Đền A Sào

Đền A Sào

Tọa lạc tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Đền A Sào là nơi thờ cúng, hương hỏa của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ,cùng với những lễ hội, nghi thức cổ xưa vẫn được duy trì đến ngày nay. “A Sào” có tên gọi gốc là A Cảo, một vùng đất bãi nằm ven sông Hóa, nơi được cho là hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên đã được triều đình nhà Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo đã sinh ra và trưởng thành từ vùng đất này. Năm 1258, khi triều đình nhà Trần triển khai cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã được phong tước Thượng vị hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào. Trước khi cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến triển khai thế trận thủy chiến. Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương với nhiều địa danh đến nay tên gọi của nó còn gắn liền với cuộc kháng chiến như: làng Mễ Thương, xã An Thái (kho gạo); làng Am Qua (kho gươm); Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (kho thóc lớn); A Mễ, xã An Thái (nơi để gạo của nhà Trần)...Đặc biệt, A Sào là địa danh được mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần. Đặc biệt, tại khu di tích A Sào hiện nay còn có Bến Tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho tháo cả nhà gỗ lim để tìm cách cứu voi chiến nhưng không kéo được voi lên. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng cũng đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông để con voi ở lại vì thế trận quá khẩn trương, gấp gáp. Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này!”. Sau ngày toàn thắng, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Một ngôi miếu thờ tượng voi tạc bằng đá cũng được dựng lên ven bến sông. Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác. Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh giày để cúng tế. Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào, chúng đã phá hủy nhiều đồ thờ, dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng và bắn gẫy vòi tượng voi đá. Qua nhiều thăng trầm, Đệ nhị sinh từ đã bị phá bỏ, chỉ còn là bãi đất hoang và tượng voi đá nằm trên nền đền cũ giữa cánh đồng A Sào. Qua nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, năm 2005, một ngôi đền mới đã được phục dựng tại nền cũ của “Đệ nhị sinh từ”. Ngày 14-4-2011, Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng trong năm 2011, di tích miếu thờ, tượng voi đá tại Bến Tượng đã được phục dựng cùng với các địa danh như hồ Tắm Tượng, gò Đống Yên... Cũng từ năm 2012, lễ hội đền A Sào sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với các nghi lễ văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc như thi pháo đất, đấu vật, cờ tướng, bơi chải, màn múa kéo chữ... Nhân dân địa phương và du khách thập phương cứ đến ngày lễ hội là nô nức, hân hoan tham dự vì muốn lưu giữ và gây dựng nét đẹp văn hóa truyền thống. Tham gia lễ hội, du khách thập phương được sống với lòng tự hào dân tộc, tái hiện lại một thời kì hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nguồn: Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Thái Bình

Thái Bình 1014 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Thái Bình

Đền Thờ Bà Chúa Muối

Thái Bình 1179

Di tích cấp quốc gia

Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Thái Bình 1110

Di tích cấp quốc gia

Lăng Mộ 3 Vua Trần (Di tích Quốc gia đặc biệt)

Thái Bình 1061

Di tích quốc gia đặc biệt

Miếu Hai Thôn

Thái Bình 1042

Di tích cấp quốc gia

Đền Tiên La

Thái Bình 1040

Di tích cấp quốc gia

Đền Lưu Xá

Thái Bình 1038

Di tích cấp quốc gia

Chùa Keo Thái Bình

Thái Bình 1033

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Đồng Bằng

Thái Bình 1029

Di tích cấp quốc gia

Nhà lưu niệm Bác Hồ

Thái Bình 1016

Di tích cấp quốc gia

Đền A Sào

Thái Bình 1015

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật