Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Chợ quê

Sống chậm lại với hình ảnh chợ quê thân thuộc tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Hãy nghe Nguyễn Thị Ánh (Hải Phòng) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Từ lâu, hình ảnh chợ quê đông vui tấp nập đã gắn liền với ký ức của bao người. Với vùng cao nổi bật là hình ảnh chợ phiên với các sạp hàng bày những bộ quần áo thổ cẩm đặc trưng của dân tộc, những đồ ăn đặc sản của núi rừng. Với miền sông nước miền Tây lại có “chợ nổi”, đó là cách họp chợ trên những chiếc thuyền, chiếc ghe chở đầy hoa quả và thực phẩm lênh đênh trên dòng sông thơ mộng. Còn với miền Bắc, một buổi buổi sáng chợ quê đông vui, nhộn nhịp, người mua kẻ bán tấp nập cùng những câu chuyện hàng ngày và những thức quà tuổi thơ đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Bắc Bộ. Đặc biệt, khi ghé qua một khu chợ buổi sáng tại huyện Vĩnh Bảo, bạn sẽ cảm nhận được không khí sôi nổi, tràn đầy năng lượng của người dân nơi đây.

1.Chợ huyện Vĩnh Bảo gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ

Huyện Vĩnh Bảo nằm ở phía nam của thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 60km. Nơi đây chủ yếu có truyền thống canh tác nông nghiệp, tạc tượng, điêu khắc, làm chiếu cói, sản xuất nông sản thuốc lào…Những người dân nơi đây từng chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của phố huyện, đặc biệt là sự đổi thay của khu chợ huyện Vĩnh Bảo. Chợ huyện Vĩnh Bảo được coi là khu chợ lớn nhất nhì của huyện nằm tại trung tâm huyện, cách Công viên bờ hồ khoảng 500m. Khu chợ được xây dựng cách đây khoảng 40 năm, rộng khoảng 7000m². Từ khi khu chợ chỉ là những khu vực buôn bán nhỏ lẻ, với rất ít hộ kinh doanh thì đến nay đã có hơn 200 tiểu thương lớn nhỏ buôn bán các loại mặt hàng.

2. Một buổi sáng hòa mình vào phiên chợ quê

Chợ huyện Vĩnh Bảo và khu Bách hóa Tổng hợp huyện Vĩnh Bảo từng được coi là tuổi thơ của rất nhiều người. Khi khu Bách Hóa tổng hợp xuống cấp nghiêm trọng và bị phá bỏ thì chợ huyện ngày một náo nhiệt hơn. Ở đây, các loại mặt hàng đều có đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của mọi người.


Một góc chợ quê (ảnh: sưu tầm)

Khu chợ huyện được phân thành nhiều mảng riêng biệt. Bắt đầu vào chợ sẽ là cổng chợ, dẫn vào một con đường đã được sửa lại và mở rộng hơn trước phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Khu chợ này có rất nhiều lối vào mà cho dù bạn vào bằng lối nào thì vẫn sẽ đến được nơi bạn muốn đến. Lối vào đầu tiên sẽ là khu bán thực phẩm tươi sống hàng ngày như hải sản, cá, thịt các loại. Con đường này mỗi lần bước vào bạn sẽ cảm nhận được vị mặn mòi của hải sản nơi biển cả, cảm nhận được độ tươi mới của cá tôm sông, và cả những miếng thịt hồng được xếp ngay ngắn trên bàn chờ đợi khách hàng qua lựa chọn. Đi qua con đường bán thực phẩm tươi sống sẽ là gian hàng đồ khô, ở đây bày bán đủ các loại hạt khô, gạo và bột mì. Nếu bạn muốn tự tay làm các loại bánh thì khu này sẽ rất thích hợp với bạn. Bên cạnh đó ở đây còn bày bán nhiều loại thuốc dân gian như táo đỏ, cam thảo, rễ các loại thảo mộc… Khi đi qua khu vực này, một mùi hương thơm thoang thoảng dễ chịu sẽ vấn vương vào tóc, vào từng nếp quần nếp áo, đọng lại trong lòng người mua những ấn tượng khó quên.

Ngõ thứ hai dẫn vào trong chợ sẽ là khu bán quần áo và thời trang cho mọi lứa tuổi. Nhu cầu mặc đẹp của mỗi người đều tăng lên tỉ lệ thuận với sự phát triển của đất nước, vì thế mà ở các khu vực kinh doanh quần áo, các thương nhân không ngại bắt “trend” những bộ trang phục hợp thời đại, hợp mốt với các lứa tuổi. Những bộ quần áo nhiều màu sắc, kiểu dáng đa dạng được treo ngay ngắn thẳng hàng nhìn thật thích mắt. Ngoài ra thì khu vực này còn bày bán những phụ kiện như giày dép, túi xách, trang sức…Những người bán hàng ở đây thì vô cùng nhiệt tình và hiếu khách, tư vấn tỉ mỉ cho khách hàng những mẫu quần áo mới để giữ chân mọi khách hàng.

