Sở hữu sự hoang sơ, dữ dội đặc trưng của một thác nước ở vùng cao nguyên, Thác Pongour trở thành điểm đến đầy thú vị cho những tâm hồn yêu thiên nhiên hoang dã, và được đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất vùng Nam Tây Nguyên. Thác Pongour nằm trên dòng chảy của sông Đa Nhim, nơi đã tạo nên bao thác và hồ nước tuyệt đẹp ở Đà Lạt. Thác có độ cao khoảng 40m, rộng hơn 100m, chảy thoai thoải qua 7 bậc đá tự nhiên tạo thành những thảm nước tung bọt trắng xóa; vì thế mà người ta gọi là “Thác Bảy Tầng”. Xung quanh Thác Pongour là hệ thống rừng nguyên sinh rộng hơn 2,5ha với thảm thực vật đa dạng. Khu vực hạ lưu thác là một mặt hồ rộng thênh thang, với rất nhiều tảng đá nhấp nhô giữa dòng nước, thích hợp cho cắm trại và nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Hiện nay, phía trên dòng chảy Thác Pongour được ngăn đập làm thủy điện Đại Ninh nên dòng chảy của Thác Pongour không còn mạnh mẽ như trước. Tuy vậy, vẻ đẹp của thác nước vẫn không hề giảm đi nhiều. Đến với thác Pongour bạn không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ, nên thơ của núi rừng, mà còn được trải nghiệm một cảm giác bình yên giữa làn nước mát, tiếng chim rừng vang vọng, và tiếng nước chảy cả ngày lẫn đêm. Theo một số tài liệu nghiên cứu địa chất của người Pháp, thì vùng đất này giàu khoáng sản cao lanh (kaolin), một loại đất sét trắng, nên họ đã đặt cho ngọn thác cái tên là Pongour, phiên âm từ tiếng K’Ho là Pon-gou, có nghĩa là “ông chủ vùng đất sét trắng”. Khi đó, người Pháp cũng đã bình chọn Thác Pongour là “Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương”, và cũng một lần khiến Vua Bảo Đại thốt lời khen ngợi là “Nam thiên đệ nhất thác” khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tuyệt mỹ của ngọn thác này. Vào năm 2000, Thác Pongour được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Thác Pongour là thác nước duy nhất tại Việt Nam có tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày rằm tháng giêng, tức là dịp Tết Nguyên Tiêu. Vào những ngày này, rất nhiều hoạt động văn hóa, giải trí được dân địa phương tổ chức vô cùng náo nhiệt vui vẻ. Có nhiều cách để đi đến Thác Pongour bằng phương tiện cá nhân. Nếu đi từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn theo quốc lộ 20 đến Km260 thuộc địa phận huyện Đức Trọng thì rẽ trái, đi vào thêm khoảng 6km là đến Khu du lịch sinh thái Thác Pongour. Ở chiều ngược lại, nếu lấy trung tâm thành phố Đà Lạt làm điểm xuất phát, tuyến đường nhanh nhất là đi qua cao tốc Liên Khương – Prenn. Sau khi ra khỏi cao tốc, tiếp tục đi theo quốc lộ 20 đến Km260 thuộc địa phận huyện Đức Trọng thì rẽ phải, đi vào thêm khoảng 6km là đến Khu du lịch sinh thái Thác Pongour. Bật mí cho #teamKlook nè: vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, nếu đi ngang tuyến quốc lộ 20, đoạn ngang qua đập Đại Ninh, bạn sẽ thấy trên các ngọn đồi tràn ngập sắc vàng dã quỳ, thoang thoảng mùi hương trong gió, xa xa nương rẫy, đồi núi thấp thoáng... tạo nên khung cảnh hết sức quyến rũ và thơ mộng. Sau khi đến Khu du lịch sinh thái Thác Pongour, bạn có thể gửi xe rồi đi bộ khoảng 15 phút đến thác. Nếu không muốn đi bộ đến thác, bạn có thể dùng dịch vụ xe trung chuyển với giá vé mỗi lượt là 15.000đ/người. Thác Pongour gắn liền với truyền thuyết về nàng Kanai xinh đẹp, một nữ tù trưởng cai quản vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Thành bây giờ. Nàng có biệt tài thuần phục thú dữ và sai khiến chúng phục vụ cho lợi ích của con người. Trong số những con thú dữ đó, có bốn con tê giác khổng lồ, luôn đi theo nghe lệnh nàng dời non, ngăn suối, khai phá nương rẫy, và sẵn sàng chống lại những kẻ xâm lấn buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng dân tộc K’Ho lúc nào cũng được bình yên, sung túc. Vào đúng ngày rằm tháng giêng, nữ tù trưởng qua đời. Bốn con tê giác không màng ăn uống, cứ túc trực bên nàng cả ngày lẫn đêm cho đến chết. Một thời gian sau, người dân làng vô cùng kinh ngạc khi thấy tại nơi nàng qua đời bỗng xuất hiện một ngọn thác đẹp tuyệt vời gọi là Thác Thiên Thai. Thì ra, suối tóc của Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, còn những phiến đá xanh rêu xếp thành tầng chính là hóa thạch của sừng tê giác. Cũng từ truyền thuyết này mà người K’Ho lý giải tên Pongour còn có nghĩa là “bốn chiếc sừng tê giác”. Để tưởng nhớ về nàng Kanai, hàng năm, vào dịp rằm tháng giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội tại Thác Pongour với các trò chơi dân gian và hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút khách thập phương đến tham gia và tìm hiểu văn hóa dân tộc K’Ho. Nhìn chung, bạn có thể đến tham quan Thác Pongour vào bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng sẽ đẹp nhất là vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Vào thời gian này, lượng nước đổ xuống sẽ nhiều, mạnh mẽ, và dữ dội hơn mùa khô. Lưu ý rằng, bạn có thể leo 3-4 tầng thác để chiêm ngưỡng, chụp hình nhưng không nên leo quá cao vì dễ dẫn đến trơn trượt, té ngã, rất nguy hiểm. Khu du lịch sinh thái Thác Pongour không có nhà hàng hay quán ăn mà chỉ có bán và cho thuê dụng cụ nướng. Vì thế, nếu có ý định dã ngoại ở đây thì bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn cho mình và một số thiết bị cần thiết. Cung đường từ Đà Lạt tới Thác Pongour khá đẹp và bằng phẳng, tuy vậy, vẫn có những đoạn dốc và khúc cua gắt. Các bạn cầm lái nhớ chú ý tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông.
Lâm Đồng 1333 lượt xem Từ tháng 7 đến tháng 11
Ngày cập nhật : 28/03/2023