Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

KHÁM PHÁ ẨM THỰC AN GIANG

Ghé thăm vùng đất Thất Sơn linh thiêng nhiệm màu, quý khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh vật mà còn có dịp thưởng thức rất nhiều đặc sản nơi đây. Hãy nghe Mỹ Ngọc Hà Nội một travel blogger nổi tiếng bật mí .


Bánh xèo rau rừng

Rải rác từ chân núi đến đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có gần chục quán bánh xèo, nhiều nhất là những khu vực gần chùa Phật Lớn. Mỗi quán bố trí hơn chục rổ rau rừng tươi ngon thay cho biển hiệu. Khi thực khách vừa ngồi vào bàn, nhân viên đã bưng ra một rổ rau rừng lớn dù bạn gọi bao nhiêu cái. Các loại rau ở đâu không chỉ kích thích vị giác mà còn là những bài thuốc đông y chữa trị những bệnh như đau khớp, đau bao tử,... Một nét đặc biệt khác của bánh xèo xứ miền Tây là bánh to, phần rìa bánh mỏng, đưa vào miệng là tan ngay. Tuỳ quán mà phần nhân bánh sẽ thay đổi khác nhau nhưng cơ bản nhân sẽ có giá, thịt heo, tôm, tép và đậu xanh. Giá bánh dao động từ 15k cho một bánh chay và 20k cho bánh mặn. Nếu có dịp ghé đến đây hãy thưởng thức ngay chiếc bánh nóng giòn với đầy đủ các loại rau tươi được nuôi dưỡng ở đất trời miền Tây nhé.

Nhiều du khách bị ấn tượng với rổ rau rừng hoành tráng

Lẩu mắm Châu Đốc

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những dòng sông và kênh rạch chằng chịt, vì thế vùng này có rất nhiều loại cá được coi là đặc sản. Ngoài chế biến thành những món ăn liền, người dân An Giang đã chế biến thành những loại mắm tươi ngon. Lẩu mắm là món ăn thể hiện được hết tinh hoa ẩm thực của vùng Nam Bộ. Lẩu mắm thì ăn kèm với rau rừng, tôm, thịt heo và bún. Ghé An Giang những ngày cuối năm, giữa tiết trời se se lạnh, một nồi lẩu mắm nóng hỏi sẽ khiến tâm hồn ta xao xuyến giữa vùng đất này.

Cơm tấm Long Xuyên

Dĩa cơm tấm làm nức các lòng tín đồ ẩm thực

Ghé An Giang mà không dùng thử một dĩa cơm tấm chính là một sai sót lớn. Điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt cho món cơm tấm này chính là người dân dùng loại gạo nhuyễn để nấu cơm, thay vì để nguyên một miếng thịt nướng thì người ta sẽ cắt ra thành từng sợi mỏng, các quán cơm tấm ở Long Xuyên không dùng trứng ốp la mà dùng trứng gà hoặc trứng vịt kho có màu nâu óng ánh. Một đĩa cơm đúng vị là sự kết hợp hài hoà giữa vị bùi bùi, ngọt ngọt của gạo nhuyễn, mằn mằn của thịt và trứng, cái dai dai của bì kho và chút the the của nước mắm. Tạo nên một nét quyến rũ không thể cưỡng lại. Một số quán cơm tấm nổi tiếng ở Long Xuyên cho các bạn tham khảo: Cơm tấm Cây Điệp, cơm tấm Hướng Dương, cơm tấm Ống Khói,...Nhìn chung, giá các quán cơm tấm cũng không chênh lệch nhiều.

Bún cá Long Xuyên

Nước dùng có màu vàng nhạt, từng miếng thịt cá màu vàng ươm ăn kèm với rất nhiều rau sống chính là nét đặc trưng có món bún cá miền Tây nói chung và bún cá Long Xuyên nói riêng. Ban đầu, món ăn này được du nhập từ Campuchia nhưng được người Việt biến tấu sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Nguyên liệu chính tạo nên tinh tuý của món ăn này chính là cá lóc, cá lóc được sơ chế kỹ lưỡng với sả và ngải bún giúp cá giữ được vị ngọt và khử được mùi tanh. Người ta rất chuộng đầu cá lóc, vì cái vị béo bùi ngọt lịm đặc trưng của loài cá nước ngọt. Cũng như đa số các món nước ở miền Tây, bún cá Long Xuyên sẽ ăn kèm với rất nhiều loại rau như giá, rau muống, bông chuối, điên điển,...

Gà hấp lá chúc

Cây chúc, hay còn được gọi là cây chanh thái, là một loại cây đặc trưng của vùng đất An Giang. Người dân không trồng mà loài cây này thường mọc hoang ở một số địa phương như Tịnh Biên, Tri Tôn. Trái chúc có vị như những trái chanh bình thường, nhưng lá chúc thơm hơn lá chanh rất nhiều. Món gà hấp lá chúc ở Nam Bộ có độ dai ngọt đặc trưng vì người dân dùng gà nuôi trong vườn làm nguyên liệu chính chứ không phải gà công nghiệp. Gà phải hấp cùng lá chanh còn nguyên hoặc cắt nhuyễn, có thêm ướp gà với gia vị hoặc để nguyên. Miếng gà vừa chín tới chấm với chén muối mằn mặn, cảm nhận vị chát nhẹ của lá chúc và vị chua từ trái chúc khiến bao thực khách xiêu lòng.

Gỏi cây sầu đâu

Gỏi sầu đâu An Giang là một trong top ẩm thực, đặc sản của Việt Nam lọt top đề cử đã được gửi đến tổ chức kỉ lục châu Á. Người ta bảo rằng sầu đâu còn đắng hơn cả rau đắng. Vị đắng của lá sầu đâu, vị chua mặn của nước mắm me, vị cay của ớt và vị ngọt thanh của những loại khô cá không chỉ tạo ra một món ăn độc đáo mà còn có thể nâng cao sức khoẻ vì theo nghiên cứu cây sầu đâu có thể giúp ngủ ngon, giảm đau nhức khớp và các bệnh về da liễu.

Bánh bò thốt nốt

Nhắc đến loài cây nổi tiếng nhất An Giang, người ta sẽ không ngần ngại nói rằng đó là cây thốt nốt. Đối với người Khơ me, cây thốt nốt có vai trò quan trọng trong đời sống và văn hoá, toàn bộ bộ phận của cây đều được người dân sử dụng triệt để. Bánh bò thốt nốt với vị béo của dừa, vị thơm của cơm rượu và vị ngọt thanh của đường thốt nốt hoà quyện với nhau tạo nên hương vị ngây ngất lòng người. Du khách khi ghé An Giang có thể mua về làm quà tặng cho người thân.

Màu sắc và hương vị đặc trưng của bánh bò thốt nốt

Đường thốt nốt

Để có thể làm ra chiếc bánh bò thốt nốt ngon lành, không thể thiếu nguyên liệu quan trọng đó chính là đường thốt nốt. Đường thốt nốt được nấu từ mật hoa và trái thốt nốt, đường thốt nốt có vị ngọt thanh, không gắt như các loại đường khác nên bà con thường sử dụng chúng thay cho các loại đường tinh luyện. Đây vừa là gia vị thượng hạng, vừa là bài thuốc tốt cho sức khoẻ gia đình.

Trên đây là những món đặc sản ở An Giang bạn nên thưởng thức một lần, nếu có dịp ghé thăm vùng đất Thất Sơn hãy cân nhắc những món ăn này nhé!


06 Tháng 07, 2024 175

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành