Lễ hội Hoa Lư năm 2025

Lễ hội Hoa Lư năm 2025

Cố đô Hoa Lư ở Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư – (xưa thường gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) diễn ra vào các ngày 6,7,8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Sử sách cho biết: Trong nhiều triều đại phong kiến, lễ hội Trường Yên là một quốc lễ, vì đây là nơi, là dịp tưởng niệm các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư có quy mô lớn nhất vào những năm có số hàng đơn vị là 3, 5, 8, 0. Lễ hội được mở vào mùa xuân, thường là các ngày mùng 8, 9, 10 tháng Ba âm lịch hàng năm. Không gian của lễ hội là cả một vùng rộng lớn gồm: hai khu vực đền Vua Đinh và đền Vua Lê (trung tâm), chùa Nhất Trụ, phủ Bà Chúa, núi Mã Yên, sông Hoàng Long, động Am Tiên, động Thiên Tôn, hang Luồn… Phần lễ có: lễ rước nước, lễ dâng hương, tế nữ quan, tế nam quan… Phần hội thường có: tập trận cờ lau, múa rồng, múa lân, kéo chữ, đấu vật, chọi gà và thời gian gần đây có thêm tiết mục làng vui chơi, làng ca hát, cuộc thi người đẹp Cố đô Hoa Lư…

Vào buổi sáng ngày khai hội hàng năm thường diễn ra lễ rước nước. Lễ thức đặc biệt này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Trước ngày khai hội, ở bến sông Hoàng Long gần cửa Đại Hoàng xưa, người ta trồng dưới sông cả một cây tre lớn, cành lá xanh tốt. Nơi ngọn tre có treo dải phướn bằng vải màu sặc sỡ ghi lời chú. Nội dung lời chú trước đây đại lược là: Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn Rồng Vàng ở sông này đã cứu giúp vị hoàng đế nước Đại Việt. Cầu mong thần linh giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ…

Ngày khai hội, khi mặt trời còn chưa ló lên khỏi Mã Yên Sơn, đoàn người đi rước nước đã khởi hành từ cổng đền Vua Đinh, qua đền Vua Lê để ra bến sông. Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường bát âm, gồm: đàn, sáo, nhị, mõ, thanh la và cả một phường trống. Phường bát âm cử nhạc réo rắt các làn điệu: kim tiền, bình bán, lưu thuỷ, xuân phong. Tiếng trống, tiếng thanh la âm vang sôi động. Cỗ kiệu lớn đi đầu, do tám thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Trang phục của họ tựa như trang phục lính túc vệ nhà Đinh. Hương án trên kiệu có đặt một chiếc bình sứ, ngoài phủ vải điều để đựng nước thiêng. Đi sau kiệu rước là các vị bô lão, quan khách, đại biểu các đoàn thể, địa phương. Tiếp đến là đội rồng, đội lân, rồi các cỗ kiệu bát cống có hương án, tán lọng, hương, nến, quả, phẩm song hành, nghiêm trang, chỉnh tề, náo nhiệt. Đi bên mỗi kiệu rước là một vị bô lão trang phục lễ nghi dân tộc.

 Khi đoàn rước ra tới bến sông thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền trước tiên, sau đó là rồng vàng, sư tử. Trống chiêng gióng lên từng hồi, âm vang rộn rã, thúc giục. Rồng vàng uốn lượn uy phong trên sóng nước. Sư tử múa dũng mãnh, hả hê. 