Đi qua ngõ thứ hai sẽ là ngõ thứ ba nơi dẫn vào thiên đường của ẩm thực và rau củ quả tươi. Đây là nơi có lẽ ai cũng thích nhất và đông người nhất vào mỗi buổi sáng. Các bà các mẹ tranh thủ lựa những bó rau còn tươi, những củ quả nhìn mọng nước và ngon mắt. Các bạn học sinh thì tranh thủ ăn sáng cho kịp giờ học. Để mà nói về những món ăn ở chợ huyện thì nghe thôi cũng tưởng tượng ra độ hấp dẫn của nó. Các quán phở, bún, bánh đa, bánh cuốn buổi sáng nghi ngút khói cùng hương thơm quyến rũ đánh thức vị giác của mọi người. Ở nơi đây, món ăn đắt khách nhất chính là bánh đa cá rô của cô chủ quán người miền Trung. Cô hoạt bát, hiền lành, cởi mở, nói chất giọng miền Trung nhẹ nhàng và chiều lòng được tất cả các khách hàng ghé thưởng thức. Một bát bánh đa cá rô thơm lừng, nước dùng thanh ngọt, cảm nhận rõ vị cá, ăn cùng hành phi và rau sống thì thơm ngon tròn vị, không những thế mà giá chỉ có 20 nghìn đồng một bát. Ngoài ra phải kể đến món trứng lộn hầm lá ngải “nức tiếng thơm ngon” của bà cụ đã ngoài 70. Đây là món ăn khá bổ dưỡng, trứng được hầm cùng ngải cứu nhiều giờ ăn như mềm tan trong miệng, thêm miếng ngải cứu có phần đắng nhẹ hòa quyện vào nhau. Bên cạnh đó là hàng chè thập cẩm của bà cụ tuổi đã cao cũng là thức quà tuổi thơ của bao thế hệ, vị chè vẫn ngọt như thế, vẫn là hương vị của nhiều năm về trước.


Không khí đông vui tấp nập tại chợ vào dịp Tết (ảnh: sưu tầm)

Các quán ăn vặt chè, bánh rán, xôi, gà hầm cũng là những món đáng để thử. Đi một vòng quanh khu vực này đảm bảo bạn sẽ có một chiếc bụng no căng nhưng vẫn muốn ăn tiếp những món ăn khác. Nếu là tín đồ của các món ăn vặt thì ghé chợ huyện Vĩnh Bảo sẽ là nơi thỏa mãn niềm đam mê ăn uống của bạn

Cuối cùng của khu chợ sẽ là nơi bán các loại gia cầm như vịt, gà…Khu vực này thì lúc nào cũng ồn ào và đặc biệt đông đúc vào các dịp lễ, tết. Thường thì chợ vẫn mở cửa cho đến buổi chiều tối nhưng nếu muốn chọn được những nguyên liệu tươi ngon thì bạn nên di chuyển vào khoảng thời gian sớm buổi sáng. Bởi những nguyên liệu buổi sáng thường sẽ tươi và rất nhanh hết.

3. Chợ quê buổi sáng và những trải nghiệm khó quên

Một buổi sáng ở quê thường bắt đầu sớm hơn thành phố. Đặc biệt, nếu là những thương nhân kinh doanh ở chợ thì họ phải bắt đầu công việc của mình từ lúc 3-4h sáng. Họ chở hàng đến điểm giao hàng và bắt đầu sắp xếp bày hàng. Với những người dân buôn bán, họ sẽ vất vả hơn những người bình thường, họ thường xuyên phải tính toán, phải dự trù những khả năng tốt và xấu.

Khoảng 6 rưỡi đến 7h sáng sẽ là khoảng thời gian đông đúc nhất của chợ huyện vào ngày thường và 8h vào những ngày cuối tuần. Nếu bạn đến chợ vào khung giờ này sẽ cảm nhận được sự hối hả, nhộn nhịp, người người qua lại cùng những câu chuyện chưa có hồi kết, những lời hỏi thăm nhau chân tình, những lời trả giá của hai bên mua và bán. Mỗi người đều nhanh chân sải bước để kịp mua những thứ đồ cần thiết chuẩn bị cho gia đình một bữa cơm ngon.


Họp chợ (ảnh: sưu tầm)

Chợ quê dù trải qua nhiều năm thay đổi vẫn giữ được những nét truyền thống và bình dị. Truyền thống đó có được là nhờ vào nếp sống của những người dân nơi đây. Hình ảnh chợ quê đã in sâu vào tiềm thức mỗi người từ thời xa xưa, từ những gánh hàng rong nặng trĩu cùng bao nỗi lo cơm áo gạo tiền của các bà các mẹ. Từ những bó rau con cá đổi lấy những ống gạo cứu đói qua ngày. Từ những chiếc xe đạp thô sơ chở bao nhiêu niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính những sự hy sinh đó đã tạo nên một tương lai như ngày nay. Cuộc sống của người dân ngày một được nâng cao, các khu siêu thị mua sắm cũng được hình thành, nhưng hình ảnh chợ quê vẫn còn đó, phiên chợ vẫn tấp nập người qua lại, chứa đựng những nét đẹp của lao động nơi quê hương Vĩnh Bảo.

18 Tháng 12, 2024 30

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành