Du lịch An Giang, ngoài tham quan rừng Tràm Trà Sư, viếng miếu Bà Chúa Xứa… thì bạn nên tranh thủ ghé thăm các làng người Chăm ở Châu Đốc. An Giang là địa phương có nhiều dân tộc sống hòa thuận từ bao đời, trong đó có người Chăm theo đạo Hồi. Cộng đồng dân cư này thường sống tập trung theo các làng, tạo nên không gian văn hóa độc đáo. Trong đó không thể không nhắc đến Làng Chăm Đa Phước. Làng Chăm Đa Phước (An Phú) hình thành khoảng 120 năm, tập trung tại ấp Hà Bao 2, dọc Quốc lộ 91C và nằm cặp theo dòng sông Hậu, tiếp giáp từ cầu Cồn Tiên hướng về trung tâm huyện An Phú. Nhờ giao thông thuận lợi nên từ năm 1992, làng Chăm Đa Phước đã bắt đầu phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đến Đa Phước, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những thánh đường Hồi giáo uy nghiêm, mà còn hiểu thêm về cảnh quan, nhà cửa có nét kiến trúc riêng, với các hoa văn trang trí và nội thất mang đặc trưng của người Chăm. Khác với cư dân các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận sinh sống lâu đời dọc ven biển miền Trung, nhiều người Chăm ở An Giang do nhiều biến động lịch sử đã từ Malaysia, Campuchia di cư đến sinh sống nơi miền biên viễn đầu nguồn sông Hậu. Trải qua nhiều thế hệ, người Chăm sử dụng tiếng Việt, ăn ở không khác mấy người Việt nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc và tôn giáo. Nếu không biết trước, đi trên con đường của làng Chăm Đa Phước, phụ nữ đội đầu bằng khăn Mat’ra, đàn ông mặc xà rông, xa xa là các thánh đường hồi giáo khiến du khách ngỡ tưởng đang ở… vùng Trung Đông. Nơi đây có Thánh đường Masjid Al Ehsan và Thánh đường Sunnah là 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang; là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm. Nếu có thời gian, nhất là vào thứ sáu hàng tuần, du khách sẽ đi thăm thánh đường Hồi giáo nơi tín đồ cầu nguyện, tìm hiểu nét đẹp sinh hoạt người Chăm qua các trung tâm văn hóa cộng đồng được tổ chức quy củ. Người Chăm ở Đa Phước là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi với những sản phẩm may, đan, thêu, kết cườm trên trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo với những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Sản phẩm luôn thu hút được khách hàng bởi có nét đẹp rất riêng. Đến tham quan làng Chăm bạn đừng quên mua hàng thổ cẩm từ túi xách, bóp viết,khăn choàng rất đa dạng được chính người dân tại đây tự dệt tay làm nên. Giá các mặt hàng cũng vô cùng rẻ. Mua những mặt hàng này như một cách đón góp nguồn kinh phí cho người dân tại đây vậy nên khuyến khích mọi người mua làm quà tặng cho gia đình, người thân, bạn bè cực kỳ ý nghĩa. Làng Chăm Đa Phước đẹp nhất vào mùa nước nổi, nước cuồn cuộn từ bên kia biên giới đổ về, đâu đâu cũng mênh mang nước. Những ngôi nhà đều được xây dựng kiểu nhà sàn, kết nối với nhau bằng những cầu gỗ ngoằn ngoèo, thỏa sức cho những kiểu ảnh chụp chân dung giữa miền sông nước. Người dân Đa Phước sẽ đưa bạn đi trên những con thuyền dọc bờ sông Hậu để tham quan. Không giống như những con sông ở miền Bắc và miền Trung nước chảy xiết, đầu nguồn sông Hậu bằng phẳng, dễ đi lại để tham quan những miếu đền ven sông. Du khách còn có thể qua các làng bè thưởng thức món ăn dân dã chế biến từ thủy sản. Người dân còn rất khéo tay nấu nướng với đặc sản bún nước lèo đậm đà, bánh mì thơm ngon… Nằm cạnh quốc lộ 91C, cách biên giới Campuchia hơn chục cây số nên ngành du lịch An Giang đã có ý thức xây dựng làng Chăm Đa Phước là điểm dừng chân cho du khách, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa. Làng Chăm Đa Phước có 2 bến thuyền phục vụ đưa, rước khách tham quan. Ở đây trưng bày các khung dệt thổ cẩm, có 2 điểm bán hàng lưu niệm là những sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.
An Giang 87 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 25/12/2024