Chùa cổ Long Quang ở TP Cần Thơ ngoài vẻ cổ kính còn thu hút du khách khi có bộ 18 vị La Hán bằng gỗ quý với tuổi đời trăm năm.
Chùa cổ Long Quang ở TP Cần Thơ ngoài vẻ cổ kính còn thu hút du khách khi có bộ 18 vị La Hán bằng gỗ quý với tuổi đời trăm năm.
Chùa Long Quang (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là di tích quốc gia đang sở hữu và thờ cúng khoảng 50 tượng Phật bằng gỗ rất có giá trị, trong đó nổi bật nhất là bộ 18 vị La Hán.
Với tuổi đời gần 100 năm, bộ tượng Phật bằng gỗ này ngày càng khẳng định giá trị về mỹ thuật và lịch sử.
Chùa Long Quang ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ
Chùa Long Quang được thành lập năm 1824 (Minh Mạng thứ V) do Hòa thượng Liểu Huệ, tục danh Võ Văn Quyền, sáng lập. Ban đầu chùa là ngôi am tranh, đến năm 1835 Hòa thượng cho xây dựng thành chùa, đặt tên là Long Trường Tự. Đến năm 1875 Hòa thượng Quảng Hiền làm trụ trì. Ngài cho trùng tu lại và đổi tên thành Long Quang Tự.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chùa cổ Long Quang là nơi nuôi dưỡng, bảo hộ, che chở cho chiến sĩ cách mạng. Đến nay chùa trải qua 7 đời trụ trì, đương nhiệm hiện tại là Thượng tọa Thích Bình Tâm. Ngôi chùa trải qua nhiều lần trùng tu.
Năm 1993, chùa Long Quang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, cũng là nơi để người dân đến cúng bái.
Các vị La Hán được làm bằng gỗ giáng hương
Nói về các tượng Phật quý được lưu giữ, thờ cúng trong chùa suốt hơn 100 năm qua, Đại đức Thích Quang Chương, phụ trách chánh điện chùa Long Quang cho biết, gỗ để làm các tượng Phật được vận chuyển từ Huế vào Cần Thơ.
"Gỗ làm tượng Phật là giáng hương, được vận chuyển bằng đường thuỷ từ Huế vào. Năm 1922, Hòa thượng Từ Quang (trụ trì chùa) đã rước thợ về tạc 50 tượng Phật, làm trong khoảng một năm thì xong", Đại đức Thích Quang Chương cho biết.
Những bức tượng Phật trong chùa Long Quang được tạc bằng loại gỗ giáng hương nguyên khối và sơn son thếp vàng mang giá trị nghệ thuật cao. Trong đó, mỗi tượng La Hán cao 80cm..
Mỗi vị La Hán có nét mặt biểu hiện cảm xúc riêng, với tư thế đứng, ngồi khác nhau trên một con thú, tay cầm bảo bối.
Bộ tượng gỗ mang ý nghĩa giúp cho con người xóa bỏ lỗi lầm của quá khứ để hướng về những điều tốt đẹp
18 vị La Hán trong chùa Long Quang có hình thái được tạc mặc áo choàng, chứ không mặc áo cà sa hay đắp y cầm bát. Trên tay mỗi vị cầm một bảo bối khác nhau, tượng trưng cho phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả.
Tượng 18 vị La Hán có nét mặt biểu hiện cảm xúc riêng, với tư thế đứng, dáng ngồi khác nhau trên một con thú, tay cầm bảo bối. Có vị đăm chiêu ánh mắt xa xăm, có vị dữ tợn, có vị vui vẻ hay có vị đang ở tư thế ngủ…
Bộ tượng gỗ mang ý nghĩa giúp cho con người xóa bỏ lỗi lầm của quá khứ để hướng về những điều tốt đẹp. Chùa Long Quang không chỉ là nơi tín ngưỡng thờ Phật mà còn là một điểm tham quan du lịch tâm linh của Cần Thơ.
Anh Huỳnh Duy Tân dùng máy ảnh ghi hình các vị La Hán
Anh Huỳnh Duy Tân (ngụ TP Cần Thơ) cho biết, anh thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nên tìm đến chùa Long Quang chiêm ngưỡng tượng Phật.
"18 vị La Hán với mỗi thần thái riêng biệt, các đường nét, chạm trổ rất tỉ mỉ. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân xưa có tay nghề rất cao, thể hiện sự tài hoa hiếm có", anh Duy Tân nói và cho biết, rất nhiều người đến chùa Long Quang làm công quả và cầu bình an cho gia đình.
"Đây là ngôi chùa rất linh thiêng. Đến đây, tôi tìm chút bình yên, sự tĩnh tâm trong tâm hồn khi gặp khó khăn trong cuộc sống", anh chia sẻ.
Cần Thơ
1223 lượt xem
Ngày cập nhật
: 18/10/2023
Hoài Thanh