Vị chủ lễ trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước. Xong, vị chủ lễ cùng các “quần thần” đốt hoá bản sớ trình, thả xuống dòng sông. Bốn trinh nữ (trang phục áo tân thời, xưa mặc áo tứ thân) nhẹ nhàng, thanh thoát múc nước sông đổ vào bình sứ để đưa lên kiệu rước trở về đền Vua Đinh trước khi làm lễ dâng hương. Đoàn rước trở về theo thứ tự như lúc khởi hành.
Nét đặc sắc đến kỳ diệu mà lễ rước nước hội truyền thống Cố đô Hoa Lư có được chính là không gian sông nước. Bến sông Hoàng Long, nơi diễn ra nghi lễ tế thần linh và rước nguồn nước thiêng truyền thống vẫn gợi nhớ một truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn kể về sự tích rồng vàng hiện lên đưa Đinh Bộ Lĩnh sang sông mà thoát khỏi lưỡi gươm giận dữ của người chú ruột. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh làm nên nghiệp lớn, thống nhất giang sơn, dựng Kinh đô Hoa Lư, đặt triều chính, trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Dòng sông từ bấy có tên là Hoàng Long Giang (sông rồng vàng). Bên kia bến sông này là một trái núi đứng độc lập, có tên gọi là núi Cắm Gươm như một chứng tích đẹp, hào hùng. Truyền thuyết dân gian về rồng vàng, sông Hoàng Long, núi Cắm Gươm chất chứa những hoài niệm và sự lý tưởng hoá của cộng đồng dân tộc về “con rồng cháu tiên”, đặc biệt là về người anh hùng lập quốc, vị hoàng đế họ Đinh cách nay đã hơn một nghìn năm. Huyền tích này sẽ mãi còn mang đậm chất sử thi mà người đời sau vẫn tự hào, yêu thích…

Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, sau nghi thức thả rồng bay thì khởi điểm phần lễ tế tại hai đền Vua Đinh, Vua Lê. Phần tế có sự tham gia của nhiều đoàn theo lịch đăng ký. Các đoàn rước kiệu và chân nhang từ các di tích thờ các danh nhân thời Đinh - Lê sẽ tham gia rước kiệu về hai đền, hầu hết các đoàn ở cự ly xa phải rước trên xe lễ hội tiến về Hoa Lư. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền Vua Đinh và Vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị Vua, xen kẽ đó du khách vào thắp hương tưởng niệm. 

Màn sân khấu hóa - là màn diễn sân khấu đương đại để khai mạc lễ hội và truyền hình trực tiếp. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại Kinh đô Hoa Lư xưa như: Sự kiện lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; đánh thắng giặc Tống; dời đô về Thăng Long và kết thúc là màn thả rồng bay lên cho tới hết buổi sáng khai mạc. 

Cũng như nhiều lễ hội dân gian khác của Việt Nam, phần hội trong lễ hội Cố đô Hoa Lư có các trò chơi dân gian đặc sắc như: đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, thư pháp. Ngoài ra, lễ hội Cố đô Hoa Lư còn có một số trò chơi đặc trưng tiêu biểu như: cờ lau tập trận, kéo chữ và thi người đẹp Kinh đô Hoa Lư.

Cờ lau tập trận là trò diễn dân gian để diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu, thể hiện ý chí của ông  và ba quân. Tham gia màn diễn trò Cờ lau tập trận có 60 em thiếu niên 13-15 tuổi. Em khôi ngô nhất được chọn đóng Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng, tán tía. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh Vua Đinh cầm cờ lau tập trận. 

Màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà Vua Đinh Tiên Hoàng đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn diễn có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái Bình”. 

Từ năm 2005, cuộc thi "Người đẹp Kinh đô Hoa Lư" trở thành cuộc thi sắc đẹp dành cho các thí sinh nữ khu vực vùng văn hóa Hoa Lư và lân cận. Các vòng loại đã diễn ra trước đó, vòng chung kết diễn ra tại sân khấu lễ hội Hoa Lư. 

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện một mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam, bao hàm được những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”./.

Từ 05/04/2025 - 07/04/2025

Khám Phá Ninh Bình

Lễ hội khinh khí cầu, Tràng An - Cúc Phương năm 2024

Khu Công viên Văn hóa Tràng An (gần UBND phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình).

Từ 20/09/2024 - 23/09/2024

Xem thêm

Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ

Đền thờ Nguyễn Công Trứ thuộc xã Quang Thiện, Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Từ 14/12/2024 - 16/12/2024

Xem thêm