Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

CHÙA THIÊN MỤ - "ĐỆ NHẤT CỔ TỰ"

Chùa tọa lạc trên con đường Nguyễn Phúc Nguyên, đỉnh đồi Hà Khê, thuộc phường Hương Long, bờ Bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 5km.

Xin chào mọi người lại là Châu Min đây, hôm nay mọi người cùng Châu tham quan Chùa Thiên Mụ nhé!

Chùa tọa lạc trên con đường Nguyễn Phúc Nguyên, đỉnh đồi Hà Khê, thuộc phường Hương Long, bờ Bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 5km. Chùa Thiên Mụ chính thức được thành lập vào triều đại của chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên của nước Nam.

Chùa Thiên Mụ hay còn được gọi là chùa Linh Mụ là ngôi chùa cổ nhất của Huế. Chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh bậc nhất của cố đô Huế. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc và văn hóa, chùa còn giàu về giá trị lịch sử, chứng nhân của hơn 400 năm từ thời dựng nước. Khi đến chùa Thiên Mụ, Châu như được đắm mình vào khung cảnh bình yên đến lạ, xung quanh thì được bao phủ bởi những tán cây thông, cây cảnh và đến đây các bạn sẽ thấy tâm hồn mình bỗng nhẹ bẫng đi và sâu lắng vô cùng.

Yên tĩnh vào buổi sáng sớm, mát mẻ vào buổi trưa và tĩnh mịch đầy sâu lắng lúc hoàng hôn. Chùa Thiên Mụ đã không còn xa lạ với những ai đã biết đến Huế. Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp và xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê (Chùa Thiên Mụ hiện nay). Và theo như người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Chính vì thế, mà nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

1. Tháp Phước Duyên


Ảnh: Sưu tầm

Ở đây đón rất nhiều khách du lịch đến hằng nằm trong và ngoài nước, nếu như các bạn muốn có những bức ảnh đẹp thì nên đi ban ngày, chụp chung với tháp Phước Duyên được xây dựng phía trước chùa có chiều cao là có 21m, gồm 7 tầng. Mỗi tầng đều thờ Phật, Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. và mỗi năm chỉ mở cửa một lần duy nhất vào ngày Rằm tháng tư là ngày Đức Phật đảng sanh để mọi người có thể vào Tháp. Nhằm mục đích trấn yểm cho kinh thành “Tụ long khí bền long mạch”, theo di ngôn của vua Minh Mạng, sau khi lên nối ngôi vua Thiệu Trị đã cho xây một ngọn tháp bảy tầng do vua ngài đích thân vẽ kiểu gọi tên là Từ Nhân Tháp, năm sau đó đổi tên thành Phước Duyên Bửu Tháp.

Tháp được xây dựng từ năm Giáp Thìn (1844) cho đến năm Ất Tỵ (1845) mới xong. 7 tầng tháp sẽ tương ứng mà thờ phụng các đức phật như Thích Ca Mâu Ni, đức Phật Ca Diếp, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương,…

Với vẻ đẹp mang tính kiều diễm kết hợp với việc lựa chọn một thế đất đắc địa nơi “đầu rồng hướng ra sông Hương uống nước” đã tôn thêm cho vẻ đẹp mĩ miều cho tháp Phước Duyên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nắng mưa của thiên nhiên, thế nhưng tháp Phước Duyên vẫn đứng vững và như một biểu tượng đặc trưng cho chùa Thiên Mụ, cho người dân xứ Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung.

2. Đại Hồng Chung

Đã hàng trăm năm nay, tiếng chuông chùa Thiên Mụ luôn ngân vang bên dòng sông Hương, lan xa khắp nơi như biểu hiện cho sự trường tồn bất diệt của một biểu tượng xa xưa trường tồn cùng với dòng chảy lịch sử một thời. Khi bước vào chùa Thiên Mụ để tham quan, chắc chắn bạn sẽ không thể không nán lại để nhìn ngắm chiếc “Đại hồng chung” đã hơn 300 năm tuổi đời.

Ảnh: Sưu tầm

Đại Hồng Chung được chúa Nguyễn Phúc Chu cho lệnh đúc để cúng cho Quốc tự – chùa Thiên Mụ. Đại Hồng Chung nặng 3 tấn, cao 2 mét rưỡi, đường kính miệng tầm 1 mét 4 đặt trong khuôn viên phía trước chùa. Trên đỉnh chuông có chạm một con Bồ Lao một linh vật thích âm thanh lớn, thân Bồ Lao uốn cong lại trên lưng là một bông hoa sen, râu mắt vi chân đều được chạm khắc tinh xảo.

Châu thấy ở trên chuông có khắc chữ Đại Hồng Chung và đặc biệt hơn là chạm khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu với nội dung “cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc, tất cả chúng dân đều được thành Phật”. Đại Hồng Chung không những mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử văn hoá, mà còn thể hiện được khát vọng và tín ngưỡng của người dân ta lúc bây giờ luôn cầu mong về sự ấm no hạnh phúc.

3. Điện Đại Hùng


Ảnh: Sưu tầm

Qua cổng tam quan, là Điện Đại Hùng chánh điện của chùa Thiên Mụ. Đây là nơi đặt tượng phật Di Lặc có đôi tai rất lớn nhằm lắng nghe những khổ cực của chúng sinh. Phật có chiếc bụng to để khoan dung những lầm lỗi của dân chúng, khuôn miệng cười tươi rất đôn hậu. Bên trong chánh điện thờ tam thế Phật được bày trí quy cách, Theo Châu được biết, Tam Thế Phật là bộ tượng có 3 pho tượng giống hệt nhau, được tạc trong tư thế ngồi thiền kiết già. Bộ Tôn tượng Tam Thế Phật mang ý nghĩa phổ quát, các Ngài là những vị Phật có trí tuệ, đạo hạnh cao thâm, đã dùng trí đức để cứu độ chúng sanh, dắt con người đi qua biển khổ luân hồi. Trong công cuộc cứu độ, dù trải qua hằng hà sa số kiếp cùng muôn vàn khó khăn thử thách, các Ngài vẫn một lòng hướng thiện. Theo văn hoá phương Đông, bộ Tôn tượng Tam Thế Phật tôn vinh công đức của các vị chư Phật ở nhiều không gian và thời gian. Nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng cuộc sống hiện tại, phải sống để sau khi nhìn về quá khứ đều là những ngày đáng quý đồng thời cũng cần vui vẻ, lạc quan hướng đến tương lai tốt đẹp.

Ảnh: Sưu tầm

Sau nữa là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu nằm ở cuối khu vườn trong khuôn viên của chùa. Công trình này được xây dựng nên để tôn thờ hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa. Cả cuộc đời ông dành hết cho những hoạt động ích đạo giúp đời, giúp người. Không chỉ thế, ông còn là người có công vô cùng to lớn để phát triển nền Phật giáo ở Việt Nam.

Khi đến chùa Thiên Mụ, các bạn nên đi bằng thuyền rồng đến rồi thăm quan, hoặc có thể đi xe đến tham quan rồi đi thuyền về bến. Nếu bạn đến Chùa Thiên Mụ bằng xe riêng thì sẽ có nơi gửi đậu xe cho khách ở bên hông Chùa, sau đó các bạn sẽ đi bộ lên Chùa để tham quan, vãn cảnh ngôi Chùa. Sau khi tham quan Chùa xong thì chiều mát các bạn có thể ngồi nghỉ ngơi tại các hàng quán trước cổng Chùa Thiên Mụ, bên dưới sẽ có một bờ kè có rất nhiều hàng quán mở ra để du khách ngồi bên bờ sông Hương thưởng thức tàu hủ nóng, vừa ngắm hoàng hôn trên sông Hương, vừa xem các cùng hoạt động chèo Sup sôi nổi tại đó. Bên cạnh đó, có thể ngắm cảm giác rất bình yên và thư giãn. Mình thấy chiều, tối mọi người cũng đông không khác gì ban ngày. Vừa có khách du lịch vừa có người dân chạy bộ tập thể dục xung quanh đó.


Ảnh: Châu Min

Nếu như các bạn có dịp ghé Huế thì hãy dành chút ít thời gian ghé Chùa Thiên Mụ để tham quan, vãn cảnh cũng như là cầu bình an nhé!


06 Tháng 08, 2024 158

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành