Nhắc đến Cao Bằng nhiều du khách sẽ không thể quên được hương vị của những món ngon đã làm nên thương hiệu cho địa phương, cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp tựa chốn "tiên cảnh" nơi hạ giới.
Nhắc đến Cao Bằng nhiều du khách sẽ không thể quên được hương vị của những món ngon đã làm nên thương hiệu cho địa phương, cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp tựa chốn "tiên cảnh" nơi hạ giới.
Vẻ đẹp Thác Bản Giốc. (Ảnh: TTXVN)
Là nơi hội tụ bức tranh văn hóa đa sắc màu riêng có của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Non nước Cao Bằng vừa đón Bằng chứng nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sau kỳ tái thẩm định lần 1.
Và, vùng đất biên viễn Đông Bắc này không chỉ giàu có các giá trị di sản mà còn rất nhiều cảnh quan đẹp độc đáo để khám phá…
Trình diễn di sản để bảo tồn văn hóa
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy nhấn mạnh việc non nước Cao Bằng tiếp tục được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ góp phần quảng bá các giá trị cảnh quan, địa chất, văn hóa, bản sắc của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung ra thế giới. Đây cũng là cơ hội giúp tăng cường trao đổi, giao lưu để tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư.
Đáng chú ý, trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2023 đang diễn ra (27/9-3/10), cộng đồng và du khách đã có những trải nghiệm thú vị khi được thưởng thức màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quy mô lớn của hàng nghìn người.
Hình ảnh trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật dân gian đến từ Nguyên Bình, Trùng Khánh, thành phố Cao Bằng và Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then Thành phố đã thể hiện Múa Ky lằn, trích đoạn tuồng cổ Dá Hai, trình diễn di sản thực hành Then, chế tác đàn tính đã góp phần làm sống dậy cả không gian văn hóa độc đáo.
Màn trình diễn đan xen các yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc này đã khơi dậy niềm tự hào về những giá trị cổ truyền cũng như quảng bá kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Cao Bằng tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ông Trịnh Trường Huy cho biết ngay sau khi kết thúc chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 5-9/10, tại huyện Trùng Khánh sẽ diễn ra Lễ hội Thác Bản Giốc năm 2023 với chủ đề “Về miền Non nước.”
Chương trình Lễ hội sẽ có: Lễ rước nước cầu Quốc thái Dân an, mưa thuận, gió hòa; Khai mạc Lễ hội Thác Bản Giốc; trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; Tuần lễ trải nghiệm tại vườn dẻ. Đặc biệt, chương trình Hát then-Đàn tính có tới 1.000 người tham gia.
Nằm ở vùng biên giới Đông Bắc Việt Nam, Cao Bằng có đến 90% diện tích rừng bao phủ, lưu trữ hệ sinh thái đa dạng, hơn 200 di tích, hơn 2.000 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo…
Rừng Sau Sau bên hồ Bản Viết chuyển màu đỏ, tím khi Đông về. (Ảnh: TTXVN)
Với từng đó tài nguyên, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng khẳng định những năm qua để bảo tồn, phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu, của các di sản văn hóa phi vật thể, địa phương này đã phải hài hòa giữa nhu cầu phát triển với bảo tồn, giữ gìn cảnh quan và các giá trị của Công viên, bản sắc cộng đồng các dân tộc.
Chốn “tiên cảnh” nơi hạ giới
Nhắc đến Cao Bằng nhiều du khách sẽ không thể quên được hương vị của những sản vật, món ngon hấp dẫn đã làm nên thương hiệu cho địa phương như: lê, hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Pì pất, quýt, chè Giảo cổ lam, phở chua, cá Trầm Hương, rau dạ hiến, bánh cuốn, bánh trứng kiến, vịt quay, miến dong Phia Đén, bánh khảo Thông Huề, thạch đen…
Đáng chú ý là hệ động thực vật phong phú với trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo cổ sinh độc đáo, trong đó nổi bật là các danh thắng nổi tiếng: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (Nguyên Bình), Hồ Thang Hen (Trùng Khánh), Hang Ngườm Pục (Thạch An), suối Lê Nin, làng đá cổ Khuổi Ky, núi Mắt Thần…
Là thác nước lớn nhất Việt Nam, Thác Bản Giốc được ví như tiên cảnh mà tạo hóa ban tặng cho vùng biên viễn Đông Bắc, đổ nước nhiều và trong xanh nhất vào tầm từ tháng 8-9, với nhiều đoạn ruộng bậc thang chín vàng.
Bản Giốc phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đường đến đây sẽ qua cung đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu và nhiều vùng đồng ruộng đẹp mắt. Để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác này bạn cần thuê thuyền bè đi đến gần chân thác.
Du khách trước núi Mắt Thần. (Ảnh: TTXVN)
Đến Thác Bản Giốc vào buổi chiều, hãy nán lại tới sau hoàng hôn, khoảng 19 giờ để chiêm ngưỡng màn trình chiếu ánh sáng nghệ thuật ban đêm, thường kéo dài 1 giờ 30 phút.
Nếu mùa mưa từ tháng 6-9, nước tuôn trào, tung bọt trắng xó, thì mùa khô từ tháng 10-5 năm sau, trời lạnh hơn, nước chảy êm đềm, trong xanh. Tháng Mười này là thời điểm lý tưởng cho những chuyến đi ngắm thác kết hợp mùa lúa chín vàng ruộm. Để trải nghiệm mùa dã quỳ hay tam giác mạch, tháng 11 và 12 bạn có thể lên đường. Tháng Ba là dành cho có mùa hoa lê trắng muốt như tuyết.
Đáng chú ý, thời gian qua hồ Bản Viết trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ những hình ảnh rừng cây nhiều sắc màu ấn tượng vào mùa thay lá, lại phù hợp với trào lưu cắm trại, dã ngoại, trekking, chèo SUP... hậu COVID-19.
Theo hướng từ thị trấn Trùng Khánh đi thác Bản Giốc khoảng 10 km, sau đó rẽ khoảng 3 km là đến hồ Bản Viết, xã Phong Châu (Trùng Khánh). Thời điểm tới tham quan hồ lý tưởng nhất là vào mùa Thu Đông, khi cây rừng thay lá. Mùa lá đổ với những dải màu độc đáo nhìn từ trên cao đã khiến vùng biên viễn Đông Bắc đẹp tựa trời Âu./.
Toàn cảnh Thác Bản Giốc ấn tượng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cao Bằng
1069 lượt xem
Ngày cập nhật
: 04/10/2023
Mai Mai (Vietnam+)