Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Chiến thắng Khe Sanh - Làng Vây

Chiến thắng Khe Sanh - Làng Vây

Đầu năm 1968, Khe Sanh - Hướng Hóa bỗng nhiên được cả thế giới chú ý, theo dõi khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Không chỉ đội ngũ cố vấn quân sự của Mỹ ở Sài Gòn mà ngay cả những chuyên gia quân sự hàng đầu của nước Mỹ cũng bị “mất phương hướng” khi cho rằng sẽ có một “Điện Biên phủ khác” ở Khe Sanh. Tổng thống Mỹ B.Johnson chỉ đạo thiết lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh ở Washington, yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá vì đó là danh dự của nước Mỹ. Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi heo hút phía tây Quảng Trị, được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực nam vĩ tuyến 17 đến đường 9 - Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ với nhiều hệ thống công sự dày đặc có sự yểm trợ bằng máy bay B52, cùng với đội quân tinh nhuệ nhằm cắt đứt tuyến chi viện trên đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta từ Bắc vào, từ Lào sang và làm tấm bình phong che chắn cho khu vực phòng thủ của chúng ở phía Đông đường 9. Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự “từ bỏ” địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều phán đoán quân giải phóng không đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”; chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh. Trung ương Cục miền Nam còn cố ý để rơi những tài liệu khiến Mỹ càng tin rằng Khe Sanh chính là nơi diễn ra một cuộc quyết chiến chiến lược. Về phía ta, sau những thắng lợi giành được trong mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12/1967 nhận định: Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường. “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị chủ trương mở: “đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch…” Thực hiện chủ trương chiến lược trên, thể theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968. Bộ Tổng tư lệnh điều động cho chiến dịch một lực lượng mạnh, gồm 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325), Trung đoàn 270 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn phòng hóa, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Toàn bộ lực lượng trên được chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Trần Quý Hai - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Tại thời điểm ta mở chiến dịch, lực lượng địch phòng ngự ở Đường 9 - Khe Sanh có khoảng 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (10 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới; được bố trí thành tuyến trước ở phía đông: từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến miếu Bái Sơn; tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử và thị xã Quảng Trị; tuyến giữa là các cứ điểm Tân Lâm, Ca Lu, 241 (phía tây thị xã Quảng Trị); khu vực phía tây gồm các cứ điểm Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn (gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845…). Với quyết tâm “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, ngày 20/01/1968, ta mở chiến dịch đường 9 - Khe Sanh. Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại, kết thúc thắng lợi Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh lịch sử, huyện Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn với hơn 10.000 dân. Thắng lợi của chiến dịch đường 9 - Khe Sanh đã chứng tỏ sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, không chỉ với Bộ chỉ huy quân sự Mỹ mà còn cả với những nhà hoạch định chiến lược “sừng sỏ” ở Nhà Trắng. Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị 97 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Khám Phá Quảng Trị

Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang

Quảng Trị 1443

Di tích cấp quốc gia

CĂN CỨ QUÂN SỰ DỐC MIẾU

Quảng Trị 1430

Di tích cấp quốc gia

Sân bay Tà Cơn

Quảng Trị 1370

Di tích cấp quốc gia

Địa đạo Vịnh Mốc

Quảng Trị 1330

Di tích quốc gia đặc biệt

Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Quảng Trị 1317

Di tích cấp quốc gia

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn

Quảng Trị 1293

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình làng Câu Nhi

Quảng Trị 1244

Di tích cấp quốc gia

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Quảng Trị 1223

Di tích quốc gia đặc biệt

Nhà tù Lao Bảo

Quảng Trị 1192

Di tích cấp quốc gia

Thành cổ Quảng Trị

Quảng Trị 1125

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật