Vẻ đẹp của tháp Chăm giữa lòng Hà Nội

(VTC News) - Tháp Chăm là công trình nổi bật tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), thu hút nhiều khách đến tham quan.

(VTC News) - Tháp Chăm là công trình nổi bật tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), thu hút nhiều khách đến tham quan.

Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) gồm 3 toà tháp. Trong đó, tháp chính Kalan, tháp cổng Gopura và tháp hỏa Kosaghara, được xây dựng tỷ lệ tương đương với cụm tháp Pokloogarai ở tỉnh Ninh Thuận. Công trình có kiến trúc hài hoà về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, là một điểm hấp dẫn du khách khi đến thăm quan “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.

Khu tháp Chăm được xây dựng trên diện tích 4.000m2, trục chính của khu tháp nằm theo hướng Đông Tây, với tháp chính Kalan cao hơn 20m; Tháp cổng Gopura hơn 8m; Tháp hoả Kosaghara cao hơn 9m và khu sân lễ hội, có hệ thống tường bao với 2 đường bậc lên xuống tham quan.

Tháp chính Kalan, được xây dựng bằng gạch, có 3 tầng được cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tượng thần Siva (trên cùng), tượng vũ nữ Chăm, các cột đá, ngưỡng đá bằng sa thạch được đục tay gắn vào tháp.

Tại cửa vào, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá và tượng đá. Đá cũng là chất liệu của Linga và Yoni - hai khối vật thể được đặt bên trong, chính giữa của tháp chính, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm.

Tháp hỏa có mái cong hình thuyền vươn cao, nằm trong vùng tường bao và ở phía trước bên phải của tháp chính theo hướng Đông, mặt bằng tháp hình chữ nhật, bên trong có tường ngăn chia thành nhà kho và bếp. Tháp có 2 tầng, 3 cửa với diện tích 47,2m2, trên độ cao nền 1,14m, được trang trí hoa văn giống tháp chính Kalan. Tháp hỏa là bếp lửa của nhà vua Po KlongGarai.

Tháp cổng Gopura, có kiến trúc giống tháp Kalan nhưng nhỏ hơn, có hai cửa thông nhau và có 3 tầng với tổng diện tích 36m2, trên độ cao nền 1,08m, đây là nơi đón tiếp khách của nhà vua.

Khu sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, có tổng diện tích 65m2, cao hơn nền sân chính là 0,9m. Bao quanh khu sân lễ hội có hệ thống tường bao xung quanh khu tháp phía trong cao 0,4m, phía ngoài cao 1,92m so với nền trong và nền ngoài. Bề rộng tối đa của tường là 0,56m. Bốn góc tường bao là 4 trụ lớn hình chóp vuông có chiều rộng là 1,9m, chiều cao 4,2m nhìn từ phía ngoài. Toàn bộ khu tháp có 2 hệ thống bậc lên xuống được xây bằng gạch tạo thành 2 đường ra vào tham quan có chiều rộng là 1,2m, mặt bậc rộng 0,25m.

Đây cũng là nơi hàng năm đồng bào Chăm tổ chức các lễ hội quan trọng, mang đậm tính dân gian trong cộng đồng người Chăm.

Quần thể tháp Chăm là một trong những địa điểm ấn tượng thu hút du khách tham quan bởi kiến trúc vô cùng độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Quần thể tháp Chăm còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. 

02 Tháng 01, 2024 1231

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành