TPO - Thời điểm cây chò nước ra lá non, đi kèm với ánh sương ban mai khiến du khách như bước vào chốn bồng lai tiên cảnh khi đến thăm suối Tía, Đà Lạt. Đáng chú ý, điểm đến này hiện trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều nhiếp ảnh gia trong nước.
TPO - Thời điểm cây chò nước ra lá non, đi kèm với ánh sương ban mai khiến du khách như bước vào chốn bồng lai tiên cảnh khi đến thăm suối Tía, Đà Lạt. Đáng chú ý, điểm đến này hiện trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều nhiếp ảnh gia trong nước.
Hồ Tuyền Lâm, hồ nước ngọt lớn nhất thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) thường nằm trong danh sách điểm đến của du khách. Nhưng suối Tía, nơi thượng nguồn của dòng nước chảy vào hồ thì vẫn còn "ẩn mình", ít người biết tới. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Xung quanh dòng chảy của Suối Tía là các dãy núi bao quanh, tạo nên địa hình lòng chảo. Giai đoạn năm 1985 - 1986, UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai đắp đập để giữ nước của khu vực suối Tía, tạo thành hồ Tuyền Lâm như hiện nay. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Suối Tía được nhận định trở thành địa điểm hiếm hoi sở hữu rừng cây chò ngập nước và hệ sinh thái đa dạng ở vùng cao nguyên Lang Biang. Vào mỗi mùa khác nhau trong năm, cây chò lại mang một vẻ đẹp riêng, thay lá khi vào đông và ra chồi non lúc xuân về. Những thân cây mảnh dẻ, khẳng khiu, vươn thẳng đứng giữa tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Lộ trình tới suối Tía nằm trên con đường mòn trong rừng thông nhưng có thể dễ bị lạc nếu không có người dẫn đường. Vì vậy, du khách có thể đến bến ở hồ Tuyền Lâm thuê thuyền chở vào, mức giá chia theo số lượng người. Ngoài ra, những ai ưa thể thao hoàn toàn đủ khả năng mang theo thuyền SUP để du ngoạn từ hồ Tuyền Lâm tới suối Tía. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Đây năm thứ 4 liên tiếp nhiếp ảnh gia Bùi Văn Hải chọn suối Tía là điểm đến sáng tác giai đoạn đầu năm mới. Tuy nhiên, anh Hải chưa bao giờ hết cảm hứng khi hoà mình vào cảnh sắc nơi đây. Ảnh: Bùi Văn Hải.
"Thời điểm đầu xuân, những cây chò nước ra lá non nên tạo ra những mảng màu sắc xanh, vàng, đỏ biến đổi vô cùng kỳ diệu. Nhất là vào buổi sáng sớm khi có chút sương mờ bồng bềnh trên mặt hồ, cộng hưởng cùng chút ánh nắng ban mai dịu nhẹ làm những chiếc lá sáng rực rỡ. Đây là thời gian tuyệt đẹp và mong chờ nhất của những nhiếp ảnh gia phong cảnh", anh Hải luôn hết sức phấn khích khi nói về vẻ đẹp của suối Tía. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Vị nhiếp ảnh gia kể rằng quãng thời gian cây thay lá diễn ra khá nhanh, chỉ trong khoảng 2 tuần nên đến mùa này suối Tía rất đông đúc. Những ngày cuối tuần nơi đây tập trung trên 50 nhiếp ảnh gia không chỉ ở Đà Lạt mà còn khắp nơi tìm về như Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Theo miêu tả của anh Bùi Văn Hải, chiếc thuyền mộc của lão ngư dân lướt nhẹ trong làn sương càng làm cho không gian suối Tía trở nên huyền ảo hơn. Ảnh: Bùi Văn Hải.
"Lão ngư dân tên Quyền, hơn 70 tuổi, sinh sống nhiều năm trong ngôi nhà nhỏ dựng đơn sơ bên cạnh rừng thông, cùng một chú chó lông trắng. Hàng ngày, ông Quyền mưu sinh bằng chiếc rớ nhỏ, dùng để đánh bắt cá ở lòng hồ Suối Tía, thi thoảng được nhờ làm mẫu chụp hình cho các nhiếp ảnh gia và chèo đò cho khách tham quan", anh Hải hồi tưởng về hình ảnh ông lão đánh cá. Ảnh: Bùi Văn Hải.
Ngoài suối Tía, khu vực xung quanh hồ Tuyền Lâm với rừng cây bao trùm lên nét hoang sơ hiện đang là nơi những người ưa bộ môn cắm trại yêu thích. Ảnh: Lê Quang Nhựt.
Điển hình, anh Lê Quang Nhựt, một nhiếp ảnh gia nhưng rất nổi tiếng trong các diễn đàn yêu thích cắm trại đã dành vài ngày qua cùng những người bạn thân để tận hưởng sự yên tĩnh, trong lành của hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Lê Quang Nhựt.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm cắm trại ở những điểm đến hoang sơ, anh Nhựt cho biết rằng trải nghiệm qua đêm, đọc một cuốn sách khi đón bình minh ở hồ Tuyền Lâm luôn là hoạt động thú vị, không thể bỏ qua. Ảnh: Lê Quang Nhựt.
Cùng với việc thoả sức khám phá thiên nhiên, các du khách tới Đà Lạt đều đồng ý với việc mọi người đến hồ Tuyền Lâm, hay bất kỳ điểm đến nào khác đều cần có ý thức bảo vệ môi trường, luôn dọn dẹp tất cả khi ra về. Ảnh: Lê Quang Nhựt.
Lâm Đồng
1553 lượt xem
Ngày cập nhật
: 12/01/2024
Trần Đình