và năm ngọn núi để đến chùa Vân Mộng. Theo truyền thuyết, chùa Vân Mộng là nơi Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và từng làm trụ trì.. Ngôi chùa đã được ghi lại trong Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Theo tục truyền, khi vua nhà Lý bị đau mắt không chữa khỏi bằng bất kỳ loại thuốc nào, nghe tin từ chùa Vân Mộng về Quỷ Cốc tiên sinh, một nhà thông tuệ về thiên địa, vua đã đến cầu nguyện. Quỷ Cốc tiên sinh thông báo rằng nguyên nhân của bệnh mắt của vua là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, và cần có người hiến tế để vua mới được chữa lành. Sau đó, ông bà bán dầu Vũ Phục đã nhảy xuống sông, và kết quả là vua đã khỏi bệnh.
( Ảnh sưu tầm)
Chùa Vân Mộng tọa lạc trên sườn núi chênh vênh, hòa quyện với khói mây huyền ảo. Xung quanh chùa có nhiều hang động lớn nhỏ đầy kỳ bí và độc đáo, trong đó có những hang sâu tới 30m và rộng khoảng 300m2 như hang Dơi, hang Bạc, và hang Vàng. Từ chùa Vân Mộng, du khách có thể đi đến thung Bế và thung Vạc thuộc xã Tân Sơn. Nay, chùa chỉ còn lại nền móng cũ và một số hiện vật như bia khắc trên vách núi, bát hương đá, và đá tảng kê chân cột. Phía tây của chùa có núi Hai Quả cao vút tận chân trời, lưng chừng núi có hang Dơi, nơi có rất nhiều con dơi lớn cư trú. Cửa hang có hình miệng rồng và hang sâu 50m. Đặc biệt, trong hang có một hồ nước nhỏ và vòm hang được trang trí bởi nhiều nhũ đá tự nhiên với hình thù đa dạng, đẹp mắt.
Ngoài ra, ở vùng Bát Cảnh Sơn xưa kia còn có các ngôi chùa Bà, chùa Dâu, chùa Bông, và chùa Cả, nhưng hiện tại không còn dấu tích nào của chúng.
Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và những dấu tích xưa còn lại, quần thể Bát Cảnh Sơn nếu được khai thác đúng cách chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn tại Kim Bảng, Hà Nam. Nếu có dịp, các bạn hãy ghé thăm Bát Cảnh Sơn nhé.
03
Tháng 07,
2024
430
Nguyễn Thị Phượng