ĐỀN THỜ TIẾN SĨ THÂN NHÂN TRUNG

ĐỀN THỜ TIẾN SĨ THÂN NHÂN TRUNG

Yên Ninh là một làng cổ còn có tên gọi Nôm là Nếnh xưa thuộc tổng Dật Ninh, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc; về sau tổng Dật Ninh được chuyển sang huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà. Ngày nay, Yên Ninh thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, làng cổ Yên Ninh được cả nước biết đến là "làng Tiến sĩ". Với truyền thống hiếu học, khoa bảng vốn có, cùng ý chí quyết tâm luyện rèn kinh sử xưa tại làng Yên Ninh đã giúp cho ngôi làng lập lên một thành tích khoa cử nổi danh trong cả nước. Đó là vào khoảng thế kỷ XV- XVII, khi cả tỉnh Bắc Giang có 5 quan Tế tửu, Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám thì riêng làng Yên Ninh đã có 4 người (Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Đỗ Văn Quýnh, Hoàng Công Phụ). Trong đó, người mở đầu khai khoa là Tiến sĩ Thân Nhân Trung đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu năm 1469. Tiếp đến là Tiến sĩ Nguyễn Lễ Kính đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi năm 1475. Tiến sĩ Ngô Cảnh Vân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Nhân Vũ (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu năm 1481. Tiến sĩ Thân Cảnh Vân (cháu Thân Nhân Trung) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ Tam danh (Thám hoa) khoa Đinh Mùi năm 1487. Tiến sĩ Thân Nhân Tín (con trai Thân Nhân Trung) đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm 1490. Tiến sĩ Đỗ Văn Quýnh đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn năm 1520. Tiến sĩ Doãn Đại Hiệu đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1541. Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Lập đỗ Đệ nhị Đồng giáp Tiến sĩ năm 1553. Tiến sĩ Hoàng Công Phụ đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi năm 1619. Công trình đền thờ Tiến sĩ tọa lạc tại thôn Yên Ninh, nơi đây xưa là cánh đồng lúa quanh năm xanh tốt, nằm giữa 2 dòng sông lớn là Nguyệt Đức (tức sông Cầu) và Nhật Đức (tức sông Thương), bên cạnh đó các ngọn núi phía Tây hình vòng cung tạo thành “Hàm Rồng phun tản vân” (tức phun châu) về phía Yên Ninh. Chính vì vậy, thôn Yên Ninh được coi là vị trí "tụ thủy" nên được người xưa khéo so sánh ví von như chiếc nghiên mực. Đó cũng là lý do để luận giải về sự hưng thịnh, vẻ vang kéo dài gần hai thế kỷ trong sự nghiệp khoa cử của làng quê Yên Ninh từ xưa đến nay. Hiện nay, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được xây dựng trên một thế đất phong thủy đẹp, thoáng đãng, mặt nhìn về hướng Nam, xung quanh là khu dân cư trù mật, phía sau là đình Yên Ninh và phía trước cách khoảng 500m là con đường cao tốc chạy qua. Toàn bộ khuôn viên đền rộng chừng 19.183,5m2. Nhìn tổng thể, đền có quy mô lớn bề thế, được sắp xếp bài trí trong một bố cục cân đối, hài hòa gồm các hạng mục công trình: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại. Nhìn từ xa, nghi môn ngoại, được xây theo lối kiến trúc tường thành cổ gồm 2 tầng với 3 cửa cuốn vòm cân xứng và 2 cửa phụ 2 bên. Tầng 1 liên kết với nhau bởi các cột trụ biểu, 4 cột trụ biểu chính giữa trên đỉnh đắp trang trí hình tứ phượng chung thân, phía dưới trang trí hoa văn, thân cột trụ biểu chạm khắc chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Bốn cột trụ biểu hai bên trên đỉnh đắp trang trí hai con nghê đang trong tư thế chầu vào trong. Phần tầng 2 chính giữa nghi môn là gác lâu được mô phỏng theo kiểu kiến trúc giống Khuê Văn Các ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Gác lâu được thiết kế theo lối chồng diêm, 2 tầng, 8 mái đao cong, bốn bên tường hồi gác là 4 cửa sổ tròn, biểu tượng của hình mặt trời. Qua Nghi môn ngoại là đến hồ nước được xây dựng gọn gàng, xung quanh hồ được kè chắc chắn với lan can đá tạo tác hình con tiện nối với nhau bởi các cột trụ lửng. Tiếp đến là hạng mục Nghi môn nội. Nghi môn nội tạo bởi 3 gian kết cấu theo lối chồng diêm, 2 