Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Cụm di tích chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập từ lâu đã được đông đảo du khách thập phương biết đến là chốn sơn thuỷ hữu tình của Hạ Long. Với những giá trị về văn hoá, lịch sử, khoa học, nghệ thuật và thắng cảnh, mang đậm dấu ấn các thời đại, ngày 23/11/1997, chùa Lôi Âm - hồ Yên Lập đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Còn với nhiều người dân của TP Hạ Long, nơi đây đã trở thành địa điểm hành hương không thể thiếu mỗi dịp du Xuân. Cụm di tích này nằm bên phải quốc lộ 18A (hướng đi từ TP Hạ Long đi Hà Nội) thuộc địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Qua nghiên cứu các sử liệu cho thấy chùa Lôi Âm được xây vào năm Quang Thuận thời Lê Thánh Tông và ngày khánh thành có thể trùng hợp với thời điểm vua Lê đi tuần thủ An Bang, khắc bài thơ trên núi Bài Thơ (1468). Hồ Yên Lập là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, trải qua hơn 30 năm đi vào khai thác, sử dụng, đến nay hồ Yên Lập vẫn đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giảm hạn hán, lũ lụt mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên. Nhìn từ trên cao, hồ Yên Lập hiện ra với màu xanh êm dịu, xung quanh hồ là những ngọn núi nhấp nhô, giữa hồ nổi lên các đảo nhỏ tạo nên vẻ tự nhiên, quyến rũ lòng người. Cụm di tích lịch sử danh thắng chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập đã tạo nên cảnh quan thơ mộng, vốn đã nổi tiếng từ xưa, đến nay lại càng nổi tiếng để thu hút khách tham quan trong khắp mọi miền đất nước. Chùa Lôi Âm nằm trong một khu vực hình bán nguyệt, kéo dài từ trên đỉnh xuống lưng chừng núi. Phía trước mặt là hồ nước, theo thế "tựa sơn, hướng thủy" mà từ xưa cha ông đã từng ví "long chầu hổ phục, bên tả che, bên hữu đỡ, có non thiêng hội tụ, có huyền vũ trùng trùng". Chùa Lôi Âm ở độ cao 395m so với mặt biển, được xây dựng theo hướng Đông Nam là hướng của trí tuệ, hướng của tâm linh. Các dấu tích còn để lại hiện nay thì chùa Lôi Âm được xây theo kết cấu kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc", một điển hình của kiến trúc thời Lê. Từ chân núi Lôi Âm lên tới cửa chùa theo con đường Chúa Ngự, với độ dài khoảng 850m và chiều rộng trung bình là 2,5m. Hai bên chùa có suối giải oan tách làm 2 nhánh, khi qua chùa được nhập lại thành dòng. Suối có nước chảy quanh năm, bắt nguồn từ đỉnh núi đổ xuống hồ Yên Lập. Hàng muỗm cổ thụ trồng phía trước và xung quanh chùa là biểu tượng của sự thanh cao, trường tồn. Ngoài ra, chùa còn phong phú với hàng đa, hàng thau hay những hàng trâm, tạo nên sự linh thiêng nơi chốn cửa thiền mà cũng rất gần gũi với cuộc đời trần tục. Các triều vua phong kiến Việt Nam thường lui tới đây du ngoạn và ca ngợi. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tất cả chùa chiền, đền, miếu đều bị đập phá một cách nghiêm trọng. Riêng tiền đường phía tay phải vẫn còn bức tường cao 1,5m, dày 30cm, xây toàn bộ bằng gạch đỏ. Phía hậu cung của khu tam bảo còn giữ lại bức tường cao 1,2m, độ dày 20cm. Bên cạnh chùa phía tay phải là vườn tháp làm bằng đá xanh thớ mịn, với kỹ thuật ghép mộng chắc chắn. Còn lại nguyên vẹn tháp tổ 3 tầng, phía trên được ghi rõ hàng chữ "Phổ Minh tháp". Đỉnh tháp tạc 1 đài sem ôm lấy bình nước Cam Lộ, thu nhỏ dần lên phía đầu, tỏa mãi trong không trung, tạo cho du khách cảm giác như được siêu thoát trước cửa thiền tâm. Trước cửa chùa còn đặt một cây hương đá xây hình tứ trụ. Trên mái hương nơi các đầu đao thể hiện hình vân xoắn, trong một chừng mực nào có, nó tượng trưng cho niềm mong ước "mưa thuận gió hòa". Cũng nằm phía trước chùa về phía tay trái là hàng bia đá cổ gồm 5 chiếc nguyên vẹn. Trong mỗi mùa lễ hội, nhân dân và du khách vượt qua lòng hồ Yên Lập lên đến chùa Lôi Âm. Cảm nhận về cái đẹp ở đây là phải lướt trên con thuyền để thưởng ngoạn sự thơ mộng, không khí trong lành. Mặt hồ Yên Lập không có sóng xô cuồn cuộn của biển cả, không có những hang động thiên tạo như Vịnh Hạ Long... Nhưng đến với hồ Yên Lập là tìm đến với sự thanh thản của một phong cảnh dịu hiền, mặt nước gợn sóng trong làn gió nhẹ có thể nhìn suốt tới đáy, các đảo nổi trên hồ là những điểm nghỉ chân thú vị. Cụm di tích lịch sử và danh thắng Chùa Lôi Âm - Hồ Yên Lập đã mang đậm dấu ấn các thời đại với nhiều giá trị trong lịch sử, khoa học, nghệ thuật và danh thắng. Qua nghiên cứu, khảo sát những di vật của chùa Lôi Âm ta có thể khẳng định: chùa Lôi Âm là một kho tàng nghệ thuật văn hóa vô giá. Ngoài giá trị khoa học, nghệ thuật văn hóa, chùa Lôi Âm còn chứa đựng những giá trị lịch sử đấu tranh của dân tộc. Nằm nơi địa thế sơn lâm kín đáo, năm 1946 Trung đoàn 98 đã đóng quân tại đây, do đồng chí Vũ Mạnh Hùng làm Trung đội trưởng, lấy ngôi chùa làm đài quan sát, đơn vị đã kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lên nhiều chiến công, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch. Giờ đây, chùa Lôi Âm là một danh thắng hài hòa trong cảnh "sơn thuỷ hữu tình". Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Thành Phố Hạ Long

Quảng Ninh 1305 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Quảng Ninh

Di tích Lịch sử Bạch Đằng

Quảng Ninh 1693

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử

Quảng Ninh 1483

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Quảng Ninh 1466

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Quảng Ninh 1460

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên

Quảng Ninh 1417

Di tích cấp quốc gia

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh 1382

Di tích quốc gia đặc biệt

Núi Mằn

Quảng Ninh 1363

Di tích cấp quốc gia

Núi Bài Thơ

Quảng Ninh 1309

Di tích cấp quốc gia

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Quảng Ninh 1306

Di tích cấp quốc gia

Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai

Quảng Ninh 1288

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật