LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM – QUÊ XƯA NGOẠI THÀNH THỦ ĐÔ

Làng cổ Đưòng Lâm tọa lạc tại thị xã Sơn Tây. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Bộ với những hình ảnh quen thuộc qua bao thế hệ. Hãy nghe Nguyễn Thị Huyền một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Làng cổ Đường Lâm nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nếu di chuyển bằng xe máy bạn chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng để đi từ trung tâm thành phố đến làng cổ, ngoài ra du khách khi đến với Làng cổ có thể lựa chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe bus. Làng cổ Đường Lâm được hình thành từ xa xưa với 5 làng, trong đó nổi bật nhất là làng Mông Phụ. Nơi đây còn được gọi là “đất hai vua” do quê hương của vua Ngô Quyền và vua Phùng Hưng. Đặc biệt, làng cổ Đường Lâm là làng cổ đầu tiên tại Việt Nam được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Làng cổ ở ven sông Hồng, được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa và màu mỡ quanh năm, cùng với sự cổ kính của nó với những hình ảnh quen thuộc của người dân Đồng bằng Bắc Bộ như cây đa, giếng nước, mái đình… nơi đây thu hút sự ghé thăm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Để tham quan Làng cổ Đường Lâm, du khách có thể bắt đầu từ cổ làng Mông Phụ, vé gửi xe máy là 10.000VNĐ/xe và vé tham quan là 20.000VNĐ/người, và có 02 lựa chọn cho du khách di chuyển trong làng cổ là di chuyển bằng xe điện hoặc xe đạp (giá thuê trung bình từ 50.000-100.000VNĐ). Điểm xuất phát đầu tiên là cổng Làng Mông Phụ, mang vẻ đẹp của sự cổ kính với mái vòm lợp đá ong, đặt cạnh ngay cây đa hơn 300 tuổi, tạo nên sự yên bình và chất xưa cho ngôi làng này. Không chỉ là cổng làng mà các ngôi nhà trong làng hầu hết cũng được xây dựng bằng đá ong, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác ấm cúng khi lướt trên nền gạch và xung quanh là những bức tường đá ong vàng óng. Để tận hưởng rõ hơn sự yên bình, cổ kính nơi đây, du khách có thể ghé thăm những nhà cổ nổi tiếng lâu đời như nhà cổ ông Hùng, nhà cổ ông Thể hay nhà cổ bà Điền, những nếp nhà xưa, mái nhà vòm cung, những bậc thang cao, lu tương trước nhà, giúp du khách hình dung ra phần nào nếp sống xưa của người dân Bắc Bộ. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm đình làng Mông Phụ, chùa Mía và các giếng cổ quanh làng, hay lựa chọn di chuyển xa hơn để viếng thăm đền thờ vua Phùng Hưng, Ngô Quyền.

Chùa Mía (Ảnh: sưu tầm)

Bữa cơm quê nhà là điều bạn không thể bỏ qua khi đến với làng cổ Đường Lâm. Những bữa cơm đơn sơ với cá rán, đậu phụ chiên, cà muối, canh rau sẽ làm bạn lưu luyến hương vị quê hương. Đặc biệt, những sạp nước ven đường chắc chắn sẽ thu hút sự tò mò của du khách. Nếu xem các bộ phim xưa, chắc hẳn du khách không còn xa lạ với các sạp nước chè, miếng bánh chè lam nơi gốc đa cổng làng hay cổng đình. Và đến với làng cổ Đường Lâm, du khách có thể ngồi nhâm nhi ly trà và thưởng thức miếng bánh chè lam được làm từ chính tay của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn những chai tương, gói bánh chè lam làm quà cho gia đình, bạn bè.

Nhà cổ (Ảnh: sưu tầm)

Sạp nước ven đường (Ảnh: sưu tầm)

Thử một lần đặt chân đến cổ trấn bị lãng quên giữa sự phát triển của thời đại, bạn sẽ nhớ mãi không quên hương vị ngọt ngào của miếng bánh chè lam quyện trong vị chát của chén nước trà.

19 Tháng 06, 2024 40

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành