Đình Hương Câu

Đình Hương Câu

Đình Hương Câu, xã Hương Lâm là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn lại không nhiều ở Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Ngôi đình được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 1 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch). Xét về giá trị kiến trúc nghệ thuật,có lẽ đình Hương Câu chỉ đứng sau đình Lỗ Hạnh “đệ nhất Kinh Bắc”, xã Đông Lỗ cùng huyện. Ngôi đình tọa lạc ở trung tâm làng nhìn về hướng Tây, phía trước có hồ thủy đình, xa hơn nữa là dòng sông Cầu bao bọc. Hồ thủy đình không chỉ là nơi tụ thủy, mang lại cảnh quan sinh thái mà còn là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong ngày hội đình, đấu vật, đi cầu kiều, hát quan họ trên thuyền….đều diễn ra trên hồ cửa đình. Bên trái phía trước cổng đình, một cái giếng làng còn in bóng nước bên cạnh một góc chợ quê. Giếng làng có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết nhiều thế hệ lớp người ở đây đã rất gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ bên cạnh giếng làng. Một góc chợ quê cũng bày, bán mua đủ thứ món hàng sản vật của làng quê. Cũng giống như bao ngôi đình khác, cổng đình Hương Câu tạo theo lối nghi môn gồm một cổng chính xây trụ biểu có cạnh hình vuông, thân trụ biểu đắp câu đối chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đình và người được thờ trong đình. Đỉnh trụ biểu tạo hình cách điệu mang dáng hình quả dành. Nhiều yếu tố tạo hình, cùng với vốn văn hóa dân gian được phô diễn tại đây. Phần dưới tai trụ biểu tạo các gờ bo đường chỉ, bốn mặt đắp hình tứ linh: Long, ly, quy, phụng, bốn con vật linh mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đình Hương Câu có tổng diện tích: 8.971m2 , khu vực nội tự đình 291,60 m2. Khuôn viên sân vườn rộng, cây xanh tỏa bóng mát. Nhìn từ xa, mái đình Hương Câu rộng, bè thấp với các đầu đao cong vút ẩn hiện trong vòm cây lá xanh tươi của làng xóm, cũng dễ nhận ra đó là một ngôi đình cổ. Ngôi đình có kiến trúc rất độc đáo, tòa đại đình trông giống như một chiếc long đình, xung quanh có hệ thống song gỗ rất thoáng đãng, hệ mái với bốn đầu đao cong. Hai mặt mái chính và hai mặt mái bên đều lợp ngói mũi hài. Bờ nóc xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng nối hai đầu kìm nóc. Đầu kìm nóc tạo cách điệu hình đầu rồng đang há miệng ngậm chọn lấy bờ nóc. Phần đuôi rồng là một dải mảnh uốn cong tựa như vành trăng lưỡi liềm. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, nó còn mang yếu tố đối đãi âm dương. Cha ông ta đã gửi gắm vào đó những kinh nghiệm dân gian quý báu. Con rồng là biểu tượng của vương quyền vừa là biểu tượng của mây mưa. Vành trăng lưỡi liềm cũng là biểu tượng của mưa. Đầu rồng ngậm chọn lấy bờ nóc dễ hình dung về hình tượng rồng hý thủy, đang phun nước. Và như thế sẽ tránh được hỏa hoạn xảy ra. Xét về góc độ khoa học cũng rất hợp lý, về kinh nghiệm dân gian sẽ làm cho mọi người luôn ý thức về thủy, hỏa trong đời sống. Bờ dải cũng xây tạo dải hoa chanh bắt tới khúc nguỷnh để nối với bờ guột. Bờ guột xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng để nối với bốn đầu đao cong. Các góc đầu đao đắp hình rồng phượng cách điệu có dáng vút cong lên, ở bốn góc đầu đao đều có hình đầu rồng hý thủy như đang phun nước trên bờ guột. Bốn góc đầu đao cong vút không chỉ mang yếu tố đối đãi âm dương mà còn tạo cho ngôi đình thêm thanh thoát mềm mại. Sự tài khéo của người thợ nề thi công đình Hương Câu, họ đã đắp các bờ dải hoa chanh cứng rắn, chắc khỏe nhưng rất thanh thoát đồng thời tạo bốn góc đầu đao cong đắp các cạnh bờ dải tạo cho mái đình bay bổng mềm mại. Tòa đại đình có 3 gian, 2 chái được dựng trên nền đất cao, đứng từ xa nhìn các mái đình tạo thành hình như một chiếc thuyền lớn úp xuống bộ khung gỗ vì mái. Hệ mái rộng phẳng, cấu trúc thấp tạo cho độ dốc của mái đình lớn. Ở mặt ngoài dễ dàng quan sát thấy các đầu kẻ hiên chạy xung quanh bốn mái đình với 24 đầu kẻ. Các đầu kẻ mái hiên trước chạm khắc nhiều hơn cả. Hai đầu kẻ gian giữa chạm phủ kín cả hai mặt. Đề tài chính là hình rồng ổ, rồng mẹ, rồng con, với chi tiết rồng 4 móng, thân hình tròn, mập. Ngoài hình rồng còn có cả hình người, hình linh thú. Đầu kẻ hiên bên trái mặt trong chạm hình rồng, lại có hình bàn tay tiên nữ với các ngón tay thon dài, móng tay dài, đang nắm đao rồng. Gần phía đuôi rồng lại có hình người, mình trần, lưng thắt đai, đóng khố đang trong tư thế nằm trên sập gỗ, một tay trống gối đầu, tay kia để trên đầu gối, chân vắt chữ ngũ trông rất thoải mái, ngộ nghĩnh, mặt người được diễn tả chi tiết và toát ra một tình cảm rất hồ hởi và gần gũi. Đầu kẻ hiên bên phải cũng được chạm phủ kín với đề tài chính là hình rồng với chi tiết rồng 4 móng, một phần góc của đầu kẻ có cả hình linh thú rất ngộ nghĩnh. Hai đầu kẻ kế tiếp bên cũng được chạm dày đề tài hình rồng, đao mác và vân mây. Các đầu kẻ còn lại chạy xung quanh 4 mái đình được chạm khắc nhẹ và thưa hơn các đầu kẻ hiên mái trước. Đề tài chạm khắc chủ yếu là hình rồng mẹ, rồng con, hình đao mác, vân mây, rồng mẹ luôn há miệng ngậm lấy tàu mái. Nếu như ở một số đình khác ở làng quê Bắc Bộ, mới chớm sang thế kỷ XVIII, các mảng chạm khắc hình ảnh con người đã vắng bóng, nét dân gian chỉ còn ở các con vật gần gũi người lao động thì đình Hương Câu vẫn giữ được đầy đủ hình ảnh con người và con vật rất gần gũi, giữ được thẩm mỹ, ý thích và tình cảm của người lao động. Cảnh trai gái tình tứ bên cạnh cảnh “tứ linh, tứ quý”. Nghệ thuật mang tính chất cung đình ở đây rất xa lạ và thô cứng. Ít thấy những hình hổ phù dữ tợn, hay hình tứ linh, tứ quý một cách dập khuôn mà thay vào đó là những hình ảnh rất đời thường, gần gũi mà tràn đầy sức sống dân gian. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 44 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Bắc Giang

Đình Phúc Long

Bắc Giang 1286

Di tích cấp quốc gia

Đình Đền Châu Lỗ

Bắc Giang 1195

Di tích cấp quốc gia

Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đình Đông

Bắc Giang 1195

Di tích cấp quốc gia

Đình Vân Cốc Xã Vân Trung

Bắc Giang 1188

Di tích cấp quốc gia

Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa

Bắc Giang 1179

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Mai - xã Hoàng Ninh

Bắc Giang 1132

Di tích cấp quốc gia

Chùa Vĩnh Nghiêm

Bắc Giang 1123

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Bổ Đà

Bắc Giang 1119

Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Đồn - xã Vân Trung

Bắc Giang 1102

Di tích cấp quốc gia

Đình Thổ Hà

Bắc Giang 1034

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật