Cần Thơ là thành phố lớn và được xem như là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, từ lâu nổi tiếng với vẻ đẹp sông nước hiền hòa, con người mến khách.
Tính đến nay, Cần Thơ hiện có khoảng 325 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có tổng cộng 36 di tích đã được xếp hạng với 14 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp thành phố. Hãy cùng Châu Min tìm hiểu nha!!!
1. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Thủy
Ảnh: Sưu tầm
Địa chỉ: số 46/11A đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ
Giá vé tham khảo: miễn phí
Giờ mở cửa tham khảo: 7:30 - 10:30 | 13:30 - 17:30, tất cả các ngày trong tuần
Di tích lịch sử Cần Thơ này được dựng vào năm 1844 tại làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên (nay là phường Bình Thủy – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ).
Năm 1852, trong một lần đi tuần trên thuyền, quan khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt bất ngờ gặp phải trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp ở Bình Hưng nên bình an vô sự. Sau khi thoát nạn, ông cho tổ chức tiệc mừng và đổi lại tên đất này thành "Bình Thủy", mang nghĩa "bình ổn dòng nước". Từ đó ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy.
Năm 1853, người dân trong làng đã cùng nhau quyên góp để tu sửa lại đình khang trang hơn, với tường gạch, mái ngói đỏ au, gỗ tốt vững chãi, cũng như dựng thêm nhà võ ca để phục vụ cho những dịp lễ hội lớn.
51 năm sau, đầu năm 1904, thấy tình trạng đình có dấu hiệu xuống cấp, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận đã cho xây dựng lại. Tuy nhiên, công trình chưa hoàn thành, quan tri phủ đã không may qua đời nên việc tu sửa phải tạm ngưng. Mãi đến năm 1909, việc xây cất đình mới tiếp tục được diễn ra và chính thức hoàn thành vào năm 1910.
Cũng trong khoảng thời gian này, làng Bình Thủy được đổi tên thành “Long Tuyền” - con rồng nằm. Do vậy, ngôi đình cũng gọi với cái tên khác là Long Tuyền Cổ Miếu hay đình Long Tuyền.
2. Di tích lịch sử CƠ QUAN ĐẶC ỦY AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG HẬU GIANG (1929-1930)
Ảnh: Sưu tầm
Trên đường vào phường Long Hoà, Long Tuyền (Quận Bình Thủy) bên phía tay phải có căn nhà mang số 34/7 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ ngày xưa là căn nhà được thuê làm cơ quan của Đặc Uỷ An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang.
Trong tuần tháng 9/1929 tại đây đã diễn ra sự kiện rất quan trọng đối với Đảng bộ miền Hậu Giang. Đó là Hội nghị thành lập tổ chức “Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang” do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì và chỉ đạo bầu Ban chấp hành Đặc uỷ gồm đồng chí: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Trí... do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí Thư.
Sau 5 tháng hoạt động Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang đã xây dựng các cơ sở Đảng khắp miền Hậu Giang, góp phần quan trọng trong việc tiến tới thống nhất Đảng thành một tổ chức Đảng duy nhất, để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Sau ngày 3/2/1930, thống nhất ba tổ chức đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Đặc ủy trực thuộc Xứ Uỷ Nam kỳ. Đồng chí Ung Văn Khiêm được phân công làm Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư Đặc ủy Hậu Giang.
Tháng 04/1930 do yêu cầu bảo toàn cho Đặc ủy, nên cơ quan Đặc ủy chuyển sang tỉnh Sa Đéc.
Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng có giá trị lịch sử, đã đặt nền tảng đầu tiên, là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Đảng bộ và phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Hậu Giang. Do đó, Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 154.VH/QĐ, ngày 25-01-1991 công nhận cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 1995, Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ cùng với nhân dân phường Bình Thủy đã xây dựng công trình bia tưởng niệm Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, tại phường Bình Thuỷ.
3. Di tích lịch sử CHÙA NAM NHÃ
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Cần Thơ Nam Nhã do Nguyễn Giác Nguyên xây dựng năm 1895. Ngày trước, nơi đây là một tiệm thuốc bắc có tên Nam Nhã Đường, sau đó đã được xây dựng lại và đổi tên thành chùa Nam Nhã, bên cạnh việc thờ phụng, đó cũng là trụ sở chính của phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Nam Nhã Cần Thơ là địa điểm tập hợp, nuôi dưỡng các phong trào yêu nước, đồng thời sản sinh ra những bậc sĩ phu văn thân với tinh thần bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cũng trong những năm khó khăn đó của cách mạng, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn đây làm nơi liên lạc với tổ chức cách mạng toàn miền.
Đến với chùa Nam Nhã, bạn sẽ như được sống dậy với những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, thấm thía những nỗi đau của các sĩ phu yêu nước cách đây 100 năm. Chùa Nam Nhã Cần Thơ có khuôn viên khá rộng rãi, với một khu vườn lớn bao quanh. Cổng chùa lợp bằng gạch ngói, hai bên cột là câu liễn đối chào đón người tu hành. Giữa sân chùa đặt hòn non bộ cùng nhiều cây quý được cắt tỉa rất công phu.
Chánh điện còn gọi là Diêu Trì Bửu Điện, gồm 5 gian, mang nét dung hòa của phong cách Hoa - Pháp - Việt. Các hoạ tiết của chùa được điêu khắc, trang trí rất tinh xảo và khéo léo. Màu sắc chủ đạo là màu vàng, tượng trưng cho sự may mắn. Phần mái lợp ngói âm dương màu đỏ, phía trên đỉnh là tượng lưỡng long tranh châu. Phía sau chánh điện là dãy hành lang dài, có hai gian để tiếp khách. Hai bên là dãy nhà Càn Đạo Đường cho nam và Khôn Đạo Đường cho nữ.
4. Di tích lịch sử MỘ NHÀ THƠ PHAN VĂN TRỊ
Ảnh: Sưu tầm
Từ Bến Tre vượt hơn 90km mới đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị, tọa lạc tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Con đường từ ngoài quốc lộ vào đến khu di tích khá thông thoáng vì đường đã được mở rộng. Di tích nằm ở vị trí ven sông thoáng mát, khuôn viên rộng rải nhiều cây xanh được chăm sóc phát triển tươi tốt.
Chị Lại Bích Trâm - Thuyết minh viên Di tích Mộ nhà thơ Phan Văn Trị giới thiệu nhiều thông tin về di tích cũng như những hoạt động đã từng được diễn ra tại đây. Theo lịch sử, nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm 1830, tại làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, ông đã chọn Phong Điền là nơi sinh sống và yên nghỉ cuối đời. Ông mất ngày 22-6-1910, tại làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ).
Trước đây, khu mộ của nhà thơ chỉ được xây dựng bằng xi măng đơn giản. Đến năm 1990, huyện Phong Điền đã trùng tu mộ bằng đá mài, xây hàng rào, trồng cây xanh, nâng cấp và mở rộng đường vào khu mộ. Năm 1991, mộ nhà thơ Phan Văn Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2005, UBND huyện Phong Điền đã tiếp tục trùng tu di tích với quy mô trên 3 ngàn mét vuông, gồm có: phần mộ (có phần của cụ và của bà Đinh Thị Thanh - vợ cụ), nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, khắc tượng quyển sách có một số bài thơ của cụ, các bia đá được tạc các bài thơ của cụ, ao sen, sân lễ, cây xanh…
Từ lâu, chính quyền và nhân dân nơi đây đã tổ chức lễ giỗ của cụ theo ngày dương lịch 22-6 hàng năm. Chị Lại Bích Trâm chia sẻ, không chỉ riêng ngày giỗ cụ mới có hoạt động mà trong nhiều ngày lễ, Tết, chính quyền và nhân dân địa phương cũng đã tổ chức lễ dâng hương viếng cụ. Đối với ngày thường, cũng có rất nhiều đoàn khách, học sinh, sinh viên, các bạn trẻ về nguồn, đến viếng và tham quan, tìm hiểu lịch sử về cụ. Đền thờ có người bảo vệ xuyên suốt và có thuyết minh khi các đoàn khách có yêu cầu.
“Riêng về ngày giỗ cụ, có nhiều hoạt động như: Trước một ngày (ngày 21-6), bà con nơi đây cùng nhau gói bánh để dâng cúng cụ. Huyện tổ chức một số trò chơi dân gian, tối có chương trình văn nghệ giao lưu giữa Giồng Trôm với Phong Điền. Sáng hôm sau (22-6), địa phương tổ chức buổi lễ dâng hương.”, chị Trâm cho biết thêm.
5. Di tích nghệ thuật CHÙA LONG QUANG
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Long Quang còn gọi là Long Quang cổ tự tọa lạc tại số 155/6 khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám Từ Sân bay Trà Nóc về trung tâm TP. Cần Thơ, rẽ vào tỉnh lộ, đi khoảng gần 10 km, qua nhiều cây cầu nhỏ bắc qua kênh rạch, du khách sẽ tới chùa Long Quang. Chùa do Thiền sư Thiện Quyền thành lập vào năm Minh Mạng thứ 5 ( Giáp Thân, 1824). Từ đó đến nay chùa đã nhiều lần đổi tên, đổi phiên hiệu đơn vị hành chính quản lý, mãi đến năm 1966 cho đến nay mang tên Long Quang cổ tự. Ban đầu chùa theo phái Thiền Tông Lâm Tế Trung Hoa nhưng hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyển thành hệ phái Bắc Tông.
Chùa có diện tích gần 12.000 mét vuông, nằm cạnh con sông Bình Thủy hiền hòa. Nhìn từ ngoài mặt tiền chùa khoảng 50 mét được xây hàng rào bằng song sắt, bên trái là cổng tam quan bề thế với hai tầng mái ngói, đầu mái uốn cong có gắn hoa văn và bánh xe pháp luân.
Hai cột cổng chính được trang trí bằng câu đối viết bằng chữ Hán được dịch nghĩa:
“Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chánh giáo
Quang minh chiếu tam giới, thiền lâm quãng nhuận chân truyền”
Trên sân chùa, có một hồ nổi nhỏ trồng sen và nhà thủy tạ với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đài sen. Xung quanh vách hồ gắn những cách hoa sen cách điệu. Phía trước cửa chùa dựng một bia lưu niệm ghi tóm tắt nội dung công nhận chùa là di tích lịch sử-văn hóa và ngày trùng tu lại ngôi chánh điện. Phía bên phải sân, dựng tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 2 mét.
6. Di tích lịch sử CHÙA HỘI LINH
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Hội Linh, còn có tên gọi khác Hội Linh Cổ Tự, tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám (cách đường khoảng 200 mét), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 2,5 km.
Chùa được xây cất bằng tre lá vào năm 1904 (Giáp Thìn) do Hòa Thượng Thích Thanh Hương, hiệu Khánh Hưng khai sơn, có tên là Hội Long Tự, theo dòng Thiền Tông Lâm Tế. Đến năm 1914 (tháng 4 năm Giáp Dần), chùa được trùng tu lần đầu và đổi tên là Hội Linh Cổ Tự (đời cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo)… Đến nay tên chùa vẫn giữ nguyên, nhưng trong nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là chùa Xẻo Cạn, vì ngày xưa cạnh chùa có con rạch cạn, nay đã bị bồi lấp…
Về mặt kiến trúc: chùa có đầy đủ cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường. Khi chúng ta đi từ ngoài vào sẽ đi qua Cổng tam quan nép mình dưới bóng cây bồ đề, một loại cây hay gặp ở nhà chùa, xung quanh là dãy tường rào hình cánh cung gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính vươn ra phía trước có hai lớp mái, các mái ngói của cổng chính và hai cổng phụ đều là mái cong được lợp bằng ngói âm dương màu xanh rất đẹp. Trên mái ngói cổng chính được điểm tô hình lưỡng long tranh châu, một loại hình trang trí rất thường gặp ở chùa, đình Nam Bộ. Hai bên cổng chính đôi câu đối bằng chữ Hán:
“Hội thượng diên chân chùa tiếp dân thập phương quy giác lộ
Linh sơn khai nhãn tạng đề huế tứ chúng xuất mê tân”
Hai câu có nghĩa: Chùa là nơi hội tụ mọi người không phân biệt người sang hèn ai cũng có quyền đến để nghe phật pháp, được hướng dẫn lời Phật dạy, dạy bảo con người vào con đường hiền lành, hạnh phúc sáng sủa.
7. Di tích kiến trúc nghệ thuật CHÙA ÔNG (QUẢNG TRIỆU HỘI QUÁN)
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Ông (Cần Thơ) được xây dựng vào năm 1894 trên một mảnh đất có diện tích 532m2 trong 2 năm, hoàn công năm 1896, mang tên Quảng Triệu Hội Quán. Chùa nằm ở khu dân cư đông đúc, là địa điểm tín ngưỡng của người Hoa lúc bấy giờ. Đến năm 1993, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo các tư liệu khắc gỗ hiện có, chùa Ông bắt đầu xây dựng vào năm 1894, hoàn thành năm 1896, trên diện tích 532m2. Công trình do nhóm người Hoa gốc từ Quảng Châu và Triệu Khánh lập ra để thờ phụng, giao lưu, gặp gỡ đồng hương, giúp nhau làm ăn nơi vùng đất mới với tên gốc là Quảng Triệu Hội Quán. Theo lời kể của các vị cao tuổi, hầu hết vật liệu xây dựng và những mảng trang trí được đưa từ Quảng Đông sang. Nhiều vật là sản phẩm nghệ thuật gốm thủ công của nghệ nhân thời nhà Thanh.
Đây là ngôi chùa hiếm hoi của Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung còn giữ nguyên trạng kiến trúc cổ và những ý nghĩa tín ngưỡng đặc trưng, dù trải qua nhiều năm chiến tranh, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chùa Ông đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/6/1993.
8. Di tích lịch sử MỘ THỦ KHOA BÙI HỮU NGHĨA
Ảnh: Sưu tầm
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám về phía tay phải cách cầu Bình Thủy khoảng 500m, tại đường Huỳnh Mẫn Đạt thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa đi vào 200m, đây chính là nơi an nghỉ của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hiệu là "Nghi Chi". Ông sinh năm 1807 mất ngày 21 tháng giêng năm 1872 thọ 65 tuổ. Năm 1835, ông thi đậu giải Nguyên và được bổ làm tri huyện Phước Chánh, Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Thời gian sau ông về Trà Vang (Trà Vinh), tại đây ông bị vu cáo vì bênh vực bà con người Khmer nghèo bị ức hiếp trong vụ Láng Thé và chờ triều đình xét xử. Thương chồng bị hàm oan, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn, một mình ra Huế, được cụ Phan Thanh Giản chỉ đường dâng trạng minh oan cho chồng. Cảm kích hành động can trường của bà, vua Tự Đức tha tội chết cho Bùi Hữu Nghĩa, riêng bà được Từ Dũ Thái Hậu tặng tấm lụa đề bốn chữ "Tiết phụ khả gia".
Sau đó ông về làm Thủ Ngự tại Châu Đốc rồi Quản Cơ, trong thời gian này ông cùng với Huỳnh Mẫn Đạt hoàn thành vở tuồng "Kim thạch Kỳ duyên" vào năm 1851 - 1852, đây là tuồng hay có tiếng. Năm 1867, ông từ quan về quê mở trường dạy học, làm thơ, hốt thuốc lấy hiệu "Liễu Lâm chủ nhân". Năm 1868, ông bị bắt giam ở Vĩnh Long vì làm thơ kêu gọi cổ vũ tinh thần kháng chiến của Cần Vương. Do không lung lạc được ông nên một thời gian sau chúng buộc phải thả ông. Ông là một nhà thơ lớn cuối thế kỷ XIX, có uy tín trong xã hội, với bản tính thanh liêm, cương trực luôn đứng về phía nhân dân. Mến mộ công đức ông, nhân dân lập thần chủ, bài vị tôn thờ ông tại Đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã.
Mộ ông được xây bằng đá ong từ năm 1872 và đã được tu bổ sửa chữa ba lần. Năm 1987, tỉnh và thành phố Cần Thơ đầu tư trùng tu lại khu mộ, mở rộng diện tích 530 mét vuông có hàng rào bao bọc và khu cây cảnh.
Ngày 25/1/1994, Bộ Văn hóa và thông tin ra quyết định số 152-QĐ/BT công nhận là Di tích lịch sử mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
9. Di tích lịch sử KHÁM LỚN CẦN THƠ
Ảnh: Sưu tầm
Di tích lịch sử Khám Lớn tọa lạc tại số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân thời bấy giờ. Tồn tại qua hơn trăm năm, nơi đây chính là bằng chứng tội ác của thực dân và đế quốc cũng như minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt. Nhằm nêu cao và giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo, ngày 28/6/1996 Bộ Văn Hoá thông tin ra quyết định công nhận di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Khám Lớn Cần Thơ được xây dựng biệt lập ngăn cách với khu dân cư và công sở bằng các lộ giới lớn có tường cao bao bọc, có cốt gác để kiểm soát tù nhân. Nằm cạnh Dinh Tỉnh Trưởng, đối diện qua một con đường lớn là Tòa Bố (Toà Hành Chính) cặp bên trái khám cũng có một con đường rộng. Theo các tư liệu cũ, sau khi chiếm trọn Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp thành lập hạc Cần Thơ, cho đầu tư xây dựng nhiều công trình quân sự và kinh tế. Bên cạnh sự quy mô hào nhoáng của các công trình đó, thực dân Pháp không quên xây dựng nhà tù với quy mô lớn , kiên cố, liền kề Dinh Tham Biện, ngang cơ quan tòa bố tỉnh Cần Thơ với tên gọi Prison Provinciale (nhà tù tỉnh) nhằm tăng cường bộ máy cai trị. Gọi là Khám Lớn vì đây là nhà tù lớn nhất các tỉnh miệt Hậu Giang, tập trung giam giữ các nhà tù nhân yêu nước bị án nặng, gây nguy hiểm tới chế độ cai trị, hoặc vẫn thường phạm các tội nặng. Đến thời Mỹ nguỵ đổi tên thành “Trung Tâm cải huấn”, sau ngày hòa bình nhân dân vẫn quen gọi là “Khám Lớn Cần Thơ”. Qua thời kỳ chống Mỹ, Khám Lớn tiếp tục được gia cố, mở rộng không gian. Với 21 phòng giam lớn nhỏ, được chia là hai dãy giam tù nhân nữ và tù nhân nam, các cột xà lim, có những căn phòng dùng để biệt giam các tù nhân nguy hiểm. Bốn phía có dãy tường cao khoảng 3 đến 5 mét, phía trên có gắn hàng kẽm gai, bốn phía được xây các đài quan sát cao khoảng 6 mét, có tầm quan sát rộng, để lính luân phiên canh giữ các dãy nhà tù, ban đêm có đèn pha sáng để dễ kiểm soát tù nhân.
Đến thăm Khám Lớn Cần Thơ, mọi người sẽ có dịp nghe lại những câu chuyện về quá khứ, khi những chiến sĩ cách mạng phải nếm trải “địa ngục trần gian” ở khám này. Qua những câu chuyện kể ấy, những hiện vật còn lưu giữ ở đây, bất cứ ai cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Từ đó thêm lòng kính phục biết ơn và hiểu hơn những hy sinh chịu đựng của các thế hệ trước, để đổi lấy hòa bình độc lập tự do như ngày hôm nay.
10. Di tích kiến trúc nghệ thuật NHÀ THỜ HỌ DƯƠNG
Ảnh: Sưu tầm
Nhà cổ Bình Thủy hay còn gọi là Nhà thờ họ Dương nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ngôi nhà cổ được gia đình họ Dương xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX và được xây dựng mới từ những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân là ông Dương Chấn Kỷ một thương gia trí thức giàu có và là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông thích tìm tòi cái mới, cái lạ của phương Tây đang thịnh hành và có mặt ở các lĩnh vực trong đó có kiến trúc. Cho nên, ở nhà cổ Bình Thủy dễ nhận thấy sự kết hợp giao thao giữa 2 nền văn hóa Đông -Tây, theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” – tức bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên. Nhà thờ họ Dương được xây dựng trên một thửa đất rộng 6.000m2 theo hướng Đông - Tây. Bước qua cổng rào kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, ta bắt gặp một cổng phụ nằm chếch về bên trái, xây dựng triến trúc Á Đông với 4 cột tròn, hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lớp ngói ống...
11. Di tích lịch sử ĐỊA ĐIỂM CHUYỂN QUÂN, TRẠM QUÂN Y TIỀN PHƯƠNG VÀ NƠI CẤT GIẤU VŨ KHÍ THUỘC LỘ VÒNG CUNG CẦN THƠ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
Ảnh: Sưu tầm
Tối 24/4, TP.Cần Thơ tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử “Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) trong kháng chiến chống Mỹ” trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia kể từ 7/2/2013.
Lộ Vòng Cung nằm ven sông Cần Thơ có chiều dài gần 30km đi qua địa bàn 4 xã, phường thuộc địa bàn huyện Phong Điền và quận Ô Môn. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là vành đai tuyến lửa khu vực phòng thủ của địch nhằm bảo vệ đầu não trung tâm vùng IV chiến thuật, sân bay Trà Nóc và các cơ quan đại diện của Mỹ ngụy tại Cần Thơ. Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta. Tiêu biểu là chiến thắng Ông Hào (xã Trường Long, huyện Phong Điền) tiêu diệt hơn 600 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Đặc biệt, Lộ Vòng Cung còn là địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí giúp quân và dân ta kiên cường bám trụ chiến đấu, giữ vững vùng căn cứ cách mạng để làm bàn đạp tiến công giải phóng TP.Cần Thơ năm 1975.
Địa danh Lộ Vòng Cung là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ. Thành phố Cần Thơ cũng đang xây dựng khu di tích Lộ Vòng Cung trở thành vành đai du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp giới thiệu và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và du khách gần xa, khẳng định sức sống mới của vùng đất Lộ Vòng Cung một thời máu lửa.
12. Di tích lịch sử ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP CHI BỘ AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG CỜ ĐỎ
Ảnh: Sưu tầm
Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019 ngay trên nền đất cũ đồn điền năm xưa, cũng chính là trung tâm huyện Cờ Đỏ ngày nay.
Ngày 10-11-1929, tại đồn điền Cờ Ðỏ thuộc làng Thới Ðông, quận Ô Môn (nay là huyện Cờ Ðỏ), Chi bộ An Nam Cộng sản đảng Cờ Ðỏ được thành lập do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ này không chỉ thúc đẩy phong trào cách mạng ở Cần Thơ mà còn tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương trong vùng như Ðồng Tháp, An Giang... Từ Chi bộ đầu tiên, trong tỉnh có thêm nhiều chi bộ khác được thành lập... Các tổ chức quần chúng của Ðảng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ phản đế cũng được tổ chức ở nhiều nơi, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đã tập hợp đông đảo nhân dân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng.
TP. Cần Thơ sẽ triển khai dự án quy hoạch xây dựng Khu Di tích "Chi bộ An Nam Cộng sản đảng Cờ Ðỏ". Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp các cấp làm tốt công tác quản lý và phát huy giá trị di tích; nghiên cứu tư liệu, hiện vật có liên quan để phục dựng, tái hiện địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản đảng Cờ Ðỏ và xây dựng một số hạng mục phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
13. Di tích kiến trúc nghệ thuật HIỆP THIÊN CUNG
Ảnh: Sưu tầm
Hiệp Thiên Cung - Quan Thánh Đế Miếu là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia vô cùng độc đáo. Đây cũng là điểm du lịch tâm linh cực kỳ hấp dẫn, thu hút nhiều du khách ghé thăm.
Vào khoảng thế kỷ XIX, người Hoa từ Triều Châu đến vùng đất Cần Thơ lập nghiệp và xây dựng nên Hiệp Thiên Cung Cần Thơ. Ngôi miếu nhỏ này thờ ông Quan Thánh Đế Quân trong đạo Cao Đài (hay còn được biết đến là Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân).
Vào năm 1856, miếu được tu sửa và mở rộng hơn. Khi đó, miếu có tên là “Quan Công Miếu”. Đây là nơi để cộng đồng người Hoa ở Cái Răng tụ họp, chiêm bái, cầu bình an và cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn bán thuận lợi.
Vào năm 1904, ngôi miếu tiếp tục được trùng tu, mở rộng và xây dựng thêm nơi thờ bà Thiên Hậu và ông Phước Đức. Từ đây, chùa chính thức được đổi tên thành Hiệp Thiên Cung (chùa Ông Cái Răng).
Khoảng từ năm 1945 - 1954: chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt, nhiều bà con người Hoa ở đây phải đi di tản. Ngôi chùa bị bỏ hoang.
Vào năm 1989, chùa được trùng tu và sửa chữa lại
Vào ngày 14/04/2017, chùa được công nhận là Di tích quốc gia. Ngôi chùa từ đây trở thành địa điểm hấp dẫn du khách ghé thăm, chiêm bái và tham quan kiến trúc.
14. Di tích kiến trúc nghệ thuật ĐÌNH THẠNH HÒA
Ảnh: Sưu tầm
Theo tài liệu còn lưu lại tại đình Thạnh Hòa và lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, khoảng giữa thế kỷ XIX, khi thôn Thạnh Hòa Trung được thành lập, dân làng xây dựng một ngôi đình bằng tre lá để thờ Thần hoàng bổn cảnh và các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng lấy tên Thạnh Hòa Trung thôn.
Năm 1852, đình được vua Tự Đức (năm thứ 5) sắc phong Thần, lúc bấy giờ còn tên đình Thạnh Hòa Trung, thuộc huyện Tây Xuyên, tổng Định Mỹ. Tuy nhiên, do địa thế cất đình không thuận lợi, cảnh quan không thông thoáng và chật hẹp nên năm 1902, hương chức, hội tề họp bàn dời đình về vàm chợ Thốt Nốt, cách vị trí cũ khoảng 1 km thuộc khu vực Phụng Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Nơi đây, ai cũng thầm khen phong cảnh hữu tình, gần ngã ba sông lớn, cảnh quan thoáng đãng. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ năm 2009 đến nay, Ban Tế tự đình thống nhất gọi là đình Thạnh Hòa.
Đình Thạnh Hòa xây dựng trên diện tích gần 1.400m2, theo hình chữ Nhất, mặt tiền quay về hướng Đông, có kiến trúc đậm chất truyền thống đình Nam bộ, với các hạng mục như võ ca, võ quy, chánh điện. Nét nổi bật trong kiến trúc đình Thạnh Hòa là hệ thống hoành phi, liễn đối và nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc gỗ. Các hoa văn phổ biến là rồng, phụng, tùng- cúc- trúc- mai được thể hiện bằng đường nét và hoa văn tinh xảo.
Nếu có niềm đam mê với các di tích thì mọi người hãy nhớ ghé những di tích tại Cần Thơ để tham quan và tìm hiểu nhé!