tầng. Mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ dải xây gạch, ngoài phủ vữa. Ngăn cách giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là phần cổ diêm chấn song hình con tiện bằng gỗ. Chính giữa treo biển đề chữ Hán "Thân tướng công từ". Tường hồi hai bên trái, phải nghi môn được xây theo lối tường hồi tay ngai, tường xây gạch phủ vữa quét vôi, hai hồi phía trước, sau để thoáng. Cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Các vì liên kết theo kiểu thức vì con chồng đấu kê trụ giá chiêng. Các cấu kiện đều được làm bằng gỗ lim. Hai bên cửa nghi môn đặt hai tượng trong tư thế đứng hầu bằng chất liệu đá. Tiếp đến là hạng mục nhà bia gồm 2 nhà bia đặt 2 bên trái, phải của đền cân xứng nhau. Nhà bia tạo bởi 1 gian 4 cột gỗ chắc khoẻ nâng đỡ lấy bộ khung mái tạo sự vững chắc và thanh thoát. Giữa đặt bia đá ghi về công trạng tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đến phần sân, chính giữa sân tạo bức bức bình phong với ý nghĩa là biểu trưng của phong thủy, là lá chắn để đảm bảo cho sự bình yên của ngôi đền. Bức bình phong được làm bằng chất liệu đá xanh, tạo tác trang trí theo hình cuốn thư. Phía trên cùng của bình phong trang trí hoa văn kỷ hà, xung quanh là hình vân mây mềm mại và phía trung tâm của bức bình phong là hình hổ ngồi chầu. Hậu cung gồm 1 gian 2 chái. Hậu cung được ngăn cách với tòa Thiêu hương bởi hệ thống cửa thượng song hạ bản, trên hệ thống cửa trang trí các đề tài tứ quý, tứ linh. Các vì liên kết với nhau theo kiểu thức con chồng, đấu kê, trụ giá chiêng. Tất cả các bức cốn, đầu dư, kẻ, bẩy... đều được trang trí bằng những mảng chạm lộng, chạm kênh bong, chạm nổi kết hợp với sự điêu luyện, tinh tế. Các đề tài trang trí rất phong phú như: tứ linh, tứ quý, kỷ hà... đường nét chạm khắc đẹp, khối hình to, tròn mập. Bên trong Hậu cung là nơi đặt tượng thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, cùng bài vị của Thân Phụ và Thân Mẫu Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Trong những năm qua, để động viên khích lệ tinh thần hiếu học, dòng họ Thân cũng như các dòng họ khoa bảng khác tại tổ dân phố Yên Ninh đã phát động phong trào đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, hằng năm trao thưởng cho con em có nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện tại đền; một số trường học trên địa bàn thị trấn cũng đến dâng hương tưởng niệm và tổ chức lễ vinh danh học sinh giỏi tại đền; một số du khách trong và ngoài tỉnh cũng đã bước đầu đến thăm quan tìm hiểu về ngôi đền và Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Cùng với các di tích trong vùng như đền thờ Tiến sĩ, Nghè Nếnh, Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa về tinh thần hiếu học cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em hiểu và trân quý những giá trị di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Với những giá trị to lớn, gắn với danh nhân tiêu biểu của quốc gia dân tộc, ngày 09/6/2022, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1150/QĐ-UBND). NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 83 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh

Mở cửa

Khám Phá Bắc Giang

Đình Phúc Long

Bắc Giang 1227

Di tích cấp quốc gia

Đình Đền Châu Lỗ

Bắc Giang 1151

Di tích cấp quốc gia

Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đình Đông

Bắc Giang 1143

Di tích cấp quốc gia

Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa

Bắc Giang 1131

Di tích cấp quốc gia

Đình Vân Cốc Xã Vân Trung

Bắc Giang 1131

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Mai - xã Hoàng Ninh

Bắc Giang 1087

Di tích cấp quốc gia

Chùa Vĩnh Nghiêm

Bắc Giang 1081

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Bổ Đà

Bắc Giang 1078

Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Đồn - xã Vân Trung

Bắc Giang 1061

Di tích cấp quốc gia

Đình Thổ Hà

Bắc Giang 991

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật