Chùa Ba Chúc - Sống Lại Lịch Sử Bi Thương Vùng Đất An Giang

Di Tích Nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10/7/1980.

Xin chào mọi người, lại là mình Châu Min đây, hôm nay mọi người cùng Châu khám phá ngôi Chùa Ba Chúc nhé! 

Tọa lạc dưới chân dãy núi thiêng vùng Thất Sơn và kề cạnh biên giới Việt Nam - Campuchia, thị trấn Ba Chúc (trước kia là xã Ba Chúc) vào năm 1977 có dân số hơn 16.000 người sinh sống chủ yếu bằng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Từ ngày miền Nam Việt Nam giải phóng, cùng nhân dân cả nước nơi đây bắt đầu đi vào khắc phục những hậu quả mà chiến tranh gây ra đồng thời chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Thế nhưng yên bình chưa được bao lâu, trấn nhỏ này lại phải đương đầu với cuộc chiến diệt chủng đêm 30/4/1977 do tập đoàn Pol Pot gây ra. Tiến công cùng lúc 14 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang miền Tây Nam Bộ, Pol Pot đã giết hại đồng bào ta một cách vô cùng man rợ.

Hơn 3.157 người dân Ba Chúc thiệt mạng từ ngày 18/4 đến 30/4/1978 là thương tổn nặng nề mà vùng quê hiền hòa này phải gánh chịu từ cuộc thảm sát biên giới. Trong 12 ngày đêm chiếm đóng tại thị trấn Ba Chúc, chúng đi tới đâu cướp bóc tài sản, phá hủy nhà cửa, công trình công cộng và ra tay tàn độc với người dân ta không kể nam nữ, già trẻ tới đó. Cảnh giết chóc hàng loạt diễn ra dã man khắp nơi đây từ nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu, phụ nữ bị hãm hiếp, đóng cọc đến trẻ em bị giết, xé đôi người hay nắm hai chân đập đầu vào gốc cây sau này khi được báo chí trong nước và quốc tế quan tâm đều không có bút mực nào có thể tả hết được. Cuộc chiến qua đi, Ba Chúc chỉ còn là mảnh đất tan hoang mang nỗi đau thương tột cùng. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của thị trấn tỉnh An Giang này khi những ký ức kinh hoàng không thôi ám ảnh, dày vò những người ở lại.

Ảnh: Sưu Tầm 

Khu nhà mồ đầu tiên tại trấn nhỏ Ba Chúc được xây dựng ngay khi cuộc chiến biên giới Tây Nam kết thúc năm 1979. Khi đó, điểm đến này có lối kiến trúc đơn giản theo hình lục giác với đặc điểm để lại ấn tượng mạnh mẽ là 4 cánh tay cầm 4 thanh kiếm đẫm màu cắm thẳng vào lòng đất - biểu tượng thể hiện ý chí căm thù của người dân Việt Nam đối với bọn giết người man rợ Pol Pot. Năm 2013, di tích được tôn tạo lại mang đến một quần thể công trình rộng khoảng 5ha với nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và 2 ngôi chùa là Tam Bửu, Phi Lai. Để giảm bớt không khí tang thương, chết chóc, điểm nhấn của Nhà mồ Ba Chúc An Giang là thiết kế hình hoa sen úp ngược có 8 cánh hoa sơn màu trắng. Mỗi cánh là nơi trưng bày một nhóm hài cốt được chia theo độ tuổi, giới tính như 23 nam từ 16 đến 20 tuổi, 88 thiếu nữ từ 16 tới 20, 264 trẻ em từ 3 đến 15 hay 86 phụ nữ trên 60 tuổi...

Khi dừng chân tham quan di tích nhà mồ này, mọi người cũng có thể nắm rõ hơn toàn bộ diễn vụ thảm sát năm xưa bằng những hình ảnh, chứng tích được chú thích đầy đủ tại khu vực nhà trưng bày. Những bức hình đen trắng tuy có kỹ thuật chụp không được sắc nét và đã ngả màu theo thời gian nhưng bạn vẫn sẽ cảm nhận chân thực được sự tàn bạo, dã man của bọn diệt chủng đồng thời thương xót trước cái chết của người dân vô tội. Các loại vũ khí mà quân Pol Pot dùng để hành hạ, giết chóc như cọc, dùi, dao, búa... cũng được lưu giữ lại nhằm khắc hóa chân thực tội ác chiến tranh ghê gớm từng diễn ra nơi đây. Khu vực trưng bày hài cốt với lối sắp xếp, trưng bày thoáng đãng cùng không gian cao rộng, đầy đủ ánh sáng, có nhang khói và được coi sóc cẩn thận là cách mà Nhà mồ Ba Chúc An Giang thay mặt người ở lại an ủi cho những số phận bất hạnh ra đi mãi mãi trong cuộc chiến biên giới Việt Nam - Campuchia. 

Ảnh: Sưu tầm

Nhà mồ Ba Chúc chắc chắn sẽ là khu di tích lịch sử mà mọi người đi du lịch An Giang không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan trong chuyến đi của mình. Thêm ngay địa điểm này vào Cẩm nang du lịch cá nhân để khi có dịp dừng chân nơi đây hiểu thêm về quê hương, đất nước mình đồng thời thêm trân quý những ngày tháng hòa bình mà cha ông ta đã đấu tranh và gìn giữ bạn nhé!

13 Tháng 07, 2024 875

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành