Trên bản đồ du lịch các tỉnh Tây Nguyên có một địa chỉ hầu như ít du khách nào bỏ qua, đó là nhà thờ chánh tòa Kon Tum (số 13 đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum), ngôi nhà thờ cổ hơn 100 tuổi làm bằng gỗ tuyệt đẹp, xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác các công trình kiến trúc Công giáo bằng gỗ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ giữa thế kỉ 19, theo bước chân của các nhà truyền giáo phương Tây, đạo Công giáo bắt đầu có mặt ở Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum. Thuở sơ khai, các cơ sở thờ tự ở xứ này đa phần đều có quy mô nhỏ, được làm bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá... Mãi về sau, khi giáo dân đông lên người ta mới tính tới chuyện xây cất những ngôi nhà thờ lớn, trong đó có nhà thờ gỗ Kon Tum. Theo các nguồn sử liệu, nhà thờ gỗ Kon Tum được linh mục Joseph Décrouille, phụ trách xứ đạo Kon Tum, chủ trì khởi công vào trung tuần tháng 3 năm 1913 và hoàn hành vào đầu năm 1918. Quá trình xây dựng nhà thờ trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí có lúc bị đình trệ do đúng vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra. Trước đó người ta cũng đã phải mất tới 3 năm để chuẩn bị, bắt đầu bằng việc thuê thợ giỏi vào rừng đốn gỗ rồi dùng voi kéo về, sau lại cho người về xuôi đến các vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tìm thợ giỏi lên để xây dựng. Sở dĩ gọi là nhà thờ gỗ vì nguyên liệu chủ yếu để dựng lên ngôi nhà thờ này là gỗ cà chít (sến đỏ), một loại gỗ quý có nhiều ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Toàn bộ các kết cấu từ cột, kèo, cho đến sàn nhà đều làm bằng gỗ và được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Trần, tường và vách được trát bằng loại vật liệu đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam, tuyệt đối không hề có chút bê tông cốt thép hay vôi vữa nào. Giải thích về việc này, trong bản tường trình gửi Hội Thừa sai Paris năm 1913, tức ngay lúc mới khởi công xây dựng nhà thờ, Giám mục Đại diện Tông tòa xứ Đông Đàng Trong Grangeon đã viết như sau: “Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, chỉ có dùng gỗ mới xây dựng được với chất lượng cao và kiến trúc sư cho biết ngôi nhà thờ trên xứ Ba Na này có dáng dấp ngôi thánh đường chánh tòa”. Về mặt tổng quan, nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà sàn của người Ba Na bản địa. Đây được coi là đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Nhìn bên ngoài, công trình là một khối nhà cao lớn uy nghiêm nổi bật với gam màu sẫm đen vì thời gian của gỗ và ngói. Mặt tiền nhà thờ có một tháp chuông 4 tầng cao 24m nằm chính giữa tạo sự hài hòa, cân đối cho toàn bộ công trình. Hành lang hai cánh rộng và dài, các mái nhô cao và dốc như kiểu mái nhà rông của người Ba Na được đỡ chắc chắn bằng hàng cột gỗ tròn. Bên trong thánh đường dường như là một thế giới khác hẳn với kết cấu mái vòm dài, cao vút, thoáng đạt và ngập tràn ánh sáng khiến cho người xem thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hoành tráng và lộng lẫy của nó. Những hàng cột cao 12m đặt vững chắc trên chân đế bằng đá vươn lên nâng đỡ toàn bộ mái vòm chính giữa và trần hành lang hai cánh không chỉ tạo sự bề thế cho công trình mà còn gợi cảm giác rộng mở không gian về các phía. Đặc biệt, hệ thống kèo gỗ hình vòm và các hàng cột nhỏ bên trên được kết nối tinh vi, liền mạch một cách duyên dáng và mềm mại khiến cho phần thượng tầng của gian thánh đường càng trở nên nguy nga, lộng lẫy. Hai bên cánh, qua lớp ánh sáng tự nhiên, các ô cửa kính màu thiết kế theo lối vitraux với hình vẽ về những điển tích trong kinh thánh hiện lên lung linh rực rỡ. Có thể nói, mọi chi tiết thiết kế, chạm trổ, trang trí, phối màu... của ngôi nhà thờ đều vô cùng tinh xảo, chứng tỏ trình độ tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân xưa. Có một chi tiết vô cùng thú vị cho thấy các nghệ nhân thời ấy đã cực kì khéo léo và tinh tế khi đưa một bức tranh kính màu hình tròn rất lớn vào đặt ở vị trí trung tâm của ngôi thánh đường, ngay trên cửa chính, đối diện với cung thánh để vừa lấy sáng vừa trang trí như một biểu tượng của vầng mặt trời chiếu thẳng vào trong. Nếu đứng ở bên ngoài thì khó hình dung ra người xưa đã vẽ gì trên bức tranh kính ấy. Nhưng vào bên trong, qua sự phản chiếu của ánh sáng, bức tranh hiện lên rực rỡ và tuyệt đẹp với hình ảnh về cuộc sống đầy sinh động của người Tây Nguyên xưa với cảnh buôn làng, nhà rông, voi kéo gỗ, sông suối, đại ngàn hùng vĩ... Nói về vẻ đẹp của ngôi thánh đường này, Đức Giám mục Jeanningros, người làm phép khánh thành nhà thờ gỗ Kon Tum, trong thư gửi Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn viết: “Đây là một tòa nhà rộng rãi và quý giá, được xây dựng bằng danh mộc (gỗ quý – PV)... thay thế cho nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hỏa hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này”.Trải qua hơn 100 năm mưa gió dãi dầu, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn vững bền với thời gian và dường như ngày càng đẹp hơn bởi vẻ cổ kính và lộng lẫy hiếm có của mình. Ngày nay, đến với phố núi Kon Tum, thăm nhà thờ gỗ Kon Tum, du khách không chỉ được biết thêm về lịch sử của nhà thờ chánh tòa Giáo phận Kon Tum, một trong 27 giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, và là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên, mà còn được chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác bằng gỗ về công trình kiến trúc Công giáo ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Kon Tum 474 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 19/12/2024