Di tích lịch sử Đình chùa Hổ Lao

Di tích lịch sử Đình chùa Hổ Lao

Đình làng- Chùa làng Hổ Lao xưa kia thuộc xã Hổ Lao, huyện Đông Triều, tổng Mễ Sơn, phủ Kinh Môn (nay là thôn Hổ lao, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều) đã có từ lâu đời. Đình và chùa tọa lạc trên một gò đất tương đối bằng phẳng ngay đầu thôn Hổ Lao. Theo thuật phong thủy thì gò đất đó có hình con Hổ, đình và chùa được xây dựng trên đầu con vật này theo hướng Đông- Nam, phía trước có cánh đồng lúa xanh tốt, xa xa có dòng sông Đạm, phía sau có dãy núi thuộc vòng cung Đông Triều. Quả thật là một nơi linh địa. Theo các cụ già ở địa phương cho biết trước kia đình Hổ Lao có kiến trúc hình chữ Nhị, bái đường có năm gian, hai trái, hậu cung có ba gian hai trái, đình làng lợp ngói vẩy Rồng, cột xà đều bằng gỗ lim, sân chùa phong quang, sạch, đẹp, vườn chùa có nhiều cây cổ thụ xanh tốt quanh năm tạo nên vẻ thanh bình, cổ kính. Trải qua bao thăng trầm lịch sử thiên tai, giặc dã nên đình và chùa làng Hổ Lao đã bị đổ nát, bia ký bị phá hủy, đến đời Nguyễn được trùng tu lại. Hiện nay còn sáu bia đá được tạc dựng vào các năm: Tự Đức thứ 17 (1864), Thành Thái thứ 16 (1904), năm Bảo Đại thứ nhất (1926), Bảo Đại thứ 7 (1932), Bảo Đại thứ 14 (1939) và năm Bảo đại nguyên niên. Căn cứ vào các văn bia thì vào năm 1864 có ông lý trưởng làng là Nguyễn Văn Năng và vợ là Nguyễn Thị Tham đã xuất tiền cho dân tu sửa đình và hiến cho làng 18 mẫu ruộng luân phiên canh tác chi vào việc cúng giỗ, tế lễ. Đến đời Thành Thái (1889 -1907) do bị hỏa hoạn, giặc giã nên đình làng lại bị đổ nát, dân tình ly tán, ruộng đất hoang phế. Đến đời vua Duy Tân có ông lý trưởng làng là Mạc Văn Cửu hết lòng chăm lo cho dân đã cùng chánh hội Thái Trọng Lương hội họp dân làng bàn việc sửa đình. Lại được ông chủ thầu đất sét trắng giúp đỡ tiền của nên dân làng xây dựng được thêm chùa và tạc Cửu Long Thánh Tượng để thờ trong chùa. Ông lý trưởng Mạc Văn Cửu là người hết lòng vì dân làng, nhiều năm lao tâm, khổ tứ “tìm đất chiêu mộ dân, khai hoang đồng đất, dân yên, tục tốt, họp dân định lệ, mọi thứ đều đổi mới; bỏ của cải tài trợ không tiếc, phong hóa dân ta thực từ bấy giờ” (bia thời Từ Đức). Từ đó đến sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đình, chùa làng Hổ Lao trở thành trung tâm văn hóa của làng, xã. Khi phong trào Việt Minh ở Đông Triều phát triển mạnh thì nơi đây đã trở thành một căn cứ hoạt động của nghĩa quân cách mạng, nhiều sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra ở đây. Chiều ngày 20/4/1945 đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Mặt trận Việt Minh ở Đông Triều được thành lập, sáng ngày 1/5/1945 đội làm lễ ra mắt trước miếu Thổ thần nhà ông Mạc Văn Niết ở làng Hổ Lao. Đội được nhân dân làng Hổ Lao nuôi dưỡng, hai ông Mạc Văn Niết và Mạc Văn Quễ phụ trách hậu cần cho đội. Giữa tháng 5/1945 lực lượng vũ trang tập trung của huyện Đông Triều được thành lập và thường xuyên tập luyện tại sân đình Hổ Lao, tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Lực lượng vũ trang non trẻ này đã lớn mạnh nhanh chóng là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang cùng nhân dân đồng loạt nổi dậy đánh chiếm 4 đồn: Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch ngày 8/6/1945 và đã giành thắng lợi vang dội. Chiều ngày 8/6/1945 trong không khí nghĩa quân ăn mừng chiến thắng tại đình làng Hổ Lao, ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã họp quyết định thành lập Uỷ Ban Quân Sự Cách Mạng gồm các đồng chí Nguyễn Bình, Hải Thanh, Trần Cung và một số ủy viên khác do Nguyễn Bình đứng đầu. Sáng ngày 9/6/1945 trong cuộc mít tinh tại sân đình làng Hổ Lao, Trần Cung thay mặt ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố thành lập chiến khu cách mạng mang tên ĐỆ TỨ CHIẾN KHU, lực lượng võ trang chiến khu mang tên “DU KÍCH CÁCH MẠNG QUÂN”, công bố danh sách UBQSCM. Nguyễn Bình đại diện UBQSCM tuyên đọc “bảy điều kỷ luật của du kích cách mạng quân”. Hổ Lao đã trở thành trung tâm căn cứ quân sự của chiến khu. Từ nơi đây Nguyễn Bình và ban lãn đạo chiến khu đã chỉ huy các đơn vị mở rộng phạm vi hoạt động giành được nhiều chiến công vang dội ở Uông Bí, Quảng Yên, và vùng Đông Bắc Tổ Quốc. Đệ tứ chiến khu (chiến khu Đông Triều- chiến khu Trần Hưng Đạo)) đã trở thành một căn cứ chống Nhật oanh liệt trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, cổ vũ nhân dân vùng Đông Bắc đứng lên chống Nhật, cùng với cả nước tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 giành thắng lợi. Năm 1947 thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Đông Triều chúng ra sức phá hủy các căn cứ cách mạng trong đó có làng Hổ Lao. Đình, chùa làng Hổ Lao cũng bị tàn phá.trở thành phế tích. Năm 1993 nhân dân trong làng đã góp tiền của xây dựng lại hậu cung ngôi chùa cũ làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 1997 trên nền ngôi đình cũ xã Tân Việt đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm nơi thành lập ĐỆ TỨ CHIẾN KHU và ghi công những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ Quốc. Do có nhiều công lao đóng góp xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ nghĩa quân cách mạng nhân dân làng Hổ Lao đã được nhà nước tặng bằng CÓ CÔNG VỚI NƯỚC. Ngày 12/7/2001 Bộ Văn Hóa Thông Tin đã ra quyết định công nhận Đình – Chùa làng Hổ Lao là Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia. Ngày 12/12/2007 Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch và các ngành có liên quan của tỉnh, huyện và địa phương đã làm lễ khởi công trùng tu tôn tạo lại đình, chùa Hổ Lao và xây dựng một số công trình phù trợ với tổng kinh phí dự toán gần 16 tỷ đồng. Các tín đồ phật tử, khách thập phương công đức được trên 2 tỷ đồng. Những đóng góp của nhân dân làng Hổ lao nói riêng, của nhân dân xã Tân Việt nói chung đã góp phần vào chiến công của nhân dân Đông Triều được nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”Ngày 28/5/2010 nhà nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Việt vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Giờ đây, cùng với ngày kỷ niệm 8/6- ngày thành lập Chiến khu ĐôngTriều, hằng năm nhân dân xã Tân Việt còn có thêm một ngày hội lớn: Lễ hội đình, chùa Hổ Lao được tổ chức vào ngày đầu xuân mới (15 tháng giêng). Nằm liền kề với Đền Sinh và khu lăng mộ nhà Trần (di tích Quốc gia đặc biệt) và với những giá trị Lịch sử- Văn hóa Quốc gia … đình, chùa Hổ Lao sẽ là một địa chỉ du lịch hấp dẫn góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội du lịch của địa phương và thị xã Đông Triều. Nguồn Cổng thông tin điện tử thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 388 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Quảng Ninh

Di tích Lịch sử Bạch Đằng

Quảng Ninh 1437

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Quảng Ninh 1252

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử

Quảng Ninh 1235

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Quảng Ninh 1218

Di tích quốc gia đặc biệt

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh 1187

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên

Quảng Ninh 1153

Di tích cấp quốc gia

Núi Mằn

Quảng Ninh 1150

Di tích cấp quốc gia

Núi Bài Thơ

Quảng Ninh 1124

Di tích cấp quốc gia

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Quảng Ninh 1108

Di tích cấp quốc gia

Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai

Quảng Ninh 1091

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật