Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
NDO - Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 hằng năm được xem là thời điểm đẹp nhất của Bát Xát (Lào Cai), nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Lúc này, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên sườn đồi ở Y Tý, Mường Hum, Sàng Ma Sáo, A Lù, Dền Sáng vàng xuộm như dát vàng trên sườn núi cao, mây trắng phất phơ như làn khói mỏng, đẹp như bức tranh thủy mặc.
NDO - Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 hằng năm được xem là thời điểm đẹp nhất của Bát Xát (Lào Cai), nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Lúc này, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên sườn đồi ở Y Tý, Mường Hum, Sàng Ma Sáo, A Lù, Dền Sáng vàng xuộm như dát vàng trên sườn núi cao, mây trắng phất phơ như làn khói mỏng, đẹp như bức tranh thủy mặc.
Mùa này, lúa ruộng bậc thang ở Bát Xát chín như dát vàng trên những sườn núi, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Tháng 9 là thời điểm các xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bước vào mùa lúa chín rộ. Đây cũng là lúc các tín đồ “xê dịch”, đam mê khám phá bắt đầu đổ về vùng đất này để săn tìm những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của thiên nhiên, những khung trời vàng ươm ấn tượng từ các thửa ruộng bậc thang khi bước vào mùa gặt.
Mùa vàng bao phủ trên những sườn núi cheo leo và các thung lũng trải rộng ở Y Tý, Dền Sáng, Mường Hum, Sàng Ma Sáo (Bát Xát). (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Không chỉ có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, huyện Bát Xát còn được biết đến là địa điểm có những thửa ruộng bậc thang đẹp của vùng Tây Bắc. Vào mùa lúa chín, từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang tại đây giống như dải lụa vàng lấp lánh xen giữa những đỉnh núi cao, hùng vĩ. Tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình, thơ mộng đến nao lòng.
Xòe rộng như chiếc quạt vàng khổng lồ. (Ảnh: QUỐC HỒNG).
Từ lâu ruộng bậc thang đã được xem là loại hình canh tác đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn vùng cao Bát Xát, gắn với lịch sử của mỗi dân tộc sinh sống nơi đây và là kết quả của quá trình lao động, đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo trong việc đưa cây lúa nước lên canh tác trên đồi cao, vừa bảo đảm lương thực vừa giữ rừng, tạo nguồn sinh thủy lâu bền cho đời sống con người.
Như những nấc thang ngược lên phía trời cao. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Bao quanh ngôi nhà đẹp như bức tranh. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Mùa vàng no ấm. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Những thửa ruộng bậc thang Y Tý, A Lù, Ngải Thầu có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của nông dân các dân tộc thiểu số kiến tạo nên. Làm ruộng bậc thang giỏi nhất phải kể tới người Hà Nhì, rồi tới người H'Mông, người Dao… sống trên những triền núi cao Hoàng Liên hùng vĩ.
Con đường xuyên qua lớp sóng vàng ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Ngải Thầu - Bát Xát. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Bay dù lượn trên thảm vàng Mường Hum. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Ruộng bậc thang Thề Pả ở xã Y Tý và Ngải Thầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia. Với diện tích 233,1ha, đây được đánh giá là một trong những khu ruộng có vị trí đẹp và tập trung, là công trình “sáng tạo vĩ đại” của người Mông và Hà Nhì nơi đây.
Huyện Bát Xát hiện có hơn 3.000ha ruộng bậc thang vừa bảo đảm lương thực, vừa là cảnh quan hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước để phát triển du lịch ở địa phương. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Mùa lúa chín đang về, xin mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của ruộng bậc thang Bát Xát đã từng làm say đắm biết bao du khách tới khám phá, trải nghiệm.