Nhã nhạc cung đình Huế là nét đẹp văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam. Đây còn là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút du khách thập phương đến với thành phố Huế mộng mơ. Hãy nghe Thái Thùy Trâm (Hà Tĩnh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Giới thiệu về Huế biết bao nhiêu cho đủ để lột tả được hết nét trầm lắng, dịu dàng và bình yên của mảnh đất này. Đặt chân đến đây ta như sững lại trước sự lặng lẽ, nên thơ cực ấn tượng. Sức hút của thành phố sông Hương không nằm ở sự sôi động, náo nhiệt mà gây thiện cảm bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả, không ồn ào mà sâu lắng đi vào lòng người. Giờ đây, Huế đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ để khẳng định sức mạnh của một thành phố năng động, trẻ trung, giàu tiềm năng du lịch không thua kém bất cứ địa phương nào. Và một nét đẹp không thể bỏ lỡ khi đến Huế phải kể đến Nhã nhạc cung đình Huế, là sự kế thừa và phát triển một cách đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long đã được xây dựng nhiều thế kỉ trước.
Nét đẹp thanh tao của di sản văn hóa thế giới (ảnh sưu tầm)
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. “Âm nhạc cung đình” theo nghĩa thông thường được hiểu là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc. Còn tên gọi “Nhã Nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau: khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng, khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể.
Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn. Nhã nhạc cung đình biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Cũng vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam coi trọng.
(Ảnh sưu tầm)
Xưa kia nhạc cung đình Huế bao gồm nhiều thể loại: Giao nhạc dùng trong lễ Tế Giao; Miếu nhạc dùng trong các lễ tế miếu; Ngũ tự nhạc dùng trong các cuộc tế lễ Thần Nông, Thành Hoàng, Xã Tắc; Đại triều nhạc dùng trong những dịp lễ lớn hoặc đón tiếp sứ thần các nước; Thường triều nhạc dùng trong các lễ thường triều; Yến nhạc dùng trong các cuộc yến tiệc lớn trong cung đình; Cung nhạc phục vụ trong nội cung. Múa cung đình Huế xưa có nhiều điệu sử dụng vào những dịp khác nhau. Mười một điệu múa cung đình còn tồn tại đến ngày nay là: Bát dật dùng trong tế giao, miếu, xã tắc, lịch đại đế vương và Khổng Tử; Lục cúng, Tam tinh, Bát tiên, Đấu chiến thắng Phật, Tứ linh, Tam quốc tây du dùng trong các ngày lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ và lễ cúng Mụ; Trình tường tập khánh trong các lễ tứ, ngũ tuần đại khánh chúc cho dân giàu nước mạnh; Nữ tướng xuất quân trong những ngày lễ chiến thắng, hưng quốc khánh niệm, dạ yến và tiếp sứ thần ngoại quốc; Vũ phiến dành cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần, công chúa thưởng lãm trong những yến tiệc tân hôn; Lục triệt hoa mã đăng trong lễ hưng quốc khánh niệm cho công chúng xem ở trước Phu Văn lâu.