Đình, chùa Đại Lan

Đình, chùa Đại Lan

Cụm di tích Đình, chùa Đại Lan ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Đình Đại Lan, nằm ở sát bên trái tòa tam bảo của ngôi chùa làng, có kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm 3 gian tiền đình và 2 gian hậu cung. Tòa Đại bái đình Đại Lan được chia làm 3 gian 2 dĩ với 4 mái đao cong, bờ nóc đắp lưỡng long chầu hổ phù đội mặt trời cách điệu, hai đầu bờ nóc là hai con rồng ngậm bờ nóc, các mái đao được đắp đầu rồng cong hướng vào đình. Vào bên trong các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn, bẩy hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc tại đình Đại Lan chủ yếu tập trung vào các đầu dư, cốn chạm rồng, tứ linh, tứ quý là các đề tài quen thuộc trong kiến trúc tín ngưỡng dân gian truyền thống. Đình Đại Lan thờ 4 vị Thành hoàng làng (3 vị thời Hùng Vương là Linh Hồ, Minh Châu và Chà Lục có công dẹp giặc và Nguyễn Như Đổ, 1 đại thần nhà Lê, làm quan tới chức Thượng thư, ba lần đi sứ Trung Quốc). Đình Đại Lan hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị gồm 11 đạo sắc phong của triều Lê, Nguyễn, cuốn thư, cửa võng, long ngai, bài vị, hương án, án văn, nhất là bốn bộ kiệu được làm từ thế kỷ XVII-XVIII. Đáng chú ý là hoành phi lớn dạng cuốn thư, bên dưới là cửa võng chạy suốt gian nhà, đây là hai di vật được trang trí bằng kỹ thuật chạm thủng, sơn son thếp vàng. Rồng chầu mặt trời, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu…..được trang trí ở diềm bức hoành phi. Phần trên cửa võng là đôi rồng lớn chầu mặt hổ phù, hai bên trang trí các hình rồng phun nước, phượng, long mã…bên dưới hai hiện vật này là một phương án gỗ được trang trí tỉ mỉ bằng kỹ thuật chạm nổi các hình rồng lá cách điệu chầu hổ phù, chính giữa là rồng, phượng, hướng về hình mặt trời ở giữa…Chính điện có bức hoành phi làm theo dạng cuốn thư treo trên một cửa võng được đục chạm tinh xảo. Các mảng trang trí ở đó đều thể hiện những đề tài chạm khắc truyền thống: lưỡng long triều nhật, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu, phượng múa… Phía dưới là một hương án với những mảng điêu khắc kín xung quanh diềm. Hai gian bên có treo hoành phi trên lối vào cung cấm. Trong hậu cung còn có một khám lớn đặt các long ngai và bài vị của 4 vị Thành hoàng làng. Hội làng Đại Lan diễn ra vào ba ngày mồng 6, mồng 7 (chính hội) và mồng 8 tháng Giêng. Trong ngày hội hằng năm không thể thiếu môn đánh gậy để tưởng nhớ công lao các vị thần, đồng thời cũng để rèn sức, rèn trí giữ yên xóm làng. Chùa Đại Lan Chùa Đại Lan (Phổ Huệ Tự), vốn là nghè của làng Đại Lan, xã Duyên Hà. Bởi trước đây, chùa đã nhiều lần di chuyển và lần gần đây nhất vào năm 1959 khi sông Hồng đổi dòng, đất chùa bị sụt nên dân làng đã chuyển tượng Phật và đồ thờ vào nghè để thờ, từ đó nghè đã được chuyển thành chùa. Xưa kia công trình nghè có quy mô kiến trúc lớn với kết cấu “tiền Nhất hậu Đinh”. Tiền đường gồm năm gian và ba gian Thượng điện. Chùa xây tường gạch bao quanh, tường hồi bít đốc, cuối bờ chảy xây tay ngai giật cấp, hai mái lợp ngói ri, chính giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư, bên trong đắp nổi chữ Hán ghi tên chữ của chùa, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng lá ngậm bờ nóc, hai tường hồi được xây tường lửng nối với hai cột trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chụm đuôi vào nhau, xuống dưới là ô lồng đèn bên trong đắp nổi tứ linh (long, ly, quy, phượng), thân trụ được đắp các gờ nổi bên trong viết các đôi chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và lòng từ bi hỷ xả, bác ái của đạo Phật. Vào bên trong, bộ vì đỡ mái tòa Tiền đường được làm theo kiểu: Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn, kẻ hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc nhà Tiền đường được tập trung trên các đầu dư, con rường, kẻ và các bức cốn với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, tứ linh, tứ quý, hoa cúc, bát bửu của đạo Nho…Đáng lưu ý nhất là hai bức cốn nách ở hai bên hồi thể hiện rồng mây bằng kỹ thuật chạm lộng. Rồng mây thể hiện quan niệm truyền thống của Nho giáo long vân khánh hội, Vân tòng long, phong tòng hổ là hình tượng cho sự gặp gỡ vua tôi. Sự có mặt của hai bức cốn trang trí long vân là rất phù hợp trong một kiến trúc nghè thờ các vị khoa bảng trước đây. Hậu cung chùa Đại Lan được xây các bệ cao dần từ ngoài vào trong, trên bệ có đặt các pho tượng. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với tượng A Di Đà ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và tượng Đại Thế Chí. Lớp tiếp theo là tượng Di Đà Tiếp Dẫn, hai bên là tượng Thị Giả. Lớp thứ tư gồm cá tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Ngoài cùng là tượng Ngọc Hoàng và Phạm Thiên, Đế Thích, rồi đén tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh. Hai bên hồi Thượng điện có các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thổ Địa, Giám Trai, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Ngoài nhà Tiền đường là hai ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác. Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Đại Lan còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị: Cửa võng, hương án, bát hương thời Lê; 1 đôi lọ sứ thời Thanh, 2 quả chuông, 4 bức hoành phi và 2 đôi câu đối. Năm 1989, cụm di tích đình, chùa Đại Lan được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội

Hà Nội 1697 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hà Nội

Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội 1892

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình, chùa Đại Lan

Hà Nội 1698

Di tích cấp quốc gia

Đền Voi Phục Hà Nội

Hà Nội 1615

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Nhàn

Hà Nội 1586

Di tích cấp quốc gia

Đình Hoàng Xá

Hà Nội 1480

Di tích cấp quốc gia

Chùa Một Cột

Hà Nội 1430

Di tích cấp quốc gia

Đình Hạ Hiệp

Hà Nội 1342

Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Pháp Vân

Hà Nội 1338

Di tích cấp quốc gia

Chùa Láng

Hà Nội 1321

Di tích cấp quốc gia

Đền Đồng Nhân

Hà Nội 1228

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật